Thứ Năm, 24/04/2025, 22:40 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện chính trị trọng đại, kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Đại hội đã thông qua những văn kiện quan trọng, nhằm hoạch định đường lối xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc XHCN trong thời kỳ mới. Đường lối đó thể hiện sâu sắc tư duy mới của Đảng; trong đó, vấn đề xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) từng bước hiện đại được nhiều người quan tâm.
Ảnh mang tính minh họa (Nguồn: Đoàn KQ B.71)
Trên cơ sở đánh giá khách quan, khoa học tình hình thế giới, khu vực, trong nước và dự báo xu hướng phát triển trong những năm tới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) và Báo cáo Chính trị được Đại hội XI của Đảng thông qua đã xác định: “Xây dựng QĐND và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Bài viết này làm rõ thêm tư duy mới của Đảng ta về xây dựng QĐND từng bước hiện đại, với mục đích góp phần quán triệt Nghị quyết Đại hội XI, theo tinh thần Chỉ thị số 01-CT/TƯ, ngày 17-3-2011 của Bộ Chính trị.
Về nhận thức, trước hết, phải nói rằng, đại bộ phận ý kiến đánh giá phương hướng "xây dựng QĐND... từng bước hiện đại" mà Đại hội XI xác định đã thể hiện tư duy mới của Đảng ta. Song, bên cạnh đó, vẫn còn một số ít ý kiến chưa thật đồng tình, với lý do: Đại hội X cũng đã xác định như vậy, và cho rằng, nếu Đại hội XI của Đảng xác định xây dựng QĐND hiện đại, thay vì từng bước hiện đại thì mới thực sự là mới về tư duy, lý luận. Đúng là quan điểm xây dựng QĐND từng bước hiện đại được Đảng ta xác định từ Đại hội VII... Nhưng như thế không có nghĩa là tư duy lý luận của Đảng ta về vấn đề đó ở các đại hội tiếp theo không có gì mới; trái lại, nếu nghiên cứu kỹ, ta sẽ nhận thấy nó luôn phát triển cả về lý luận và thực tiễn qua mỗi kỳ đại hội của Đảng.
Trải qua 25 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng quân đội từng bước hiện đại đã được triển khai qua nhiều bước và trong mỗi bước, mỗi giai đoạn, chúng ta đều đạt được những thành tựu rất quan trọng, tương xứng với sự đầu tư. Đặc biệt, trong 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội X (2005-2010), trước những biến động mới của tình hình thế giới, khu vực và xuất phát từ yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt đối với quốc phòng. Theo đó, việc đầu tư xây dựng QĐND từng bước hiện đại có bước phát triển mới, mang tính đột phá. Một số ngành, lực lượng quan trọng, như: Quân chủng Phòng không - Không quân, Quân chủng Hải quân, Thông tin - liên lạc, Tác chiến điện tử, Trinh sát kỹ thuật đã được đầu tư theo hướng “đi tắt, đón đầu”, tiến thẳng vào hiện đại... Nhờ đó, đã thiết thực nâng cao khả năng, trình độ tác chiến của quân đội lên một bước mới, đảm bảo cho QĐND đủ sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đó là cơ sở thực tiễn khẳng định quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong việc xác định phương hướng xây dựng QĐND phù hợp với tình hình, nhiệm vụ, khả năng thực tế của đất nước và yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong từng giai đoạn cách mạng.
Việc định hướng xây dựng quân đội từng bước hiện đại hay hiện đại là một vấn đề lớn, rất quan trọng, có quan hệ và tác động trực tiếp đến kết quả thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Do đó, nó cần phải được nghiên cứu một cách tổng thể, trên cơ sở khoa học, biện chứng. Ai cũng biết, hiện đại hoá quân đội luôn là khát vọng cháy bỏng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Nhưng, để xây dựng quân đội hiện đại, phải có sự đầu tư rất lớn về nhiều mặt, nhất là nguồn tài lực, mà khả năng của nền kinh tế nước ta lại có hạn; trong khi đó, phấn đấu đến năm 2020 nước ta mới cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vậy thì những năm tới, nếu ta xác định xây dựng quân đội hiện đại liệu có thích hợp không? Câu trả lời là: Không! Có nghĩa là chúng ta chưa thể biến khát vọng đó thành hiện thực. Sự chấp nhận thực tế khách quan đó bắt nguồn từ việc giải quyết mối quan hệ biện chứng của hai nhiệm vụ chiến lược, với nội dung cốt lõi là bảo đảm cân đối đầu tư nhằm đồng thời thực hiện thắng lợi cả hai nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng.
