Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 16/01/2012, 14:11 (GMT+7)
Vấn đề xây dựng quan hệ sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế

Tầm vóc trí tuệ của Đảng và nhân dân ta trong quá trình tìm tòi sáng tạo, đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, tiến lên CNXH ngày càng được khẳng định, nhất là sau 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đến nay, quan niệm của chúng ta về CNXH được xác định rõ hơn. Song còn nhiều vấn đề rất quan trọng cần được tiếp tục giải quyết. Một trong những vấn đề đó là xây dựng quan hệ sản xuất, phát triển các thành phần kinh tế.

alt
Ảnh mang tính minh họa (nguồn: Internet)

Xung quanh vấn đề này hiện nay có nhiều cách nhìn nhận khác nhau và có không ít những băn khoăn.

1. Có ý kiến cho rằng: nếu như trước đây ta thường nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện quan hệ sản xuất (QHSX) để nó "đi trước mở đường cho lực lượng sản xuất (LLSX) phát triển", thì nay lại quá chú trọng đến LLSX, cho nó "bung ra" hết cỡ, ít chú ý đến QHSX. Như vậy, phải chăng đã từ "tả" nhảy sang "hữu" và không khéo sẽ phá vỡ những quan hệ sở hữu mà bao nhiêu năm mới tạo dựng được. Đây là vấn đề mà nhiều người quan tâm. Xin được nêu một số khía cạnh.

Một là, trước đây chúng ta chú trọng xây dựng và hoàn thiện QHSX cũng là hợp lẽ, vì đây là một cách đi có sự tìm tòi, phát huy vai trò tích cực của QHSX đối với LLSX. Mặc khác, chúng ta không chỉ nói đến QHSX, mà chủ trương đồng thời tạo lập cả QHSX và LLSX, vì đối với cả hai yếu tố đó của nền kinh tế, nước ta vẫn ở điểm khởi đầu. Tuy nhiên, khi thực hiện chủ trương này, do chủ quan và nóng vội, có lúc chúng ta đã làm sai quy luật, xoá bỏ nhanh các thành phần kinh tế tư bản tư nhân, biến nó thành quốc doanh hoặc công ty hợp doanh; đưa ồ ạt "những người sản xuất XHCN" với hai hình thức sở hữu toàn dântập thể chiếm ưu thế tuyệt đối. Thực tế cho thấy, cách làm này lúc đầu cũng tạo ra động lực nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Nhưng do không được tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để sửa chữa những gì không đúng, trái với quy luật, nên cách làm trên mất dần tác dụng tích cực và ngày càng trở thành nguyên nhân gây nên sự trì trệ, ách tắc, tiêu cực về mặt KT-XH. Chúng ta đã nhận biết được điều đó và chuyển sang cách làm khác: Phát triển một nền kinh tế nhiều thành phần.

Hai là, việc chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần chính là để giải phóng sức sản xuất, động viên tối đa mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài để phục vụ cho sự nghiệp CNH,HĐH đất nước, nâng cao hiệu quả KT-XH, cải thiện đời sống nhân dân. Làm như vậy thực chất cũng là để xây dựng, củng cố và phát triển QHSX; thực hiện mọi giải pháp để phát triển có hiệu quả các thành phần kinh tế thuộc khu vực sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, củng cố và nâng cao địa vị làm chủ của người lao động trong sản xuất xã hội, thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội; thực hiện nhiều hình thức phân phối, dựa vào kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu, đồng thời dựa vào mức đóng góp của các nguồn lực khác... Như vậy, sự chuyển hướng kinh tế mà chúng ta đang làm, cả trên phương diện lý luận và trong thực tế, sẽ giúp cho việc giải phóng và phát triển LLSX, củng cố và hoàn thiện thêm một bước QHSX XHCN, và hơn thế nữa, từng  bước làm cho QHSX ở nước ta phù hợp với yêu cầu phát triển của LLSX.

Ba là, xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần không có gì là "nhảy cực" cả. Chúng ta thấy sai thì sửa, và việc sửa đó không phải là từ bỏ định hướng XHCN, mà chỉ nhằm bảo đảm cho định hướng được thực hiện có hiệu quả, đúng quy luật kinh tế hơn mà thôi.

2. Khi đánh giá kết quả việc xây dựng QHSX và phát triển các thành phần kinh tế trong thời gian qua, có ý kiến cho rằng chúng ta chưa làm được bao nhiêu, kết quả thì ít mà khuyết điểm thì nhiều, coi chừng đang bị chệch hướng! Ai cũng biết rằng, xây dựng QHSX và phát triển các thành phần kinh tế không phải là công việc dễ dàng và càng không thể hoàn thành ngay trong một thời gian ngắn. Vậy nên, những kết quả đạt được vừa qua mới chỉ là bước đầu và trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên cũng gặp không ít sai sót. Song không thể vì thế mà không thấy rằng, phát triển kinh tế nhiều thành phần, mở cửa thu hút đầu tư trực tiếp của bên ngoài là một chiến lược đúng đắn. Không thể có các thành tựu kinh tế như vừa qua, nếu không thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, nếu QHSX không được điều chỉnh, đổi mới cho phù hợp hơn với yêu cầu phát triển của LLSX. Sự nghiệp đổi mới là vô cùng phức tạp, khó khăn, có thể có sai sót, khuyết điểm. Nhưng nếu sớm phát hiện và tìm mọi cách để khắc phục những khuyết điểm thì không những QHSX mới được xây dựng, củng cố và phát triển vững chắc hơn, mà còn giải phóng mạnh mẽ hơn LLSX. Đó cũng là điều mà Đảng ta luôn quan tâm giải quyết.

Không thể kết luận chúng ta chệch hướng hay không chệch hướng một cách đơn giản, thiếu căn cứ xác đáng. Phải nói rằng, Đảng và Nhà nước ta nhận thức đầy đủ về tính phức tạp của quá trình chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, nên không chỉ thường xuyên nhắc nhở phải cảnh giác với nguy cơ chệch hướng, mà còn thường xuyên nghiên cứu, tìm tòi, đưa ra những chủ trương và giải pháp đồng bộ để giữ vững định hướng XHCN, như: tăng cường vai trò và hiệu lực quản lý vĩ mô của Nhà nước; khai thác triệt để tính tích cực đi đôi với khắc phục, ngăn ngừa và hạn chế tính tự phát tiêu cực của kinh tế thị trường; khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xoá đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, giảm dần sự chênh lệch quá lớn về mức sống và trình độ phát triển giữa các vùng, các tầng lớn dân cư; mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và bảo vệ lợi ích chân chính của quốc gia, dân tộc.

3. Có ý kiến cho rằng, phát triển các thành phần kinh tế như vừa qua là quá chậm, quá rụt rè. Họ đề nghị cứ để cho các thành phần kinh tế phát triển thật mạnh, hoà đồng với nhau; nên bỏ phạm trù "thành phần kinh tế", không nên chia nền kinh tế theo thành phần, mà nên chia nó theo quy mô doanh nghiệp. Có thể nói ngay rằng, việc phát triển kinh tế nhiều thành phần ở nước ta nhanh hay chậm, phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta. Đây là một vấn đề rất phức tạp, lại rất hệ trọng vì liên quan đến đời sống của hàng triệu người, ảnh hưởng quyết định đến vận mệnh của đất nước, của chế độ. Ở ta, phát triển kinh tế nhiều thành phần là để xây dựng CNXH nên càng khó. Đó là điều mà trong lý luận thì chưa thật sáng tỏ và thực tiễn thì chưa có tiền lệ. Vì vậy, khi làm chúng ta phải rất thận trọng, vừa làm vừa thử nghiệm, vừa sáng tạo không ngừng, quyết làm nhưng lại phải biết lường trước tính sau, để tránh hoặc hạn chế những hậu quả không đáng có.

Cũng cần thấy, những việc làm của chúng ta vừa qua là không chậm. Những năm qua, chúng ta đã sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm số lượng, tăng chất lượng và hiệu quả kinh doanh. Khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát triển.

Việc giữ hay bỏ phạm trù "thành phần kinh tế" cũng là điều cần bàn. Sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế là một thực tế khách quan của nền kinh tế trong thời kỳ quá độ. Mỗi một thành phần kinh tế được đặc trưng bởi một kiểu chế độ sở hữu về tư liệu sản xuất, quản lý và phân phối. Tương ứng với các thành phần kinh tế là các giai cấp và tầng lớp xã hội có lợi ích và vai trò, địa vị nhất định trong nền sản xuất xã hội. Sự tồn tại nhiều thành phần kinh tế còn bắt nguồn từ trình độ phát triển của LLSX chưa đủ chín muồi để cho phép hình thành đồng thời và đều khắp chế độ sở hữu và QHSX kiểu mới trong toàn bộ nền kinh tế.

Bởi vậy, cần phân định thành phần kinh tế và lấy nó làm cơ sở để đề ra chính sách kinh tế, chính trị, xã hội thích hợp. Không thể thay thế việc phân định các thành phần kinh tế bằng việc phân định theo các loại hình doanh nghiệp hay quy mô doanh nghiệp. Các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, nhưng không có vai trò, vị trí như nhau trong quá trình hình thành và xây dựng chế độ KT-XH mới. Vì thế, cần phân biệt giữa sự yếu kém về mặt trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh với bản chất KT-XH của mỗi thành phần kinh tế.

4. Một số người băn khoăn và đặt vấn đề: cho nhiều thành phần kinh tế tồn tại lâu hay chóng; làm thế nào để các thành phần kinh tế tồn tại, phát triển một cách bình đẳng, vừa phát huy được vị trí, vai trò và bảo đảm lợi ích của từng thành phần kinh tế, vừa đem lại hiệu quả hữu ích cho toàn xã hội. Đảng ta đã nhiều lần khẳng định, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần cũng như xây dựng QHSX mới - QHSX XHCN, là vấn đề có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên CNXH, có tác dụng to lớn để huy động mọi tiềm lực của nhân dân xây dựng kinh tế, phát triển LLSX. Việc xây dựng QHSX mới phải được tiến hành từng bước với sự đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, thích hợp về bước đi; tổ chức nhiều loại hình sở hữu hỗn hợp, đan xen để bổ sung cho nhau, bảo đảm sự cạnh tranh đúng luật pháp.

Trong quá trình xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN, chúng ta đã vừa làm vừa rút kinh nghiệm, dần dần hình thành những chủ trương, chính sách đối với từng thành phần kinh tế.

Kinh tế nhà nước, bao gồm các doanh nghiệp nhà nước và các sở hữu nhà nước, như: các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai, ngân sách, lực lượng dự trữ, kể cả một phần vốn của Nhà nước đưa vào các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác…; trong đó, doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt của kinh tế nhà nước. Thành phần kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo và là nền tảng của chế độ mới; nó có nhiệm vụ đầu tàu, hỗ trợ cho các thành phần kinh tế khác phát triển theo đúng định hướng, đồng thời là lực lượng vật chất cần thiết để Nhà nước thực hiện hữu hiệu chức năng quản lý.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương tập trung nguồn lực để phát triển kinh tế nhà nước trong các ngành và lĩnh vực trọng yếu nhất của nền kinh tế. Đồng thời, thường xuyên nghiên cứu áp dụng các biện pháp cần thiết để doanh nghiệp nhà nước thực sự làm tốt vai trò của nó, như: tiếp tục tổ chức, sắp xếp lại các doanh nghiệp sao cho càng ngày càng có hiệu quả hơn; giải quyết vốn, thanh toán nợ tồn đọng; bỏ cơ quan chủ quản; phát huy quyền chủ động của cơ sở; bố trí lại và bồi dưỡng cán bộ quản lý doanh nghiệp; ngăn ngừa mọi hành vi lạm quyền của một số doanh nghiệp mang tính độc quyền, khắc phục tình trạng không lành mạnh, gây thiệt hại cho đất nước; có chính sách và cơ chế riêng đối với những loại hình doanh nghiệp công ích.

Kinh tế hợp tác là hình thức liên kết tự nguyện của người lao động, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề của sản xuất, kinh doanh và đời sống. Hợp tác xã được tổ chức trên cơ sở đóng góp cổ phần và sự tham gia lao động trực tiếp của xã viên, phân phối theo kết quả lao động và theo cổ phần, mỗi xã viên có quyền định đoạt ngang nhau đối với công việc chung.

Đảng và Nhà nước ta chủ trương giúp đỡ để kinh tế hợp tác phát triển. Nhưng để phát triển có hiệu quả, kinh tế hợp tác nhất thiết phải được xây dựng trên các nguyên tắc: tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, có chức năng kinh tế và xã hội. Đồng thời, tạo điều kiện để phát triển các trang trại ở nông thôn và hình thành hợp tác xã của các chủ trang trại. Tuyệt đối tránh những sai lầm trước đây, như: gò ép tập thể hoá tư liệu sản xuất; áp đặt hình thức tổ chức kinh doanh, phương thức và cơ chế quản lý nội bộ...

Đối với kinh tế tư nhân, Đảng ta chủ trương hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế tư nhân thành một trong những động lực của nền kinh tế. Theo đó, phát triển các loại hình kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế theo quy hoạch và quy định của pháp luật; khuyến khích và phát triển các loại hình doanh nghiệp với hình thức sở hữu hỗn hợp, như: công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên, công ty hợp doanh, hợp tác xã cổ phần; tạo điều kiện hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước.

Đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, Đảng ta chủ trương phát triển đa dạng hình thức thu hút đầu tư, giải quyết đồng bộ các vấn đề tài chính, đất đai, kết cấu hạ tầng, pháp lý, thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư trực tiếp của bên ngoài. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước cũng chủ trương sử dụng rộng rãi các hình thức kinh tế tư bản nhà nước. Đó là sự phát triển sâu rộng, đa dạng và ở các mức độ khác nhau, những quan hệ kinh tế, những hình thức tổ chức kinh doanh dựa trên cơ sở liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với tư nhân trong và ngoài nước

Trên đây là một số nhận thức về vấn đề xây dựng QHSX, phát triển các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH, nhằm góp phần nghiên cứu, tìm hiểu quan điểm của Đảng trong các văn kiện của Đại hội XI.

GS,TS. VŨ VĂN HIỀN

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...