Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Tư, 25/09/2019, 09:24 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ

Xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng nói chung, cấp chiến lược nói riêng có tầm quan trọng đặc biệt, trực tiếp quyết định đến sự vững mạnh của Đảng, sự thành bại của cách mạng. Nhận rõ điều đó, Đảng ta luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng giành độc lập, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn thấu triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò của cán bộ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”1. Người đã tổng kết một kinh nghiệm trong lãnh đạo của Đảng, đó là: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”2. Cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cao, tức cấp chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, quyết định đến con đường phát triển và thành công của cách mạng. Dù ở thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, lãnh đạo kháng chiến hay thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đều có những chuẩn mực chung. Đó là những cán bộ có trình độ cao về lý luận, trí tuệ, nắm vững nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; có khả năng vận dụng lý luận phù hợp với thực tiễn đất nước để tham gia hoạch định Cương lĩnh, đường lối, chính sách; luôn nêu gương sáng về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn đối với quần chúng nhân dân, thể hiện rõ phẩm chất và bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu, lý tưởng về con đường cách mạng của Đảng. Đồng thời, có năng lực tổ chức thực tiễn để hiện thực hóa đường lối, có khả năng quy tụ, đoàn kết trong Đảng, hệ thống chính trị và đoàn kết toàn dân tộc. Đặc biệt, phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược, năng lực dự báo, sự nhạy cảm chính trị trong lãnh đạo, quản lý đất nước và xã hội.

Ở mỗi thời kỳ thực hiện những chiến lược cách mạng và nhiệm vụ khác nhau lại đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Hiện nay, công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế đang đặt ra rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới mẻ đòi hỏi phải nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, nòng cốt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.

Tiến tới Đại hội XIII của Đảng không chỉ đề ra những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, đời sống nhân dân, mục tiêu phát triển đất nước của nhiệm kỳ (2021-2025) mà còn hướng tới tầm nhìn chiến lược đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045 tròn 100 năm xây dựng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang công khai phá hoại nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cùng với hoạt động bạo loạn, lật đổ hòng xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo đòi hỏi phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và biển, đảo của Tổ quốc trên cơ sở luật pháp quốc tế. Toàn cầu hóa và hội nhập, hợp tác quốc tế là xu thế lớn tác động đến các quốc gia, dân tộc trong đó có Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 càng đòi hỏi đất nước phải phát triển để tiến kịp thời đại, chống nguy cơ tụt hậu.

Những vấn đề nêu trên đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết đòi hỏi Đảng ta và đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ cấp chiến lược phải vươn lên đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhận thức rõ điều đó, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), ngày 19-5-2018, đã ban hành Nghị quyết Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Để thực hiện thắng lợi nghị quyết trên, tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, tổ chức chỉ huy các cấp, nhất là cấp chiến lược cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, toàn diện các nội dung, giải pháp; trong đó, cần thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Đặc biệt phải thấu triệt 5 quan điểm lãnh đạo công tác cán bộ của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII); trong đó quan điểm hàng đầu là: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững”3. Thực tế cho thấy, cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược không đủ phẩm chất, năng lực thì gây ra những thiệt hại rất to lớn và để lại hậu quả nặng nề cho xã hội phải mất nhiều thời gian, công sức, tiền của thì mới có thể khắc phục được. Những đại án thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải trực tiếp theo dõi, chỉ đạo trong thời gian qua là những ví dụ. Đây là những đại án do cán bộ cấp chiến lược không đủ phẩm chất, năng lực gây ra. Điều đó không chỉ gây thiệt hại cho xã hội về kinh tế mà nó còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ ta. Nguy hiểm hơn ở chỗ, các thế lực thù địch dễ lợi dụng vấn đề đó để đẩy dân xa cách với Đảng, với chế độ ta, thậm chí là chống đối Đảng, Nhà nước ta.

Vì thế, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần “tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ”, bảo đảm các tiêu chuẩn quy định và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cách mạng trong thời kỳ mới. Chú trọng phát hiện, lựa chọn từ nguồn quy hoạch những cán bộ tiêu biểu, xuất sắc đã được đào tạo, bỗi dưỡng, rèn luyện theo chức danh, nhất là những người đã được thử thách qua thực tiễn, có thành tích nổi trội, có triển vọng phát triển; tiếp tục bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ mọi mặt, bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Cùng với đó, thường xuyên thực hiện tốt việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đặc biệt chú trọng việc quy hoạch, lựa chọn cán bộ để Đại hội XIII của Đảng bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo của thời kỳ mới; trong đó, cần chú trọng các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. Yêu cầu đặt ra là, “tập trung xây dựng Ban Chấp hành Trung ương theo hướng nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý, thực sự tiêu biểu về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, trong sáng, gương mẫu về mọi mặt. Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng “hình ảnh” các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư”4.

Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo quan điểm và định hướng của Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII) đã được Trung ương tổ chức thực hiện tích cực để tiến tới Đại hội XIII của Đảng và tầm nhìn xa về công tác cán bộ, không chỉ cho nhiệm kỳ khóa XIII mà cho cả các nhiệm kỳ tiếp theo. Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cấp ủy địa phương, các ngành ở Trung ương, các cơ quan, đơn vị, lĩnh vực trọng yếu (quốc phòng, an ninh), phát huy dân chủ và trách nhiệm, giới thiệu những cán bộ có đủ tiêu chuẩn để quy hoạch cấp chiến lược.

Việc giới thiệu cán bộ để quy hoạch cấp chiến lược được hướng dẫn chặt chẽ và theo những tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, trình độ, năng lực, uy tín trong Đảng và trong nhân dân. Không đưa vào quy hoạch, nhất là cấp chiến lược những cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ ra. Đó là, những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, chủ nghĩa cá nhân, phe cánh, “lợi ích nhóm”, chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch, chạy phiếu bầu, v.v. Việc giới thiệu quy hoạch cán bộ cấp chiến lược được thực hiện từ dưới lên, công khai, dân chủ, thông qua lấy phiếu bầu từ diện rộng đến diện hẹp; đề cao vai trò của tổ chức đảng, cấp ủy và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự cán bộ. Đây là sự đổi mới rất quan trọng trong công tác cán bộ, thể hiện trách nhiệm cao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Đó cũng là cách tốt để lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo xứng đáng và tìm kiếm nhân tài.

Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng. Tiểu ban nhân sự do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng tiểu ban. Công tác nhân sự, nhất là về đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cũng được Bộ Chính trị và Tổng Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên và chặt chẽ. Từ sự tín nhiệm giới thiệu của các đảng bộ địa phương, các ngành, tháng 12-2018, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu, chốt danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) gồm 205 đồng chí. Bộ Chính trị đã chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng các đồng chí trong danh sách quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII). Lớp thứ nhất đã bắt đầu từ ngày 06-8-2019. Tháng 8-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp tiểu ban nhân sự của Đại hội XIII để đánh giá công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương; trong đó nhấn mạnh, công tác nhân sự phải bảo đảm công tâm, khách quan, trung thực, bí mật để lựa chọn được những đồng chí xứng đáng vào cơ quan lãnh đạo của Đảng.

Trong sử dụng cán bộ, cần có kế hoạch cụ thể để luân chuyển, điều động cán bộ giữ vị trí cấp trưởng, phù hợp với chức danh quy hoạch ở những địa bàn khó khăn, lĩnh vực trọng yếu, nơi triển khai mô hình mới để thử thách nâng cao bản lĩnh chính trị, nhân sinh quan cách mạng, năng lực lãnh đạo toàn diện của cán bộ. Đảng cần tổ chức các lớp dự nguồn cán bộ cao cấp để chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cho các chức danh cấp chiến lược; đánh giá chính xác nhân sự được quy hoạch, giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh cấp chiến lược; “kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền vào đội ngũ cán bộ cấp chiến lược”5.

Lãnh đạo công cuộc đổi mới, Đảng lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt. Trong xây dựng Đảng, công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt bảo đảm sự lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa hùng cường, bảo vệ vững chắc độc lập và lợi ích quốc gia, dân tộc.

PGS, TS. NGUYỄN TRỌNG PHÚC
___
__________

1 -Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 309.

2 - Sđd, Tập 5, tr. 280.

3, 4 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2018, tr. 72.

5 - Sđd, tr. 71.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...