Thứ Ba, 29/04/2025, 02:00 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật là một nội dung của công tác cán bộ; yếu tố quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật của Quân đội ta. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội từng bước hiện đại, trong đó có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, nội dung này càng có ý nghĩa quan trọng, cần được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ.
Đại biểu lớp tập huấn cán bộ chiến dịch - chiến lược năm 2013 tham quan gian trưng bày của Tổng cục Kỹ thuật (Nguồn: qdnd.vn)
Đội ngũ cán bộ kỹ thuật (CBKT) trong Quân đội là những người trực tiếp nghiên cứu, quản lý, khai thác, sử dụng, nâng cao chất lượng vũ khí, trang bị kỹ thuật phục vụ cho công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ khác. Để đáp ứng yêu cầu đề ra, đội ngũ CBKT phải được xây dựng vững mạnh, có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi; tư duy độc lập, sáng tạo; có trình độ tiếp thu những tiến bộ của ngành Kỹ thuật quân sự, ứng dụng có hiệu quả vào thực tiễn; say mê nghiên cứu khoa học - công nghệ, tích cực trong thực hiện nhiệm vụ… Thấu hiểu điều đó, thời gian qua, cấp ủy, cán bộ chủ trì các đơn vị đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ CBKT, tạo sự thống nhất về nhận thức; bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, đúng nguyên tắc trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Các vấn đề về xây dựng đội ngũ CBKT đều được tiến hành đúng quy chế, quy trình. Công tác quy hoạch đối với CBKT đã bám sát sự phát triển của cán bộ và yêu cầu xây dựng ngành Kỹ thuật qua từng thời kỳ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBKT có nhiều chuyển biến tích cực; tập trung vào cán bộ chỉ huy, quản lý kỹ thuật, CBKT ở cơ sở, cán bộ đào tạo ở nước ngoài. Công tác nhận xét, đánh giá bảo đảm công tâm, khách quan, toàn diện, sát thực tiễn,… Nhờ đó, đội ngũ CBKT trong Quân đội đã có sự phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đến nay, số CBKT trong toàn quân có trình độ đại học là 77,01%, sau đại học là 14,37%; trong đó, có 2,99% cán bộ có trình độ tiến sĩ. CBKT hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 85%.
Bên cạnh những ưu điểm, qua kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng cho thấy, việc xây dựng đội ngũ CBKT trong Quân đội vẫn còn những hạn chế, bất cập cần được khắc phục. Nổi lên là, công tác quy hoạch xây dựng đội ngũ CBKT chưa cơ bản. Công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn với bố trí, sử dụng. Việc nhận xét, đánh giá, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với CBKT có lúc, có nơi chưa phù hợp; chưa xây dựng được quy trình đào tạo, bố trí, sử dụng, luân chuyển CBKT thực sự khoa học, sát thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ... Bởi vậy, so với yêu cầu nhiệm vụ Quân đội và sự phát triển của vũ khí, trang bị kỹ thuật thì đội ngũ CBKT hiện nay còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đồng bộ, chất lượng có mặt còn hạn chế; thiếu chuyên gia đầu ngành giỏi; khả năng độc lập, tư duy sáng tạo chưa cao. Một số CBKT chưa thật sự tâm huyết với nghề; thiếu nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, v.v.
Để khắc phục tình trạng đó, đồng thời đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, trong đó, có một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, cùng với việc bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật, các đơn vị cần quan tâm xây dựng đội ngũ CBKT có đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, cân đối, đồng bộ về ngành nghề và trình độ, có chất lượng ngày càng cao, bảo đảm tính vững chắc, lâu dài. Theo đó, cần tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:
Một là, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy và cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị trong xây dựng đội ngũ CBKT. Các cấp ủy phải thường xuyên quán triệt, nắm vững, thực hiện đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý đội ngũ CBKT. Theo đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, mà trực tiếp là cấp ủy và người chỉ huy các cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, xây dựng đội ngũ CBKT. Thủ trưởng TCKT có trách nhiệm tham gia quản lý đội ngũ CBKT toàn quân. Thủ trưởng cơ quan kỹ thuật các cấp tham gia quản lý CBKT cấp mình và cấp dưới. Cơ quan chính trị các cấp làm tham mưu cho cấp ủy, cán bộ chủ trì về xây dựng đội ngũ CBKT. Trên cơ sở đó, làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, trách nhiệm trong triển khai tổ chức thực hiện; gắn xây dựng đội ngũ CBKT với các cán bộ khác, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, biên chế, tổ chức, chất lượng CBKT và công tác bảo đảm trang bị kỹ thuật trước yêu cầu mới, các đơn vị nghiên cứu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng CBKT; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng để cụ thể hóa các quy định, hướng dẫn quản lý CBKT theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của từng cấp.
