Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Tư, 25/01/2017, 14:29 (GMT+7)
Sự sáng tạo trong tư duy quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo chính trị, quân sự tiêu biểu của Đảng, dân tộc và Quân đội. Trải qua nhiều cương vị, trong những bước ngoặt của cách mạng, Đồng chí không chỉ tỏ rõ tài năng của một nhà hoạt động chính trị kiệt xuất, mà còn là nhà chỉ huy quân sự mưu lược, tài trí, có tư duy quân sự sắc sảo, sáng tạo, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Bộ đội Không quân, năm 1967. (Ảnh tư liệu)

Năm 1950, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được điều vào Quân đội làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Phó Bí thư Tổng Quân ủy. Kể từ đây tài năng quân sự của Đồng chí được phát huy, đơm hoa, kết trái. Đồng chí đã cùng với Tổng Quân ủy, Bộ Tổng chỉ huy tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; phát triển nghệ thuật quân sự, tạo nền tảng nâng cao sức mạnh chiến đấu của bộ đội,... góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Đặc biệt, năm 1964, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, với cương vị Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, Đồng chí đã luôn nghiên cứu nắm vững lý luận, bám sát thực tiễn, đem hết sức lực, trí tuệ cống hiến cho Đảng, cho Tổ quốc và nhân dân, nhất là những tư duy khoa học về đánh giá kẻ thù; xác định cách đánh Mỹ và thắng Mỹ,… đã tạo dấu ấn sâu sắc cho cách mạng miền Nam, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nổi bật ở một số nội dung chủ yếu sau:

Một là, xây dựng “quả đấm chủ lực mạnh” làm nòng cốt đánh đòn quyết định, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị cử vào chiến trường làm Chính ủy Miền. Với kinh nghiệm tích lũy được từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp và xây dựng phong trào cách mạng, từ phân tích tình hình cách mạng miền Nam, nhất là giai đoạn cuối của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), Đồng chí cho rằng, nếu ta phát triển chiến tranh du kích dù đến đỉnh cao, nhưng chỉ đánh nhỏ thì không thể giành thắng lợi hoàn toàn được, trong khi đó “đối phương rất sợ khi thấy chủ lực ta xuất hiện”1. Vì thế, Đại tướng xác định phải có “quả đấm chủ lực mạnh” mới có thể đánh những đòn quyết định giành thắng lợi. Đại tướng viết: “Bây giờ du kích cũng quan trọng, bộ đội địa phương cũng quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là phải có chủ lực mạnh đủ sức tiêu diệt từng tiểu đoàn, trung đoàn chủ lực của địch”2. Vì vậy, trong khi tiếp tục đẩy mạnh phương châm đấu tranh “hai chân”, “ba mũi”, “ba vùng”, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh quan tâm xây dựng những “quả đấm chủ lực mạnh” của Quân giải phóng miền Nam, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Với chủ trương và quyết tâm đó, sau thắng lợi của các chiến dịch: Bình Giã (02-12-1964 – 07-3-1965), Ba Gia (28-5 – 20-7-1965), Đồng Xoài (10-5 – 22-7-1965), Sư đoàn 9 quân chủ lực Miền (B2) và Sư đoàn 3 (Quân khu 5) cùng nhiều đơn vị khác được thành lập, tạo cơ sở để xây dựng, phát triển thành các quân đoàn chủ lực ở giai đoạn quyết định của cuộc chiến tranh, góp phần “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và làm nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau này. Như vậy, quan điểm xây dựng “quả đấm chủ lực mạnh” trên chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự sáng tạo trong tư duy quân sự, góp phần phát triển nghệ thuật tác chiến, kết hợp chặt chẽ phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân địa phương với chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực. Đây là đóng góp lớn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Hai là, đánh giá đúng mạnh, yếu của địch, làm cơ sở phát huy tư tưởng chiến lược cách mạng tiến công trong cuộc đụng đầu với quân Mỹ. Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), Đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam, kết hợp tiến hành chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc hòng bóp nghẹt cách mạng miền Nam và giành thắng lợi trong vòng 18 tháng. Vấn đề đặt ra lúc này là, ta có dám đánh Mỹ không và làm thế nào để đánh thắng Mỹ trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Trong khi đó, không chỉ trong nước, mà một số nước xã hội chủ nghĩa cũng xuất hiện tâm lý sợ Mỹ, bày tỏ lo ngại Việt Nam không thể thắng Mỹ, chiến tranh Việt Nam sẽ phát triển thành chiến tranh thế giới, v.v. Phân tích tình hình, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “Việc Mỹ ồ ạt đưa vào miền Nam gần 20 vạn quân viễn chinh trong năm 1965 có nghĩa là Mỹ đã phải thú nhận là 50 vạn quân ngụy không còn có thể đương đầu nổi với cuộc chiến tranh nhân dân, như thế cũng có nghĩa là chiến tranh nhân dân ở miền Nam nước ta đã thắng “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ trong một giai đoạn mà chúng lấy quân ngụy làm chỗ dựa chủ yếu”3. Về quân đội Mỹ, trên cơ sở phân tích những điểm mạnh, điểm yếu và cả những mâu thuẫn chiến lược của chúng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã rút ra những kết luận rất quan trọng. Đó là, Quân đội Mỹ vào miền Nam là ở trong thế hoàn toàn bị động về chiến lược; Mỹ đông nhưng không mạnh (vì trước đó, báo chí phương Tây tuyên truyền bộ binh Mỹ được xếp là mạnh nhất thế giới) và điểm yếu chí mạng của chúng là tinh thần kém, tuy được trang bị vũ khí mạnh, có nhiều phương tiện,… nhưng sẽ khó phát huy ở địa hình chiến trường miền Nam, như “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”4. Hơn thế nữa, sự chỉ huy của Mỹ đang vướng một loạt vấn đề không dễ giải quyết. Đại tướng viết: “Vừa qua quân Mỹ đã mở một số trận phản công với kế hoạch khá công phu, nhưng thật ra không có một trận nào thắng lợi, chỉ có khó khăn và thất bại, thực tế chứng tỏ không những về chính trị và chiến lược, mà cả về chiến thuật, Mỹ cũng đang khủng hoảng”5.

Từ những phân tích, đánh giá trên, Đồng chí đã rút ra kết luận: Mỹ giàu nhưng không mạnh và dân tộc ta có đủ sức lực, trí tuệ để đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược. Đây là kết quả của tư duy khoa học, biện chứng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; tư duy đó đã trả lời cho câu hỏi lớn, có dám đánh mỹ không và đánh Mỹ bằng cách nào? Đặc biệt, nó đã khắc phục tư tưởng ngại Mỹ, sợ Mỹ, kịp thời động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trong cuộc đụng đầu lịch sử với kẻ thù. Đồng thời, đó còn là cơ sở quan trọng để Đảng ta xây dựng Nghị quyết Trung ương 11, 12, 13 (khóa III), xác định quyết tâm, đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực tế chứng minh, tư duy quân sự sáng tạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã thổi một luồng gió mới vào phong trào cách mạng miền Nam; thúc đẩy quân và dân ta anh dũng tiến lên, đánh thắng từng trận, từng chiến lược của Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân về nước.

Ba là, luôn chủ động đề xuất, chỉ đạo phương châm, cách đánh độc đáo, sáng tạo. Là người cán bộ có phong cách lãnh đạo, chỉ huy sâu sát, cụ thể, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn lấy thực tiễn chiến đấu của bộ đội và nhân dân làm cơ sở nghiên cứu, đề ra phương châm, cách đánh phù hợp để chỉ đạo hoạt động tác chiến của quân và dân trên chiến trường. Trong kháng chiến chống Pháp, mặc dù là cán bộ chủ trì công tác đảng, công tác chính trị toàn quân, nhưng Đồng chí luôn tìm tòi, nghiên cứu và có nhiều chỉ dẫn cho cán bộ, chiến sĩ về chiến thuật, cách đánh, lựa chọn mục tiêu hết sức độc đáo, sáng tạo, như: “khi có tàu bay, quân nhảy dù tiến công vào trận địa của mình, phải chú trọng quân địch dưới đất. Vì chỉ tàu bay trên trời, không giải quyết được sự thắng lợi”6; “Với tàu bay đề ra cho bộ đội biết là đã có bảo đảm. Đội dự bị ở đằng sau trận địa phải bắn lại phi cơ. Ở phía trước bộ đội phải tiến sát địch để tránh bom đạn tàu bay địch…”7, v.v. Đây là tư duy quân sự rất quan trọng, mở đường cho phương pháp tác chiến hợp đồng binh chủng sau này.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ thực tiễn những trận dám đánh Mỹ và thắng Mỹ ở Núi Thành (Quảng Nam tháng 5-1965), Vạn Tường (Quảng Ngãi tháng 8-1965), tiếp đến là các trận Bầu Bàng, Ia Đrăng,… Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đề xuất những tư tưởng mới: “Bắt Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta”, “nắm thắt lưng Mỹ mà đánh”, “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, v.v. Những tư tưởng đó, được quân và dân ta vận dụng sáng tạo, giành thắng lợi, hình thành những “vành đai diệt Mỹ” trên khắp các chiến trường, thậm chí ở ngay cửa ngõ Sài Gòn và các thành phố lớn, tạo cơ sở để quân và dân miền Nam giành thắng lợi lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, những nội dung sáng tạo trong tư duy quân sự của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thể hiện rõ phương pháp đánh giá, nhận định tình hình khoa học và biện chứng, tư duy của nhà lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh xuất sắc, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng về chiến tranh và quân đội; luôn gắn lý luận với thực tiễn, bám sát thực tiễn để tổng kết, đúc rút thành lý luận. Những tư tưởng đó, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được vận dụng vào thực tiễn xây dựng, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội nhân dân trong tình hình mới.

Trung tá HOÀNG VĂN TUYÊN, Học viện Khoa học Quân sự
_________________

1 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2009, tr 706.

2 - Sđd, tr 704.

3 - Nguyễn Chí Thanh – Những bài học chọn lọc về quân sự, Nxb QĐND, H. 1977, tr. 471.

4 - Sđd, tr. 472.

5 - Sđd, tr. 472.

6 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Nxb QĐND, H. 1977, tr. 17.

7 - Sđd, tr. 17.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.