Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 28/05/2024, 00:12 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Phòng hóa nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo Nghị quyết 1657-NQ/QUTW

“Giáo dục và đào tạo trong Quân đội là một trong những khâu then chốt, đột phá, quyết định đến chất lượng xây dựng đội ngũ cán bộ…” là quan điểm chỉ đạo được xác định trong Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 22/12/2022 của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Quán triệt tinh thần đó, bằng nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Sĩ quan Phòng hóa đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết quan trọng này.

Trường Sĩ quan Phòng hóa (Binh chủng Hóa học) có nhiệm vụ đào tạo cán bộ, nhân viên hóa học từ trình độ sơ cấp đến đại học, hạ sĩ quan chỉ huy hóa học; liên kết đào tạo kỹ sư phòng hóa với Học viện Kỹ thuật quân sự, cán bộ chỉ huy kỹ thuật phòng hóa trình độ đại học, cao đẳng cho Bộ Công an; đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ cho Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia, v.v. Những năm qua, bằng nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng công tác giáo dục, đào tạo. Nhờ đó, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thường xuyên được kiện toàn, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng và từng bước được chuẩn hóa; công tác hợp tác đào tạo ngày càng được mở rộng. Nhà trường đã xây dựng được chuẩn đầu ra đào tạo sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hóa học cấp phân đội trình độ đại học; chương trình, nội dung đào tạo từng bước được đổi mới theo hướng “tinh giản, hiện đại, thiết thực” gắn nhà trường với đơn vị. Cán bộ, học viên, nhân viên sau đào tạo, bồi dưỡng ở Nhà trường có phẩm chất, năng lực tốt, hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ ban đầu, có khả năng phát triển lên chức vụ cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Binh chủng.

Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra công tác giáo dục và đào tạo của Nhà trường.

Hiện nay, trước các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là các vấn đề thiên tai, dịch bệnh, thảm họa môi trường; nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có bước phát triển mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ, nhân viên phòng hóa có trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ nói riêng. Để thực hiện mục tiêu đó, Nhà trường tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội trong tình hình mới; trong đó, tập trung vào một số nội dung, giải pháp chủ yếu sau.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đây không chỉ là giải pháp cơ bản, quan trọng hàng đầu, mà còn là nội dung, yêu cầu, nguyên tắc lãnh đạo để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo đúng định hướng; đồng thời, là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho Nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm. Do vậy, Đảng ủy Nhà trường yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, giữ vững định hướng chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về nhiệm vụ đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, học tập quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Binh chủng Hóa học, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các phòng, khoa, ban, tiểu đoàn về đổi mới nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo.

Xuất phát từ đặc thù hoạt động của Bộ đội Hóa học thường diễn ra trong môi trường độc hại, nguy hiểm đến tính mạng, do vậy, Nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học viên. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; xây dựng cấp ủy gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp. Thường xuyên củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng phù hợp với biểu tổ chức biên chế; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy và quản lý giáo dục. Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật trong Nhà trường. Kiên quyết chống tư tưởng nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, ngại đổi mới, không dám đổi mới hoặc thỏa mãn dừng lại ở một số cán bộ, giảng viên, học viên, v.v.

Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ quy trình, chương trình, nội dung đào tạo, hình thức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá chất lượng đào tạo. Bám sát Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động rà soát, đổi mới quy trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo tại trường, tăng cường thực hành, thực tập, thực tế, tự học của học viên, tạo điều kiện cho cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật có nhiều thời gian công tác và trưởng thành từ thực tiễn đơn vị; bảo đảm logic trong từng môn học, học kỳ, năm học và khóa học để nâng cao hiệu quả của chương trình đào tạo. Tập trung xây dựng, chuẩn hóa các chương trình đào tạo bảo đảm khoa học, cơ bản, toàn diện, hiện đại, tích hợp, liên thông, sát thực tiễn, thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng Bộ đội Hóa học và Quân đội hiện đại. Đối với đào tạo sĩ quan cấp phân đội: xây dựng chuẩn đầu ra chương trình đào tạo sĩ quan phân đội trình độ đại học, bảo đảm sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu sử dụng của đơn vị, phát triển lên các vị trí cao hơn. Đối với đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật trình độ trung cấp: có kỹ năng thực hành bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa, niêm cất, mở niêm cất khí tài hóa học, phân tích hóa chất độc quân sự và công nghiệp. Đào tạo sĩ quan dự bị: có cơ cấu vùng miền hợp lý, đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và huy động lực lượng dự bị động viên hóa học. Liên kết với Học viện Kỹ thuật quân sự đào tạo kỹ sư phòng hóa sử dụng được các trang bị khí tài phòng hóa, đảm nhiệm được chức trách ban đầu là trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn, v.v. Để đạt hiệu quả, Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị coi trọng giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thụ kinh nghiệm chiến đấu; rèn luyện bản lĩnh, ý thức trách nhiệm, phương pháp công tác và kỹ năng xử lý các tình huống của Bộ đội Hóa học.

Để đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại, Nhà trường tích cực nghiên cứu, vận dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, sát thực tiễn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành. Duy trì các hoạt động phương pháp, như: thông qua bài, kiểm tra giảng, dự giảng, giảng rút kinh nghiệm,... thành nền nếp, chất lượng; tăng cường công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tập trung vào kỹ năng sư phạm, trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học hiện đại trong giảng dạy. Chú trọng chất lượng tổ chức hoạt động sau bài giảng, thực hành, thực tập, hội thi, hội thao, góp phần nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, năng lực thực hành cho học viên. Đẩy mạnh nâng cao chất lượng tự học, tự rèn của học viên theo hướng biến quá trình giáo dục, đào tạo thành tự giáo dục, đào tạo; xây dựng lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện cho học viên. Thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo, giảng viên tham gia đánh giá cán bộ quản lý giáo dục, bảo đảm thực chất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, phúc tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chống bệnh thành tích, tiêu cực trong giáo dục, đào tạo.

Ba là, đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đổi mới công tác tuyển sinh. Đây là giải pháp then chốt, tạo động lực để hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường.  Nhận thức rõ điều đó, Nhà trường tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn đào tạo, quy hoạch, phân hướng sử dụng, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, có cơ cấu hợp lý, đạt chuẩn theo quy định. Tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng gửi cán bộ, giảng viên đi đào tạo cả trong và ngoài nước; đồng thời, kết hợp chặt chẽ với bồi dưỡng tại chỗ, nâng cao năng lực toàn diện cho đội ngũ này. Tăng cường tổ chức cho cán bộ, giảng viên đi luân chuyển, thực tế ở các đơn vị để bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo các tiêu chí. Trong điều kiện mới, Nhà trường chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, quản trị hiện đại cho cán bộ quản lý ở các cấp, cũng như năng lực tổ chức xây dựng và thực hiện quy trình, chương trình đào tạo cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên trực tiếp tham gia biên soạn chương trình đào tạo. Chủ động đề xuất với cấp trên hoàn thiện cơ chế chính sách tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ đơn vị có năng lực, kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời, tập trung đổi mới toàn diện, đồng bộ công tác tuyển sinh quân sự nhằm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn vào đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Binh chủng, Quân đội.

Bốn là, nâng cao chất lượng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo đảm cơ sở vật chất cho hoạt động giáo dục và đào tạo. Nhà trường tập trung đầu tư cho nghiên cứu khoa học ứng dụng vào công tác giáo dục, đào tạo; đổi mới khoa học, công nghệ; xây dựng cơ chế liên kết giữa Nhà trường với các cơ sở nghiên cứu khoa học; đồng thời, khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên, học viên. Tổ chức biên soạn, hoàn thiện, chuẩn hóa hệ thống giáo trình, tài liệu dạy học; kịp thời cập nhật kiến thức mới của khoa học, nghệ thuật quân sự, thực tiễn ở đơn vị vào chương trình giáo dục, đào tạo; thường xuyên rà soát, chỉnh lý những tài liệu, giáo trình đã lạc hậu. Tăng cường biên soạn giáo trình điện tử, giáo trình thực hành, phim giáo khoa; số hóa giáo trình tài liệu, phát triển cơ sở dữ liệu bài giảng điện tử, học liệu số trên mạng truyền số liệu quân sự. Tích cực thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực giáo dục, đào tạo, gắn với xây dựng nhà trường thông minh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ dạy, học và nghiên cứu khoa học; xây dựng các trung tâm mô phỏng, phòng học, phòng thí nghiệm chuyên dùng, hệ thống thư viện điện tử, kết nối internet với phương tiện, công nghệ hiện đại. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ cho cán bộ, giảng viên về khả năng sử dụng phương tiện, mô hình học cụ, vũ khí, trang thiết bị hiện đại để đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo quy trình, chương trình đào tạo mới, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN BIÊN, Chính ủy Nhà trường

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...