Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 16/06/2016, 14:01 (GMT+7)
Nghệ thuật phối hợp ba thứ quân - nét đặc sắc trong chiến dịch Quang Trung (1951)

Với quyết tâm tiến xuống đồng bằng, tiêu diệt sinh lực địch, phá tan ngụy quân, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tranh thủ nhân dân, tháng 4-1951, quân đội ta mở chiến dịch Quang Trung, gây rúng động đội quân viễn chinh và chính giới Pháp. Mặc dù còn có mặt hạn chế, nhưng Chiến dịch đã để lại nhiều bài học có giá trị về nghệ thuật quân sự; trong đó, phối hợp chặt chẽ lực lượng ba thứ quân là nét đặc sắc tiêu biểu.

Thắng lợi to lớn của quân và dân ta trong Chiến dịch Biên Giới (10-1950) đã đưa cuộc kháng chiến sang giai đoạn mới - giai đoạn giành quyền chủ động, đẩy thực dân Pháp lâm vào thế bị động về chiến lược. Phát huy thắng lợi ở Biên Giới, ta liên tiếp mở hai chiến dịch tiến công: Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám, đánh mạnh vào phòng tuyến Trung du của địch, khiến chúng càng hoang mang, giao động. Để giành lại quyền chủ động trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp vội vàng xây dựng tuyến phòng thủ chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ. Thực hiện kế hoạch này, quân Pháp tập trung về đây một lực lượng lớn, gồm: 04 tiểu đoàn và 27 đại đội, bố trí rải rác ở 100 vị trí; cộng với 04 tiểu đoàn (02 tiểu đoàn ngụy) và 01 đại đội bộ binh, 03 đại đội biệt kích, 01 đại đội thủy quân lục chiến làm nhiệm vụ cơ động; được pháo binh, không quân chi viện. Trên cơ sở nghiên cứu nắm chắc tình hình mọi mặt, ngày 20-4-1951, Trung ương Đảng quyết định mở Chiến dịch Quang Trung (trên địa bàn các tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình), nhằm: tranh thủ thời gian trước mùa mưa, tập trung một bộ phận chủ lực tiến công quân địch trên chiến trường Hữu Ngạn Liên khu 3, để phá kế hoạch củng cố thế phòng ngự chiến lược của địch trên chiến trường Bắc Bộ1. Đây là lần đầu tiên ta mở chiến dịch tiến công quy mô tương đối lớn ở đồng bằng, xa căn cứ chính nên đã nảy sinh nhiều khó khăn mới, như: kinh nghiệm tác chiến, bảo đảm cơ động bí mật trên địa hình trống trải, địch kiểm soát gắt gao; vấn đề tiếp tế hậu cần, giải quyết thương binh, tử sĩ,… và khắc phục hỏa lực pháo binh, không quân - vốn là thế mạnh của địch. Song, với quyết tâm cao, cách đánh sáng tạo, nhất là nghệ thuật phối hợp chặt chẽ lực lượng của ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích), Chiến dịch đã giành “thắng lợi về cả quân sự lẫn chính trị”2 với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc, được thể hiện ở một số nội dung sau:

1. Phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Đây là nội dung rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Chiến dịch, nhất là khi ta tiến công ở địa bàn đồng bằng - nơi được coi là hậu phương mạnh nhất của địch. Để hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo Liên khu 3 và các đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho bộ đội và tăng cường công tác dân vận. Thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị mở đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh của Đảng. Từ đó, xây dựng quyết tâm chiến đấu cao, tinh thần sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ, hy sinh, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch chỉ đạo các đơn vị bộ đội chủ lực cử cán bộ có nhiều kinh nghiệm làm công tác dân vận, phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và dân quân du kích trên địa bàn, bí mật về từng địa phương vùng mới giải phóng, vùng đồng bào Công giáo, thậm chí cả vùng địch tạm chiếm để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và vận động nhân dân ủng hộ, đi theo kháng chiến. Lực lượng này đến từng nhà dân, chú trọng những gia đình theo Công giáo, gia đình có người thân ruột thịt đi lính cho thực dân Pháp để vận động họ trở về với chính nghĩa, về với cách mạng; đồng thời, tích cực đóng góp sức người, sức của cho Chiến dịch. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và lực lượng dân quân du kích còn chấp hành nghiêm kỷ luật quân dân, kỷ luật chiến trường; thực hiện tốt chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với những người lầm đường lạc lối, v.v. Những việc làm đó đã cảm hóa, lôi kéo được nhiều người trở về với cách mạng. Nhiều gia đình ngụy binh, vệ sĩ kéo lên đồn, nhà thờ, đòi bọn chỉ huy, cha cố phản động trả chồng, con, em của họ trở về làm ăn; hàng trăm linh mục, chánh trưởng, trùm đạo đều hướng về Cụ Hồ, hướng về kháng chiến; hàng trăm tên bảo hoàng, vệ sĩ đào ngũ chạy sang hàng ngũ cách mạng, v.v. Không những thế, việc phối hợp lực lượng ba thứ quân trong vận động quần chúng đã động viên được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia, làm cho lực lượng Chiến dịch ngày càng đông đảo. Nhân dân các tỉnh trong địa bàn Chiến dịch và địa phương lận cận nô nức đóng góp lương thực, thực phẩm, phương tiện phục vụ tác chiến. Chỉ trong thời gian ngắn, Chiến dịch nhận được 860 tấn lương thực, thực phẩm; hàng trăm con trâu, bò, lợn; hàng nghìn thuyền, bè; trên 15 vạn dân công từ các tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Hòa Bình. Ngoài ra, quân và dân các vùng lân cận cũng nhiệt tình đóng góp nhiều của cải khác để ủng hộ Chiến dịch. Như vậy, trong bối cảnh hết sức khó khăn của chiến trường, việc phối hợp huy động hậu cần tại chỗ của lực lượng ba thứ quân đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch. Đồng thời, mở ra khả năng to lớn về huy động hậu cần tại chỗ cho các chiến dịch tiếp theo, nhất là các địa bàn đông dân, nhiều của để phục vụ kháng chiến thành công.

2. Phối hợp tác chiến rộng rãi giữa ba thứ quân trên vùng đồng bằng rộng lớn. Do chiến dịch Quang Trung diễn ra ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều sông, ngòi, đồn bốt địch,… lại sắp vào mùa mưa nên gây cho ta nhiều khó khăn cả trong cơ động, triển khai và thực hành đánh địch. Để khắc phục khó khăn đó, Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã chỉ huy, điều hành chặt chẽ việc phối hợp giữa bộ đội chủ lực với bộ đội địa phương và dân quân du kích trong suốt quá trình tác chiến Chiến dịch. Theo đó, Chiến dịch đã mạnh dạn giao cho các đại đoàn phụ trách, chỉ huy các đơn vị bộ đội địa phương3 và phối hợp chặt chẽ với nhau để tiến công đồng loạt nhiều mục tiêu; tổ chức nhiều hoạt động quân sự cả trong và ngoài địa bàn Chiến dịch, nhằm ngăn chặn không cho viện binh địch lọt vào khu vực tác chiến. Bộ đội chủ lực còn kết hợp với bộ đội địa phương và dân quân du kích để trinh sát nắm chắc tình hình các mặt, nhất là đường cơ động, vị trí triển khai, các cung chặng bảo đảm và cách bố trí lực lượng, thủ đoạn,… của địch. Từ đó, xây dựng cách đánh, sử dụng lực lượng theo hướng: bộ đội chủ lực đột kích, thọc sâu đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự kiên cố; bộ đội địa phương cùng với một bộ phận của bộ đội chủ lực chặn đánh tiêu hao, tiêu diệt sinh lực địch ở mọi nơi, không cho chúng ứng cứu, chi viện, chú trọng diệt tề và ngụy binh; dân quân du kích tổ chức tác chiến quần lộn, phá tề, trừ gian, cảnh giới, dẫn đường, đảm bảo các phương tiện cơ động, v.v. Chính nhờ sự phối hợp này, các Đại đoàn: 308, 304, 320 đã vượt qua hàng trăm ki-lô-mét, lách qua vô số đồn bốt giặc để vào vị trí triển khai bí mật, an toàn. Cũng nhờ đó, chỉ sau 04 ngày đầu tác chiến, ta đã tiêu diệt, bức rút 26 đồn bốt tại hậu phương của chúng. Không những thế, sự phối hợp tác chiến chính quy của bộ đội chủ lực đánh công kiên các đồn bốt lớn ở phòng tuyến bên ngoài, với tác chiến du kích của bộ đội địa phương và dân quân du kích diệt tề, trừ gian ở trong phòng tuyến, đã phá tan một mảng lớn ngụy quyền địch; mở nhiều khu du kích mới ở Ninh Bình, Hà Nam, làm rạn nứt phòng tuyến sông Đáy, giành thắng lợi giòn giã về quân sự và chính trị trong đợt đầu Chiến dịch. Nét đặc sắc của nghệ thuật phối hợp ba thứ quân còn được thể hiện khi điều kiện tiếp tế và giải quyết thương binh gặp nhiều khó khăn, Chiến dịch đã biết phát huy vai trò của từng lực lượng, biết dựa vào dân và đoàn thể, chính quyền địa phương để vận chuyển hết số thương binh, vượt qua đồng chiêm, sông, ngòi,… về hậu phương an toàn, tạo sức mạnh tinh thần to lớn cho các chiến dịch tiếp sau.

3. Tổ chức, chuyển hóa hợp lý sự phối hợp ba thứ quân trong tác chiến bảo vệ mùa màng của nhân dân. Khi địch tăng cường lực lượng và hỏa lực để chi viện, gây bất lợi cho ta trên chiến trường, Bộ Chỉ huy Chiến dịch nhanh chóng, chủ động phát triển Chiến dịch theo hướng mới, có lợi cho ta. Đó là, đẩy mạnh chiến tranh du kích, bảo vệ mùa màng, củng cố và khuếch trương thắng lợi chính trị, phát triển ngụy vận, tranh thủ tiêu diệt thêm sinh lực địch. Thực hiện quyết tâm trên, Chiến dịch tiến hành điều chỉnh lực lượng, mỗi đại đoàn để lại 01 trung đoàn phối hợp với bộ đội địa phương, dân quân du kích hoạt động theo phương thức đánh nhỏ, tiếp tục tiêu hao, kiềm chế lực lượng địch, hỗ trợ cho các địa phương chống càn, phá tề, trừ gian, giữ vững và phát triển cơ sở. Theo đó, từ giữa tháng 6-1951, các đơn vị bộ đội chủ lực ở lại đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương và dân quân du kích thực hiện đánh nhỏ, ăn chắc với khẩu hiệu: “Khóa cổng bốt, bịt mũi súng, trói tay địch, đưa thóc về”. Các lực lượng đã tổ chức chặt chẽ, thay nhau bao vây đồn, bốt 24/24 giờ, không để chúng rảnh tay cướp, phá, cản trở nhân dân gặt hái. Ở nhiều nơi, du kích còn bí mật luồn vào cổng đồn gài mìn, lựu đạn, đặt chông, tăng cường bắn tỉa làm cho địch mất ăn, mất ngủ. Lợi dụng tình thế đó, bộ đội địa phương vừa đánh địch, vừa trực tiếp cùng nhân dân thu hoạch mùa màng. Ngoài ra, bộ đội chủ lực cùng với bộ đội địa phương và dân quân du kích thực hiện nhiều trận đánh ở hướng có lợi để thu hút địch về phía mình, tạo điều kiện cho nhân dân ở địa phương khác thu hoạch. Điển hình là các trận: Tiểu đoàn 122 (Đại đoàn 320) được dân quân du kích dẫn đường đột nhập Khu Cháy (Hà Đông) chặn đường vận chuyển của địch; Đại đội 195 (huyện Kim Sơn) cùng với dân quân du kích tiêu diệt đồn Tuy Lộc Hạ; bộ đội địa phương huyện Thanh Liêm cùng dân quân du kích tập kích đồn phố Cà, đánh địch nống lấn ra xung quanh, v.v. Như vậy, với sự phối hợp, giúp đỡ của lực lượng vũ trang ba thứ quân, nhân dân các địa phương tranh thủ thu hoạch đúng thời vụ và vận chuyển hàng trăm tấn thóc ra vùng tự do.

65 năm đã trôi qua, những nét đặc sắc về nghệ thuật phối hợp ba thứ quân của chiến dịch Quang Trung vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, trong điều kiện mới của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bài học kinh nghiệm quý báu đó cần tiếp tục được nghiên cứu, vận dụng, phát triển.

Đại tá PHẠM ĐỨC TRƯỜNG, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

________________

1 - Bộ Tổng tham mưu - Báo cáo kế hoạch tác chiến và tổng kết kinh nghiệm của các chiến dịch lớn, Tập 1, 1963, tr. 241.

2 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập luận văn **, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 247.

3 - Đại đoàn 308 chỉ huy bộ đội địa phương huyện Ý Yên và Vụ Bản; Đại đoàn 304 chỉ huy bộ đội địa phương tỉnh Ninh Bình, tiểu đoàn chủ lực tỉnh Thanh Hóa; Đại đoàn 320 chỉ huy bộ đội địa phương tỉnh Hà Nam.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.