QPTD -Chủ Nhật, 01/10/2023, 08:45 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang Thừa Thiên Huế phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

Nằm ở cực Nam Duyên hải Bắc Trung Bộ, tỉnh Thừa Thiên Huế có vị trí địa lý thuộc vùng nội chí tuyến, chịu ảnh hưởng bởi chế độ bức xạ, nền nhiệt độ cao, mang đậm nét khí hậu chuyển tiếp giữa hai miền Nam - Bắc (không khí lạnh từ phía Bắc tràn xuống và không khí nóng, ẩm từ phía Nam lên); hệ thống sông, ngòi dày đặc, ngắn, độ dốc cao nhưng rộng phía hạ lưu, cản trở bởi thác, ghềnh và số lượng, diện tích lớn về đầm, phá,… nên hằng năm thường phải gánh chịu nhiều loại thiên tai: cháy rừng, bão, lũ ống, lũ quét, lốc xoáy, hạn hán, nước dâng, sạt lở bờ biển, bờ sông, gây thiệt hại nặng về người và tài sản1.

Nắm chắc đặc điểm địa bàn và nhiệm vụ được giao, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh luôn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; ban hành các nghị quyết, chỉ thị, văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Trước hết, tập trung làm tốt công tác kiểm tra, khảo sát, dự báo, đánh giá tình hình; xây dựng, điều chỉnh, bổ sung hệ thống kế hoạch phòng thủ dân sự; phương án, kịch bản ứng phó sự cố, thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn các cấp, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa bàn, điều kiện khí tượng thủy văn. Đồng thời, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, huấn luyện, luyện tập; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật chất; vận dụng sáng tạo phương châm “4 tại chỗ”; duy trì các chế độ ứng trực, sẵn sàng cơ động xử lý, khắc phục kịp thời, hiệu quả các tình huống, nhất là tình huống khẩn cấp, phức tạp, nguy hiểm cả trên đất liền, trên biển, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đặc biệt, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt, xung kích, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan đồng hành, giúp đỡ nhân dân vùng bão, lũ vượt qua hoạn nạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản2,… góp phần ổn định đời sống nhân dân, tạo tiền đề xây dựng, phát triển Tỉnh nhanh và bền vững.

Ghi nhận những thành tích trong phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, cấp ủy, chính quyền địa phương đã trao tặng nhiều phần thưởng3, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Tỉnh tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Qua thực tiễn thực hiện nhiệm vụ, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm, đồng thời là giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Thủ trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh và lãnh đạo huyện Phong Điền thị sát tình hình lũ lụt (năm 2020)

Một là, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Ý thức sâu sắc những thiệt hại do thiên tai, thảm họa gây ra và trên cơ sở nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung tham mưu với Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Tổ chức xây dựng, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công, phân cấp, quy định rõ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp, từng thành viên. Hoàn chỉnh cơ chế, chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp. Tham mưu cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, công điện của Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân khu, ban hành các công điện của Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện4. Đồng thời, trực tiếp khảo sát; xây dựng kế hoạch, phương án; hướng dẫn các cấp, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện đầy đủ, chất lượng hệ thống kế hoạch, phương án, kịch bản ứng phó và phối hợp tổ chức thực hiện; chú trọng các phương án, kịch bản phòng ngừa, ngăn chặn tại các địa bàn trọng điểm, khu vực có nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng, úng lụt, lũ quét, như: thị xã Hương Thủy, thành phố Huế; các huyện: Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới, v.v. Làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá chính xác nguyên nhân dẫn đến thiên tai, thảm họa, kết quả đạt được, hạn chế trong từng nhiệm vụ, tình huống, giai đoạn, làm cơ sở đề xuất chủ trương, biện pháp, xây dựng phương án, kịch bản nâng cao hiệu quả ứng phó các tình huống tiếp theo.

Hai là, tập trung tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương và nhân dân đối với nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn. Để tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện nhiệm vụ, lực lượng vũ trang Tỉnh vừa tham mưu, vừa phát huy vai trò nòng cốt tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp nhân dân nắm chắc đặc điểm địa bàn, điều kiện khí hậu, thủy văn, các yếu tố tác động, nguyên nhân, quy luật, tác hại của thảm họa, thiên tai; các biện pháp, kỹ năng phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý, khắc phục,... theo tinh thần “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, trong đó, lấy phòng tránh là chính; vận dụng thực hiện hiệu quả phương châm “5 tại chỗ”5, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Đổi mới, nâng cao hiệu quả toàn diện công tác giáo dục, tuyên truyền, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, ý thức, thái độ, động cơ, trách nhiệm của cán bộ và nhân dân. Kết hợp tuyên truyền thông qua báo, đài phát thanh, truyền hình của cả Trung ương và địa phương, cổng thông tin điện tử của Tỉnh, các huyện, thành phố với thành lập các tổ, đội tuyên truyền cơ động; tổ chức các đợt huấn luyện dã ngoại làm công tác dân vận và phát huy vai trò các tổ chức, đoàn thể địa phương, tạo sức mạnh tổng hợp; kết hợp công tác tuyên truyền với công tác thi đua khen thưởng, công tác chính sách trước, trong và sau khi thực hiện nhiệm vụ. Tập trung tuyên truyền, vận động phát huy vai trò nòng cốt, xung kích của bộ đội thường trực, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ,... trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, góp phần tô thắm phẩm chất, truyền thống và lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng nhân dân địa phương và cả nước.

Lực lượng vũ trang thị xã Hương Trà diễn tập gia cố sạt lở bờ sông Bồ

Ba là, đẩy mạnh huấn luyện, diễn tập, bồi dưỡng kỹ năng, duy trì ứng trực nâng cao trình độ, khả năng ứng phó, xử lý các tình huống khẩn cấp. Để hoàn thành nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”, ngoài việc huấn luyện đúng, đủ, chất lượng các nội dung cứu hộ, cứu nạn theo chương trình cơ bản, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng bổ sung cho các đối tượng cả chuyên trách và kiêm nhiệm. Nội dung huấn luyện, bồi dưỡng toàn diện, tập trung nâng cao kỹ năng lắp ghép trang bị kỹ thuật cứu hộ, cứu nạn; kỹ thuật lái tàu, xuồng; kỹ năng cứu đuối, cấp cứu người đuối nước; các phương pháp, kỹ năng di chuyển người, vũ khí, trang bị kỹ thuật, cơ sở vật chất ra khỏi vùng lũ lụt, cháy nổ, sập đổ công trình và cách thức sử dụng trang thiết bị chữa cháy trong thực hành phòng cháy, chữa cháy, v.v. Đồng thời, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp xây dựng kế hoạch, phương án và tổ chức luyện tập, diễn tập phòng thủ dân sự; chú trọng các tình huống khẩn cấp chữa cháy rừng, phòng, chống bão, lốc xoáy, lũ lụt,... nhằm nâng cao trình độ, khả năng ứng phó khẩn cấp các tình huống cho lực lượng vũ trang và toàn dân cả trên đất liền và trên sông, trên biển. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương duy trì chặt chẽ nền nếp, chế độ ứng trực 24/24 giờ; bảo đảm tốt thông tin liên lạc, công tác hậu cần, kỹ thuật; ứng dụng công nghệ thông tin kết nối trực tuyến Cổng thông tin điện tử, Huế-S, lập hệ thống tin nhắn SMS, nhóm zalo, facebook, Website, sử dụng flycam,... nhằm cập nhật chính xác, kịp thời thông tin diễn biến thiên tai, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành thông suốt từ Tỉnh xuống cơ sở.

Bốn là, tham mưu tăng cường đầu tư phương tiện, vật chất, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Lực lượng và phương tiện là hai yếu tố quyết định kết quả hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn. Nhận thức rõ điều đó, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chú trọng chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp thường xuyên kiểm tra, rà soát nắm chắc đặc điểm diễn biến, tính chất, quy mô, cấp độ,... thiên tai, thảm họa; tổng hợp số lượng, chất lượng, nhu cầu sử dụng của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, lực lượng để xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách, kinh phí mua sắm, cải tiến, nâng cấp các loại phương tiện, vật chất, trang bị. Kết hợp nguồn kinh phí của địa phương, ngân sách quốc phòng với phát huy nguồn lực tại chỗ của các cơ quan, đơn vị, lực lượng để đầu tư, bảo đảm; kết hợp mua sắm phương tiện, trang bị mới, hiện đại với cải tạo, cải tiến, nâng cấp phương tiện, trang bị hiện có. Tập trung tham mưu đầu tư phương tiện, vật chất, trang bị thiết yếu, như: tàu, xuồng loại nhỏ để tiện cơ động vào các luồng lạch, địa bàn cơ sở, không bị ảnh hưởng bởi độ cao của cầu trên sông; các trang thiết bị cứu đuối, khắc phục sập đổ công trình; phương tiện thông tin liên lạc, tuyên truyền, cảnh báo, báo động, kêu gọi nhân nhân tránh trú; ưu tiên lực lượng chuyên trách, mục tiêu, địa bàn trọng điểm, xung yếu, nhiều nguy cơ xảy ra cháy rừng, lũ lụt, lốc xoáy. Thực hiện chặt chẽ quy trình tiếp nhận, cấp phát, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tham mưu cho Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đầu tư xây dựng các công trình: Sở Chỉ huy khẩn cấp dã chiến, các đài quan sát, quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn, kiên cố hóa bờ sông, bờ biển, đường giao thông,... phục vụ chỉ huy, chỉ đạo, dự báo, cảnh báo, cơ động ứng phó kịp thời các tình huống.

Cùng với các giải pháp trên, để phát huy vai trò nòng cốt trong ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, lực lượng vũ trang Tỉnh còn phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan, như: Công an, Biên phòng, các ban, ngành, đoàn thể địa phương và nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, góp phần giảm thiểu thiệt hại, ổn định an ninh chính trị địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững.

Thượng tá PHAN THẮNG, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
______________________

1 - Từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn Tỉnh xảy ra 57 vụ thiên tai, bão lụt, 327 vụ cháy rừng, tổng thiệt hại ước tính  hơn 4.684 tỉ đồng.

2 - Trong năm 2022, Tỉnh đã huy động hơn 6.000 lượt cán bộ, chiến sĩ; 13.623 lượt dân quân và 287 lượt phương tiện tham gia chữa cháy rừng, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiến cứu nạn.

3 - Từ năm 2019 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh được tặng 12 Bằng khen (Chính phủ: 02, Bộ Quốc phòng: 03, Quân khu: 01; Tỉnh: 06) và hơn 200 tập thể, cá nhân được khen thưởng do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chữa cháy rừng; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn.

4 - Năm 2022, Tỉnh ban hành 10 công điện, 38 thông báo, 25 lệnh và tính toán 76 kịch bản xử lý, ứng phó.

5 - Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ và tự quản tại chỗ.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.