Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 23/05/2024, 09:57 (GMT+7)
Tư duy mới của Đảng trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là sự tổng kết, kế thừa, phát huy những quan điểm, tư tưởng và kinh nghiệm rút ra trong các nhiệm kỳ đại hội Đảng trước và quy luật “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc; đồng thời, thể hiện tư duy mới, sáng tạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới. Nghị quyết cần được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Cán bộ, chiến sĩ Vùng 5, Quân chủng Hải quân huấn luyện làm chủ vũ khí, khí tài. Ảnh: qdnd.vn

Về quan điểm, mục tiêu

Với 5 quan điểm gọn, rõ, tư duy của Đảng trong Chiến lược có bước phát triển mới khi đưa quan điểm lên trước mục tiêu, thể hiện cách tiếp cận mang tính logic hơn. Nhận thức, quan điểm về bảo vệ Tổ quốc phải đi trước để làm cơ sở xác định mục tiêu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Theo đó, sợi chỉ đỏ xuyên suốt quan điểm của Chiến lược là khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nhưng lần này đã nhấn mạnh phương châm dựa vào dân, “dân là gốc”, là trung tâm, chủ thể; đặc biệt, đề cao tinh thần yêu nước, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường của con người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; yên dân là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Dựa vào dân”, “dân là gốc”, phát huy vai trò của thế hệ trẻ không phải là vấn đề mới trong các văn kiện của Đảng, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa vào quan điểm chính thống của Chiến lược. Điều đó thể hiện Đảng ta nhận thức sâu sắc lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và truyền thống, bài học kinh nghiệm xương máu trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc về vai trò của nhân dân, của thế hệ trẻ. Tư duy đặt thế hệ trẻ vào vị trí trung tâm, chủ thể của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thể hiện sự nhìn nhận, đánh giá cao vai trò “tuổi trẻ giữ nước”, vừa là yêu cầu, đòi hỏi cao, giao trọng trách lớn lao, vừa là mong muốn, khát khao, là niềm tin của Đảng, của nhân dân đối với thế hệ trẻ - chủ tương lai của đất nước.

Tư duy mới nổi bật của Đảng lần này là đề cập, nhấn mạnh những vấn đề cần phải “kiên định, kiên quyết và kiên trì”. Đó là kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội và kiên định với đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng cũng như những giá trị cốt lõi của dân tộc.

Đồng thời, phải kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với mọi hành vi xâm phạm, hoặc đe dọa xâm phạm, phá hoại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, lợi ích quốc gia - dân tộc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, nền văn hóa, các thành quả cách mạng, môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững. Kiên quyết đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ; hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cơ hội chính trị, cục bộ, bè phái, lợi ích nhóm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Cùng với đó, phải kiên trì với các lợi ích chiến lược, chính sách quốc phòng “bốn không”, vừa hợp tác vừa đấu tranh, giải quyết các vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; phải kiên trì bám sát thực tiễn, địa bàn, cơ sở, phát hiện, ngăn ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi, triệt tiêu từ sớm, từ xa mọi nguy cơ xung đột, chiến tranh; thực hiện tốt việc kiên trì phòng ngừa đi đôi với nghiêm trị các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá đất nước; tuyệt đối không nóng vội, chủ quan trong xử lý các vấn đề thuộc về lợi ích quốc gia - dân tộc.

Trên cơ sở quan điểm đã xác định, tư duy của Đảng về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc được Chiến lược diễn đạt rành mạch hơn khi khẳng định bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, trên cơ sở bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa, sự nghiệp đổi mới, nền văn hóa...; đồng thời, bổ sung nội dung “bảo vệ uy tín, vị thế quốc tế của đất nước, bảo vệ an ninh quốc gia, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng...; triệt tiêu các nhân tố gây mất ổn định chính trị từ bên trong,... dập tắt nguy cơ xung đột quân sự, chiến tranh”. Điều này cho thấy tư duy của Đảng về mục tiêu bảo vệ Tổ quốc ngày càng bao quát, toàn diện, rõ nét hơn.

Đối với các mục tiêu cụ thể, trước hết về xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, Chiến lược xác định phải không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, v.v. Ở mục tiêu này, Chiến lược đã bổ sung thành tố “đội ngũ cán bộ, hệ thống chính trị” thể hiện tính toàn diện, sự đòi hỏi cao hơn, ngang tầm với vị trí, vai trò độc tôn lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong tình hình mới.

Đối với mục tiêu tăng cường sức mạnh bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược đặc biệt đề cao sức mạnh của nhân dân, yếu tố dân chủ xã hội chủ nghĩa, niềm tin của nhân dân, đồng thuận xã hội, đặc biệt là mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhấn mạnh đoàn kết trong Đảng làm hạt nhân tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục tiêu này thể hiện sự quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, là chủ thể, trung tâm của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, là sự cụ thể hóa tư tưởng “yên dân”, “thế trận lòng dân” vững chắc và vai trò hạt nhân của đoàn kết trong Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Về mục tiêu phát triển kinh tế, Chiến lược xác định đây là thành tố trung tâm, nền tảng vật chất của tiềm lực quốc phòng, sức mạnh nền quốc phòng toàn dân. Theo đó, cùng với đề cập về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Đảng ta chủ trương đẩy mạnh nội dung “chuyển đổi số, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước toàn diện, nhanh, bền vững”. Tư duy phát triển kinh tế “toàn diện, nhanh, bền vững” và đặt mục tiêu “toàn diện” trước “nhanh, bền vững” là sự bổ sung mới có ý nghĩa rất quan trọng. Tính toàn diện của nền kinh tế có thể hiểu là trên tất cả các ngành, thành phần, cơ cấu lĩnh vực, vùng, miền, vĩ mô, vi mô, trong nước, ngoài nước, kinh tế tri thức, kinh tế số;... đồng thời, “toàn diện” trên cả 04 khâu: sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu dùng.

Phát triển văn hóa là một trong những mục tiêu quan trọng của Chiến lược, được đề cập sâu, với những nội dung mới, đó là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa và con người Việt Nam, bảo đảm vừa phát huy giá trị tốt đẹp truyền thống của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Về phương châm chỉ đạo

Kế thừa các nghị quyết về chiến lược quốc phòng, an ninh, Đảng ta xác định một số phương châm chủ đạo, trước hết là phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây là phương châm đầu tiên, bao trùm, dẫn dắt các phương châm khác trong Chiến lược. Các phương châm được chính thức đề cập trong Chiến lược là giữ “trong ấm, ngoài êm”; “bốn không”, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cân bằng, hài hòa lợi ích trong quan hệ với các nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.

Tư duy mới về phương châm trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc lần này là Đảng ta đưa nội dung chủ động thiết lập tuyến phòng thủ, tạo vành đai an ninh từ xa để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đây là sự kế thừa, phát triển tư duy của Đảng về vai trò phòng thủ quốc gia, phòng thủ dân sự, phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố,... với việc phát huy vai trò của tiềm lực, thế trận đối ngoại, huy động nguồn lực quốc tế để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ bên ngoài lãnh thổ.

Về nhiệm vụ, giải pháp

Nghị quyết xác định 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, nhưng thứ tự có sự điều chỉnh, bổ sung nội hàm rộng hơn và đưa nhiệm vụ, giải pháp “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” lên vị trí thứ hai. Điều này thể hiện tư duy mới của Đảng ngày càng sâu sắc hơn về vai trò của sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân và tư tưởng “yên dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, đây cũng thể hiện sự nhất quán, tính logic hệ thống trong tư duy của Đảng từ quan điểm đến mục tiêu, phương châm cho đến nhiệm vụ, giải pháp về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Với nhiệm vụ giải pháp thứ nhất, xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị, Chiến lược xác định rõ tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, nhất là về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Xây dựng, hoàn thiện chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài; có cơ chế bảo vệ, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Không để sót những cán bộ thực sự có đức, có tài; không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Nội dung chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp còn lại đều có kế thừa, cập nhật và bổ sung, phát triển các nhiệm vụ cụ thể trên từng lĩnh vực của đời sống xã hội, sát hơn với tình hình thực tiễn trong nước cũng như bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hiện nay.

Về tổ chức thực hiện

Tư duy mới của Đảng thể hiện rõ bước đột phá khi chỉ sau 03 ngày ban hành Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị đã triển khai Kế hoạch thực hiện, làm cơ sở cho các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, xây dựng chương trình hành động, đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt nắm chắc tình hình môi trường chiến lược, quan điểm, mục tiêu, phương châm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; đồng thời, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị,... để xác định các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, trọng tâm, cốt lõi, dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, lộ trình, bước đi phù hợp để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết.

Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là sản phẩm trí tuệ, thể hiện tư duy mới, sáng tạo của Đảng ta trong bối cảnh quốc tế, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Đây là những vấn đề cơ bản, quan trọng, lâu dài, có tính định hướng lớn cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới. Quán triệt sâu sắc, nắm chắc nội dung, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện sát đúng, khả thi, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả là cơ sở quan trọng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá LÊ VĂN HƯỞNG, Viện Chiến lược quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...