Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:19 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, đấu tranh loại trừ chủ nghĩa cá nhân và lợi ích nhóm là giải pháp rất quan trọng.
Chúng ta thực hiện Nghị quyết có thuận lợi rất lớn, vì ý Đảng hợp với lòng dân. Trong đội ngũ đảng viên có biết bao đảng viên ưu tú, trung kiên thuộc nhiều thế hệ, tiềm năng phong phú và sức mạnh dồi dào. Lãnh đạo Đảng ý thức sâu sắc sứ mệnh và trọng trách của mình trước nhân dân và dân tộc, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ vững bền thực chất là bảo vệ dân, vì cuộc sống và hạnh phúc của dân. Đảng vì dân mà hành động thì dân sẽ hết lòng với Đảng. Song, việc thực hiện Nghị quyết cũng có không ít khó khăn, thậm chí gay gắt và phức tạp. Bởi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) là rất nghiêm trọng. Đó là những suy thoái đụng chạm đến tận nền tảng, có nguy cơ làm cho Đảng tự đánh mất bản chất của mình. Nó diễn ra trong Đảng khi Đảng đã cầm quyền; nó không còn là số ít, cá biệt, riêng lẻ mà đã là một bộ phận không nhỏ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả ở cấp cao.
Dân suy giảm lòng tin với Đảng vì dân nhìn thấy, nhận rõ không ít CB,ĐV nói nhiều làm ít, lời nói không đi đôi với việc làm, không gương mẫu, trốn tránh trách nhiệm, quan liêu xa dân, nhất là tham nhũng, gây tổn hại cho dân, cho nước. Đảng viên, tuy không phải là tất cả nhưng cũng không còn là số ít đã suy giảm lòng tin vào Đảng, bởi thấy một thực tế, việc thực hành dân chủ ở nhiều tổ chức đảng yếu kém; đoàn kết và tính chiến đấu trong Đảng không ít nơi rơi vào hình thức, đạo đức, lối sống suy đồi, mang nặng chủ nghĩa cá nhân (CNCN) vụ lợi, vị kỷ, bon chen danh lợi, vừa thiếu trách nhiệm, vừa dửng dưng vô cảm trước những nỗi đau, sự cực khổ của dân. Chỉ riêng mức sống hằng ngày, sự phân hóa ngày càng gay gắt đang diễn ra ngay trong nội bộ Đảng, giữa những đảng viên giầu có bất minh, bất chính với những đảng viên lam lũ, nghèo khổ. Thiếu dân chủ, nhất là trong công tác cán bộ và cách dùng người, lại thiếu gương mẫu, nhất là trong đạo đức, lối sống. Đó là hai điểm nổi bật làm cho đảng viên giảm sút lòng tin với Đảng.
Sinh thời, Bác Hồ đã từng phê phán và cảnh báo: Đảng là một tổ chức cách mạng để phục vụ giai cấp, dân tộc, nhân dân và nhân loại, chứ Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Vào Đảng để phấn đấu hy sinh cho dân, cho nước chứ không phải biến Đảng thành một chiếc cầu thang để leo lên từng bậc danh vọng, địa vị; để tìm kiếm chức vụ, bổng lộc. Đảng viên vào Đảng là một sự tự nguyện, biểu thị một động cơ, một lẽ sống, một đức tin; là lựa chọn một giá trị; là theo đuổi và dấn thân vì lý tưởng. Suy giảm lòng tin với Đảng vì không ít CB,ĐV nắm chức, nắm quyền và nắm tiền - tất cả đều do dân ủy thác - đã dùng những cái đó không phải để phục vụ dân mà là phục vụ mình, cả họ hàng, bà con thân quen. Những CB,ĐV đó vi phạm nguyên tắc, bất chấp luật lệ, bỏ ngoài tai mọi dư luận phê phán, chỉ ưa dùng những kẻ cơ hội xiểm nịnh, tâng bốc, lợi dụng nhau để trục lợi, đố kỵ và thành kiến, ghét bỏ và gạt bỏ những người chính trực, công tâm, tài năng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói tới lợi ích nhóm và phê phán thói cơ hội “im lặng là vàng”. Đó là những bất ổn tiềm tàng, có thể dẫn tới những diễn biến xấu hơn, gây hậu quả khôn lường. Làm rõ thực trạng này để thấy hết khó khăn, phức tạp trong triển khai, thực hiện Nghị quyết. Những vấn đề cấp bách, bức xúc trong Đảng không chỉ là sự suy thoái nêu trên mà còn là vấn đề chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp cao, cấp Trung ương, cấp chiến lược. Chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt quyết định sự lãnh đạo có ngang tầm hay không so với yêu cầu, đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ. Ở mắt khâu quan trọng này cũng có không ít điều đáng nói, đó là một trong những điểm nghẽn của phát triển. Một khi năng lực và phẩm hạnh không tương xứng với cương vị, trách nhiệm, thẩm quyền thì chẳng những công việc hoạt động không có hiệu quả, mà còn kìm hãm sự phát triển và ở những hoàn cảnh khó khăn, thử thách rất dễ sai lầm, chệch hướng. Xét trên quan điểm xã hội, bố trí người với việc như vậy cũng là một bất công, bởi để lộ ra kẽ hở - không giao cho người xứng đáng vào việc xứng đáng, làm lãng phí nhân tài, nguồn vốn quý giá của xã hội.
Cấp bách và bức xúc còn ở chỗ thiếu vắng và yếu kém trách nhiệm, chế độ trách nhiệm, minh định thẩm quyền, minh bạch trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy và chính quyền trong quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, đoàn thể.
Trong những vấn đề ấy, cái cấp bách của mọi cấp bách, xuyên suốt, bao trùm vẫn là sự suy thoái. Đề phòng, khắc phục và đẩy lùi sự suy thoái này là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề, làm cho Đảng trong sạch và vững mạnh. Đây là khó khăn lớn nhất. Do đó, giải pháp tự phê bình và phê bình trong Đảng, tuy là giải pháp quan trọng nhất nhưng rốt cuộc lại là chỗ khó nhất, phức tạp nhất, dễ biến dạng nhất. Bởi đó là vấn đề con người luôn đi kèm với danh và lợi, luôn chịu ràng buộc bởi biết bao mối quan hệ khác trong đời sống: con người - công việc - tổ chức - thể chế - môi trường và dư luận.
Khó nhưng hoàn toàn có thể làm được với các điều kiện: động cơ mục đích vì Đảng, vì dân chứ không vì bất cứ cá nhân nào. Đã vì dân thì phải quang minh chính đại, khách quan, công tâm và phải có dân tham gia, nhập cuộc, kiểm tra, giám sát. Tiếng nói của dân, dư luận xã hội lành mạnh là một chế tài đạo lý, đạo nghĩa không thể thiếu, đó là lực đẩy tinh thần để Đảng và đảng viên phải nghiêm và phải minh. Lãnh đạo phải gương mẫu và chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng, trước dân và dân tộc; phải có phương pháp đúng, cách làm khoa học, thấu lý đạt tình, phải làm thường xuyên và thực sự. Bệnh hình thức, xét ra không chỉ là phù phiếm, khoa trương mà thực sự, nó là sự giả dối, là làm để che đậy tinh vi cho ý đồ không làm, nó sẽ dẫn Nghị quyết đến chỗ mất sinh khí, bị vô hiệu hóa. Khó khăn này là lực cản vô hình, ở trong tổ chức, trong quan hệ con người mà thường là quan hệ trong tập thể lãnh đạo. Đây là khó khăn lớn nhất, muốn vượt qua cần có dũng khí, sự trung thực, có sức mạnh của tập thể, được dân và dư luận của dân hỗ trợ, thúc đẩy, bắt buộc.
Trước tình hình đó, CB,ĐV phải vượt qua CNCN và lợi ích nhóm là hành động thiết thực nhất để xây dựng và bảo vệ Đảng. Suy đến cùng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB,ĐV, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, kể cả cấp cao đều do CNCNmà sinh ra. Vì vậy, muốn phòng ngừa, khắc phục, đẩy lùi sự suy thoái thì trong toàn Đảng phải ra sức thực hành đạo đức cách mạng, kiên quyết đánh bại CNCN. Toàn bộ các nhóm giải pháp lớn với nhiều biện pháp cụ thể đều thể hiện và thấm nhuần yêu cầu ấy. Lợi ích nhóm mà Tổng Bí thư phê phán cũng không có gì khác, nó chính là biểu hiện của CNCN nhìn từ góc độ lợi ích không chính đáng, thậm chí là bất minh, bất chính, làm giàu trục lợi phi pháp do liên minh giữa những người lợi dụng chức quyền với những người nắm giữ tiền vốn tài sản của dân giao cho, không phục vụ dân mà cùng nhau mưu lợi cá nhân, được che đậy tinh vi với những thủ đoạn xảo trá, nhân danh lợi ích xã hội để thu lợi về cho mình, gây tổn hại tới cộng đồng. Những người ấy đã không vượt qua được CNCN, bị cuốn theo lòng tham, tính tham, xa rời động cơ, mục đích, lý tưởng cách mạng mà họ đã từng thề nguyện phấn đấu hy sinh. Đó là sự suy thoái, biến chất, dẫn tới hành động bất chính, làm sai, làm trái chính sách, luật pháp, thậm chí cố ý làm trái, hiện hình những hành vi phạm tội, sớm muộn rồi cũng phải trừng phạt. Sự hư hỏng về đạo đức đi liền với sự suy thoái tư tưởng chính trị của cán bộ làm yếu tổ chức, làm hỏng công việc và làm mất cán bộ. Mất tiền, mất của có thể lấy lại, mất cán bộ là mất hết, vì có thể làm đổ vỡ cơ đồ sự nghiệp của dân tộc, của Đảng đã từng phải hy sinh bằng xương máu mới có được.
Đủ thấy những trù tính chiến lược rất xa với những mẫn cảm và tiên liệu sáng suốt của Hồ Chí Minh từ khi chưa có Đảng là quan trọng và có ý nghĩa lâu dài biết chừng nào. Từ năm 1927, trong “Đường cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã từng nhấn mạnh, lý luận rất quan trọng, nó là ánh sáng soi đường cho phong trào cách mạng, nhưng trước hết, Người lại bàn tới “Tư cách của người cách mệnh”, rộng hơn là của Đảng cách mệnh. Lý luận, chủ nghĩa phải bắt nguồn từ thực tiễn, cội nguồn của nó là ở cuộc sống. Song Đảng cách mệnh, người cách mệnh thực hành lý luận, chủ nghĩa thì bắt buộc phải có đạo đức, lấy đức làm gốc. Đảm bảo tinh thần cho thắng lợi của một sự nghiệp cao cả không chỉ là trí tuệ khoa học kết tinh trong lý luận, chủ nghĩa mà còn là đạo đức trong hoạt động, trong hành động. Đạo đức cách mạng bao gồm cả trí tuệ khoa học, lòng trung thành và đức hy sinh. Vì thế, Đảng cách mệnh, người cách mệnh phải giữ chủ nghĩa cho vững và phải ít lòng tham muốn (ham muốn) về vật chất. Có những phẩm chất này mới có sức mạnh chống lại và đánh bại CNCN mà Hồ Chí Minh xác định là giặc nội xâm, ẩn nấp ngay trong lòng mình. Thứ giặc đó nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm vì nó phá từ trong phá ra, dẫn phong trào tới thất bại do tự hủy hoại. Đổ vỡ thể chế XHCN ở Liên Xô, Đông Âu, sự tan rã của hệ thống XHCN, đẩy cả XHCN thế giới vào chỗ thoái trào đều có nguyên nhân từ sự suy thoái đạo đức của người cầm quyền, của Đảng cầm quyền. Nó càng chứng tỏ sự nhạy cảm, mẫn cảm đặc biệt sâu xa của Hồ Chí Minh.
Làm cách mạng không chỉ cần có đường lối đúng, sự mưu lược, dũng cảm chính trị mà còn phải có sự trong sạch về đạo đức. Nếu cách mạng là phá cái cũ, đổi ra cái mới thì hành động phá hủy và dựng xây ấy có bao hàm cải tạo đạo đức cũ, xây dựng đạo đức mới. Và, muốn cách mạng trong xã hội, trước hết phải cách mạng chính bản thân mình đã. Xây dựng cũng vậy, muốn xây dựng CNXH, trước hết phải có con người XHCN. Đó là trù tính chiến lược của Hồ Chí Minh từ cảm quan đạo đức học.
Không ai có thể quên được, vào năm cuối cùng của Người, năm 1969, khi Đảng ta 39 tuổi, Hồ Chí Minh chủ trương mở cuộc vận động học tập và thực hành đạo đức trong toàn Đảng với chủ đề “Quét sạch CNCN, nâng cao đạo đức cách mạng”. Đó chính là tên bài báo mà Người trực tiếp chỉ đạo viết thành tài liệu giáo dục trong Đảng. Người coi CNCN là căn bệnh gốc, bệnh mẹ, đẻ ra trăm thứ bệnh tật con, xấu xa, hư hỏng ở đời, ở mỗi con người, phải kiên quyết chống cho bằng được. Cách mạng có thành công hay không, Đảng có trở thành đạo đức, văn minh hay không, CB,ĐV có phải là người đủ cả bốn đức cần, kiệm, liêm, chính hay không để đủ sức phục vụ tận tâm, tận lực cho dân, xứng đáng là người đầy tớ, công bộc trung thành của dân hay không, phải chiến thắng giặc nội xâm nguy hiểm này. Người cũng tổng kết rằng, muốn xây dựng thành công CNXH thì phải đánh bại CNCN vì CNCN là đối lập với CNXH. Người chỉ ra mười căn bệnh, mười biểu hiện sinh ra từ CNCN, giờ đây tuy đã cách xa hàng mấy thập kỷ, mà vẫn còn nguyên giá trị phê phán và ý nghĩa cảnh tỉnh với mỗi chúng ta, mỗi tổ chức đảng.
Vượt qua CNCN và lợi ích nhóm, theo đúng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh là phải quét sạch nó như quét sạch những rác rưởi trong nhà của mình. Người nói: đó là một thứ vi trùng gây bệnh rất nguy hiểm có thể lây lan, giết hại sự sống của cơ thể. Người không chỉ nói mà còn hành động, nêu gương sáng cho mọi người noi theo. Thực hành đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư, đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết, để tận trung với nước, tận hiếu với dân và do đó tận hiến cả đời mình cho dân, cho Đảng, cho nước và cho cả nhân loại. Đó là tấm gương mẫu mực hiếm thấy ở đời.
Khi Đảng đã cầm quyền, CB,ĐV có chức có quyền, có danh có lợi, nếu không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng thì hư hỏng, thoái hóa bởi những cám dỗ danh lợi, chức quyền, địa vị rất dễ xảy ra và trên thực tế đã xảy ra. Vì vậy, để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, với bao nhiêu mặt trái và hệ lụy tiêu cực, Đảng ta nhấn mạnh xây dựng Đảng với nội dung toàn diện, không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức mà còn là đạo đức và lối sống, đòi hỏi đức hy sinh và gương mẫu của mọi đảng viên, mọi tổ chức đảng, trước hết là sự gương mẫu ở người lãnh đạo và cơ quan lãnh đạo.
Đây thực sự là một cuộc đấu tranh gian khổ, lâu dài, quyết liệt mà Hồ Chí Minh căn dặn phải tẩy sạch CNCN, để chiến thắng nó sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng vì phải chống lại những thói hư, tật xấu của chính mình, trong tổ chức của mình. Tự phê bình và phê bình góp sức vào việc hệ trọng ấy, phải nghiêm khắc, nghiêm minh, thấu lý đạt tình, có tình thương yêu đồng chí lẫn nhau.
Đó là chỗ thử thách đạo đức và chính trị, cần tới sự trung thực, đức khiêm nhường, động cơ trong sáng, lý trí tỉnh táo, sáng suốt… tựu trung lại ấy là văn hóa làm người của người cộng sản giữa thời buổi kinh tế thị trường đầy những cạnh tranh, bon chen, cám dỗ. Để vượt qua, mỗi người phải học và hành theo gương Bác - tâm thành, trí sáng, lòng bền bỉ, có dũng khí và bản lĩnh ở ngoài vòng danh lợi bất minh, bất chính, bất nghĩa; chỉ có một điều ham muốn, đó là ham học, ham làm, ham tiến bộ vì dân, vì nước.
Để được như vậy, nỗ lực của từng người là quan trọng và quyết định nhưng môi trường đạo đức, văn hóa trong Đảng, trong xã hội; kỷ cương phép nước, ý thức trọng dân, trọng pháp; Đảng biết dựa vào dân mà xây dựng Đảng; CB,ĐV biết vì dân mà gần dân, tin dân, học dân, hỏi dân, nghe dân mà sửa mình cũng vô cùng quan trọng. Chỉ khi nào tạo thành nhu cầu văn hóa trong rèn luyện lối sống hằng ngày, lẽ sống ở đời, làm cho lòng tự trọng, liêm sỉ, danh dự có sức mạnh của động lực thúc đẩy hướng thiện, có tác dụng của cái “phanh hãm” và con “đập chắn sóng” để không sa ngã, hư hỏng… thì khi ấy, từ đảng viên đến tổ chức đảng mới bảo vệ được Đảng của mình bằng sức mạnh tổng hợp của nội lực văn hóa. Ấy là văn hóa Đảng, làm cho Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Đấu tranh vượt qua CNCN vào lúc này phải chú trọng vào những góc khuất nguy hại của lợi ích nhóm. Theo nghĩa lành mạnh và chính đáng thì lợi ích nhóm (hay nhóm lợi ích) không có gì phải phê phán, nó hợp lẽ tự nhiên khi biểu đạt quan hệ lợi ích của các chủ thể trong cơ cấu xã hội (nhóm giai cấp và tầng lớp, nhóm nghề nghiệp, nhóm tuổi, giới tính, thế hệ). Điều đáng lo ngại và tính nguy hiểm của nó là ở những dấu hiệu không chính đáng, trái tự nhiên. Nó là sự dựa dẫm, liên minh với nhau vì mục đích làm giàu bất chính, phi pháp, phi nghĩa, lợi dụng các kẽ hở trong quản lý và luật pháp để chiếm đoạt, lợi dụng chức vụ quyền hành để trục lợi, lợi dụng những lợi thế riêng về thông tin để đầu cơ (đất đai là một ví dụ). Đó là những liên minh tội lỗi, dẫn tới các thủ đoạn và hành vi tham nhũng, cả tham nhũng bằng tiền của vật chất, cả tham nhũng chính trị chức quyền, đem quyền lực do dân ủy thác trao cho để kinh doanh, mua bằng, bán chức, dùng lợi chạy danh, dùng danh kiếm lợi. Nguy hiểm nhất là những lợi ích nhóm này, qua những con người cụ thể nó có khả năng thao túng cả cơ quan hoạch định chính sách, phân bổ nguồn vốn để mưu lợi nhanh và nhiều nhất ngay khi vẫn nhân danh xã hội, gây ra rối loạn các giá trị, định hướng giá trị, gây tổn hại cho người dân và cộng đồng. Lợi ích nhóm là liên minh mua bán, mặc cả, đổi chác, lợi dụng lẫn nhau giữa quyền và tiền, cộng với phe cánh, nhóm phái, làm các giá trị, chuẩn mực bị xuyên tạc, bị bẻ cong, cái ác, cái xấu hoành hành do có tiền bao bọc, có quyền để ban phát và gây ảnh hưởng. Tiền ấy, quyền ấy từ chỗ là của dân, của nước đã bị xâm hại thành ra của riêng. Và lô-gíc tất yếu là cái tốt, chính trực, lương thiện bị xem thường, tài năng, trí tuệ bị coi rẻ, đẩy xuống hàng thứ yếu. Tác hại và nguy hiểm là ở đấy. Phải chống lại những ung nhọt đó để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ dân.
GS, TS. HOÀNG CHÍ BẢO
Hội đồng Lý luận Trung ương
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học