Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Sáu, 19/06/2015, 09:23 (GMT+7)
Nghệ thuật phản công đánh bại gọng kìm vu hồi chiến lược của quân Nguyên - Mông năm 1285

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt lần thứ hai (năm 1285), quân Nguyên - Mông đã vận dụng kế sách vu hồi chiến lược, hy vọng sẽ nhanh chóng thôn tính được nước ta. Thế nhưng nó đã bị nghệ thuật chiến tranh nhân dân của nhà Trần đánh bại, bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự chủ cho dân tộc.

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ Ba
(năm 1285-1288) (Ảnh tư liệu)

Đầu năm 1285, sau khi đặt nền thống trị vững chắc ở Trung Hoa, nhà Nguyên càng muốn nhanh chóng thôn tính Đại Việt, với mưu đồ làm bàn đạp để xâm chiếm khu vực Đông Nam Á. Rút kinh nghiệm sau thất bại khi xâm lược Đại Việt lần thứ nhất (năm 1258), lần này nhà Nguyên đã tổ chức chuẩn bị rất kỹ lưỡng cả về lực lượng1 và lương thảo; đặc biệt, về phương thức tiến hành xâm lược đã có sự thay đổi với những thủ đoạn mới. Một mặt, lấy lý do mượn đường Đại Việt để đánh Chiêm Thành, nếu được chấp nhận sẽ là cơ hội thuận lợi để nhà Nguyên đưa quân vào xâm chiếm nước ta bất ngờ, ít tốn sức nhất, còn nếu bị từ chối, thì lấy đó làm “cớ hợp pháp” phát động chiến tranh xâm lược. Mặt khác, để bảo đảm chắc thắng cho cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ hai, ngoài việc sử dụng đạo quân chủ yếu gồm 40 vạn quân do Thoát Hoan chỉ huy tiến đánh từ phía Bắc xuống, nhà Nguyên còn tổ chức thêm một đạo quân khác do Toa Đô chỉ huy, đem 10 vạn quân từ Quảng Châu đi hải đạo sang đánh Chiêm Thành, làm cánh quân vu hồi chiến lược đánh thốc từ phía Nam lên, hình thành thế trận “hai gọng kìm” hòng kẹp chặt quân đội nhà Trần vào giữa để tiêu diệt. Sớm nhận rõ âm mưu “mượn Ngu, diệt Quắc” của địch, Vua tôi nhà Trần kiên quyết không cho mượn đường; đồng thời, đem quân đi phòng giữ các nơi xung yếu và truyền Hịch động viên toàn dân chống giặc. Tuy gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến do thế giặc đang mạnh, song dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài thao lược mưu trí của Bộ Thống soái Triều Trần cùng tinh thần đồng tâm quyết chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu chống các đợt tiến công của địch và từng bước đẩy chúng sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân của Đại Việt. Đồng thời, chủ động nắm chắc tình hình, khi thời cơ đến, vận dụng nhiều hình thức tác chiến thực hành tổng phản công mãnh liệt tiêu diệt và làm tan rã 50 vạn quân Nguyên - Mông, bảo vệ vững chắc độc lập, tự chủ cho dân tộc. Trong đó, nghệ thuật phản công bẻ gãy gọng kìm vu hồi chiến lược của Toa Đô là một trong những nét nghệ thuật đặc sắc.

1. Nắm chắc tình hình, quyết định thời cơ phản công chính xác theo tư tưởng “lấy sức nhàn thắng sức mỏi”. Sau khi nhận được dụ chiếu của vua Nguyên, Toa Đô lập tức đốc rút dẫn quân từ phía Nam tiến đánh ra Bắc Đại Việt và phối hợp với quân tiếp ứng của Thoát Hoan do Ô Mã Nhi chỉ huy tìm diệt quân chủ lực đối phương và truy sát vua Trần. Tuy bước đầu giành chiến thắng trong một số trận chiến với quân đội nhà Trần ở Nghệ An, nhưng khi tiếp tục tiến đánh ra phía Bắc thì bị quân nhà Trần do Trần Quang Khải chỉ huy tổ chức chốt giữ ở các vị trí hiểm yếu trên đường bộ kiên quyết phòng thủ, chặn đứng bước tiến và giam chân giặc tại chỗ, đẩy chúng vào tình thế bị động lúng túng, tiến không được, mà lương thảo nuôi quân thì ngày một cạn kiệt. Trước tình hình đó, buộc Toa Đô cùng Ô Mã Nhi dẫn quân xuống thuyền vượt biển ra Bắc để hợp binh với Thoát Hoan nhằm thực hiện kế hoạch ỷ giốc. Trên cơ sở nắm chắc diễn biến tình hình mọi mặt trên cả phía Bắc và phía Nam, nhất là khi có tin báo tình hình về cánh quân của Toa Đô rút ra Bắc theo đường thủy, Bộ Thống soái nhà Trần nhận định, thời cơ phản công tiêu diệt cánh quân vu hồi chiến lược giặc Nguyên - Mông đã tới: “Toa Đô tự Chiêm Thành trở ra, qua vùng Ô Lý (Thuận Hóa), Hoan (Nghệ An), Ái (Thanh Hóa), đường sá gập ghềnh, quân sĩ vất vả, nay lại vượt biển ra Bắc, thì sức lực cũng đã mỏi mệt. Vậy nên sai một tướng đem quân ra đón đường mà đánh thì chắc phá được”2. Thực tiễn cho thấy, do đạo quân của Toa Đô hành quân liên tục từ xa tới, vốn đã mệt mỏi, lại thiếu lương ăn, cộng thêm thời tiết nắng nóng của mùa hè thêm phần sức kiệt. Khi quân Trần, do Trần Nhật Duật chỉ huy cùng tướng quân Trần Quốc Toản và Nguyễn Khoái, được lệnh đón đường và bất ngờ tiến công chặn đánh đạo quân của Toa Đô tại bến Hàm Tử đã làm giặc thua to chết hại rất nhiều, buộc chúng phải rút quân ra ở cửa Thiên Trường. Như vậy, nhờ việc thường xuyên nắm bắt tình hình cùng với sự phân tích khoa học, Bộ Thống soái nhà Trần đã biết đưa ra quyết định chính xác, tận dụng tốt thời cơ tiến công tiêu diệt giặc trên thế mạnh, “lấy quân nhàn đánh quân mệt mỏi”. Điều đó, không chỉ giúp quân đội Đại Việt chuyển nhanh từ thế cầm cự phòng ngự sang phản công tiến công, lần lượt giành thắng lợi lớn ở Hàm Tử Quan, tiếp đến trên sông Thiên Mạc (Hưng Yên) và kết thúc bằng chiến thắng giòn giã trong trận Tây Kết, bẻ gãy hoàn toàn cánh quân vu hồi chiến lược của Toa Đô, góp phần to lớn vào chiến thắng tiêu diệt đạo quân chủ yếu của Thoát Hoan, kết thúc chiến tranh.

2. Kiên quyết chặn đánh từng bước, tiêu hao sinh lực địch, không cho giặc hợp quân, tiến tới bao vây, cô lập gọng kìm vu hồi chiến lược của giặc. Để thực hiện kế hoạch “hai gọng kìm”, Toa Đô dẫn quân vượt biển sang xâm lược Chiêm Thành, rồi từ đó củng cố lực lượng, tích lũy thêm lương thảo… làm bàn đạp tiến đánh Đại Việt từ phía Nam. Song ý đồ đó đã không đạt được, khi quân Chiêm Thành chiếm giữ được những đường hiểm yếu chống trả quyết liệt, buộc chúng phải chuyển thực hiện mục đích chính làm đạo quân vu hồi từ phía Nam tiến đánh Đại Việt trong điều kiện lương thảo dự trữ không được bổ sung, lực lượng cũng bị tổn thất sau các cuộc giao chiến với quân nước Chiêm. Từ Quảng Bình, Toa Đô kéo quân ra kết hợp với quân tiếp viện của Ô Mã Nhi từ ngoài biển tiến vào thực hành đánh chiếm Nghệ An. Trước thế giặc mạnh, Trần Quang Khải lui ra mặt ngoài, tập trung lực lượng chốt giữ những vị trí hiểm yếu, kiên quyết không cho giặc vượt qua. Sau nhiều lần tiến công đánh mãi không được, trong khi lương thảo mang theo ngày càng cạn kiệt, lương thảo cướp được của dân thì không là bao3. Ý định nhanh chóng chiếm Nghệ An không xong, Toa Đô kéo quân ra Thanh Hóa. Tại đây, cuộc chiến đấu chống giặc của quân, dân Thanh Hóa rất kiên cường. Khi Toa Đô thúc quân đến Bố Vệ, nhân dân trong vùng nổi lên đánh giặc. Văn bia Chùa Hưng Phúc (Quảng Xương, Thanh Hóa) có ghi: Hữu tướng giặc là Toa Đô tiến quân vào Hương này. Ông (Lê Mạnh) đem người trong Hương ra chặn giặc ở bến Cổ Bút. Hai bên đánh nhau, giặc cơ hồ không rút chạy được. Trước tình thế nguy ngập, Toa Đô bèn bàn với Ô Mã Nhi tìm đường hội quân với đạo chủ yếu của Thoát Hoan để dễ bề tiến thoái. Nắm được ý đồ của giặc, Bộ Thống soái nhà Trần kịp thời chỉ đạo quân đội kiên quyết ngăn chặn, chia cắt hai đạo quân giặc không cho chúng hợp binh, từ đó bao vây, cô lập tạo thời cơ thực hành tiến công tiêu diệt từng cánh quân, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân giặc. Vì thế, khi đạo quân Toa Đô rút quân vượt biển ra Bắc đã liên tiếp bị quân và dân nhà Trần ngăn chặn, chia cắt không cho chúng có cơ hội hợp binh với Thoát Hoan, từng bước đẩy chúng vào thế cô lập, sinh lực bị tiêu hao ngày càng nhiều, tinh thần tướng sĩ giặc hết sức hoang mang, mà tình hình về đạo quân chủ yếu vẫn bặt vô âm tín. Nên khi bị quân đội nhà Trần bao vây và thực hành tiến công ở Tây Kết, quân giặc đã nhanh chóng tan rã và thất bại.

3. Kết hợp chặt chẽ đánh bại ý chí, tinh thần quân giặc với tiến công quân sự bẻ gãy gọng kìm vu hồi, góp phần giải phóng đất nước. Đạo quân của Toa Đô, tuy có phần bị xuống sức do phải hành quân và tác chiến liên tục dài ngày, song thực chất đây vẫn là một cánh quân mạnh và nguy hiểm. Nếu tiêu diệt bẻ gãy cánh quân vu hồi này sẽ tạo ra sự đột biến lớn có lợi cho ta tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến. Vì vậy, mặc dù thời cơ chiến lược phản công - tiến công là rất lớn, nhưng để hạn chế tổn thất của ta, trước mỗi trận giáp chiến với đạo quân của Toa Đô, quân đội nhà Trần luôn định ra những kế sách sắc sảo, nhằm hạn chế thấp nhất sở trường kỵ binh của giặc, đi sâu khai thác, tận dụng hiệu quả những điểm yếu cố hữu của chúng. Trong đó, đánh vào ý chí, tinh thần quân giặc được nhà Trần khai thác triệt để và trở thành yếu tố quan trọng góp phần to lớn vào chiến thắng trong các trận tiến công tiêu diệt giặc. Điều này được thể hiện rõ, khi ngay trong trận đầu ra quân tiến công đạo quân của Toa Đô trên bến Hàm Tử, Trần Nhật Duật đã cho bọn Triệu Trung4 mặc áo đeo cung, mang cờ hiệu Tống xung trận, giặc Nguyên thấy vậy vô cùng sửng sốt, tinh thần hoảng sợ, vì ngỡ rằng nhà Tống đã khôi phục, đem quân sang giúp Đại Việt. Cùng với đó, quân Trần còn dùng kế ly gián, bắn tin sang quân Nguyên nói rằng “Sát Thát” (nghĩa là giết quân Mông Cổ) chứ không đánh người Hoa, khiến nhiều tướng sĩ người Hoa trong quân Nguyên không tận lực chiến đấu hoặc trở giáo sang hàng nhà Trần. Trong trận chiến quyết định số phận đạo quân của Toa Đô ở Tây Kết, quân đội nhà Trần cũng sử dụng kế sách này rất hiệu quả, bằng việc thông tin cho giặc biết tình hình về đạo quân chủ yếu của Thoát Hoan hiện tháo chạy khỏi Thăng Long, đã giáng một đòn mạnh vào tinh thần của một đạo quân vốn đã mệt mỏi, làm cho tinh thần tướng sĩ giặc bị suy sụp hoàn toàn. Kế hoạch hợp quân của tướng giặc bị sụp đổ, dẫn đến đội hình giặc rã rời không còn bụng dạ nào để chiến đấu. Nhờ vậy, khi ta thực hành tiến công, thì một hiện tượng hiếm thấy trong quân đội Nguyên - Mông đã xảy ra, đội quân Nguyên do Tổng quản Trương Hiển chỉ huy nhanh chóng xin đầu hàng tại trận; đa phần quân giặc đều chống cự yếu ớt. Do đó, chỉ trong thời gian ngắn chiến sự diễn ra, quân giặc đã bị thiệt hại rất lớn. Toa Đô bị giết, hơn nửa lực lượng của chúng bị tiêu diệt. Ô Mã Nhi cùng với một số tàn binh tháo chạy vào Thanh Hóa, nhưng bị quân ta đánh đuổi, ngặt quá phải một mình lẻn xuống chiếc thuyền con trốn được về nước. Vậy là, với mưu lược tài giỏi của Bộ Thống soái nhà Trần trong vận dụng đòn đánh vào tinh thần kết hợp với tiến công quân sự mãnh liệt, đã làm tan rã và bẻ gãy hoàn toàn đạo quân vu hồi chiến lược của giặc Nguyên. Kế hoạch “hai gọng kìm” của giặc bị đập tan, tạo thời cơ lớn để quân đội nhà Trần tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt và làm tan rã đạo quân chủ yếu của Thoát Hoan, giải phóng đất nước.

Ngày nay, nghệ thuật chiến tranh có sự phát triển mới, vu hồi chiến lược đã mở rộng biên độ, vì địch không chỉ đơn thuần dùng thủ đoạn vu hồi bằng đường bộ, đường thủy mà còn vu hồi bằng đường không trong chiến tranh xâm lược. Và hơn thế, chúng còn không chỉ thực hiện vu hồi về quân sự, mà còn vận dụng những đòn vu hồi chiến lược về kinh tế, chính trị, ngoại giao, truyền thông… nhằm khoét sâu những xung đột nội bộ làm cho đối phương rối loạn. Do đó, cùng với những nhận thức mới về vu hồi chiến lược, bài học bẻ gãy đòn vu hồi chiến lược năm 1285 của quân, dân nhà Trần trước giặc Nguyên - Mông xâm lược vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN ĐỨC THANH
________________

1 - Số lượng quân được nhà Nguyên huy động trong lần xâm lược lần thứ hai lên đến 50 vạn (gấp khoảng 10 lần so với lần xâm lược thứ nhất).

2 - Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược,  Nxb Văn học, H. 2012, tr. 151, 152.

3 - Vì nhân dân Nghệ An đã triệt để chấp hành mệnh lệnh của Triều đình, thực hiện “vườn không, nhà trống” hoặc chiến đấu quyết liệt không cho giặc tự do cướp bóc.

4 - Triệu Trung là tướng của nhà Tống, sau khi bị mất nước đã sang quy phục nước ta, được Trần Nhật Duật dung nạp và cho làm gia tướng.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.