Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Thực tiễn và kinh nghiệm

QPTD -Thứ Hai, 21/04/2025, 09:17 (GMT+7)
Lữ đoàn Pháo binh 454 xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp

Lữ đoàn Pháo binh 454 (Quân khu 3) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và giải quyết các nhiệm vụ đột xuất khác. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn, vướng mắc do khu vực đóng quân rộng, doanh trại cơ bản là cấp 4, qua nhiều năm sử dụng đã xuống cấp, kinh phí bảo đảm cho sửa chữa hạn chế; khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp,… ảnh hưởng không nhỏ tới công tác quản lý, xây dựng doanh trại, điều kiện sinh hoạt, công tác của bộ đội. Trước thực tế đó, những năm qua, cùng với triển khai các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã lãnh đạo, chỉ đạo phát huy nội lực, tinh thần tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, đẩy mạnh củng cố, xây dựng doanh trại, cảnh quan môi trường “chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”; xác định đây là cơ sở quan trọng để xây dựng chính quy, động viên cán bộ, chiến sĩ yêu mến, gắn bó xây dựng đơn vị; sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.

Thường xuyên chăm sóc vườn hoa, cây cảnh xây dựng cảnh quan, môi trường đơn vị.

Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch xây dựng, quản lý doanh trại theo hướng chính quy, hiện đại, tiết kiệm. Quán triệt, thực hiện chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của trên về công tác doanh trại, trực tiếp là Chỉ thị số 109/CT-BTL, ngày 14/01/2021 của Tư lệnh Quân khu về đẩy mạnh tổ chức, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp”, Đảng ủy Lữ đoàn xây dựng nghị quyết chuyên đề; trong đó, tập trung làm rõ các nội dung của phong trào, cùng những trọng tâm, trọng điểm, phân kỳ xây dựng; đồng thời, đề ra biện pháp thực hiện phù hợp với nguồn vốn, đặc thù nhiệm vụ, khuôn viên đóng quân của đơn vị. Để hiện thực hóa chủ trương đã xác định, Lữ đoàn thành lập và giao cho Ban Chỉ đạo xây dựng doanh trại chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng, công ty tư vấn, tiến hành khảo sát hiện trạng vị trí đóng quân từng cơ quan, đơn vị; tổng hợp, thống kê, phân loại chi tiết các mẫu doanh trại,… làm cơ sở để báo cáo, tham mưu, đề xuất với Quân khu phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng doanh trại, mẫu thiết kế, từ vị trí Sở Chỉ huy, khối cơ quan Lữ đoàn đến các đơn vị, đầu mối trực thuộc, các công trình huấn luyện chiến đấu, cơ sở hạ tầng phục vụ sinh hoạt chung. Điểm nổi bật trong công tác quy hoạch của Lữ đoàn là đã triệt để tận dụng các yếu tố tự nhiên của địa hình, rừng, đồi, vườn cây, ao cá kết hợp với các khu chức năng, tạo không gian xanh, sạch, thoáng mát, trong lành cho mọi công trình. Đặc biệt, trong khu tăng gia, Lữ đoàn đã quy hoạch thành hai phân khu với các chức năng riêng biệt, có kết nối, thuận tiện cho việc sử dụng và khai thác, gồm: khu tăng gia cấp tiểu đoàn, chủ yếu để trồng rau xanh phục vụ trực tiếp bữa ăn của bộ đội và khu tăng gia cấp lữ đoàn, tổ chức chăn nuôi tập trung bảo đảm gọn, sạch, đáp ứng tiện lợi cho quá trình sử dụng, không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường1.

Cùng với làm tốt công tác quy hoạch, quá trình triển khai xây dựng, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chú trọng phát huy vai trò của Ban Quản lý dự án, Tổ Giám sát trong tổ chức thi công, giám sát, nghiệm thu các công trình, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng về đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý vốn đầu tư, thanh toán, quyết toán chặt chẽ, bàn giao đưa vào sử dụng đúng tiến độ, đạt chất lượng tốt; hồ sơ các công trình, dự án được bảo quản, lưu trữ theo quy định. Song song với đó, Lữ đoàn chú trọng kết hợp giữa xây dựng với cải tạo cảnh quan môi trường, thực hiện “xanh hóa” doanh trại. Theo đó, bám sát quy hoạch tổng thể và các tiêu chí về xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp, Lữ đoàn kết hợp chặt chẽ giữa giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng hạ tầng cơ bản với tiến hành trồng cây theo quy hoạch phân khu. Trong đó, chú trọng nghiên cứu, lựa chọn các loại cây ăn quả, cây bóng mát, cây lấy gỗ, cây lâu năm,… phù hợp với thổ nhưỡng để trồng theo quy hoạch thống nhất, bảo đảm hài hòa giữa mỹ quan đơn vị với giá trị kinh tế. Đến nay, Lữ đoàn đã trồng hơn 250 nghìn cây lấy gỗ, 05 nghìn cây ăn quả, cùng hàng nghìn cây bóng mát; trồng mới, cải tạo 214.857m2 thảm cỏ, vườn hoa,… tạo không gian xanh cho khuôn viên đơn vị và mang lại nguồn lợi kinh tế phục vụ đời sống bộ đội.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả khai thác, sử dụng công trình, cùng với xây dựng phải gắn liền với quản lý, duy trì, bảo dưỡng. Với nhận thức đó, Lữ đoàn chỉ đạo Phòng Hậu cần - Kỹ thuật chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát, thống kê, phân loại chất lượng, thực trạng công trình doanh trại, niên hạn sử dụng. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch, đề xuất, tham mưu cho Lữ đoàn các vấn đề về huy động nguồn lực, dự trù kinh phí duy tu, bảo dưỡng, đầu tư xây dựng trung hạn, dài hạn bảo đảm tính khả thi. Đồng thời, duy trì có nền nếp hoạt động đăng ký thống kê tài sản doanh trại bảo đảm đầy đủ, chính xác theo đúng hướng dẫn, quy định của trên. Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng quản lý, sử dụng điện, nước an toàn, tiết kiệm gắn với quản lý, sử dụng tốt doanh cụ, dụng cụ. Trong đó, coi trọng công tác bảo trì, chống dột, chống sập, phòng cháy chữa cháy, chống sét cho các công trình; xác định đó là hoạt động thường xuyên, mang ý nghĩa quan trọng nhằm giữ gìn chất lượng, kéo dài niên hạn sử dụng và bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người, vũ khí, trang bị. Ngoài ra, Lữ đoàn đẩy mạnh triển khai các biện pháp thiết thực nhằm tiết kiệm điện, nước. Cùng với tổ chức quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, ý thức, thực hiện nghiêm túc việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và chịu trách nhiệm về tình hình quản lý, sử dụng điện, nước trong cơ quan, đơn vị mình, Lữ đoàn chỉ đạo Phòng Hậu cần - Kỹ thuật rà soát, kiểm tra, lắp đặt thiết bị đo kiểm điện, nước cho các đầu mối sử dụng để theo dõi, quản lý chặt chẽ, hiệu quả. Đầu tư nâng cấp hệ thống truyền, tải điện, thay thế cáp điện trần bằng loại có vỏ bọc, đi ngầm. Chuyển đổi hệ thống chiếu sáng sử dụng loại bóng tiết kiệm điện, quy định thời gian đóng mở đối với thiết bị chiếu sáng dùng chung. Thường xuyên vệ sinh thau rửa giếng khoan, đường ống dẫn nước, bồn chứa; củng cố hệ thống đường ống, thiết bị đóng ngắt, không để tràn, rò rỉ nước,… bảo đảm an toàn, đầy đủ và hạn chế thất thoát, lãng phí2. Để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng doanh cụ, dụng cụ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bộ đội, Lữ đoàn đẩy mạnh phân cấp quản lý đến từng cơ quan, đơn vị; gắn trách nhiệm của cá nhân, người đứng đầu trong sử dụng và quản lý vật chất doanh trại. Thống nhất hệ thống sổ sách, hồ sơ quản lý, theo dõi tới các đơn vị; làm tốt công tác thống kê, quản lý tài sản; thường xuyên sắp xếp doanh cụ, dụng cụ chính quy, khoa học,… nâng cao chất lượng và tính năng sử dụng. Bằng cách làm sáng tạo, quyết liệt, thời gian qua, Lữ đoàn luôn bảo đảm đúng, đủ điện, nước, vật chất phục vụ quá trình công tác, sinh hoạt của bộ đội.

Để cảnh quan môi trường trong đơn vị luôn sạch sẽ, không khí trong lành, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo đảm vệ sinh môi trường doanh trại xanh, sạch, đẹp. Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, Lữ đoàn triển khai các khuôn viên, tiểu cảnh kết hợp với vườn hoa, thảm cỏ bảo đảm hài hòa với kiến trúc xây dựng. Bố trí công trình vệ sinh, chăn nuôi xa khu vực nhà ở, nhà ăn, nhà bếp với khoảng cách hợp lý. Các hoạt động tăng gia thực hiện theo mô hình khép kín, hạn chế sử dụng hóa chất ảnh hưởng xấu đến môi trường; tận dụng triệt để phụ phẩm, không gây tác động đến cảnh quan đơn vị. Tổ chức vệ sinh, dọn dẹp doanh trại định kỳ hằng ngày, hằng tuần, duy trì thành nền nếp chính quy. Bố trí, trang bị hệ thống thùng rác, sọt chứa rác đầy đủ, thống nhất cho khối cơ quan của Lữ đoàn và các đơn vị, quy định khu vực thu gom, phân loại rác (rác vô cơ, rác hữu cơ, rác thải tái chế,…) từ đầu nguồn, bảo đảm thuận tiện cho quá trình xử lý3. Chỉ đạo các đơn vị tổ chức xây dựng và triển khai mô hình tái chế rác thải nhựa; thường xuyên phát động các hoạt động tiêu độc, khử trùng, khơi thông cống rãnh,… duy trì môi trường sạch sẽ, không khí trong lành.

Xây dựng doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp là quá trình thường xuyên, lâu dài, cần đầu tư nhiều kinh phí, nhân lực. Vì vậy, để đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, cùng với quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp, Lữ đoàn phát huy cao độ nội lực, kết hợp chặt chẽ với huy động các nguồn lực khác. Thực hiện vấn đề này, các cơ quan, đơn vị phát huy vai trò xung kích của đoàn viên thanh niên trong thi đua xây dựng và quản lý doanh trại chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp. Nhiều mô hình sáng tạo được đoàn viên, thanh niên đơn vị xây dựng thành công, như: “Ngôi nhà 100 đồng”, mô hình “Vườn hoa thanh niên tự quản”, “Đường cây thanh niên”, v.v. Qua đó, đã thu hút, huy động nhiều ngày công của cán bộ, chiến sĩ trong các giờ nghỉ, ngày nghỉ để tu sửa, củng cố doanh trại, cảnh quan, vệ sinh môi trường, sửa chữa hư hỏng nhỏ trong hệ thống điện, nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường xuyên. Ngoài ra, Lữ đoàn tổ chức phối hợp với các đơn vị kết nghĩa và chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân tham gia củng cố cảnh quan môi trường với hình thức phong phú cả về vật chất lẫn tinh thần. Qua đó, góp phần đa dạng hóa nguồn lực xây dựng đơn vị, đồng thời giáo dục truyền thống gắn kết quân, dân và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Lữ đoàn.

Những kết quả đạt được trong xây dựng doanh trại “chính quy, sáng, xanh, sạch, đẹp” thời gian qua là dấu ấn thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ Lữ đoàn nhiệm kỳ 2025 - 2030; đồng thời, là cơ sở, tiền đề để Lữ đoàn Pháo binh 454 tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá LÊ VĂN ĐANG, Chính ủy Lữ đoàn
____________________
        

1 - Năm 2024, Lữ đoàn đã đưa vào hoạt động khu tăng gia tập trung mới xây dựng gồm: 01 chuồng lợn và 01 chuồng gia cầm; san gạt, mở rộng 1.500m2 diện tích trồng rau và làm mới 450m2 giàn; nâng diện tích trồng rau xanh lên 17.300m2 , cây ăn quả: 14.500m2 ; diện tích ao, hồ: 134.000m2.

2 - Năm 2024, sửa chữa hệ thống điện, nước cho khối cơ quan Lữ đoàn bộ; sửa chữa, bảo trì doanh trại Tiểu đoàn 1; sửa chữa Tiều đoàn 2 và hệ thống kho, nhà để xe, pháo; tổng giá trị sửa chữa 950 triệu đồng.

3 - Năm 2024, đã mua sắm mới 520 thùng, sọt chứa rác với số tiền là 78 triệu đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.