Nghiên cứu - Tìm hiểu Lịch sử Quân sự Việt Nam

QPTD -Thứ Năm, 17/12/2015, 15:07 (GMT+7)
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - ngọn cờ đoàn kết, cách mạng chiến thắng của miền Nam đã làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những năm 1959 - 1960, dưới ách đô hộ, kìm kẹp của chính quyền Ngô Đình Diệm, phong trào Đồng Khởi của nhân dân miền Nam phát triển mạnh mẽ, làm chủ nhiều thôn, xã, mở ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam. Cục diện đó đòi hỏi phải có một tổ chức chính trị thích hợp và có uy tín, nhằm tập hợp, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, mọi lực lượng yêu nước, đưa cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân miền Nam giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn. Từ nhu cầu thực tiễn đó, ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Đại hội đại biểu các giai cấp, các tôn giáo, dân tộc toàn miền Nam đã quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Quyết định đó thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược của Đảng ta đối với cách mạng miền Nam. Sự ra đời của Mặt trận đã góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vai trò đó được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:

1. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã đoàn kết mọi lực lượng yêu nước ở miền Nam, làm cơ sở để thực hiện cách mạng giải phóng dân tộc. Trong suốt quá trình hoạt động, Mặt trận đã giương cao ngọn cờ đoàn kết các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, dân tộc, đảng phái, đoàn thể, tôn giáo và thân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị để đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai. Mặt trận chủ trương đoàn kết rộng rãi các lực lượng, nhằm bảo vệ độc lập, dân chủ, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc. Đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo và phù hợp với thực tiễn cách mạng miền Nam lúc bấy giờ. Bằng nhiều biện pháp, Mặt trận đã đi sâu tuyên truyền, giáo dục cho các tầng lớp trong xã hội thấy rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân miền Nam; nhận rõ bộ mặt thật của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; từ đó, vận động, hướng dẫn họ đứng vào mặt trận chống Mỹ, cứu nước, thông qua các hình thức đấu tranh: bãi công, bãi thị, mít tinh, v.v. Mặt trận còn xây dựng cơ sở cốt cán trong hàng ngũ trí thức, công chức, nhân sĩ, già làng; nắm lực lượng binh lính, dân vệ ở các dinh điền, buôn, ấp, vận động họ trở về với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân. Đặc biệt, các thành phần cốt cán của Mặt trận còn đi sâu, bám sát phong trào đấu tranh cách mạng, xây dựng căn cứ kháng chiến, “lõm chính trị” vùng địch hậu; phát động phong trào phá ấp chiến lược, giải phóng nông thôn. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, hội viên tham gia Mặt trận phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng; nếu năm 1961, Mặt trận chỉ có gần 40 vạn hội viên, đến năm 1962 đã tăng lên hàng triệu người. Mặt trận trở thành tâm điểm thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân có chung nguyện vọng hòa bình, giải phóng miền Nam. Dưới ngọn cờ đoàn kết của Mặt trận, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng và củng cố: đến cuối năm 1965, có 4/5 diện tích đất đai của miền Nam và với hơn 10 triệu dân.

Cùng với tập hợp lực lượng, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, các tổ chức thành viên như: Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng; Hội Nông dân giải phóng; Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng; Hội Lao động giải phóng,… đã nhanh chóng ra đời. Các Ủy ban Mặt trận, các ban tự quản nhân dân ở các địa phương được thành lập, ra mắt nhân dân và hầu hết các xã thuộc vùng giải phóng, vùng tranh chấp đều có cơ sở của Mặt trận. Hệ thống Ủy ban Mặt trận các cấp vừa là nơi tập hợp, đoàn kết các giới, các dân tộc, tôn giáo, các thành phần chính trị ở địa phương, vừa làm nhiệm vụ xử lý những công việc của các đơn vị hành chính kháng chiến, giữ gìn trật tự trị an, hướng dẫn quần chúng sản xuất, học tập,... và tiến hành nhiều biện pháp như: chia ruộng1, giảm tô, xóa nợ. Với thực tế đó, Mặt trận tồn tại như một chính thể và Ủy ban Trung ương Mặt trận hoạt động như một chính phủ lâm thời, đại diện cho các vùng thuộc quyền kiểm soát, quản lý của mình. Trước sự phát triển mạnh mẽ của Mặt trận và cách mạng miền Nam, Trung ương Cục đã ra Chỉ thị 13-CTNT, ngày 25-5-1968 về đổi tên Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng các cấp thành Ủy ban nhân dân cách mạng. Tiếp đó, từ ngày 06 đến ngày 08-6-1969, Đại hội đại biểu Quốc dân ở miền Nam đã quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, tạo vị thế chính trị mới cho phong trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ và chế độ ngụy quyền Sài Gòn.

2. Đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị; tăng cường triển khai các hoạt động đối ngoại, tạo sức mạnh tổng hợp cho cách mạng miền Nam. Thực hiện Cương lĩnh và Chương trình 10 điểm, phối hợp với hoạt động tác chiến của lực lượng vũ trang, Mặt trận đã lãnh đạo, tổ chức nhân dân đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị rộng khắp, sôi nổi trên cả ba vùng chiến lược, với nhiều hình thức, biện pháp thích hợp. Theo đó, Mặt trận đã động viên đông đảo quần chúng, các giới, các lực lượng tham gia chống địch càn quét, khủng bố, cô lập và tiêu diệt bọn đầu sỏ, ác ôn, vận động hàng vạn binh sĩ, nhân viên ngụy quyền về với nhân dân. Chỉ tính từ năm 1961 đến năm 1969, đã có hơn 140 triệu lượt đồng bào tham gia đấu tranh chính trị với nhiều phong trào tiêu biểu, như: phong trào đấu tranh của đồng bào Phật giáo cuối năm 1963, 3 vạn đồng bào thành phố Đà Nẵng tuần hành kết hợp với bãi chợ, bãi khóa ngày 24-8-1964, v.v. Điều đáng nói là phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam không những phát triển ở nông thôn, mà còn phát triển mạnh mẽ, rộng khắp ở các đô thị miền Nam. Phong trào đấu tranh đó làm cho ngụy quyền tay sai lung lay tận gốc rễ, làm rối loạn tận sào huyệt của Mỹ, tạo điều kiện để đồng bào ta diệt ác ôn, phá kìm kẹp, giành quyền làm chủ ở nhiều địa phương, khu vực.

Cùng với đấu tranh chính trị và trên cơ sở quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Mặt trận đã triển khai các hoạt động đối ngoại nhằm tăng cường đoàn kết, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Với nhiều chính sách, biện pháp đúng đắn, phù hợp, Mặt trận đã hướng mọi hoạt động đối ngoại vào việc cô lập triệt để đế quốc Mỹ, phân hóa hàng ngũ kẻ thù; tăng cường đoàn kết với các lực lượng dân tộc, dân chủ, xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đấu tranh với hành động xâm lược tàn bạo của đế quốc Mỹ. Nhờ đó, phong trào đoàn kết và ủng hộ nhân dân Việt Nam được dấy lên mạnh mẽ trên thế giới; uy tín của Mặt trận không ngừng được nâng lên. Từ năm 1961 đến năm 1967, đã có 139 đoàn đại biểu của Mặt trận đi dự các hội nghị quốc tế, khu vực và có 191 đoàn đại biểu nhân dân miền Nam đi thăm hữu nghị các nước. Có thể nói, chủ trương đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt của Mặt trận đã góp phần khơi dậy các phong trào đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên thế giới “chống Mỹ, ủng hộ Việt Nam”. Qua đó, tranh thủ tất cả các lực lượng có thể tranh thủ, thu hút rộng rãi hơn những tầng lớp và cá nhân có khuynh hướng hòa bình trung lập, cô lập Mỹ - ngụy. Đây là nguồn động viên, cổ vũ lớn lao, góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

3. Tích cực tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng hậu, làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân để đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ. Trên cơ sở Cương lĩnh và Chương trình hành động đã xác định, Mặt trận tích cực tập hợp lực lượng, tiến hành xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang nhân dân; tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, chống lại sự can thiệp của Mỹ, chính quyền Sài Gòn và các đồng minh của Mỹ. Đây là bước phát triển mới, sáng tạo của Mặt trận, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Theo đó, Mặt trận đã tổ chức vận động, giác ngộ nhân dân, nhất là lực lượng chính trị quần chúng tham gia lực lượng vũ trang ba thứ quân, đặc biệt là tham gia các đội vũ trang tự vệ, dân quân du kích, vừa sản xuất, vừa chiến đấu; các đoàn thể đẩy mạnh xây dựng xã chiến đấu, phát triển lực lượng du kích, tự vệ, biệt động, tổ chức đánh địch mọi lúc, mọi nơi, v.v.

Đầu năm 1961, đế quốc Mỹ tăng cường can thiệp vũ trang vào miền Nam. Chúng thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt” với thủ đoạn dùng người Việt đánh người Việt bằng đô la và cố vấn Mỹ; xây dựng, triển khai kế hoạch "ấp chiến lược" hòng tách rời nhân dân ra khỏi lực lượng của Mặt trận. Trước tình hình đó, Uỷ ban Trung ương lâm thời Mặt trận kêu gọi nhân dân miền Nam tập trung mọi nỗ lực, kiên quyết đánh thắng “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và quân đội Sài Gòn. Theo đó, lực lượng vũ trang miền Nam nhanh chóng phát triển từ các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích, lên các tiểu đoàn, trung đoàn, sư đoàn chủ lực; từ tác chiến du kích tiến lên tác chiến lớn bằng các đơn vị chủ lực; từ những trận có tính chất thăm dò tiến tới đánh thắng những trận then chốt, quyết định, đập tan các chiến lược, chiến thuật quân sự của Mỹ, như: chiến thắng Núi Thành, Ba Gia, Bầu Bàng, Plâyme, v.v. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận, các tầng lớp nhân dân miền Nam đã phối hợp chặt chẽ với hoạt động tác chiến của Quân giải phóng, tiến hành nhiều hình thức đấu tranh bằng “hai chân, ba mũi, ba vùng”, kết hợp đấu tranh trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao; kết hợp tiến công và nổi dậy, tổng khởi nghĩa, tổng tiến công,… tạo ra sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân, đánh bại từng chiến lược chiến tranh, tiến lên đánh bại hoàn toàn chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.

Sự ra đời và hoạt động hiệu quả của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Mặt trận đối với cách mạng miền Nam; qua đó, khẳng định đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta. Sự ra đời đó đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và khát vọng cháy bỏng của nhân dân hai miền vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong 16 năm thực hiện sứ mệnh lịch sử giao phó (20-12-1960 – 31-01-1977), Mặt trận đã khẳng định vai trò to lớn trong việc tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng, xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của dân tộc.

Đại tá, TS. NGUYỄN THÀNH HỮU
_______________

1 - Đến hết năm 1965, chính quyền cách mạng đã chia 70% diện tích canh tác cho nông dân không có ruộng.

Ý kiến bạn đọc (0)

"Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" năm 1964 và bài học Chiến thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc
Ngày 05-8-1964, với việc dựng lên “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Song, chúng đã bị quân và dân miền Bắc giáng trả những đòn thích đáng, với những nét nghệ thuật đặc sắc.