Thứ Năm, 24/04/2025, 03:44 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm
Quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định số 18/QĐ-BCĐPTDS, ngày 16/02/2024 của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia về chương trình công tác năm 2024; Chỉ thị số 875/CT-QK3, ngày 15/5/2024 của Tư lệnh Quân khu 3 về tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự trên địa bàn tỉnh Thái Bình năm 2024, sau thời gian tích cực tiến hành công tác chuẩn bị, ngày 19/7/2024, tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công cuộc diễn tập phòng thủ dân sự, ứng phó bão mạnh, siêu bão và tìm kiếm cứu nạn. Đây là lần đầu tiên Tỉnh tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự với quy mô lớn (ở cả 03 cấp) và là tỉnh đầu tiên trên cả nước tổ chức diễn tập ngay sau khi Luật Phòng thủ dân sự có hiệu lực (từ ngày 01/7/2024). Cuộc diễn tập diễn ra trên nhiều khu vực thuộc địa bàn 04 huyện, thành phố, huy động nhiều thành phần, lực lượng, phương tiện tham gia1. Nội dung diễn tập bao gồm: xử trí tình huống sạt trượt mái đê, kè tại khu vực đê hữu Trà Lý (xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư); ứng phó bão mạnh, siêu bão tại Cảng cá Nam Thịnh (huyện Tiền Hải); xử lý tình huống sập đổ công trình tại tòa nhà 9 tầng khu nhà ở sinh viên; xử lý sự cố hóa chất tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp, hiệp đồng nhịp nhàng giữa các địa phương, đơn vị, cuộc diễn tập đã tiến hành đúng kế hoạch, đạt được mục đích, yêu cầu đề ra và an toàn tuyệt đối.
Thông qua diễn tập đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng thủ dân sự; khả năng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Tỉnh; vai trò tham mưu của các ban, sở, ngành, đoàn thể và vận hành cơ chế huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng trong ứng phó với các loại hình thiên tai, thảm họa. Đồng thời là cơ sở để Tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng thủ dân sự, sát với tình hình thực tiễn. Từ cuộc diễn tập này, Tỉnh rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:
Một là, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng nắm vững tầm quan trọng của phòng thủ dân sự và nhiệm vụ diễn tập. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động của các tổ chức, lực lượng trong diễn tập phòng thủ dân sự năm 2024 của Tỉnh. Theo đó, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân về hoạt động phòng thủ dân sự nói chung, vị trí, ý nghĩa và sự cần thiết của cuộc diễn tập phòng thủ dân sự năm 2024 nói riêng, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc thực hiện; sự tích cực, chủ động trong ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai, dịch bệnh, sự cố hóa chất, sập đổ công trình, vỡ đê (nếu xảy ra), v.v.
Nội dung tuyên truyền, giáo dục sâu rộng, toàn diện, song có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động phòng thủ dân sự, nhất là Nghị định số 02/2019/NĐ-CP, ngày 02/01/2019 của Chính phủ về Phòng thủ dân sự, Luật Phòng thủ dân sự năm 2023, Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; đặc điểm địa lý của khu vực Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thái Bình; một số điểm nổi bật của hiện tượng thời tiết cực đoan, những thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân do thiên tai, dịch bệnh gây ra, v.v. Để công tác này đạt hiệu quả cao, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo, lực lượng Công an, Biên phòng, các sở: Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Báo Thái Bình và cấp ủy, chính quyền các địa phương đổi mới hình thức và biện pháp tuyên truyền, giáo dục. Đồng thời, gắn trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương với kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về cuộc diễn tập. Bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng, giao ban, hội họp, Tỉnh còn lồng ghép vào các hoạt động văn hóa văn nghệ, lễ hội truyền thống của địa phương, xây dựng các pano, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền2, v.v. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục nên nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân được nâng lên, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ diễn tập.
Hai là, làm tốt công tác chuẩn bị diễn tập, từ xây dựng văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, kế hoạch, hệ thống văn kiện đến tập huấn, bồi dưỡng cho các lực lượng. Ngay sau khi có chỉ thị, hướng dẫn của trên, Bộ Chỉ huy Quân sự đề xuất với Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành, nòng cốt là lực lượng Công an, Biên phòng phối hợp với cơ quan quân sự tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành các chỉ thị, hướng dẫn, quyết định thành lập ban chỉ đạo, khung diễn tập, ban tổ chức, các tiểu ban giúp việc; tổ chức khảo sát, xây dựng ý định, kế hoạch, phương án diễn tập, làm cơ sở báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và phân công, triển khai nhiệm vụ diễn tập cho các bộ phận, lực lượng tham gia. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tiến hành xây dựng văn bản hướng dẫn, soạn thảo văn kiện, kịch bản diễn tập và cử cán bộ giúp đỡ các ban, sở, ngành, đoàn thể chuẩn bị nội dung diễn tập bảo đảm chất lượng, sát đặc điểm tình hình, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 để xây dựng hệ thống văn kiện diễn tập3 đảm bảo đồng bộ, thống nhất, đúng quy cách công tác tham mưu tác chiến.
Đây là cuộc diễn tập với quy mô lớn, đòi hỏi phải động viên, huy động một số lượng lớn lực lượng và vật chất, phương tiện của các địa phương, đơn vị tham gia, tiến hành trong thời gian ngắn, yêu cầu đòi hỏi cao; trong khi Tỉnh chưa có kinh nghiệm tổ chức diễn tập nội dung này. Vì vậy, để hoàn thành tốt các nội dung, chương trình của cuộc diễn tập, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã mời cán bộ của Cục Cứu hộ - Cứu nạn/Bộ Tổng Tham mưu, Phòng Tác chiến/Quân khu 3, các phòng nghiệp vụ của Bộ Công an về bồi dưỡng lý luận, tập huấn cho các vai diễn, khung diễn tập của Tỉnh, thành phố Thái Bình và các huyện: Tiền Hải, Thái Thụy, Vũ Thư; tổ chức luyện tập, huấn luyện thực binh, tổng duyệt các giai đoạn diễn tập, nhằm thống nhất nhận thức, nội dung, phương pháp thực hành diễn tập. Quá trình luyện tập, kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những sai sót theo hướng “sai đâu, sửa đó”, sai nhiều thì tổ chức huấn luyện lại đến khi thuần thục; chú trọng quán triệt, thực hiện nghiêm công tác bảo đảm an toàn về người và phương tiện trong huấn luyện, thực hành, góp phần tổ chức thành công cuộc diễn tập.
Ba là, chỉ đạo, điều hành diễn tập tập trung, thống nhất theo đúng quyết tâm, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Trên cơ sở kế hoạch diễn tập đã được phê duyệt, khung diễn tập đã tổ chức các hội nghị vận hành cơ chế cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, cơ quan quân sự, công an, các ban, ngành, đoàn thể làm tham mưu và vai trò của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các cấp chỉ huy, đôn đốc, kiểm tra ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa, đúng cương vị, chức trách, sát thực tiễn tình huống. Chủ trì hội nghị điều hành linh hoạt, tập trung trực tiếp vào các nội dung chính, vấn đề khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo, kết luận và phân công công việc chặt chẽ, khoa học, rõ ràng; phát huy được tinh thần dân chủ, tập trung trí tuệ tập thể trong bàn bạc, thảo luận xác định phương án xử trí phù hợp và đảm bảo được thời gian. Các đồng chí trong khung diễn tập tác phong khẩn trương, nghiêm túc, nắm chắc nội dung và đề xuất các giải pháp xử lý phù hợp, sát nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Cùng với đó, Ban Tổ chức đã ứng dụng công nghệ truyền dẫn hình ảnh trực tuyến nội dung các hội nghị của Tỉnh đến các đầu mối cấp huyện, thành phố tham gia khung diễn tập, nhất là hội nghị của Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự Tỉnh bảo đảm sát thực tế.
Trong diễn tập thực binh, với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã nghiên cứu kỹ các nội dung của Luật Phòng thủ dân sự, vận dụng linh hoạt phương pháp tổ chức diễn tập phù hợp với từng nội dung kịch bản; chủ động dự kiến, xây dựng các tình huống, phương án phụ để dẫn dắt. Điều hành khung diễn tập đã bám sát ý định, kịch bản, phương án để tiến hành chỉ huy, chỉ đạo lực lượng, phương tiện và xử lý các tình huống bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm địa hình tại các khu vực diễn tập. Các lực lượng tham gia diễn tập thực binh đã chấp hành nghiêm nguyên tắc, bám sát tình huống giả định, vận dụng linh hoạt lý luận vào thực tiễn; phát huy tốt phương châm bốn tại chỗ4 trong xử trí các tình huống, bảo đảm an toàn tuyệt đối về mọi mặt. Quá trình diễn tập thực binh, các lực lượng đã hiệp đồng chặt chẽ, tổ chức phân công lực lượng phù hợp trong từng nhiệm vụ: giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, di dời tài sản để phòng tránh siêu bão; kêu gọi, sắp xếp, neo đậu tàu thuyền, tổ chức các hoạt động cứu hộ, cứu nạn trên biển, xử trí sự cố đê, kè, sập đổ công trình, hóa chất.
Những kết quả và kinh nghiệm rút ra từ cuộc diễn tập phòng thủ dân sự năm 2024 ngay sau đó đã được Tỉnh vận dụng thực hiện có hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (tháng 9/2024), nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, đưa hoạt động của Tỉnh trở lại bình thường. Đó là bài học, kinh nghiệm quý để lực lượng vũ trang cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình tiếp tục phát huy khả năng sẵn sàng ứng phó các tình huống khẩn cấp về thiên tai, thảm họa có thể xảy ra, thực hiện tốt công tác phòng thủ dân sự gắn với xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.
Đại tá VŨ VĂN ĐỊNH, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh __________________
1 - Đã huy động 2.644 người, gồm: lực lượng Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, lực lượng chuyên trách của các sở, ngành, chính quyền, nhân dân các địa phương; gần 300 phương tiện các loại, gồm: 150 ô tô, 76 xe chuyên dụng, 30 tàu, 21 xuồng, ca nô và một số phương tiện khác tham gia diễn tập.
2 - Tuyên truyền trên 100 tin, bài; xây dựng trên 150 pa nô, áp phích, khẩu hiệu về diễn tập phòng thủ dân sự.
3 - Đã xây dựng trên 500 văn kiện các loại, trong đó có 60 văn kiện lãnh đạo, chỉ đạo diễn tập.
4 - Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ.
Tỉnh Thái Bình,kinh nghiệm,diễn tập phòng thủ dân sự,Luật Phòng thủ dân sự,xử lý tình huống
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp 21/04/2025
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị 14/04/2025
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo 10/04/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” 28/03/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang phát huy vai trò nòng cốt trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự 20/03/2025
Sư đoàn 316 nâng cao chất lượng huấn luyện chiến sĩ mới 17/03/2025
Bệnh viện Quân y 7A xây dựng đội ngũ thầy thuốc “vừa hồng, vừa chuyên” 13/03/2025
Lữ đoàn 147 nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu 10/03/2025
Sư đoàn 304 tập trung nâng cao chất lượng công tác hậu cần, kỹ thuật 27/02/2025
Kinh nghiệm trong tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ của tỉnh Tuyên Quang 24/02/2025
Lữ đoàn Tác chiến điện tử 96 đẩy mạnh xây dựng vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”
Một số kinh nghiệm trong diễn tập phòng thủ dân sự tỉnh Thái Bình năm 2024
Trung tâm Kỹ thuật thông tin công nghệ cao đột phá đổi mới sáng tạo
Học viện Hải quân nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp