Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 22/02/2018, 07:42 (GMT+7)
Việt Nam chủ động tổ chức lực lượng và tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc

Quán triệt, thực hiện quan điểm, đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, thời gian qua, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Quân đội trên trường quốc tế.

Sau gần 04 năm thành lập và triển khai, hoạt động thực hiện Đề án “Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc”, ngày 22-11-2017, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam; đồng thời, tiếp nhận Tổ công tác liên ngành về gìn giữ hòa bình từ Bộ Ngoại giao về Bộ Quốc phòng. Đây là bước phát triển cần thiết, đáp ứng xu thế hội nhập và yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng thời kỳ mới, trong đó có nhiệm vụ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Bộ Quốc phòng về việc Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã có nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp trong thực hiện quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được xác định tại các nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đề ra, nhất là Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Lễ ra mắt Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam. (Ảnh: qdnd.vn)

Mặc dù nhiệm vụ mới, nặng nề, trong khi kinh nghiệm thực tiễn chưa có, phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, nhưng cán bộ, chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đã xác định rõ quyết tâm chính trị, đoàn kết, chủ động khắc phục khó khăn, vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Nổi bật là, công tác chuẩn bị lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được chủ động thực hiện từ xa, có phương hướng, lộ trình, bước đi cụ thể, phù hợp với năng lực của đất nước, Quân đội, bảo đảm yêu cầu chu đáo, kỹ lưỡng và toàn diện. Từ xây dựng đề án, chuẩn bị nhân sự, đào tạo ngoại ngữ, nghiên cứu, tham quan, tập huấn, huấn luyện tiền triển khai, huấn luyện thực hành diễn tập đến tham gia đóng góp tài chính, v.v. Đặc biệt, Cục đã chủ động làm tham mưu, trực tiếp tổ chức triển khai các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Xu-đăng và Cộng hòa Trung Phi với hai hình thức chính là cá nhân và đơn vị1. Qua đó, đã góp phần quan trọng trong bảo vệ, hỗ trợ nhân đạo; đàm phán, hòa giải nhiều vụ xung đột vũ trang; tái thiết chính quyền sở tại, duy trì ổn định khu vực đảm nhiệm; ký biên bản hợp tác quốc phòng song phương với 09 quốc gia; vận động tài trợ 20 triệu USD phục vụ nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam,... được Liên hợp quốc, bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ của Cục cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khả năng tài chính của nước ta trong mua sắm trang bị, thiết bị phục vụ hoạt động gìn giữ hòa bình còn hạn chế; trình độ ngoại ngữ cũng như năng lực phối hợp công tác trong môi trường đa quốc gia còn nhiều bất cập, v.v. Trong khi đó, dự báo tình hình thế giới, khu vực những năm tới vẫn diễn biến hết sức phức tạp, nhất là việc xung đột tôn giáo, sắc tộc, đảng phái; mâu thuẫn, tranh chấp, bất đồng về lợi ích trên Biển Đông,… đang hiện hữu, tiềm ẩn nguy cơ khó lường. Chính vì thế, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng nói chung, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nói riêng đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ Cục Gìn giữ hòa bình cần quán triệt thấu đáo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X và Nghị quyết 806 của Quân ủy Trung ương. Trên cơ sở đó, triển khai thực hiện hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; trong đó, tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho lực lượng trực tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Với quan điểm: nhận thức càng sâu, kỹ, đúng đắn, thì hành động càng khoa học và hiệu quả. Đảng ủy, chỉ huy Cục tập trung tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, giúp cho họ có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng cần thiết và xác định rõ trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Nội dung giáo dục bảo đảm toàn diện; trong đó, đi sâu giáo dục cho bộ đội nắm chắc nguyên tắc, cơ chế, điều khoản hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đường lối hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng của Đảng; mục tiêu, quan điểm, lập trường nhất quán của Việt Nam trong quan hệ quốc tế (song phương, đa phương); đặc biệt là chức năng, nhiệm vụ chung của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận khi tham gia hoạt động trên từng lĩnh vực tại các phái bộ, v.v. Tập trung quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc và phân biệt rõ sự khác nhau về bản chất giữa lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các lực lượng liên quân đa quốc gia, bảo đảm cho họ có cơ sở lý luận, thực tiễn để tuyên truyền cho nhân dân trong nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới hiểu rõ mục đích hoạt động của lực lượng “Mũ nồi xanh” là phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và thế giới. Trong đó, chú trọng xây dựng cho bộ đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ không thiên vị, trung lập phù hợp với các điều khoản, nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và thấy rõ đặc điểm, tính chất cùng những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, chủ động khắc phục khó khăn về ngôn ngữ, môi trường, địa bàn, lĩnh vực công tác, nhất là tính chất khốc liệt, nguy hiểm, chứa đựng nhiều rủi ro khi hoạt động trong các vùng còn xảy ra xung đột,… từ đó xác định quyết tâm, tinh thần sẵn sàng hy sinh, vượt qua gian khổ, vươn lên hoàn thành nhiệm vụ. Vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp giáo dục, kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tập trung theo chương trình cơ bản với huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng riêng theo từng khóa, nhiệm kỳ công tác; giáo dục thông qua giao nhiệm vụ cho các bộ phận với tự quán triệt, giáo dục, tích lũy qua thực tiễn hoạt động gìn giữ hòa bình tại các phái bộ theo lĩnh vực đảm nhiệm; trong đó, lấy tự giáo dục là chính. Nhờ cách làm sáng tạo đó, những năm qua, lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tăng cường lòng tin chiến lược, duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển ở khu vực, thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng.

Hai là, tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là khâu đột phá nhằm thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo nội dung Nghị quyết 806 của Quân ủy Trung ương. Để nội dung này đi vào chiều sâu và đạt hiệu quả thiết thực, trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Cục chú trọng công tác tạo nguồn nhân lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc theo hướng bảo đảm số lượng, cơ cấu, thành phần hợp lý, chất lượng cao; chủ động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quốc tế. Theo đó, Cục kết hợp chặt chẽ giữa gửi đi đào tạo, nghiên cứu, học tập tại nước ngoài với đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng trong nước; chú trọng nâng cao trình độ tiếng Anh kết hợp với tiếng bản địa, năng lực chuyên môn gắn với chức năng, nhiệm vụ từng phái bộ theo lĩnh vực hoạt động, nhất là kỹ năng hòa nhập, thích ứng với điều kiện, môi trường an ninh - chính trị, quân sự diễn biến phức tạp. Chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ phát triển lực lượng, mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động theo đề án đã xác định và thống nhất với Liên hợp quốc; tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động trên hai lĩnh vực quân y, công binh tại Phái bộ Nam Xu-đăng, Cộng hòa Trung Phi và từng bước mở rộng tham gia hoạt động ở các lĩnh vực khác. Trước mắt, tập trung chuẩn bị tốt mọi mặt cho các nhân sự tham gia ứng cử vào làm việc tại cơ quan thường trực của Liên hợp quốc. Thường xuyên nâng cao năng lực tham mưu tác chiến, huấn luyện, bảo đảm hậu cần, xây dựng kế hoạch, xử lý tình huống, tổng hợp, báo cáo với chỉ huy các phái bộ. Đặc biệt, coi trọng công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận, rút ra bài học kinh nghiệm; trên cơ sở đó, truyền thụ và đề xuất biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động cho các đợt, khóa, nhiệm kỳ công tác tiếp theo. Tích cực mở rộng hợp tác quốc phòng song phương về lĩnh vực gìn giữ hòa bình với các đối tác trên thế giới, đổi mới mạnh mẽ công tác đối ngoại, hợp tác quốc phòng theo hướng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh việc vận động tài trợ, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tạo tiền đề, động lực mới để phát triển, mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam. Chủ động nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và điều chỉnh, bổ sung kịp thời hệ thống cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, tạo hành lang pháp lý cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam hoạt động thuận lợi, đạt hiệu quả thiết thực.

Ba là, tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Đây là nội dung quan trọng, tạo cơ chế thống nhất, đồng thuận, phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần, lực lượng, góp phần hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Với tư cách là cơ quan thường trực, vừa tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, vừa trực tiếp hiệp đồng, điều phối, triển khai thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam đang đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong nước, các tổ chức quốc tế. Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng, Viện Quan hệ quốc tế về Quốc phòng,… và các đối tác nước ngoài thực hiện thỏa thuận tài chính, thanh toán, bồi hoàn với Liên hợp quốc, mua sắm trang bị, thiết bị; tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ theo đúng pháp luật Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng. Tăng cường nghiên cứu khoa học về nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, trong đó đi sâu phối hợp về nghiên cứu, phát triển, mở rộng các lĩnh vực công tác, mức độ, cấp độ tham gia hoạt động cụ thể; công tác hiệp đồng, chỉ huy, điều hành, giám sát hoạt động của các bộ phận trong điều kiện ở xa nước chủ quản, môi trường hoạt động phức tạp và công tác sơ kết, tổng kết, đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc. Chú trọng phối hợp với các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc, các nước có kinh nghiệm về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc để đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy hợp tác triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong thực tiễn. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của Liên hợp quốc tuyên truyền quan điểm, lập trường chính nghĩa, mục đích bảo vệ hòa bình thế giới của chúng ta; tích cực quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam trên cương vị là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, nhằm không ngừng nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo tiền đề, động lực quan trọng để phát triển đất nước toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi quan điểm của Đảng về tăng cường hội nhập quốc tế, mở rộng đối ngoại nói chung, đối ngoại quốc phòng nói riêng trong tình hình hiện nay.

Đại tá HOÀNG KIM PHỤNG, Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
________________

1 - Về cá nhân, Việt Nam đã cử 20 lượt sĩ quan là quan sát viên quân sự, sĩ quan: liên lạc, tham mưu, hậu cần tại các phái bộ; về hình thức đơn vị, đăng ký tham gia 02 lĩnh vực: Quân y (với quy mô Bệnh viện dã chiến cấp 2) và Công binh (với quy mô Đội công binh).

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...