Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 13/06/2019, 08:15 (GMT+7)
Xây dựng huyện Bình Liêu mạnh về kinh tế - xã hội, vững về quốc phòng, an ninh

Bình Liêu là huyện miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Ninh; có gần 43km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn; chủ yếu là người dân tộc thiểu số1 sinh sống, trình độ dân trí không đồng đều, nhiều tập quán lạc hậu, hủ tục còn tồn tại, tỷ lệ hộ nghèo cao, v.v. Những năm qua, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân Huyện đã quán triệt, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược bằng nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ, khai thác, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khơi dậy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, quyết tâm xây dựng Huyện phát triển toàn diện, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cùng với các địa phương khác thực sự là “phên giậu” vững chắc vùng biên cương Đông Bắc của Tổ quốc.

Hội nghị Đảng ủy Quân sự Huyện đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, quý II năm 2019

Xây dựng Huyện mạnh về kinh tế - xã hội

Với nhận thức kinh tế có vai trò quyết định đối với sự phát triển của xã hội, là cơ sở, tiền đề để củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nên Đại hội đại biểu Đảng bộ Huyện nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định: “…, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp”. Thực hiện mục tiêu đó, Huyện đã xây dựng và triển khai nhiều quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý là đã xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, gắn với quy hoạch thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Để tạo bước đột phá, Huyện tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn làm động lực phát triển kinh tế; quy hoạch các ngành sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, hệ thống giao thông, thủy lợi phù hợp với đặc điểm của địa phương; đồng thời, phát huy thế mạnh về cảnh quan, vị trí địa lý, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ, coi đây là một ngành kinh tế quan trọng. Đặc biệt, Huyện tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến giao thông, đường tuần tra biên giới. Thời gian qua, Huyện đã hoàn thành nhiều dự án, công trình trọng điểm, như: cầu qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc), nâng cấp Tỉnh lộ 341,… tạo điều kiện thuận lợi để kết nối trung chuyển hàng hóa, thúc đẩy phát triển thương mại, kinh tế mậu biên, dịch vụ; đẩy mạnh quảng bá tiềm năng, thế mạnh của địa phương, công bố quy hoạch các tuyến, điểm du lịch, nhằm thu hút đầu tư khai thác các loại hình du lịch, như: sinh thái, biên giới, lễ hội cộng đồng các dân tộc, v.v. Huyện đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với thực hiện các dự án, đề án phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và chương trình, mục tiêu xây dựng nông thôn mới; phối hợp với Đoàn Kinh tế - quốc phòng 327 triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo, giúp dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhất là với những loại cây có giá trị kinh tế cao. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, Huyện tích cực cải cách thủ tục hành chính, có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chú trọng công tác đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển du lịch.

Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, Huyện quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn và chăm lo xây dựng, củng cố, nâng cấp hệ thống y tế, giáo dục, nâng cao dân trí, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Thời gian qua, Huyện đã triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn văn hóa các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ”; khôi phục, duy trì các lễ hội truyền thống, như: Lễ hội Hoa Sở, Lễ hội Đền Lục Nà,… gắn với tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu. Với cách làm đó, năm 2018, kinh tế của Bình Liêu có sự tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (đạt 51,7%); bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy; công tác giáo dục, y tế có bước chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố vững chắc. Đến nay, Huyện đạt 12 tiêu chí, 35 chỉ tiêu trong xây dựng nông thôn mới và hoàn thành Chương trình 135. Đây là cơ sở quan trọng để Bình Liêu tiếp tục tăng tốc, bứt phá trong thời gian tới.

Bí thư Huyện ủy Dương Mạnh Cường trao thưởng cho các tập thể có thành tích trong tham gia xây dựng nông thôn mới

Vững về quốc phòng, an ninh

Cùng với tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Huyện không xem nhẹ, lơi lỏng nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Với quan điểm: “không phát triển kinh tế bằng mọi giá”, Huyện luôn chủ động kết hợp quốc phòng, an ninh ngay trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở các cấp, ngành, lĩnh vực; chú trọng tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh theo phương châm “mạnh về tiềm lực, vững về thế trận”. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, trọng tâm là Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP, Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên, Huyện tăng cường công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; duy trì nghiêm cơ chế lãnh đạo, điều hành hoạt động khu vực phòng thủ; đẩy mạnh xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ, đáp ứng nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương cả trước mắt và lâu dài. Theo đó, Huyện đẩy mạnh bồi dưỡng, giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tạo tiền đề để xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc. Trong quá trình thực hiện, Huyện có nhiều đổi mới, sáng tạo về nội dung, hình thức, mở rộng đối tượng bồi dưỡng cho già làng, trưởng bản, chủ hộ gia đình các thôn, bản biên giới, vùng sâu, vùng xa, v.v. Bên cạnh đó, Huyện coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị; quan tâm tạo nguồn, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện định hướng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 100% trưởng thôn, bản, khu phố trên địa bàn Huyện đồng thời đảm nhiệm chức danh bí thư chi bộ; nhờ đó, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền được nâng cao.

Thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo công tác quốc phòng địa phương giai đoạn 2015 - 2020; Đề án bảo đảm quốc phòng của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030, Huyện lãnh đạo huy động mọi nguồn lực để xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ. Mặc dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng những năm qua, Huyện đã hoàn thành quy hoạch thế trận quân sự và bước đầu triển khai xây dựng một số công trình phòng thủ thiết yếu; xây dựng, nâng cấp nhiều công trình mang tính lưỡng dụng, như: Đường 18C, đường tuần tra biên giới, hệ thống kè bảo vệ sông, suối biên giới, cầu, cống, ngầm, tràn và bê tông hóa đường giao thông nông thôn, sẵn sàng đảm bảo cho quốc phòng, an ninh.

Xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là nội dung được Huyện hết sức quan tâm. Huyện chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế lực lượng vũ trang địa phương theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng. Trong đó, xây dựng cơ quan Quân sự, Công an vững mạnh toàn diện, có số lượng theo đúng biên chế quy định, có bản lĩnh chính trị vững vàng, được huấn luyện chu đáo, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cao. Lực lượng dự bị động viên được Huyện xây dựng “vững mạnh, chất lượng”, đăng ký, quản lý chặt chẽ quân nhân dự bị và các phương tiện kỹ thuật, sẵn sàng động viên, tập trung huấn luyện và thực hiện các nhiệm vụ khi có tình huống. Lực lượng dân quân tự vệ được xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng, cơ cấu, thành phần phù hợp từng địa bàn, chất lượng tổng hợp ngày càng cao, nhất là chất lượng chính trị. Bên cạnh đó, Huyện đã nghiên cứu, điều chỉnh lực lượng gắn với bố trí lại dân cư, thực hiện dự án di dân, dãn dân ra biên giới2, tạo thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Hiện nay, Huyện sắp xếp, biên chế quân nhân dự bị vào các đơn vị đạt 100% quân số, tỷ lệ đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt trên 80%; xây dựng được 30 cơ sở dân quân tự vệ, lực lượng dân quân tự vệ chiếm 03% dân số, tỷ lệ đảng viên chiếm 14%, duy trì tốt hoạt động của Tiểu đội dân quân thường trực xã Hoành Mô. Cùng với xây dựng lực lượng, Huyện chỉ đạo lực lượng vũ trang duy trì nghiêm nền nếp, chế độ canh trực sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập. Những năm qua, Huyện đã tổ chức diễn tập cho 100% các xã, thị trấn, trong đó có 70% cơ sở diễn tập chiến đấu phòng thủ, 30% diễn tập phòng, chống lũ lụt, cháy rừng, tìm kiếm, cứu nạn. Qua đó, thiết thực nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trong xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh và chất lượng tổng hợp của lực lượng vũ trang địa phương.

Bên cạnh đó, Huyện còn chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự, Công an, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô và các lực lượng trên địa bàn phát huy vai trò nòng cốt trong phối hợp nắm, dự báo tình hình, sẵn sàng xử lý các tình huống về quốc phòng, an ninh, bảo vệ địa bàn, bảo vệ chủ quyền biên giới, không để bị động, bất ngờ. Song song với lãnh đạo thực hiện tốt các nội dung trên, Huyện đã triển khai đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh công tác đối ngoại, ngoại giao nhân dân, tăng cường hoạt động giao lưu, đoàn kết giữa chính quyền và nhân dân hai bên biên giới; trong đó, duy trì kết nghĩa giữa xã Hoành Mô, Đồng Văn với Trấn Động Trung, tỉnh Quảng Tây, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.

Với nhận thức đúng, quyết tâm cao, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bình Liêu phấn đấu xây dựng địa phương ngày càng mạnh về kinh tế, tiến bộ về văn hóa - xã hội, vững về quốc phòng, an ninh, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

DƯƠNG MẠNH CƯỜNG, Bí thư Huyện ủy

_____________

1 - Đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 96% dân số toàn Huyện.

2 - Huyện đã di dân, giãn dân, xây dựng được 02 bản mới là Phạt Chỉ (xã Đồng Văn) và bản Trình Tường (xã Hoành Mô).

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...