Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 11/08/2011, 02:11 (GMT+7)
Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh trong thời kỳ hội nhập quốc tế

 Kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh (QP-AN) vừa là chủ trương, đường lối, quan điểm, vừa là giải pháp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (BVTQ). Qua mỗi thời kỳ, nhận thức và tổ chức thực hiện nội dung kết hợp đó đều được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu mới. Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra những vấn đề cơ bản cần nắm vững về kết hợp kinh tế với QP-AN  trong thời kỳ hội nhập quốc tế (HNQT).

Đây là chủ trương chiến lược hết sức quan trọng, được thể hiện nhất quán và xuyên suốt trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: "Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN, QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và trên từng địa bàn”1. Tiếp đó, Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm (2011-2020) cũng chỉ rõ: "Gắn kết quốc phòng với an ninh. Kết hợp chặt chẽ QP-AN với phát triển KT-XH trên từng địa bàn lãnh thổ, trong công tác quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án”2. Trong Báo cáo Chính trị, Đảng ta tiếp tục xác định: "Kết hợp chặt chẽ kinh tế với QP-AN; QP-AN với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo”3.

Trên cơ sở tiếp tục vận dụng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp kinh tế với QP-AN thời gian qua, Nghị quyết Đại hội XI nhấn mạnh: cần phải bám sát những đặc điểm, yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh HNQT. Đó là điểm phát triển mới về kết hợp kinh tế với QP-AN ở nước ta trong thời gian tới. Để góp phần tìm hiểu, quán triệt Nghị quyết Đại hội, xin nêu một số vấn đề trọng tâm sau đây:

Một là, nắm vững đặc điểm của thời kỳ HNQT. Đất nước ta bước vào thời kỳ thực hiện chiến lược phát triển KT-XH (2011-2020) trong bối cảnh quốc tế có những biến đổi mau lẹ và phức tạp. Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, nhưng sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc, khó lường. Toàn cầu hóa kinh tế tiếp tục phát triển cả về quy mô, mức độ và hình thức với những tác động tích cực và tiêu cực sẽ tạo ra cơ hội và thách thức đan xen. Kinh tế tri thức phát triển mạnh, trở thành nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Tình hình kinh tế thế giới sau thời kỳ suy thoái và khủng hoảng, sẽ từng bước được khắc phục và ổn định, nhưng vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn. Những vấn đề mang tính toàn cầu như: an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, cạn kiệt tài nguyên, đói nghèo, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên,… sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế thế giới thời gian tới. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á vẫn là khu vực phát triển năng động, nhưng còn tiềm ẩn nhiều nhân tố gây mất ổn định; mâu thuẫn dân tộc, sắc tộc, tôn giáo vẫn tồn tại; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt với những diễn biến phức tạp, nhất là ở Biển Đông; đang xuất hiện các hình thức tập hợp lực lượng và đan xen lợi ích mới.

Trong nước, những năm tới môi trường hòa bình, ổn định vẫn tiếp tục được duy trì và giữ vững; kinh tế sẽ phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng; những hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế từng bước được khắc phục; thực hiện nhiều hơn các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Tiềm lực QP-AN của đất nước tiếp tục được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng và BVTQ. Quan hệ với các nước láng giềng và trong khu vực sẽ được củng cố, tăng cường; đường biên, mốc giới có liên quan sẽ tiếp tục được giải quyết, tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cả trên bộ và trên biển.

Tuy nhiên, trong xây dựng, phát triển KT-XH vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là những hạn chế về quản lý vĩ mô nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Thực hiện kết hợp kinh tế với QP-AN tuy đó đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và HNQT. Về QP-AN, sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trên vùng chủ quyền biển đảo của nước ta. Trong nội địa, còn tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định; các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tạo cớ để tập hợp lực lượng tiến hành gây rối chính trị và trật tự xã hội trên một số địa bàn với quy mô, mức độ khác nhau. Mặt khác, an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu vẫn là mối đe dọa thường xuyên đối với nước ta.

Những đặc điểm trên đây là yếu tố tạo ra thuận lợi và cơ hội to lớn cùng với những khó khăn, thách thức gay gắt trong thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; đồng thời, cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến thực hiện kết hợp kinh tế với QP-AN trong thời kỳ HNQT. Do vậy, nhận rõ đặc điểm tình hình, nắm chắc những thuận lợi và khó khăn là cơ sở để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo việc kết hợp đạt hiệu quả.

Hai là, nhận rõ những phát triển mới về kết hợp kinh tế với QP-AN trong thời kỳ HNQT. Trước hết, mục tiêu kết hợp kinh tế với QP-AN trong thời gian tới là phải bảo đảm thực hiện được mục tiêu của Chiến lược phát triển KT-XH (2011-2020) gắn với thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ QP-AN: "bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN…”4 . Trong quá trình xây dựng, mỗi lĩnh vực kinh tế, xã hội, QP-AN đều có mục tiêu riêng. Nhưng khi kết hợp với nhau thì cần phải có sự gắn kết hài hòa các mục tiêu cụ thể để phục vụ cho mục tiêu chung. Qua đó, có thể khái quát mục tiêu kết hợp kinh tế với QP-AN trong thời kỳ HNQT là: xây dựng kinh tế phát triển nhanh, bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Nắm vững mục tiêu chung đó là cơ sở để điều chỉnh đúng mức mối quan hệ giữa các lĩnh vực trong quá trình thực hiện sự kết hợp.

Trên cơ sở nắm vững đặc điểm tình hình của thời kỳ HNQT, cần nhận rõ những yếu tố tác động mới đối với quá trình thực hiện kết hợp kinh tế với QP-AN. Đó là tác động của toàn cầu hóa dẫn đến ảnh hưởng ngày càng lớn của kinh tế thế giới đối với nền kinh tế nước ta; là mối quan hệ giữa cạnh tranh với hợp tác và phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; là tốc độ gia tăng đầu tư kinh tế, xâm nhập thị trường của các nước vào nước ta; là sự tồn tại và phát triển của các thành phần kinh tế trong nước liên quan đến đối tượng kết hợp; là tính chất đa dạng, đan xen của nhiệm vụ QP-AN, đối ngoại trong mối quan hệ kết hợp… Những yếu tố mới nảy sinh trong thời kỳ HNQT sẽ tác động trực tiếp đến thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ nói chung, tổ chức kết hợp kinh tế với QP-AN ở nước ta nói riêng.

Trong thời kỳ mới, việc quán triệt các quan điểm cơ bản của Đảng về kết hợp kinh tế với QP-AN cần coi trọng tư tưởng kết hợp chặt chẽ giữa tự bảo vệ với được bảo vệtham gia bảo vệ trong quá trình xây dựng phát triển KT-XH. Xuất phát từ mối quan hệ chặt chẽ, đan xen và chi phối lẫn nhau giữa nội dung xây dựng phát triển KT-XH với tăng cường QP-AN, Đảng ta xác định: "Sự ổn định và phát triển bền vững mọi mặt đời sống KT-XH là nền tảng vững chắc của QP-AN. Phát triển KT-XH đi đôi với tăng cường sức mạnh QP-AN”5. Từ đó có thể hiểu, mục tiêu xây dựng, phát triển KT-XH là nhằm tăng cường sức mạnh QP-AN; ngược lại, đối tượng mà QP-AN cần phải bảo vệ là bảo đảm cho KT-XH phát triển nhanh và bền vững. Mỗi lĩnh vực KT-XH, QP-AN đều có tính độc lập tương đối và vận động theo quy luật riêng. Trong quá trình kết hợp, các lĩnh vực đó vừa có những điểm đồng, vừa có mâu thuẫn nên cần được giải quyết hài hoà giữa các lợi ích. Do vậy, từng lĩnh vực phải coi trọng phát huy tính độc lập, tự lực để tự bảo vệ mình, biết phối hợp có hiệu quả khi được bảo vệ và chủ động tham gia bảo vệ các lĩnh vực có liên quan. Đây là quan điểm hết sức quan trọng nhằm giải quyết tốt mối quan hệ giữa các lĩnh vực trong quá trình kết hợp.

Nội dung kết hợp kinh tế với QP-AN trong thời kỳ HNQT cần được tiến hành đồng bộ, đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả thiết thực. Thực tiễn cho thấy, mỗi lĩnh vực đều xây dựng, hoạt động theo các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của từng thời kỳ. Để có nội dung kết hợp thiết thực, đạt hiệu quả, cần phải gắn kết các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, chính sách phát triển KT-XH với các chiến lược, kế hoạch xây dựng và hoạt động của lĩnh vực QP-AN. Tuy nhiên, đây là vấn đề rất khó và có quan hệ đến bí mật quốc gia của từng lĩnh vực nên thực tế hiệu quả kết hợp còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng đó, đã đến lúc cần nghiên cứu để xây dựng thành chiến lược, quy hoạch, kế hoạch kết hợp kinh tế với QP-AN theo từng cấp độ. Chỉ có như vậy mới gắn kết chặt chẽ các nội dung cụ thể cần kết hợp giữa các lĩnh vực với nhau một cách thiết thực và hiệu quả.

Ba là, kết hợp toàn diện, nhưng cần tập trung vào trọng điểm. Do có sự đan xen, tác động nhiều chiều giữa lĩnh vực kinh tế với QP-AN nên nội dung kết hợp sẽ rất toàn diện, liên quan đến các ngành, vùng, lĩnh vực; giữa các hướng, khu vực, mục tiêu; giữa nội lực với ngoại lực; trước mắt và lâu dài; thời bình và thời chiến... Trong mỗi nội dung, sự kết hợp lại phụ thuộc vào phạm vi nhiệm vụ, không gian và thời gian khác nhau. Do vậy, kết hợp toàn diện là yêu cầu khách quan đối với sự phát triển đồng bộ và bảo vệ vững chắc của các lĩnh vực. Tuy nhiên, kết hợp kinh tế với QP-AN không thể thực hiện một cách dàn đều mà cần tập trung có trọng điểm vào các nhiệm vụ trọng tâm; các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, then chốt; trên các hướng, khu vực, vùng lãnh thổ trọng yếu của quốc gia với các giải pháp đột phá có hiệu quả.

Trên cơ sở đó, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đó nhấn mạnh: việc tổ chức kết hợp kinh tế với QP-AN cần chú trọng đến các vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Đây là những địa bàn có rất nhiều khó khăn về KT-XH và hết sức nhạy cảm về QP-AN. Nhưng hiện nay: Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế với củng cố, tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh, đặc biệt là tại các vùng chiến lược, biển, đảo còn chưa chặt chẽ”6. Do vậy, để kết hợp kinh tế với QP-AN ở các địa bàn trọng điểm, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên biên giới đất liền; đồng thời, tập trung nghiên cứu để xây dựng mô hình khu kinh tế - quốc phòng trên vùng biển, đảo. Đó là yêu cầu cấp bách, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định phương hướng cơ bản về chỉ đạo thực hiện kết hợp kinh tế với QP-AN trong thời kỳ HNQT. Nghiên cứu nắm vững những vấn đề trọng tâm, những yêu cầu mới là cơ sở để tổ chức kết hợp kinh tế với QP-AN đạt hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.

 PGS, TS.  HOÀNG XUÂN LÂM

                        

1, 2, 3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 82, 138, 234.

4 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 81.

5, 6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 82, 170.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...