Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Hai, 14/11/2016, 13:29 (GMT+7)
Nghệ thuật tạo lập thế trận trong Khởi nghĩa Ba Đình năm 1886

Khởi nghĩa Ba Đình (1886-1887) là một trong những cuộc khởi nghĩa thể hiện sâu sắc lòng yêu nước, tinh thần quật khởi, quyết tâm đánh giặc giữ nước của dân tộc ta. Tuy quân số ít, vũ khí trang bị thô sơ, nhưng với nghệ thuật tạo lập thế trận độc đáo, Nghĩa quân đã đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, khiến chúng phải khiếp sợ, khâm phục.

Hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân ta đã phát triển mạnh mẽ trên cả ba miền Bắc, Trung, Nam với nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra. Trong đó, nổi bật và gây thanh thế vang dội là khởi nghĩa Ba Đình do Phạm Bành, Đinh Công Tráng cùng với một số văn thân, sĩ phu lãnh đạo. Với tầm nhìn rộng và sự am hiểu binh pháp, địa thế, con người vùng đất xứ Thanh, các thủ lĩnh của Khởi nghĩa đã tổ chức tạo lập lên thế trận đánh địch có lợi, biến Ba Đình thành một pháo đài kiên cố, vững trong phòng thủ, lợi trong phản kích, đồng thời có thể bí mật cơ động lực lượng ra các nơi khi cần thiết. Với thế trận đó, chỉ bằng vũ khí thô sơ, chủ yếu là súng hỏa mai, chông tre, tên, nỏ,… Nghĩa quân đã kiên cường chiến đấu với đạo quân đông, thiện chiến, được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại, gây cho chúng tổn thất nặng nề. Mặc dù phải rút lui để bảo toàn lực lượng, nhưng cuộc Khởi nghĩa đã gây tiếng vang lớn, cổ vũ cho phong trào chống Pháp trên khắp cả nước và để lại cho nền nghệ thuật quân sự Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý; trong đó nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến là nét đặc sắc nổi bật.

1. Củng cố, phát huy “thế trận lòng dân” trên địa bàn, tạo sức mạnh to lớn cho cuộc khởi nghĩa. Căn cứ Ba Đình thuộc địa phận của ba làng: Mỹ Khê, Mậu Thịnh, Thượng Thọ (Nga Sơn, Thanh Hóa) - nơi nhân dân có truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm, nhất là trong ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp. Ngay khi được tin giặc Pháp đánh chiếm kinh thành Huế (ngày 05-7-1885) thì mạng lưới chống Pháp ở đây đã được thiết lập. Từ đồng bằng ven biển đến miền núi, nhân dân đều tích cực chuẩn bị cơ sở kháng chiến. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Nghĩa quân phát huy sự ủng hộ của nhân dân trong vùng cả về con người, tinh thần và vật chất cho cuộc Khởi nghĩa. Vì vậy, khi Đinh Công Tráng, Phạm Bành kéo quân về xây dựng căn cứ, các ông đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân trong vùng. Nhân dân địa phương không chỉ sẵn sàng dời bỏ nhà cửa, ruộng, vườn để xây dựng căn cứ, mà còn cung cấp lương thực, thực phẩm và các vật dụng cần thiết cho Nghĩa quân. Đặc biệt, các trai, gái khỏe mạnh trong các làng, sau khi xây dựng xong căn cứ còn tình nguyện ở lại gia nhập đội quân chiến đấu của Nghĩa quân, sẵn sàng đương đầu với kẻ thù và phục vụ tác chiến. Mặc dù khối lượng công việc lớn, quân số lại ít, vật liệu mang theo không có gì, nhưng được sự đóng góp nhiệt tình của nhân dân trong vùng, chỉ trong vòng một tháng, Nghĩa quân đã đào đắp xong hàng trăm công sự chiến đấu, hàng nghìn mét hào, luỹ nối thông các đồn với nhau, tạo thành hệ thống công sự hoàn chỉnh, vững chắc trong khu vực tương đối lớn. Để thu phục lòng người, các lãnh tụ Nghĩa quân thường xuyên gần gũi, giúp đỡ nhân dân xây dựng, động viên tinh thần đánh giặc; bày cách cho người dân nắm tin tức, cách đánh địch độc lập từ xa, v.v. Qua đó, tạo nên mạng lưới bảo vệ, hỗ trợ cho Nghĩa quân trong quá trình chiến đấu. Những “lũy thép ngầm” đó đã giúp đỡ Nghĩa quân với nhiều hoạt động, như: nắm tin tức, tung tin thất thiệt gây hoang mang cho địch, khua trống, mõ vào ban đêm để đánh lạc hướng và thị uy quân giặc, v.v. Nhờ đó, địch đi đến đâu cũng bị đánh, tiêu hao lực lượng, thiệt hại nặng nề ngay từ vòng ngoài, buộc phải lui quân. Sau trận thất bại đầu tiên, Trung tá Mét-din-ghê – chỉ huy cánh quân hướng Tây Nam thừa nhận: đã vấp phải sự kháng cự nhiều tầng, nhiều lớp của Nghĩa quân.

2. Tận dụng thế thiên hiểm của địa hình để xây dựng thế trận hiểm hóc liên hoàn, vững chắc, đối phó có hiệu quả các đợt tiến công của địch. Nằm cách tỉnh lỵ Thanh Hóa khoảng 40km về phía Đông Bắc, căn cứ Ba Đình nổi lên trên một vùng chiêm trũng giữa hai con sông (sông Hoạt và Chính Đại), phía trước nhìn ra hướng biển, phía sau có rừng núi bạt ngàn. Ba Đình không chỉ được các con sông bao bọc mà xung quanh còn được các ngọn núi (núi Thúc, Xa Liễu) che chắn và để quan sát địch từ xa. Vào mùa mưa, Ba Đình trở thành hòn đảo, càng khó tiếp cận. Tận dụng địa thế thiên hiểm đó, Nghĩa quân đã tổ chức thiết lập thế trận tác chiến vững chắc. Theo đó, căn cứ Ba Đình được bao bọc bởi một vòng thành (rộng từ 08m-10m và cao từ 03m-04m) xây bằng đất, có công sự chiến đấu xen kẽ. Trên mặt thành được xếp hàng nghìn sọt rơm trộn bùn với nhiều lỗ châu mai để quan sát và ngắm bắn. Dưới chân thành, Nghĩa quân cho cắm một vành đai cọc nhọn rộng chừng 50m (tầm ngang mặt nước). Phía ngoài bãi chông là lũy tre dày đặc che chắn toàn bộ công sự. Ngoài cùng là một rừng cọc tre cũng cắm tầm ngang mặt nước tựa như những giàn tên nhọn chọc thẳng lên trời. Với sự bố trí khéo léo, kín đáo này, nếu đứng bên ngoài quan sát sẽ rất khó phát hiện căn cứ Ba Đình. Điều đó đã gây cho địch bất ngờ khi thực hành tiến công. Nét đặc sắc của nghệ thuật tạo lập thế trận còn thể hiện ở chỗ: trong thành, Nghĩa quân bố trí ba đồn kiên cố, được xây dựng ngay trên vị trí của ba ngôi đình. Đó là đồn Thượng ở đình làng Thượng Thọ, đồn Trung ở đình làng Mậu Thịnh, đồn Hạ ở đình làng Mỹ Khê. Điều đáng nói là ba đồn này được kết nối liên hoàn, tiện quan sát và hỗ trợ nhau trong tác chiến. Cả ba làng đều được bố trí công sự chiến đấu, có hệ thống giao thông hào thông suốt và ngay cả khi hai trong ba làng bị chiếm thì làng còn lại vẫn độc lập chiến đấu hoặc chi viện phản kích. Ngoài ra, Nghĩa quân còn bố trí một số tiền đồn ở phía ngoài, như: Mã Cao, Hồ Sen, Thung Voi,… để có thể sẵn sàng vu hồi đánh địch. Đây cũng là điểm đặc sắc trong tạo lập thế trận của căn cứ Ba Đình. Với thế trận này, địch không thể tập trung lực lượng để tiêu diệt một làng và càng không thể cùng lúc đánh chiếm cả ba làng. Thực tế đã cho thấy, mặc dù địch mở nhiều cuộc tiến công trên nhiều hướng, với quy mô lực lượng có lúc lên tới hơn 3.530 tên, được trang bị vũ khí hiện đại nhưng đều thất bại. Thậm chí có thời điểm chúng tập trung lớn lực lượng, bao vây căn cứ liên tục trong hơn một tháng, nhưng vẫn không thể khuất phục được cuộc Khởi nghĩa. Căn cứ Ba Đình càng đánh, càng mạnh và trở thành trung tâm của phong trào kháng chiến rộng khắp của tỉnh Thanh Hóa. Nó như một ngọn cờ liên kết cả một mạng lưới thôn trang chiến đấu dày đặc bảo vệ mặt ngoài và hỗ trợ bên trong, khiến địch lúng túng, khiếp sợ.

3. Tổ chức chỉ huy và bố trí lực lượng tác chiến hợp lý, thực hành tác chiến linh hoạt. Trong điều kiện lực lượng ta ít, lại tác chiến trong phạm vi tương đối hẹp, nên việc tổ chức, bố trí lực lượng và các hoạt động tác chiến càng có vai trò rất quan trọng. Để nâng cao hiệu quả đánh địch, trong tổ chức lực lượng, các lãnh tụ Nghĩa quân đã phân công cụ thể từng thủ lĩnh chỉ huy các đồn1 theo một hệ thống chỉ huy thống nhất. Trong từng đồn lại chia thành 10 toán, mỗi toán do một hiệp quản chỉ huy; trong đó có các lực lượng bắn tỉa, giáp chiến, phản kích, v.v. Đồng thời, Nghĩa quân còn chú trọng tổ chức các tổ, toán nhỏ, lẻ làm nhiệm vụ nghi binh, bám trụ tiến công địch từ xa, như ở Đồng Tâm, Bù Quả, Thung Khoai,… buộc chúng phải phân tán đối phó. Để bảo đảm đánh địch được liên tục, dài ngày, Nghĩa quân còn tổ chức ra lực lượng tiếp tế, nuôi quân, tải thương, chăm sóc thương binh là những nữ thanh niên tình nguyện phục vụ nên đã duy trì sức mạnh cho Nghĩa quân chiến đấu. Với cách tổ chức lực lượng như vậy, Nghĩa quân vừa bảo đảm tính “chính quy”, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể, nên đã đạt được sự thống nhất về chỉ huy và hiệp đồng trong mọi tình huống chiến đấu.

Cùng với đó, hoạt động tác chiến của các lực lượng được Nghĩa quân tiến hành rất linh hoạt, tạo sự chuyển hóa thế trận nhịp nhàng, vững chắc. Theo đó, Nghĩa quân chủ động tổ chức đánh nhiều trận ở ngoài căn cứ, như: đánh đồn Tam Cao, đột nhập thủ phủ Ninh Bình, phục kích ở Nho Quan và các đoàn xe tiếp tế xung quanh Ba Đình,… nên đã làm chủ hoàn toàn tuyến Đường số 1. Sau này, viên Đại tá Brít-sô – chỉ huy cuộc tiến công Ba Đình phải thừa nhận: tất cả các đường giao thông trong vùng đều không còn bảo đảm. Điều đó đã lý giải vì sao kẻ địch tuy có quân đông, phương tiện, vũ khí hiện đại nhưng khi tiến công vào Ba Đình thì đều bị các lực lượng ta chặn đánh từ xa, lúc vào gần thì bị những tay cung thiện xạ với mũi tên tẩm độc nấp kín trong lũy tre tiêu diệt, khi bị sa lầy ở cánh đồng ngập nước thì ban đêm bị Nghĩa quân bí mật tập kích, khiến chúng tiêu hao lực lượng, tinh thần hoang mang cực độ, không thực hiện được ý định đề ra và chỉ khi Nghĩa quân chủ động rút đi địch mới đặt chân được vào căn cứ.

Là ngọn cờ đầu của phong trào chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX, khởi nghĩa Ba Đình đã để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu; đặc biệt là việc xây dựng các làng, xã chiến đấu đã được vận dụng phổ biến trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ sau này của nhân dân ta. Trong giai đoạn hiện nay, những bài học kinh nghiệm về xây dựng, phát huy “thế trận lòng dân”; tận dụng thế thiên hiểm của địa hình để xây dựng thế trận đánh địch hiểm hóc, liên hoàn, vững chắc; việc tổ chức, bố trí lực lượng hợp lý, rộng khắp,… của Khởi nghĩa Ba Đình vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục được nghiên cứu và vận dụng phù hợp trong xây dựng khu vực phòng thủ địa phương, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

______________       

1 - Nguyễn Viết Toại chỉ huy đồn Thượng, Đinh Công Tráng chỉ huy đồn Trung và Nguyễn Khế chỉ huy đồn Hạ.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.