Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 10/01/2022, 13:35 (GMT+7)
Vận dụng luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ở Thủ đô Hà Nội (24/11/1946), tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tư tưởng này của Người vẫn còn nguyên giá trị, cần tiếp tục quán triệt, vận dụng có hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Văn hóa là phạm trù rộng lớn, với nhiều cách tiếp cận khác nhau. Song, tựu trung, văn hóa là cái đẹp; là tổng thể các giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra để thích ứng với hoạt động sống, sinh tồn, phát triển. Văn hóa có mặt trong mọi hoạt động của con người và xã hội, với vai trò là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực, sức mạnh nội sinh của sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Nhận thức rõ điều đó, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực văn hóa, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam, với khát vọng, mục tiêu cao cả là vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta đã minh chứng, với đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lòng yêu nước, ý chí độc lập, tinh thần đấu tranh bất khuất là những giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc đã được khơi dậy, phát huy, tạo sức mạnh to lớn làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với khẩu hiệu “Văn hóa hóa kháng chiến,

kháng chiến hóa văn hóa” đã trở thành động lực tinh thần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sự lãnh đạo của Đảng trong suốt thời kỳ từ năm 1960 đến năm 1975 đã phát huy vai trò của văn hóa trong thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng dân tộc ở miền Nam giành đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước. Trong hơn 35 năm đổi mới, thấm nhuần quan điểm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chỉ thị quan trọng để tập trung xây dựng, phát triển văn hóa. Nổi bật là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, trong đó khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Qua các kỳ đại hội Đảng (IX, X, XI, XII), Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của văn hóa; nó được ví như “ngọn hải đăng” thực hiện sứ mệnh “soi đường cho quốc dân đi” trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được kế thừa, phát huy; văn hóa trong chính trị và trong kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, văn hóa những năm gần đây chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với yêu cầu xây dựng, phát triển đất nước. Bên cạnh đó, quá trình toàn cầu hóa; cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, “xã hội số”, “văn hóa số” vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong xây dựng, phát triển văn hóa. Theo đó, nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp bị mai một, trong khi nhiều thói hư, tật xấu, văn hóa ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam xâm nhập tràn lan, làm băng hoại đời sống văn hóa tinh thần xã hội, v.v. Vì vậy, vấn đề cấp bách, có ý nghĩa chiến lược hiện nay là, các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” nhằm “tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”1, để “văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”2, với nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, xây dựng và phát huy văn hóa chính trị làm cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Văn hóa chính trị có thể được hiểu là cái đẹp; là giá trị của tư duy, tầm nhìn, tư tưởng và hoạt động chính trị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, của cán bộ chủ trì các cấp và cả đội ngũ cán bộ, đảng viên. Văn hóa ấy chính là cơ sở, nền tảng để hệ thống chính trị các cấp phát huy được hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của mình. Xây dựng văn hóa chính trị, trước hết phải thấm nhuần mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam phấn đấu là vì dân, vì nước, vì sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia - dân tộc, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chủ trương ấy cũng chính là sự hướng tới các giá trị chân - thiện - mỹ vốn là nội hàm đặc trưng của văn hóa. Chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng không nằm ngoài mục tiêu hướng tới thực hiện một Nhà nước có văn hóa pháp quyền. Văn hóa chính trị cần có trong ứng xử của tất cả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp trong quan hệ với nhân dân. Người có văn hóa sẽ thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “văn hóa công bộc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong thực hành công vụ cũng như trong lối sống, nếp sống hằng ngày; sẽ biết tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống theo các giá trị văn hóa chuẩn mực vốn được xã hội thừa nhận; biết tự trau dồi kiến thức chuyên môn, kĩ năng quản lý; dám chịu trách nhiệm; dám từ chức khi thấy nhiệm vụ vượt quá khả năng hay để xảy ra sai phạm; dám “nói không” với các giá trị vật chất khi thấy không xứng đáng, thiếu trong sáng.

Hai là, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, làm cơ sở để xây dựng và phát huy nhân tố con người trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vấn đề gốc rễ trong xây dựng nền văn hóa là việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Người khẳng định: “Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc” và yêu cầu: “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ,... Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý”3. Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với phong trào Thi đua Yêu nước, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; trong đó, chú trọng phát huy đức tính tốt đẹp của con người Việt Nam, như: lòng yêu nước, tính cần cù, chịu thương, chịu khó, trung thực, yêu lao động; lối sống “tình làng, nghĩa xóm”, “lá lành đùm lá rách”, v.v. Cùng với đó, xây dựng và phát huy nếp sống văn minh và thượng tôn pháp luật trong mọi lĩnh vực; điều chỉnh hành vi văn hóa của các thành viên trong cộng đồng thông qua các quy tắc, chuẩn mực ứng xử văn hóa. Kiên quyết bài trừ những thói hư, tật xấu trong nếp sống, cách nghĩ của mỗi người, nhằm kiến tạo một môi trường văn hóa thực sự trong sạch, lành mạnh ở khu dân cư, làm cái nôi giáo dục nhân cách, hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ, có trí tuệ, năng lực cùng khát vọng cống hiến để góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, xây dựng, phát huy giá trị văn hóa trong lĩnh vực kinh tế; phát triển công nghiệp văn hóa bền vững, từng bước trở thành trụ cột của nền kinh tế quốc dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới, gắn với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn”4. Để hiện thực chủ trương trên, cần tận dụng tối đa nguồn tài nguyên văn hóa vốn có là các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh cũng như hàng nghìn di sản được xếp hạng cấp quốc gia cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống để thúc đẩy du lịch văn hóa. Tích cực phát triển các ngành công nghiệp: điện ảnh, âm nhạc, giải trí kỹ thuật số,… nhằm chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm của công nghiệp văn hóa; trong đó, chú trọng truyền tải tinh thần, cốt cách của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa trong lĩnh vực kinh tế, góp phần xây dựng tinh thần lao động, sáng tạo, cần cù, chịu thương, chịu khó, dám đương đầu với thách thức để hoàn thành mục tiêu trong sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các mối quan hệ trong quản lý, điều hành, sản xuất, lưu thông, buôn bán,… trên cơ sở các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp, thủy chung, tín nghĩa; xây dựng văn hóa doanh nghiệp để tạo nên giá trị thương hiệu và năng suất lao động. Đây chính là những nội dung thuộc phạm trù “sức mạnh mềm” mà nền kinh tế cần huy động trong quá trình phát triển.

Bốn là, phát huy giá trị văn hóa giữ nước của dân tộc Việt Nam làm nền tảng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; nhất là, các thế lực thù địch tăng cường chống phá với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” ngày càng công khai, trực diện hơn. Trước tình hình đó, các giá trị văn hóa giữ nước cần được khơi dậy làm nền tảng sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Cần làm cho mọi giai tầng trong xã hội luôn thấm nhuần những giá trị, như: lòng yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất chống giặc ngoại xâm; tinh thần trên dưới thuận hòa, cả nước một lòng đánh giặc; tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước, giữ nước từ khi nước chưa nguy; tinh thần nhân văn cao cả trong công cuộc giữ nước, v.v. Những giá trị văn hóa đó vốn là ngọn nguồn của mọi chiến công chống giặc ngoại xâm, giữ gìn non sông, gấm vóc của dân tộc Việt Nam từ thủa các vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Theo đó, công tác tuyên truyền, giáo dục hiện nay cần phải làm cho giá trị văn hóa giữ nước được phát huy về mặt tinh thần để chuyển hóa thành lực lượng vật chất trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng kẻ thù trong mọi tình huống.

TS. NGUYỄN MINH CƯỜNG       
__________________    

1 - Báo Nhân dân, số 24136, ngày 25/11/2021 – Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 24/11/2021, tr. 03.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 330.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 111-112.

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 145-146.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...