Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Tư, 12/12/2012, 07:15 (GMT+7)
Vượt qua “tư duy nhiệm kỳ” để xây dựng Đảng đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp; phấn đấu vượt qua những rào cản trong giải quyết các mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, giữa con người với công việc và tổ chức. Một trong những rào cản đó là “tư duy nhiệm kỳ” của cán bộ, đảng viên đang thực thi trách nhiệm và thẩm quyền được giao.

“Tư duy nhiệm kỳ” là hiện tượng đã và đang diễn ra ở không ít cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, ngành và địa phương với những biểu hiện khác nhau, mức độ khác nhau, nhưng đều giống nhau ở sự sai lệch về động cơ, mục đích; đều gây ra những tác động tiêu cực.

1. Hậu quả của “tư duy nhiệm kỳ” là gây ra sự trì trệ trong công việc và hoạt động, làm chậm tiến bộ và phát triển; nhân tố tích cực, năng động, sáng tạo không được cổ vũ và thúc đẩy. Những yếu kém, sai trái không kịp thời phát hiện, thậm chí phát hiện mà không xử lý, không muốn xử lý trong bối cảnh chuyển tiếp giữa nhiệm kỳ cũ sang nhiệm kỳ mới. Người mang “tư duy nhiệm kỳ” thừa hiểu rằng, ở cái điểm nút nhạy cảm này - thời điểm chuẩn bị Đại hội và ở bên thềm Đại hội - việc bầu cử và giành phiếu cao từ các đại biểu để yên vị và thăng tiến cho mình là điều quan trọng nhất, là cần thiết nhất. Mọi cái khác, phải lùi xuống hàng thứ yếu. Dù không ai nói ra, nhưng những người có cùng kiểu “tư duy nhiệm kỳ” này đều hiểu ngầm với nhau điều thầm kín rất không trong sáng đó. Họ vẫn có thể cùng nói với nhau, với mọi người những lời tốt đẹp nhất: vì công việc chung, vì sự nghiệp chung, nhưng thực lòng họ không nghĩ như vậy, càng không làm như vậy. Rõ ràng, để đạt được sự thống nhất giữa nói, nghĩ và làm khó biết chừng nào. Càng như thế, chúng ta càng thấm thía lời Bác dạy: lời nói phải đi đôi với việc làm. Muốn như vậy, đức phải là gốc, phải được đặt lên hàng đầu. Nói và làm không đi đôi với nhau, thậm chí trái ngược nhau là biểu hiện của rất nhiều cái giả mà trước hết là giả đạo đức.

“Tư duy nhiệm kỳ” với những biểu hiện không lành mạnh, bắt nguồn sâu xa từ động cơ cá nhân, từ chủ nghĩa cá nhân tệ hại - vụ lợi và vị kỷ; đồng thời, là hệ quả trực tiếp của những thiếu sót, yếu kém, lạc hậu, thậm chí cả những sơ hở, sai lầm trong cơ chế tổ chức và chính sách cán bộ của chúng ta kéo dài lâu nay. “Tư duy nhiệm kỳ” đã bộc lộ những tác hại nặng nề cần phải được nhận diện thật rõ những biểu hiện, đánh giá thật chính xác những tác hại về nhiều mặt, tìm đúng những nguyên nhân, từ đó mà có cách khắc phục, vượt qua.

2. Nhận diện “tư duy nhiệm kỳ”. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 3 (khóa XI), ngày 10-10-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu tiên nêu vấn đề về “tư duy nhiệm kỳ” và “lợi ích nhóm” với hàm ý phê phán, đã chỉ ra những biểu hiện không lành mạnh của nó, cần phải khắc phục, vượt qua. Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối”1. Đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI), khi nói đến giải pháp đẩy mạnh tự phê bình và phê bình để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ CB,ĐV, trước hết ở đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Tổng Bí thư cũng nêu rõ, phải phòng ngừa những khuynh hướng không đúng có thể xảy ra khi thực hiện giải pháp có tầm quan trọng đặc biệt này. “Thái độ nể nang, hữu khuynh, “im lặng là vàng”, hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”2. Cho nên, phải: “Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để “đấu đá”, “hạ bệ” nhau với những động cơ không trong sáng”3.

Những biểu hiện nói trên, trực tiếp hoặc gián tiếp đều liên quan đến vấn đề “tư duy nhiệm kỳ” và như đã nói, tất cả đều hợp lại, tụ lại ở chủ nghĩa cá nhân, đều từ chủ nghĩa cá nhân mà ra. Vậy nên hiểu “tư duy nhiệm kỳ” là thế nào? Vì sao nó là đối tượng phải nhận thức với tinh thần phê phán để khắc phục, vượt qua

“Tư duy nhiệm kỳ” cho ta hình dung về một cách nghĩ, cách làm việc, cách ứng xử của một người hay một số người nào đó có cương vị, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý trong một nhiệm kỳ cụ thể mà họ thực thi nhiệm vụ được giao. Ở đây, nhiệm kỳ là giới hạn thời gian cho phép thực hiện nhiệm vụ, bổn phận và trách nhiệm. Một thông lệ đã hình thành trong lãnh đạo, quản lý ở nước ta, một nhiệm kỳ là 5 năm ở cấp Trung ương và địa phương theo nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Khởi đầu nhiệm kỳ là bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết. Kết thúc nhiệm kỳ phải đánh giá, tổng kết việc đã làm được, việc chưa làm xong hoặc không được thực hiện cùng với những diễn biến, phát sinh của nó, làm rõ nguyên nhân, rút ra kết luận về trách nhiệm cùng các bài học.

Việc chuẩn bị cho một nhiệm kỳ mới không chỉ là vạch ra chương trình, kế hoạch mới mà còn là xác định nhân sự, bố trí nhân lực với sự hình thành lãnh đạo mới, tức là tìm người sao cho xứng đáng với các chức danh trong bộ máy quyền lực. Trung tâm của những nhạy cảm và phức tạp là ở vấn đề con người. Như một lẽ thường tình, trong bố trí, thiết kế nhân sự, một cách phổ biến, sẽ vừa có kế thừa, vừa có đổi mới theo những quy định của tổ chức. Câu chuyện về tại vị hay thăng tiến, ai vào, ai ra đối với cá nhân người lãnh đạo, quản lý từ khóa trước sang khóa mới là một câu chuyện không đơn giản, đan xen rất nhiều mối quan hệ chung - riêng, giữa yêu cầu, nhiệm vụ với phẩm chất và năng lực, giữa uy tín thực được dư luận đánh giá với những tác động gây ảnh hưởng ra xung quanh của người có tham vọng quyền lực, mà ta vẫn thường gọi là “vận động hành lang”. Lựa chọn nhân sự là công việc của tổ chức, có quy trình giới thiệu, có bàn bạc thảo luận để cân nhắc, quyết định bởi tập thể lãnh đạo. Song, có một thực tế bất thành văn vẫn thường diễn ra với những giao dịch, thỏa thuận ngầm, những quan hệ thân quen, nể nang, những chi phối ràng buộc lẫn nhau trong việc lựa chọn người. Đã từ lâu vẫn tồn tại kiểu cơ chế vô hình, bất thành văn, đó là “cơ chế xin - cho”, tác động rất mạnh vào việc hình thành nhân sự. Trong nền kinh tế thị trường, điều đó còn dễ bị chi phối bởi sức mạnh của đồng tiền, mà sự thật phũ phàng của nó hiển lộ ngày một rõ: quyền đẻ ra tiền, tiền mua được quyền, quyền và tiền định hình thành danh và lợi.

 “Tư duy nhiệm kỳ”, theo đó, là một kiểu tư duy thương mại hoá, diễn ra trong hoạt động tham chính, những kẻ thoái hoá biến chất, những kẻ cơ hội chính trị, gắn với những hành vi tham nhũng trong chính trị với mọi mức độ to - nhỏ, nặng - nhẹ theo các cấp độ của quyền lực. Thái độ và phương châm của Đảng ta “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật” đòi hỏi phải dũng cảm phanh phui sự thật nói trên mà thực tế cho thấy, đây là sự thật gai góc, đau đớn nhất, đáng phải có nỗ lực cao nhất; với những biện pháp và chế tài mạnh nhất để ngăn chặn, đẩy lùi. Những biểu hiện xấu xa, hư hỏng đó, theo Hồ Chí Minh là phải tẩy bỏ, phải nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai. Hãy đọc lại tác phẩm “Quốc lệnh” của Người hơn 60 năm về trước sẽ thấy sự nghiêm khắc của Người, sẽ hiểu vì sao chính sự cầm quyền đòi hỏi phải đặt lên hàng đầu sự thanh khiết, liêm chính, có vậy mới đoàn kết, mới quang minh chính đại được. Trong tình hình hiện nay, để làm trong sạch Đảng thì trước hết phải kiểm soát được, phải trừng trị được nạn chạy chức, chạy quyền, mưu cầu danh lợi bất chính, bất nghĩa. Đây là cái gốc vật chất sinh ra “tư duy nhiệm kỳ”, kiểu tư duy kinh doanh kiếm lời từ chức vụ, quyền lực. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một thực trạng rất đáng lo ngại và phẫn nộ, bởi sự hình thành một công thức bất thành văn trong việc lựa chọn người: “thứ nhất tiền tệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba hậu duệ…” nên mới đến “thứ tư trí tuệ”. Cuộc sống đòi hỏi và nhân dân mong đợi sao cho những bậc hiền tài được cắt đặt vào các công việc, các cương vị xứng đáng để họ tận trung với nước, tận hiếu với dân, để làm điều lợi, tránh điều hại cho dân, để vì dân mà mưu cầu hạnh phúc cho dân. Song, đòi hỏi chính đáng, ước mong tha thiết đó của dân vấp phải lực cản ghê gớm bởi cơ chế chọn người, chính sách dùng người đã bị đồng tiền, dục vọng, tham vọng cá nhân chủ nghĩa khuynh đảo. Rõ ràng, “tư duy nhiệm kỳ” là kiểu tư duy khi thực thi chính sự thì không vì việc công, phép nước, lợi dân mà vì riêng tư, bè cánh, phe nhóm, vì lợi mình mà hại người như Hồ Chí Minh đã từng phê phán. Hại người lớn nhất ở đây là hại cho dân, thiệt cho nước, làm suy yếu cả thể chế lẫn chế độ. Cái ghế quyền lực đi kèm với danh lợi một khi đã được đặt trong khuôn khổ nhiệm kỳ rồi thì chủ nhân của nó sẽ hành động và ứng xử ra sao? Không cần khó nhọc gì, ai cũng có thể nhận ra, hiểu ra. Danh và lợi đã coi là mục đích thì việc làm cũng như hành vi, dù có biến thái muôn vẻ đến thế nào cũng chỉ là phương tiện để đạt tới mục đích mà thôi. Muốn nổi danh, gây ấn tượng trong nhiệm kỳ của mình thì phải phô trương, hình thức, phải tạo ra phong trào, phải có cổ xúy, tán dương, ngợi ca. Muốn thế phải có ê kíp kẻ tung người hứng, không cần bận tâm đến tốn kém tiền của, công quỹ, thời gian, sức người, sức của; bởi có quyền có thế để huy động, có tiền, có lực để chi, thậm chí lo lót cho các mối quan hệ sinh lợi. Khẩu ngữ dân gian vẫn nói “tiền chùa”, “nước sông công lính” là vì vậy. Suy nghĩ và hành động theo “tư duy nhiệm kỳ” thường đi liền với thói cục bộ, địa phương, bè cánh, ưa dùng người hợp với mình hoặc xu nịnh, bợ đỡ mình, ghét bỏ, đố kỵ, dị ứng với những người cương trực, thẳng thắn, trách nhiệm, tâm huyết, có bản lĩnh độc lập, có năng lực sáng tạo và có lòng tự trọng. Lãnh đạo, điều hành theo kiểu “tư duy nhiệm kỳ” đó tất sinh ra mất đoàn kết, không quy tụ được người tốt để đấu tranh cho cái tốt, chỉ lôi kéo tập hợp được những kẻ xấu, toan tính những việc làm sai trái, khuất tất. Cơ hội, xu thời, vụ lợi theo lối liên kết lợi ích nhóm cũng sinh ra từ đây.

“Tư duy nhiệm kỳ” còn là kiểu tư duy lợi thì tìm mà trách nhiệm, bổn phận thì tránh; đúng không bảo vệ, sai không phê phán, cốt êm thấm, kín kẽ để có lợi. Thời gian cho một nhiệm kỳ rất hữu hạn. Đầu nhiệm kỳ còn dành cho việc lấy lòng mọi người, sử dụng những tiểu xảo khéo léo để tạo ra “ảo giác” về cái tốt và cái vẻ tốt đẹp. Giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ là những hoạt động khẩn trương sao cho có lợi - lợi thu về và lợi tạo thế để tiếp tục duy trì cái ghế quyền lực hoặc thăng tiến phía trước với sức hấp dẫn của danh và lợi. Dễ hiểu vì sao vào thời điểm cuối nhiệm kỳ thường xuất hiện sức ì, “án binh bất động”, không làm gì phương hại đến trật tự của quyền, biến động của danh và lợi. Người bị “tư duy nhiệm kỳ” chi phối động cơ, chỉ dẫn hành động thường né tránh những tình huống và xử lý tình huống không có lợi cho mình, bất lợi cho cái ghế của mình. Do thiếu trách nhiệm nên việc không được xử lý, tích tụ lại, dồn hậu quả cho người của nhiệm kỳ sau. Điều này thường thấy ở những người đã đến điểm tới hạn, thường buông xuôi không hành động, không chia sẻ, cáng đáng trách nhiệm, ở trong cuộc mà cứ như ở ngoài cuộc vậy. Đây không chỉ là thiếu trách nhiệm mà thực sự là chối bỏ trách nhiệm - với cả công việc chức phận được giao, với cả con người, những người dưới quyền.

3. Vượt qua “tư duy nhiệm kỳ”. Những điều trình bày trên đây về “tư duy nhiệm kỳ”, chủ yếu xem xét nó như một hiện tượng xã hội nảy sinh trong chính trị, thời kinh tế thị trường và mở cửa, trong bối cảnh đang diễn ra những cải cách thể chế, sửa đổi cơ chế, chính sách rất bộn bề và phức tạp. Cái mới, tiến bộ, tích cực chưa định hình thật vững chắc; cái cũ, lạc hậu, lỗi thời chưa xóa hết, tàn dư của nó còn bám rễ dai dẳng, ăn sâu vào tâm lý, thói quen mà việc cải biến nó không dễ chút nào. “Tư duy nhiệm kỳ” không phải là một khái niệm khoa học, nhưng hiện tượng phức tạp này có thể và cần phải nhận biết một cách khoa học, cả mặt hữu hình lẫn vô hình ở trạng thái tiêu cực cần phải phê phán để vượt qua.

Một cách khách quan, công bằng và nghiêm túc đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận vấn đề này sao cho thấu đáo. Nhiệm kỳ công tác tự nó không có lỗi, không sinh ra khuyết tật. Người lãnh đạo, quản lý nào theo nghĩa lành mạnh, trong sáng của chức phận này cũng thể hiện tư duy (sự suy nghĩ, nhận thức, tầm nhìn, triết lý…), hơn nữa phải ở tầm tư duy chiến lược, sắc sảo, dự phòng, vượt lên người bình thường. Nếu họ lại có tư chất, năng khiếu, bản lĩnh thì càng tốt, bởi nó thể hiện tinh hoa, tài năng, cốt cách của một trí tuệ sáng tạo và một phẩm chất nhân cách của người được giao trọng trách. Trong thực tế ở mọi lĩnh vực, mọi cấp, mọi ngành, mọi nơi, đâu đâu chúng ta cũng thấy có nhiều tấm gương tốt như thế. Họ thực sự là những đại biểu ưu tú trong đội ngũ CB,ĐV của Đảng đang thực thi công việc, chức trách được giao với động cơ trong sáng, tận tâm, tận lực, biết vượt lên những cám dỗ tầm thường. Cuộc sống vốn công minh và nhân dân vốn sáng suốt. Bằng trực cảm nhạy bén, họ biết rõ người tốt, kẻ xấu, người công tâm và kẻ bất minh, những ai hết lòng vì dân, còn những ai thì ngược lại chỉ vì mình. Nói như thế để thấy, những người lãnh đạo tốt, tài giỏi, có tâm, có trí, có tình, thì trong nhiệm kỳ làm việc của mình, họ sẽ hết lòng vì công việc, vì nhân dân một cách cụ thể, thiết thực, kiên nhẫn, bền bỉ. Họ không đại ngôn, không hứa hão, không mị dân, không nói suông. Họ hành động có trách nhiệm và không sợ trách nhiệm. Họ không sợ phải đương đầu với khó khăn, với trách nhiệm. Họ tự tin, khiêm nhường, trung thực. “Hữu xạ tự nhiên hương”, công việc và kết quả hoạt động sẽ chứng thực cho lòng thành của họ. Nhân dân tin cậy, quý trọng họ bởi họ biết sống vì dân, biết lo cho dân, biết bảo vệ dân, gần dân, tin dân. Với những nhân cách như thế, “tư duy nhiệm kỳ” của họ xa lạ với “tư duy nhiệm kỳ” của những kẻ hám danh, hám chức, tham quyền, trục lợi đã làm hoen ố thanh danh của Đảng, làm mất lòng dân, bị dân oán ghét và sớm muộn cũng bị đào thải.

Phê phán “tư duy nhiệm kỳ” chẳng những là một công việc nghiêm túc về nhận thức khoa học mà còn là trách nhiệm chính trị trung thực với Đảng, trách nhiệm xã hội cao cả với dânvì dân. Vượt qua “tư duy nhiệm kỳ” để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, làm cho Đảng ngang tầm của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc còn đòi hỏi dũng khí tự phê phán của người CB,ĐV có chức vụ, có trọng trách lãnh đạo, quản lý, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ở Trung ương và những người đứng đầu các địa phương, các ngành, các đoàn thể trong hệ thống chính trị.

Có thể nói, “tư duy nhiệm kỳ” là một bệnh trong lãnh đạo, quản lý, nó phát sinh từ căn “bệnh mẹ”, “bệnh gốc” là chủ nghĩa cá nhân như Hồ Chí Minh từng nói. Vượt qua “tư duy nhiệm kỳ” để xây dựng Đảng trở thành một nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và bức xúc, nhất là trong tình hình hiện nay. Nó đòi hỏi sự kết hợp giữa nỗ lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp với sự cộng đồng trách nhiệm của mọi CB,ĐV trong từng tổ chức đảng, sự hỗ trợ, giúp sức của nhân dân, thực hiện đúng phương châm “dựa vào dân để xây dựng Đảng”. Dấy lên một dư luận xã hội tích cực để hỗ trợ và thúc đẩy sự phê phán và tự phê phán “tư duy nhiệm kỳ” là cần thiết, giúp sức làm cho Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh.

Đảng ta là đảng của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân, là Đảng chân chính cách mạng, tiêu biểu cho đạo đức và văn minh. Chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch Đảng, với kỷ cương phép tắc nghiêm minh của pháp luật, Điều lệ Đảng và những quy định của Đảng, với sức mạnh kiểm tra, giám sát của dân, với cơ chế đúng, chính sách tốt, chọn đúng người, giao đúng việc… nhất định chúng ta sẽ vượt qua những mặt trái của “tư duy nhiệm kỳ”, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO

Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ 3 BCHTƯ , khóa XI, Nxb CTQG, H. 2011. tr. 246.

2 , 3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ 4 BCHTƯ, khóa XI, Nxb CTQG, H. 2012. tr. 99, 102.

 

Ý kiến bạn đọc (1)

Tu dy nhiệm kỳ
29/10/2021 16:15
Nhiệm kỳ này ban hành luật mà Nhiệm kỳ sau phải sửa lại thì phải quy trách nhiệm Nhiệm kỳ trước-Phải quy định rõ ràmg rành mạch như vậy các cán bộ nhiệm mới làm đúng, làm hết trách nhiệm, không có chuyện làm cho xong nhiệm kỳ hạ cánh an toàn.
Đại Biểu
Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...