Như vậy, có thể khẳng định: Đại hội XI của Đảng định hướng xây dựng QĐND từng bước hiện đại là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn. Điều đó phản ánh tầm tư duy chiến lược của Đảng ta. Điểm mới quan trọng nhất trong tư duy lý luận của Đảng được thể hiện ở việc cụ thể hoá luận điểm trên vào thực tiễn xây dựng quân đội 5 năm tới. Xây dựng QĐND, xét về tổng thể là từng bước hiện đại; song, trên cơ sở những kết quả đạt được của nhiệm kỳ Đại hội X, chúng ta tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn những ngành, lĩnh vực quan trọng để đầu tư phát triển theo hướng hiện đại, nhằm tạo nên sức mạnh chiến đấu mới của QĐND, đảm bảo cho quân đội đủ sức làm nòng cốt cho toàn dân hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc XHCN trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang và sẽ còn tiếp tục có những biến động mới, phức tạp và khó lường. Tạo sức mạnh chiến đấu mới của quân đội là nội dung cơ bản, mang tính cấp thiết và lâu dài. Nhưng, vấn đề ở chỗ là lựa chọn ngành, lĩnh vực nào tập trung đầu tư theo hướng hiện đại để đạt được mục tiêu trên. Thực tế những năm qua cho thấy, chúng ta đã lựa chọn Phòng không-Không quân, Hải quân, Thông tin-liên lạc, Trinh sát kỹ thuật, Tác chiến điện tử để đầu tư một bước theo hướng tiến thẳng vào hiện đại là hoàn toàn đúng. Những năm tới, ta cần tiếp tục thực hiện theo hướng này, nhưng cũng cần nghiên cứu lựa chọn thêm một số ngành, lĩnh vực mới để mạnh dạn đầu tư mang tính đột phá. Có như vậy mới thực sự tạo được chuyển biến mới về chất, nâng cao khả năng, trình độ tác chiến, sức mạnh chiến đấu của QĐND. Cái khó của chúng ta là nguồn lực có hạn, nên phải tính toán, cân nhắc kỹ, sao cho đầu tư nhỏ nhưng đạt hiệu quả lớn, đảm bảo cho quân đội đủ sức hoàn thành được cả nhiệm vụ trước mắt và lâu dài của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc XHCN. Để tìm lời giải cho bài toán này, việc xác định hướng đầu tư cần dựa trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình, nhất là những diễn biến mới liên quan đến quốc phòng-an ninh của đất nước; những tình huống chiến tranh mà ta dự kiến có thể xảy ra (gồm cả chiến tranh xâm lược và xung đột cường độ thấp); những phát triển mới của phương tiện, vũ khí công nghệ cao, thủ đoạn, phương thức tác chiến và hình thái chiến tranh xâm lược mà ta sẽ phải đương đầu trong tương lai nếu xảy ra đối với nước ta... Tất nhiên, chúng ta không "thờ ơ" với những cuộc chiến tranh đã diễn ra trong những thập niên gần đây, bởi nó đang định hình ngày càng rõ hơn về hình thái chiến tranh hiện đại. Đó là những cơ sở quan trọng để nghiên cứu, tìm phương thức, các giải pháp bảo vệ Tổ quốc nói chung, xác định hướng đầu tư xây dựng quân đội nói riêng phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, còn phải căn cứ vào cả những điểm hạn chế, bất lợi của ta; đặc biệt là phải căn cứ vào những thế mạnh sở trường mang tính đặc thù của dân tộc Việt Nam: truyền thống, con người, cách đánh...
Từ những phân tích trên, nên chăng những năm tới (thậm chí nhiều năm), chúng ta cần tiếp tục mạnh dạn mở rộng hướng đầu tư đối với quân đội. Trong đó, tập trung nguồn lực để tổ chức xây dựng một số lực lượng mũi nhọn, như: lực lượng tin học có trình độ công nghệ cao phục vụ cho tác chiến điện tử, tác chiến mạng và không gian mạng;lực lượng phản ứng nhanh, có tổ chức biên chế hợp lý (quy mô cấp trung đoàn), trang bị mạnh, sức cơ động cao để xử lý kịp thời, hiệu quả những tình huống đột xuất, phức tạp ngoài dự kiến; lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, trang bị gọn nhẹ, hiện đại, có khả năng luồn sâu, đánh hiểm cả trên đất liền và trên biển... Mục đích của việc xây dựng những lực lượng trên (có lực lượng mới, có lực lượng đã có nhưng tăng cường tính hiện đại và chuyên sâu) là nhằm góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu mới của quân đội, đảm bảo cho quân đội có đủ khả năng thực hiện những đòn đánh vào nơi hiểm yếu của đối phương, như: sở chỉ huy (cấp chiến dịch, chiến lược), hệ thống chỉ huy-điều hành, căn cứ hậu cần-kỹ thuật, sân bay, chiến hạm... Tất nhiên, đầu tư xây dựng những lực lượng trên không thể hoàn thành được trong thời gian ngắn, mà phải là cả một quá trình, thậm chí có lực lượng, bộ phận phải xây dựng hàng chục năm mới có thể đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Nhưng, không vì thế mà không làm; trái lại, cần phải mạnh dạn, thậm chí táo bạo trước hết là trong tư duy nhận thức để có quyết sách đúng. Thiết nghĩ, đó là những phát hiện có cơ sở, mang tính đột phá.
Những đề xuất trên được hình thành trên cơ sở thấu suốt quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc của Đảng; đặc biệt là quan điểm: tăng cường quốc phòng, xây dựng quân đội vững mạnh nhằm mục đích tự vệ, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, tạo lập môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch, nếu chúng liều lĩnh tiến hành. Theo đó, cần tiếp tục "xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại" mà Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã xác định, đảm bảo cho quân đội có sức mạnh chiến đấu mới, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Cùng với việc sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược với mọi quy mô của địch, trước mắt, QĐND phải thường xuyên tham gia tích cực, có hiệu quả vào đấu tranh quốc phòng trong thời bình để giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và làm thất bại chiến lược "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Đó vừa là mục tiêu, vừa là động lực xây dựng QĐND trong thời kỳ mới; thể hiện sâu sắc nội hàm tư duy mới của Đảng ta.
Đại tá NGUYỄN MẠNH HÙNG
Vùng 3 Hải quân quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị 21/04/2025
Học viện Phòng không - Không quân xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 10/04/2025
Xây dựng Đảng bộ Quân khu 5 vững mạnh về tổ chức 10/03/2025
Binh chủng Thông tin liên lạc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 1659 của Quân ủy Trung ương 06/03/2025
Quán triệt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII), Bộ đội Biên phòng tập trung xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 27/02/2025
Quán triệt Nghị quyết số 2662-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Bộ đội Biên phòng Quảng Ninh đẩy mạnh công tác đối ngoại biên phòng 25/02/2025
Sư đoàn 325 đột phá nâng cao chất lượng huấn luyện theo Nghị quyết số 1659-NQ/QUTW 20/02/2025
Học viện Chính trị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) 06/02/2025
Binh chủng Đặc công quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XIII) 20/01/2025
Trường Sĩ quan Chính trị đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, đào tạo 13/01/2025
Học viện Phòng không - Không quân xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW
Vùng 3 Hải quân quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị