Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Chủ Nhật, 05/02/2012, 14:21 (GMT+7)
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế - từ thực tiễn 5 năm Việt Nam là thành viên của WTO

 

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ luôn là yêu cầu cơ bản đối với nước ta, nhất là trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 đã xác định một trong năm quan điểm phát triển là: “xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng”1. Bài viết sau đây góp phần phân tích vấn đề đó, từ thực tiễn 5 năm Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).


Ảnh mang tính minh họa. (nguồn: Internet)

Sau 11 năm kiên trì đàm phán và tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết, ngày 11-01-2007, Việt Nam đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO. Đó là thời điểm đánh dấu sự khởi đầu của một quá trình mới - Việt Nam tham gia vào nền kinh tế toàn cầu bình đẳng với tất cả các thành viên khác của tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Động lực chính khi gia nhập WTO của Việt Nam là nhằm tìm kiếm nhiều cơ hội trong tiếp cận thị trường thế giới, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế…, tạo tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của quốc gia, như: tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân…, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ (ĐL,TC).

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, vào nửa cuối 2008, khủng hoảng tài chính khởi nguồn từ Mỹ đã lan rộng, trở thành một cuộc khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu với mức độ tàn phá nặng nề nhất trong nhiều thập kỷ qua. Đến nay, cuộc khủng hoảng vẫn diễn biến phức tạp, chưa đi đến hồi kết. Nền kinh tế thế giới có những bất ổn và rủi ro. Rủi ro của hệ thống thương mại toàn cầu vẫn có nguy cơ bùng phát và để lại hậu quả nghiêm trọng cho các quốc gia. Những mất cân đối trong lưu chuyển vốn, hàng hóa giữa các quốc gia là mầm mống của một cuộc “chiến tranh tiền tệ”. Lạm phát cao ở nhiều nước, giá cả dầu thô, nguyên liệu... diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng cao; cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt...

Tình hình trên đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế nước ta. Ngay trong năm 2007, giá cả và lạm phát tăng cao ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống. Việt Nam “nhập khẩu lạm phát” do giá cả các mặt hàng trên thế giới tăng cao. Ngoài ra, từ năm 2007 đến nay, các loại thiên tai: bão, lũ lụt, rét đậm, rét hại,… ở nhiều vùng, nhiều tỉnh, thành phố trong nước đã gây thiệt hại nhiều về người và của, để lại nhiều hậu quả nặng nề về môi trường sinh thái.

Về hoạt động xuất nhập khẩu. Trong suốt 25 năm đổi mới, nhất là từ năm 1991 trở lại đây, các mối quan hệ hợp tác quốc tế được củng cố và phát triển. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới và khẳng định vị thế cạnh tranh quốc tế. Việc chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các hiệp định thương mại song phương, đa phương, gia nhập WTO đã tạo điều kiện phát huy tốt hơn những thế mạnh và tạo ra thế và lực phát triển cho đất nước. Trong giai đoạn 2007 - 2011, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước thành viên, nên tổng kim ngạch xuất khẩu gia tăng mạnh mẽ. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đạt 48,5 tỷ USD, đến năm 2010 đạt 68,6 tỷ USD. Trong tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của năm 2010, khu vực trong nước đạt 32,8 tỷ USD, tăng 22,7% so với năm 2009; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 38,8 tỷ USD, tăng 27,8 % so với năm 2009. Điều đáng nói là, các mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD không ngừng tăng lên: năm 2005 và năm 2007 có 7 mặt hàng, năm 2009 có 12 mặt hàng, năm 2010 tăng lên 18 mặt hàng; năm 2008, có 8 nhóm hàng đạt trên 2 tỷ USD. Trong sự gia tăng về sản lượng xuất khẩu hằng năm, thì gạo đứng ở vị trí đầu tiên: năm 2007, 2008 khoảng từ 4,5 - 4,7 triệu tấn; năm 2009 đạt 5,9 triệu tấn và năm 2010 là 6,8 triệu tấn. Năm 2011, với ước tính đạt trên 7 triệu tấn, Việt Nam đã vươn lên là nước hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, nhưng vẫn đảm bảo được an ninh lương thực.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Kể từ khi Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực (năm 1988), đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng gia tăng cả về dự án, vốn đăng ký và số nước, vùng lãnh thổ. Trong 5 năm (2006 - 2010), tổng vốn FDI thực hiện đạt gần 45 tỷ USD, vượt 77,8% so với kế hoạch đề ra. Tổng số vốn đăng ký mới và tăng thêm ước đạt 146,8 tỷ USD, gấp 2,7 lần kế hoạch đề ra và gấp hơn 7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Tổng vốn viện trợ của nước ngoài (ODA) cam kết đạt trên 31 tỷ USD, gấp hơn 1,3 lần so với mục tiêu đề ra; giải ngân ước đạt khoảng 13,8 tỷ USD, vượt 17,5%2. Đáng chú ý là, FDI gia tăng mạnh mẽ, nhất là năm 2007 (vốn đăng ký 20,3 tỷ USD) và năm 2008 (vốn đăng ký và vốn tăng thêm trên 60 tỷ USD).

FDI và ODA đã góp phần thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng GDP, tăng vốn đầu tư phát triển. Song, cũng phải thấy rằng, sự chênh lệch giữa vốn FDI đăng ký và FDI thực hiện còn lớn. Nguyên nhân là do các địa phương “đua nhau” thu hút FDI, các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký để giữ phần hoặc không đủ năng lực thực hiện dự án.

Về tăng trưởng kinh tế. Trong 25 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã có sự tăng trưởng liên tục, tốc độ cao. Thời kỳ từ 1991 đến 2000, tăng trưởng GDP đạt 7,4%/năm; thời kỳ 2001 - 2010, đạt 7,26 %/ năm. Nhờ đó, năm 2010, tổng sản phẩm trong nước, theo giá so sánh, gấp 2 lần so với năm 2000, theo giá thực tế, gấp 3,26 lần3. Tính riêng giai đoạn 2007 - 2011 - giai đoạn có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng tăng trưởng GDP vẫn đạt khá, quy mô nền kinh tế và GDP bình quân đầu người vẫn có xu hướng tăng lên. Năm 2007, quy mô GDP đạt 71,3 tỷ USD, GDP bình quân đầu người là 833 USD; đến năm 2010, con số tương ứng là 104,6 và 1.170 USD.

Như vậy, đối chiếu với mục tiêu đặt ra, có thể khẳng định rằng, việc Việt Nam gia nhập WTO, với những kết quả nổi bật là sự gia tăng xuất khẩu, thu hút FDI, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO và giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc. Đánh giá tình hình phát triển đất nước trong 5 năm (2005 - 2010), trong đó có 4 năm sau khi Việt Nam gia nhập WTO, Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: "5 năm qua, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, toàn Đảng, toàn dân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng. Ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước. Cơ bản giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô. Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá, các ngành đều có bước phát triển, quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng; vị thế, uy tín quốc tế của nước ta được nâng cao;…”4.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng đã xuất hiện các dấu hiệu bất ổn về kinh tế vĩ mô: nhập siêu có xu hướng tăng nhanh từ năm 2007; các khoản nợ công, nợ của Chính phủ có xu hướng gia tăng, đe dọa trực tiếp an ninh tài chính quốc gia; tỷ lệ lạm phát cao hơn tỷ lệ tăng trưởng GDP, cơ cấu kinh tế dịch chuyển chậm; hiệu quả đầu tư thấp; sức cạnh tranh của nền kinh tế không được cải thiện… Những điểm đó nói lên rằng, nền kinh tế đã có những bước phát triển nhanh, nhưng nội lực nền kinh tế quốc gia vẫn còn yếu kém và dễ bị tổn thương trước những biến động bất lợi từ bên ngoài. Một nền kinh tế tăng trưởng nhanh không luôn đồng nghĩa với nền kinh tế mạnh, nhất là khi Việt Nam đang ở trong một thế giới hội nhập và cạnh tranh khốc liệt.

Trong bối cảnh đó, chúng ta cần đẩy mạnh  xây dựng nền kinh tế ĐL,TC với những cơ hội mới và cả những thách thức, khó khăn. Về cơ hội. Chúng ta có khả năng mở rộng quan hệ kinh tế và hội nhập sâu, rộng hơn vào nền kinh tế thế giới, dựa trên tiềm năng kinh tế và lợi thế cạnh tranh về tài nguyên, nguồn nhân lực, sự ổn định chính trị - xã hội; các nền kinh tế lớn trên thế giới ngày càng chủ động xây dựng và phát triển mối quan hệ với Việt Nam. Mặt khác, thông qua các mối liên hệ, liên kết trong ASEAN, Việt Nam có thêm cơ hội phát triển quan hệ kinh tế với các nước trên thế giới… Điều đó sẽ giúp kinh tế Việt Nam phát triển có hiệu quả hơn và không bị lệ thuộc quá sâu vào một đối tác nào. Hơn nữa, dòng lưu chuyển vốn, công nghệ, nhân công sẽ được tự do hơn, tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút các nguồn lực từ bên ngoài (nguồn vốn, nhân lực chất lượng cao, công nghệ,...) để đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, CNH,HĐH, phát triển nhanh, bền vững. Cùng với đó, chúng ta cũng có thuận lợi về thương mại và đầu tư, như: tiếp cận được thị trường hàng hóa và dịch vụ của tất cả các nước trên thế giới; mở rộng thị trường xuất khẩu, mở rộng kinh doanh dịch vụ ra bên ngoài biên giới quốc gia, các dự án đầu tư nước ngoài sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, trong đó có nhiều tập đoàn, công ty có tiềm lực mạnh về công nghệ và tài chính.

Chúng ta cũng cần nhận thức rõ những khó khăn, thách thức. Đó là sự phụ thuộc nhiều hơn của nền kinh tế trong nước vào nền kinh tế toàn cầu; bất kỳ sự bất ổn nào của thị trường tài chính, thương mại, lao động trên thế giới đều mang tính lan truyền, ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế (trong đó có Việt Nam). Tham gia vào các hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam có những lợi thế, nhưng cũng có nhiều bất lợi với nguy cơ trở thành nơi tiếp nhận các khâu sản xuất có giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động dịch chuyển từ các nước đi trước. Chúng ta phải đối mặt với những rủi ro kinh doanh cao hơn, với nhiều bất lợi trong cuộc cạnh tranh toàn cầu, biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực đang nổi lên gây bất ổn kinh tế. Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu nhưng có tác động rất lớn đối với Việt Nam. Những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu: tụt hậu xa hơn so với các nước trong khu vực; thách thức về sự phát triển bền vững, lạc hậu về trình độ khoa học, công nghệ.

Xây dựng nền kinh tế ĐL,TC ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nền kinh tế ĐL,TC có thể được hiểu là nền kinh tế có khả năng hội nhập vào nền kinh tế thế giới, có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế; trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể duy trì được các hoạt động bình thường của xã hội và phục vụ đắc lực cho các mục tiêu đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước. Do đó, xây dựng nền kinh tế ĐL,TC, trước hết là ĐL,TC về đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; đẩy mạnh CNH,HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức, tạo tiềm lực khoa học, công nghệ, kinh tế, cơ sở vật chất - kỹ thuật đủ mạnh. Đồng thời, phải có cơ cấu kinh tế quốc dân hợp lý, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN hoàn thiện; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững; đảm bảo nền kinh tế đủ sức đứng vững và ứng phó được với những diễn biến phức tạp trên thế giới và những tác động tiêu cực từ bên ngoài đến tình hình mọi mặt trong nước, tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế.

Vì vậy, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế ĐL,TC, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc. Bởi tiềm lực kinh tế của đất nước, lực lượng doanh nghiệp có mạnh, thì nền kinh tế mới vững, vị thế trong hội nhập mới cao và hội nhập có hiệu quả là điều kiện để xây dựng nền kinh tế ĐL,TC.

Xây dựng nền kinh tế ĐL,TC là một quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, do đó phải có quyết tâm cao độ; là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Trong thời gian tới, để xây dựng nền kinh tế ĐL,TC trong điều kiện hội nhập sâu vào WTO, chúng ta cần thực hiện tốt phương hướng: Phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế (lương thực, năng lượng, tài chính); đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Trong đó, "cần tập trung vào ba lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cơ cấu đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước"5. Đồng thời, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức; tăng trưởng kinh tế kết hợp hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ, cải thiện môi trường; nâng cao không ngừng đời sống nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội phải luôn đi cùng với đảm bảo quốc phòng, an ninh; mở rộng thị trường nội địa (cả sản xuất và tiêu dùng).       

Để thực hiện tốt điều đó, cần phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; nâng cao vai trò, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước; phát huy vai trò, tính năng động, sáng tạo và trách nhiệm cao của toàn hệ thống chính trị - xã hội, các chủ thể nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và của mọi tầng lớp nhân dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên CNXH.

GS,TS. CHU VĂN CẤP

Học viện CT-HC Quốc gia Hồ Chí Minh

______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 102.

2, 3, 4 - Sđd, tr. 151, 177, 176.

5 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Khoá XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 40.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...