Hai là, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch đội ngũ CBKT. Các cấp ủy cần tiến hành rà soát tổng thể về số lượng, cơ cấu, trình độ, ngành nghề CBKT; bổ sung, kiện toàn các chuyên ngành kỹ thuật và nhóm chuyên ngành, nhất là các chuyên ngành tiến thẳng lên hiện đại, làm cơ sở nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Đồng thời, chú trọng yêu cầu của phương thức bảo đảm kỹ thuật cho vũ khí, trang bị mới; bổ sung, hoàn thiện các chức danh nhằm chuẩn hóa tiêu chuẩn chức vụ cán bộ phù hợp với yêu cầu phát triển của thực tiễn. Việc quy hoạch CBKT phải đúng tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc, quy chế, quy trình; gắn kết chặt chẽ với các khâu: nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, sắp xếp, bổ nhiệm, sao cho nguồn kế cận phải vững chắc, nguồn kế tiếp dồi dào, không để hẫng hụt, tạo sự ổn định cho sự phát triển cả trước mắt và lâu dài. Công tác quy hoạch cán bộ phải đồng bộ, song có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của cấp ủy, phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng. Quy hoạch CBKT phải coi trọng cả phẩm chất, năng lực và thực tiễn công tác; kết hợp chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể đội ngũ CBKT với quy hoạch CBKT đầu ngành, chuyên gia cấp chiến lược, giữa sử dụng, phát huy những CBKT lâu năm, nhiều kinh nghiệm với mạnh dạn quy hoạch cán bộ trẻ, có phẩm chất, năng lực, trình độ và khả năng phát triển tốt vào các vị trí lãnh đạo, chỉ huy, quản lý công tác kỹ thuật. Các đơn vị cần coi trọng bồi dưỡng, tạo nguồn CBKT tại chỗ; đồng thời, thu hút nguồn CBKT, chuyên gia đầu ngành giỏi vào phục vụ trong Quân đội, bố trí, sắp xếp phù hợp với sở trường, khả năng của họ trong các cơ quan kỹ thuật toàn quân.
Ba là, phải làm tốt công tác quản lý, nhận xét, đánh giá CBKT, làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng. Cấp ủy, cán bộ chủ trì, cơ quan kỹ thuật các cấp, quản lý CBKT theo đúng thẩm quyền; bảo đảm toàn diện cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, trình độ tay nghề, sức khỏe và các mối quan hệ xã hội. Việc quản lý CBKT phải nằm trong tổng thể đội ngũ cán bộ; trong đó, có sự phối hợp chặt chẽ giữa quản lý của cấp ủy, cán bộ chủ trì với việc tham gia quản lý của ngành Kỹ thuật cùng cấp, giữa cơ quan chính trị với cơ quan kỹ thuật, bảo đảm đúng nguyên tắc, thẩm quyền. Trong nhận xét, đánh giá CBKT phải toàn diện, sát với chức trách, nhiệm vụ; gắn nhận xét thường xuyên với định kỳ, nhận xét của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì với nhận xét của cơ quan kỹ thuật cùng cấp và tự nhận xét của cán bộ. Đánh giá đội ngũ CBKT phải theo phân cấp; làm rõ cả ưu điểm, khuyết điểm, không phiến diện, một chiều, dẫn đến sử dụng không đúng với trình độ, khả năng của từng người.
Bốn là, thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ CBKT. Để đáp ứng yêu cầu đó, cấp ủy các cấp cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với từng đối tượng và hướng sử dụng; xác định tiêu chuẩn chức danh, trình độ học vấn đối với từng vị trí để cân đối giữa nhu cầu, khả năng đào tạo. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phải bám sát tình hình thực tiễn công tác kỹ thuật hiện nay; tập trung giải quyết cán bộ cho các ngành kỹ thuật trọng điểm, đặc thù, mũi nhọn và công nghệ cao. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình đào tạo, như: đào tạo tại trường gắn với tự đào tạo, kết hợp đào tạo dài hạn với ngắn hạn, bồi dưỡng tại chức với đào tạo chính quy; chú trọng bồi dưỡng kiến thức thực tiễn, cập nhật thông tin để cán bộ không bị lạc hậu trước sự phát triển của khoa học công nghệ và vũ khí, trang bị kỹ thuật mới. Đặc biệt, các cấp ủy cần động viên, khuyến khích CBKT tự giác nghiên cứu, học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia các hoạt động khoa học để nâng cao trình độ và chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời, phải tích cực đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, đa dạng hóa loại hình đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Kỹ thuật trong tình hình mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng CBKT phải đúng quy hoạch và định hướng sử dụng; gắn đào tạo với tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt, thực hiện các chính sách cán bộ.
Năm là, phải bố trí, sử dụng đúng cán bộ và làm tốt công tác luân chuyển cán bộ. Các cấp ủy phải căn cứ vào quy hoạch, chất lượng đội ngũ CBKT và yêu cầu phát triển ngành Kỹ thuật để bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, đúng ngành nghề, chuyên môn đào tạo, phù hợp trình độ và khả năng phát triển của từng người. Trong quá trình sử dụng, phải kết hợp giữa cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, trình độ chuyên môn cao với cán bộ trẻ, mới ra trường; cán bộ được đào tạo cơ bản với đào tạo tại chức. Việc bố trí, sử dụng cán bộ phải khách quan, đúng người, đúng việc; khắc phục mọi biểu hiện chủ quan, cảm tính, cục bộ, địa phương... Cùng với đó, các cấp ủy cần làm tốt công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm cho họ được thử thách, rèn luyện trên nhiều cương vị, phát triển toàn diện và trưởng thành vững chắc.
Sáu là, thực hiện tốt chính sách đối với CBKT. Các đơn vị cần rà soát chế độ, chính sách hiện có; bổ sung, cụ thể hóa những nội dung mới ban hành cho phù hợp với từng đối tượng. Trong quá trình thực hiện, cần kết hợp chặt chẽ giữa chính sách cán bộ với chính sách mang tính đặc thù nghề nghiệp; nghiên cứu, đề nghị chuyển dần đãi ngộ theo cấp bậc sang đãi ngộ theo chức vụ, ngạch bậc chuyên môn và bổ sung một số chế độ phụ cấp, hỗ trợ những CBKT công tác trong lĩnh vực đặc thù quân sự, chuyên ngành mũi nhọn; những phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, dự án, đề án, giải thưởng khoa học mang lại hiệu quả thiết thực. Cần có chính sách đặc biệt để phát huy vai trò của cán bộ đầu ngành, có kinh nghiệm thực tiễn, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Kỹ thuật và còn năng lực làm việc; đề nghị kéo dài độ tuổi phục vụ theo nhu cầu sử dụng, nhất là chuyên gia khoa học và cán bộ làm công tác đào tạo ở các học viện, nhà trường Quân đội. Đồng thời, có chính sách thu hút nhân tài, đặc biệt là những tài năng trẻ, phát huy năng lực của đội ngũ CBKT hiện có; kết hợp chặt chẽ chế độ đãi ngộ vật chất với động viên tinh thần, nhằm tạo điều kiện để CBKT yên tâm gắn bó với nghề, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thực hiện tốt việc xây dựng đội ngũ CBKT sẽ là một bảo đảm quan trọng để phát huy hiệu quả sử dụng vũ khí, trang bị, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Thiếu tướng NGUYỄN HỮU CHÍNH
Phó Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật
Xây dựng cán bộ,kỹ thuật
Vùng 3 Hải quân quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị 21/04/2025
Học viện Phòng không - Không quân xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 10/04/2025
Xây dựng Đảng bộ Quân khu 5 vững mạnh về tổ chức 10/03/2025
Binh chủng Thông tin liên lạc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương 06/03/2025
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII), Bộ đội Biên phòng tập trung xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 27/02/2025
Quán triệt Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng 25/02/2025
Sư đoàn 325 đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW 20/02/2025
Học viện Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) 06/02/2025
Binh chủng Đặc công quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 20/01/2025
Trường Sĩ quan Chính trị đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo 13/01/2025
Học viện Phòng không - Không quân xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW
Vùng 3 Hải quân quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị