Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 19/05/2014, 09:56 (GMT+7)
Tuyến vận tải chiến lược Trường sơn - đường Hồ Chí Minh - nét độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam
Đường Trường Sơn qua đèo Chư Poong, tỉnh Gia Lai (Năm 1974). (Ảnh tư liệu)

Ngày 19-5-1959, Đoàn 559 - Binh đoàn Trường Sơn được thành lập, để thiết lập tuyến vận tải chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam. Vượt lên mọi khó khăn gian khổ, hy sinh trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, tuyến vận tải chiến lược xuyên Trường Sơn đã đứng vững và không ngừng phát triển vươn ra khắp các chiến trường và trở thành biểu tượng độc đáo của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. 

Với quan điểm “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”1, là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tộc tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong đó, miền Bắc XHCN được xác định là hậu phương lớn và miền Nam là tiền tuyến lớn. Thực hiện chủ trương đó, ngay sau khi được thành lập, Đoàn 559 đã thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang bị, hàng quân nhu, quân lương,… và lực lượng chi viện từ miền Bắc cho miền Nam. Trước tình hình đó, đế quốc Mỹ đã triển khai chiến lược chiến tranh ngăn chặn, nhằm cắt đứt “nguồn sống” của cách mạng miền Nam. Chúng đã dùng các loại máy bay, từ không người lái, OV.10, L.19 (trinh sát chỉ điểm), đến máy bay tiêm kích, cường kích và B52 rải thảm bom tọa độ, cày xới hủy hoại mặt đường, phá hệ thống cầu cống, ngầm, đèo, đường ống xăng dầu, đường dây thông tin, trạm giao liên,… của ta bất kể ngày, đêm, mùa khô hay mùa mưa. Cùng với đó, địch còn sử dụng các loại thiết bị điện tử, “cây nhiệt đới”,… để phát hiện mục tiêu, thả chất độc hóa học hủy diệt các thảm cây xanh, các cánh rừng ngụy trang; gây mưa nhân tạo làm lầy lội mặt đường và phát sinh bệnh tật cho lực lượng ta. Thậm chí, chúng từng thiết lập hệ thống hàng rào điện tử Mác-na-ma-ra ở khu vực giới tuyến để ngăn chặn sự xâm nhập của ta. Không những thế, quân Mỹ và Quân ngụy Sài Gòn còn tiến hành các cuộc hành quân quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn hoặc lớn hơn, đánh vào các vị trí có ý nghĩa chiến lược trên hành lang Trường Sơn, để cắt đứt đường vận chuyển của ta2.

Tuy nhiên, bằng sức mạnh và ý chí quật cường của cả dân tộc: “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, “Sống bám trụ cầu, chết kiên cường dũng cảm”, “Xe chưa qua, nhà không tiếc”,… Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - không ngừng phát triển cùng sự phát triển của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ những “lối mòn” buổi khởi đầu, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã phát triển thành “Trận đồ   bát quái”, vươn tới khắp các hướng chiến trường3.

Cùng với đó, lực lượng đảm bảo cho tuyến vận tải chiến lược cũng không ngừng phát triển. Ban đầu chỉ là quy mô cấp tiểu đoàn (làm nhiệm vụ “xuyên sơn” soi đường), đến giai đoạn 1973 - 1975, đã phát triển tương đương cấp quân khu, biên chế gồm: Bộ Tham mưu và các cục (phòng không, công binh, vận tải, xăng dầu, chính trị, hậu cần), 9 sư đoàn (tổng cộng 42 trung đoàn); ngoài ra còn có 27 trung đoàn trực thuộc. Trên toàn tuyến đường, thường xuyên có khoảng 10 vạn cán bộ, chiến sĩ và hơn 01 vạn Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ4. Đó là chưa kể lực lượng Dân công hỏa tuyến và nhân dân các địa phương nơi có tuyến vận tải đi qua cùng tham gia vận chuyển. Có thể khẳng định, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - là minh chứng sống động về một quyết định lịch sử, về phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân (CTND) Việt Nam độc đáo, sáng tạo; được biểu hiện ở một số nội dung sau:

1. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - điểm hội tụ của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết quốc tế. Với lực lượng đa thành phần, gồm bộ đội chủ lực (Công binh, Vận tải, Phòng không, Thông tin,…), Thanh niên xung phong, Dân công hỏa tuyến và cả quân dân các địa phương nơi tuyến đường đi qua cùng tham gia mở đường, vận tải hàng hóa cho chiến trường, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ chí Minh - trở thành nơi hội tụ tiêu biểu của CTND Việt Nam. Theo phân định, mỗi đơn vị có chức năng, nhiệm vụ chuyên biệt, góp phần tạo nên một hệ thống dây chuyền vận hành liên hoàn, nhằm đảm bảo cho mỗi chuyến hàng được vận chuyển đến đích an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế sự phân định nhiệm vụ chỉ là tương đối, bởi chính những tình huống bất thường liên tiếp diễn ra. Điển hình như, việc khắc phục mặt đường ở các trọng điểm khi bom địch đánh phá; việc bốc dỡ hàng khi chuyển phương thức vận tải hoặc ngụy trang những xe hàng khi vượt qua những địa hình trống trải,… vấn đề thời gian đặt ra hết sức khẩn trương thì hầu như tất cả các lực lượng, thậm chí cả nhân dân tại chỗ trên địa bàn đều vào cuộc. Bởi mỗi người lính Trường Sơn đều ý thức sâu sắc rằng, mỗi cân gạo, viên thuốc đến viên đạn,… đều thấm đẫm mồ hôi, công sức, là tình cảm, là trách nhiệm của người dân hậu phương miền Bắc, của nhân dân các nước XHCN anh em gửi cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam, nên phải bảo vệ bằng bất cứ giá nào. Hơn nữa, để chuyển hàng tới chiến trường, bên cạnh phương tiện cơ giới, các lực lượng trên chiến trường còn thực hiện nhiều phương thức, như: gùi thồ, thuyền mảng, xe đạp thồ,… thậm chí cả dòng chảy của những sông suối đều được tận dụng triệt để. Nét độc đáo nữa của tuyến vận tải Trường Sơn là có những cung đường chạy trên đất bạn Lào và Cam-pu-chia, nên từ việc mở đường, bảo vệ đường, bảo vệ hàng và tham gia vận tải,… cũng có sự đóng góp công sức của quân và dân nước Bạn. Như vậy, Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - không chỉ là nơi hội tụ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là nơi thể hiện tình đoàn kết quốc tế sâu đậm.

2. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - nét độc đáo của thế trận CTND trong cuộc đọ sức sinh tử giữa ta và địch. Quyết ngăn chặn nguồn chi viện chiến lược của ta, chỉ trong 10 năm, kể từ khi ta tổ chức vận tải cơ giới đến khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, địch đã sử dụng 733.000 lần chiếc máy bay tiêm kích và cường kích, đánh 152.000 trận, trút xuống Trường Sơn gần 4 triệu tấn bom đạn. Ngoài ra, chúng còn mở 120 cuộc hành quân càn quét, nống lấn và tiến hành hoạt động biệt kích 1.235 vụ nhằm phá hoại tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn của ta. Mỹ đã biến Trường Sơn thành nơi thử nghiệm các chiến lược và thủ đoạn chiến thuật, cũng như các loại vũ khí, phương tiện kỹ thuật hiện đại nhất thời bấy giờ. Để giữ vững tuyến đường, bảo vệ an toàn cho mỗi chuyến hàng, một thế trận CTND được tạo lập bao gồm bộ đội, thanh niên xung phong, dân công và nhân dân trên địa bàn với hàng nghìn kho tàng, binh trạm, lán trại, trận địa chiến đấu,… Với thế trận CTND đó, các lực lượng trên tuyến đường có thể vừa đánh địch bảo vệ giao thông, khắc phục cầu, đường ở các trọng điểm địch đánh phá, vừa có thể bảo đảm mọi mặt tại chỗ (quân y, lương thực) cho các lực lượng vận tải trên tuyến đường. Đặc biệt, thế trận CTND ở Trường Sơn không chỉ tiêu hao, tiêu diệt địch rộng khắp, mà còn đối phó hiệu quả với lực lượng không quân và lục quân địch, bảo vệ hàng nghìn ki-lô-mét đường. Cùng với lực lượng phòng không chốt giữ yếu địa, lực lượng phòng không cơ động và các lực lượng khác có mặt ở Trường Sơn đã tạo nên lưới lửa phòng không nhiều tầng, nhiều lớp để đánh trả có hiệu quả không quân địch. Cũng nhờ thế trận này, mà các lực lượng từ bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và nhân dân trên tuyến đường đã đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh bại các cuộc hành quân càn quét, các thủ đoạn phá hoại của địch. Từ năm 1959 đến năm 1975, các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược này đã đánh 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên, bắt và gọi hàng trên 11.000 tên địch; bắn rơi 2.455 máy bay các loại, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch. Để có được thắng lợi to lớn đó, hơn 02 vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh, gần 03 vạn người bị thương, hàng ngàn người bị nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin là minh chứng cho sự ác liệt, gian khổ, hy sinh của các lực lượng trên tuyến đường.

3. Tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược của Đảng ta: giành thắng lợi từng bước tiến đến giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Để có thể đương đầu với tên đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn ta nhiều lần, chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và nghệ thuật quân sự Việt Nam. Phát huy những kinh nghiệm tác chiến của chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp và căn cứ vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã đề ra chủ trương chiến lược: “giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn”. Như vậy chúng ta có thời gian chuẩn bị thế, lực và thời cơ để đánh địch, giành thắng lợi. Theo đó, cách mạng miền Nam phải là cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, huy động sức mạnh cả nước. Trong điều kiện thực lực tại chỗ còn hạn chế thì miền Bắc - hậu phương lớn, cung cấp nhân lực, vật lực cho chiến trường miền Nam có ý nghĩa quan trọng, quyết định. Tuy nhiên, nguồn lực của miền Bắc sau kháng chiến chống Pháp cũng còn nhiều khó khăn; sự giúp đỡ viện trợ của bạn bè quốc tế cũng thực hiện từng bước,… Xuất phát từ thực tế đó, hầu hết các kế hoạch tác chiến chiến lược trên chiến trường miền Nam, đều gắn với vấn đề vận chuyển lực lượng, vũ khí và trang bị quân sự cho chiến trường - trực tiếp là thông qua tuyến vận tải Trường Sơn và được thực hiện theo kế hoạch với sự chủ động chuẩn bị hết sức chu đáo và thận trọng. Điển hình là, năm 1968, để bảo đảm cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân giành thắng lợi, ngay từ mùa khô năm 1967 - 1968, chỉ riêng vật chất, tuyến vận tải Trường Sơn đã chuyển 63.024 tấn hàng hóa cho các chiến trường và bảo đảm vật chất cho bộ đội hành quân đạt 31.054 tấn5; chuẩn bị cho cuộc Tiến công chiến lược 1972, trong mùa khô 1971 - 1972, đã vận chuyển tổng cộng 64.785 tấn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển lần lượt 413.450 tấn vũ khí và hàng hóa các loại6, trong đó có cả vũ khí hạng nặng, như: pháo cơ giới, xe tăng,... góp phần quan trọng, quyết định thực hiện thắng lợi chủ trương chiến lược giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh - vừa là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường trưởng thành, chiến thắng vẻ vang của tuyến đường chiến lược huyền thoại trong lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng của dân tộc, vừa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước và phát huy tinh thần cách mạng tiến công của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá, TS. NGUYỄN HUY THỤC
_____________

  1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG,    H. 2011, tr. 627.

2 - Tiêu biểu là: Cuộc hành quân Chen-la 1, Chen-la 2 với 25.000 quân đánh vào vùng ngã 3 biên giới, cuộc hành quân “Lam Sơn 719” của 42.000 quân Mỹ , ngụy  và gần 1.000 máy bay các loại, đánh vào đường 9 - Nam Lào.

3 - Mạng đường bộ, gồm: 05 hệ thống đường trục dọc, 21 đường ngang, đi qua địa bàn của hơn 21 tỉnh thuộc miền Trung - Nam Bộ và một phần nằm trên đất bạn Lào và Cam-pu-chia,… Trong 16 năm, Bộ đội Trường Sơn đã vận chuyển được hơn 1,5 triệu tấn hàng hoá và 5,5 triệu tấn xăng dầu…; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ cùng một khối lượng lớn binh khí kỹ thuật hiện đại cơ động vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương, bệnh binh (Đường Hồ Chí Minh - khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, Nxb QĐND, H. 2010, tr. 22).

4 - Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 534.

5 - Lịch sử Đoàn 559 Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, Nxb QĐND, H. 1999, tr. 287.

6 - Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị - Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước - Thắng lợi và bài học, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 318.

Ý kiến bạn đọc (1)

Hai
02/05/2017 18:22
Dở ẹt
Duynguyen
Quân tình nguyện Việt Nam - nòng cốt của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào
Ngày 30/10/1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Quân tình nguyện tại Lào, đánh dấu sự phát triển mới của liên minh đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Lào; đồng thời, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế.