QPTD -Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:23 (GMT+7)
Lữ đoàn Xe tăng 203 tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu
Ban Chấp hành Đảng bộ Lữ đoàn nhiệm kỳ 2015 - 2020

Ngày 22-6-1965, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định 100/QĐ-BQP thành lập Trung đoàn Xe tăng 203 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 203) - đơn vị xe tăng thứ 2 của Quân đội ta. Năm mươi năm qua, kể từ ngày thành lập đến nay, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách; vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa tham gia chiến đấu, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Lữ đoàn là đơn vị xe tăng đầu tiên tham gia chiến đấu hiệp đồng binh chủng, cùng với các đơn vị bạn làm nên chiến thắng Tà Mây, Làng Vây trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, mở đầu truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng - thiết giáp. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Lữ đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong đội hình chiến đấu của Quân đoàn 2, phát huy sức mạnh hỏa lực, đột kích, thọc sâu, đè bẹp sự kháng cự của địch, đánh chiếm dinh Độc Lập, cắm lá cờ giải phóng lên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. Sau khi đất nước thống nhất, Lữ đoàn tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, phía Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Cam-pu-chia, ghi thêm nhiều chiến công. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc đó, Lữ đoàn cùng với 6 đại đội và 3 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Bước vào thời kỳ đổi mới, nhất là những năm gần đây, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Lữ đoàn đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu. Trước hết, Lữ đoàn coi trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, tạo cơ sở để xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Xác định đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Trong giáo dục chính trị, Lữ đoàn coi trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp với tình hình thực tiễn từng giai đoạn; gắn giáo dục cơ bản với giáo dục thường xuyên, quán triệt nhiệm vụ với giáo dục truyền thống; nâng cao nhận thức với đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, nhất là vai trò của cấp ủy, bí thư, cán bộ chủ trì các cấp; đồng thời, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái. Qua sơ kết 5 năm thực hiện Quy chế Giáo dục chính trị tại đơn vị và triển khai thực hiện Đề án "Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới” cho thấy, chất lượng giáo dục chính trị của đơn vị ngày càng nâng lên. Kết quả kiểm tra chính trị hàng năm, 100% đạt yêu cầu, có 85% khá, giỏi. Để nâng cao hiệu quả giáo dục, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm xây dựng đội ngũ báo cáo viên, cán bộ giảng dạy chính trị ở đơn vị. Ý thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đảng trong xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, tư tưởng, Đảng ủy Lữ đoàn luôn coi trọng xây dựng, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng các cấp, nhất là ở đơn vị cơ sở. Thời gian qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khoá XI), Chỉ thị 317-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tạo sự chuyển biến tích cực về xây dựng các tổ chức đảng, đơn vị và đội ngũ cán bộ. Nhờ vậy, trong nhiệm kỳ vừa qua, đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ của toàn Đảng bộ tăng 2,3%; năm 2014 không còn chi bộ yếu kém. Đặc biệt, năm 2015 thực hiện nhiệm vụ trên giao về tiến hành đại hội trước, Lữ đoàn đã tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2015-2020). Các cán bộ chủ  trì đều trúng cử vào Ban Chấp hành Đảng bộ Lữ đoàn và Thường vụ với số phiếu tín nhiệm cao. Bên cạnh đó, Lữ đoàn duy trì chặt chẽ, có nền nếp hoạt động phong trào Thi đua Quyết thắng. Để đạt chất lượng, hiệu quả, Lữ đoàn đã phát huy tốt vai trò của cơ quan chính trị, hội đồng thi đua - khen thưởng để xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua phù hợp với chủ đề; theo dõi, chấm điểm các đợt thi đua chặt chẽ và kịp thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng điển hình tiên tiến. Cùng với đó, Lữ đoàn coi trọng việc phát huy dân chủ, các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân, nắm bắt và quản lý chặt chẽ tư tưởng của bộ đội; triển khai các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao, tham gia chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ” tạo sân chơi lành mạnh và không khí thi đua, sự đoàn kết trong đơn vị. Lữ đoàn tích cực triển khai Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” bằng nhiều việc làm thiết thực, góp phần xây dựng mối quan hệ đoàn kết quân - dân ngày càng gắn bó, tạo vành đai an toàn cho đơn vị.

Những kết quả đạt được qua 50 năm xây dựng, chiến đấu của Lữ đoàn do nhiều yếu tố, nhiều nguyên nhân; trong đó thực hiện tốt công tác huấn luyện trong mọi điều kiện, hoàn cảnh có ý nghĩa hết sức quan trọng và đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc của đơn vị. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Lữ đoàn luôn coi trọng phát huy vai trò của các tổ chức, trách nhiệm của cán bộ các cấp để huấn luyện làm chủ được vũ khí, trang bị kỹ thuật trong biên chế. Lữ đoàn thực hiện nghiêm nội dung, chương trình, kế hoạch huấn luyện cho các đối tượng. Trên cơ sở chỉ lệnh, mệnh lệnh huấn luyện của cấp trên, Đảng ủy Lữ đoàn đã ra Nghị quyết chuyên đề “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013- 2020 và những năm tiếp theo” cụ thể hóa Nghị quyết số 253-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân đoàn, sát với đặc điểm, nhiệm vụ, làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Đảng ủy Lữ đoàn chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ huấn luyện; đẩy mạnh công tác giáo dục làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với công tác huấn luyện trong tình hình mới. Đồng thời, kiên quyết khắc phục những tư tưởng chủ quan, khoán trắng, xem nhẹ, hạ thấp yêu cầu, bớt xén nội dung, chương trình, thời gian huấn luyện và bệnh thành tích; lấy kết quả huấn luyện làm tiêu chí cơ bản để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp. Công tác điều hành huấn luyện của Lữ đoàn có nhiều đổi mới, đảm bảo “tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị. Để huấn luyện đạt hiệu quả, Lữ đoàn chỉ đạo tiến hành toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, sát với yêu cầu tổ chức, trang bị hiện có; thường xuyên kiện toàn tổ chức biên chế; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ trực tiếp huấn luyện. Do đối tượng và nội dung huấn luyện đa dạng, Lữ đoàn hết sức coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cán bộ và đổi mới phương pháp huấn luyện. Hằng năm, cán bộ từ trưởng xe, tiểu đội trưởng trở lên đều được tập huấn thống nhất nội dung, phương pháp huấn luyện; trong đó, tập trung vào những nội dung còn yếu, những nội dung mới. Trong huấn luyện, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, vận dụng tốt các quan điểm, nguyên tắc và mối kết hợp; coi trọng tính toàn diện, đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu. Thực hiện sự chỉ đạo của Lữ đoàn, các đơn vị duy trì nghiêm quy trình huấn luyện cho chỉ huy, cơ quan và phân đội, lấy chiến thuật làm trung tâm, kỹ thuật làm cơ bản; kết hợp chặt chẽ huấn luyện chiến đấu với giáo dục chính trị; gắn huấn luyện với rèn luyện kỷ luật và công tác sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời, chú trọng tăng thời gian huấn luyện thực hành, huấn luyện đêm, huấn luyện dã ngoại, nâng cao chất lượng diễn tập hiệp đồng quân binh chủng có thực binh và bắn đạn thật; diễn tập vòng tổng hợp đối với cấp đại đội, tiểu đoàn. Bên cạnh đó, Lữ đoàn quan tâm truyền thụ kinh nghiệm xử trí các tình huống thường gặp trong chiến đấu, như: lái xe trên địa hình phức tạp; vị trí dừng xe để bắn đạt hiệu quả cao, v.v. Trong điều kiện ngân sách bảo đảm cho huấn luyện còn khó khăn, Lữ đoàn chủ động phát huy nội lực, tổ chức làm mới hàng trăm mô hình, học cụ, huy động công sức của bộ đội củng cố thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng, v.v. Nhờ quan tâm thực hiện tốt công tác huấn luyện, hằng năm diễn tập thực binh có bắn đạn thật, Đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo đảm an toàn tuyệt đối; tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan, diễn tập vòng tổng hợp đều đạt kết quả tốt. Lực lượng của Lữ đoàn tham gia các hội thi, hội thao do Quân đoàn, Binh chủng Tăng thiết giáp tổ chức đạt nhiều giải cao; nhiều năm liền (2010, 2012, 2013, 2014) Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng Cờ “Đơn vị Huấn luyện Giỏi”.

Giáo dục truyền thống

Là đơn vị quản lý khối lượng lớn vũ khí, trang bị chiến đấu, nên Lữ đoàn luôn chú trọng thực hiện tốt công tác kỹ thuật. Mặc dù còn nhiều khó khăn do vũ khí, trang bị kỹ thuật đa dạng về chủng loại, đã sử dụng nhiều năm, nhưng Lữ đoàn luôn duy trì hệ số kỹ thuật cho nhóm trang bị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu đạt 1,0 và nhóm vũ khí, trang bị kỹ thuật sử dụng thường xuyên, huấn luyện đạt từ 0,95 trở lên. Để có được kết quả đó, Lữ đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều biện pháp; trong đó chú trọng giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kỹ thuật đối với việc nâng cao khả năng cơ động, chiến đấu của xe tăng, thiết giáp. Thực hiện Nghị quyết 382/NQ-ĐUQSTW và Kết luận 763/KL-QUTW của Quân ủy Trung ương về tăng cường lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới, Đảng ủy Lữ đoàn đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lực lượng, kế hoạch sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật đúng quy định, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và khả năng bảo đảm; triển khai toàn diện các nhiệm vụ theo chỉ lệnh công tác kỹ thuật hằng năm. Trong đó, ưu tiên thực hiện đồng bộ vũ khí, trang bị theo kế hoạch của trên bảo đảm chất lượng; tích cực củng cố, cải tạo cơ sở hạ tầng khu kỹ thuật, nhà kho, trạm xưởng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào bảo quản, sửa chữa, khắc phục những hư hỏng của vũ khí, trang bị, v.v.

Cùng với đó, Lữ đoàn quan tâm thực hiện tốt công tác hậu cần, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, tạo cơ sở để nâng cao sức mạnh chiến đấu. Lữ đoàn thường xuyên bảo đảm đủ lượng dự trữ theo quy định về lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc men cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; thực hiện luân phiên, đổi hạt đúng quy định. Đồng thời, chủ động khắc phục khó khăn củng cố nơi ăn, ở, chú trọng phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; qua đó, bảo đảm quân số khỏe đạt trên 98,7%. Bên cạnh đó, Lữ đoàn luôn tích cực tăng gia sản xuất, chủ động tạo nguồn hậu cần tại chỗ ổn định, vững chắc. Hiện nay, các bếp ăn đều tự túc được 100% nhu cầu rau xanh, thịt, cá, giữ vững ổn định và từng bước cải thiện đời sống bộ đội. Do thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, nên từ năm 2010 đến 2015, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng 4 Bằng khen.

Phát huy truyền thống “Thần tốc, táo bạo, đã ra quân là đánh thắng”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 203 tiếp tục quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ và khả năng chiến đấu, thực hiện tốt vai trò là lực lượng đột kích chủ yếu của Quân đoàn chủ lực, cơ động; xứng đáng với danh hiệu đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đại tá NGUYỄN ĐỨC BỔNG, Lữ đoàn trưởng

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy truyền thống, Hải đoàn 128 thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng gắn với phát triển kinh tế
Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Hải đoàn đã quán triệt sâu sắc chủ trương, quan điểm của Đảng, sát cánh, đồng hành, phối hợp với cơ quan chức năng các địa phương: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,... làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.