Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 25/07/2013, 09:10 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Đặc công thực hiện đổi mới giáo dục - đào tạo theo Kết luận 51 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI)

Kết luận 51-KL/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) xác định đổi mới công tác giáo dục và đào tạo tới năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhằm: “Giáo dục và đào tạo con người Việt Nam yêu đất nước, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”1. Thấu suốt quan điểm đó, Trường Sĩ quan Đặc công đã và đang nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Thực hành luyện tập võ thuật.

Quán triệt, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), những năm qua, Trường Sĩ quan Đặc công luôn bám sát đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, nhiệm vụ của Quân đội, Binh chủng, nhất là những phát triển mới về nhiệm vụ của Bộ đội Đặc công và nghệ thuật tác chiến đặc công trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng GD-ĐT theo hướng hệ thống, cơ bản, chuyên sâu; trong đó, đột phá vào những nội dung trọng tâm: đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; phương pháp dạy - học và xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Nhờ đó, kết quả đạt được trong công tác GD-ĐT của Nhà trường năm sau cao hơn năm trước. Nhiều năm gần đây, thi tốt nghiệp cuối khóa, tỷ lệ học viên đạt loại khá và giỏi từ 80% trở lên; trong đó, trên 8% đạt loại giỏi. Đội ngũ cán bộ do Nhà trường đào tạo có chất lượng ngày càng cao (cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, tri thức khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ), đủ khả năng đảm nhiệm và hoàn thành chức vụ ban đầu theo hướng phát triển tốt.

Trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, nhiệm vụ GD-ĐT của Nhà trường có sự phát triển với yêu cầu cao hơn trước. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, gần đây là Kết luận 51-KL/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) và trực tiếp là Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD-ĐT trong tình hình mới; trên cơ sở đó, đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển GD-ĐT của Nhà trường giai đoạn 2011 - 2020 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Đó là: “Đổi mới toàn diện công tác GD-ĐT, xây dựng Nhà trường theo hướng chuẩn hóa, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả GD-ĐT và nghiên cứu khoa học (NCKH), nhằm đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ huy - tham mưu (CH-TM) đặc công cấp phân đội, trình độ đại học, cán bộ chính trị đặc công, nhân viên chuyên môn kỹ thuật theo các nhóm ngành của Binh chủng có phẩm chất chính trị đặc biệt vững vàng, đạo đức cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có tri thức khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn, trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Quân đội, Binh chủng trong tình hình mới… Phấn đấu xây dựng Nhà trường thực sự là Trung tâm GD-ĐT, NCKH đặc công chất lượng cao của Binh chủng Đặc công và Quân đội”.

Để thực hiện được mục tiêu đó, Nhà trường phải có nỗ lực cao, tích cực đổi mới toàn diện trên tất cả các mặt công tác.

Trước hết, đẩy mạnh đổi mới nội dung, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, sát với yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng tác chiến của Bộ đội Đặc công. Do yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Binh chủng trong tình hình mới, nhất là về xây dựng đội ngũ cán bộ đặc công, nên Nhà trường đang đảm nhiệm đào tạo nhiều bậc học, cấp học, ngành học, với nhiều loại đối tượng học. Vì thế, nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo cho các đối tượng, các chuyên ngành đặc công cũng được mở rộng, phát triển. Theo đó, yêu cầu về chuẩn hóa, hiện đại hóa và tính thực tiễn trong GD-ĐT cũng đòi hỏi ngày càng cao. Nắm vững đặc điểm đó, trên cơ sở quy trình và chương trình khung đào tạo sĩ quan CH-TM đặc công cấp phân đội, trình độ đại học (được Bộ GD-ĐT ban hành), Nhà trường chỉ đạo các cơ quan, khoa giáo viên, hệ học viên tích cực nghiên cứu đổi mới nội dung, chương trình, kế hoạch đào tạo sát với từng cấp học, bậc học, đối tượng học và từng chuyên ngành đặc công. Trong đó, Nhà trường chủ động điều chỉnh, bổ sung, xây dựng chương trình từng khóa, kế hoạch huấn luyện theo học kỳ cho các đối tượng, nhất là đối tượng đào tạo sĩ quan CH-TM đặc công cấp phân đội, trình độ đại học và học viên quốc tế. Các khoa giáo viên tổ chức biên soạn đề thi, đáp án cho các đối tượng theo hướng đề cao năng lực thực hành, vận dụng lý luận sát với thực tiễn. Nội dung, chương trình GD-ĐT của từng đối tượng, chuyên ngành được xây dựng chặt chẽ, khoa học, đúng chương trình khung do Bộ GD-ĐT quản lý, bảo đảm tính liên thông giữa các cấp học, bậc học; cân đối về tỷ lệ cơ cấu giữa các khối kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành, giữa khối kiến thức khoa học quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự theo từng chuyên ngành đào tạo, giữa trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực hành theo từng chuyên ngành đào tạo. Nét đổi mới quan trọng, tạo nên chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trong công tác GD-ĐT của Nhà trường trong những năm gần đây là nghiên cứu, điều chỉnh, cắt, giảm những nội dung, môn học chưa thật cần thiết trong từng chuyên ngành đào tạo và bổ sung những môn học, nội dung mới (chống khủng bố, kỹ thuật nhảy dù, đổ bộ đường không…) sát với yêu cầu nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, địa bàn, môi trường hoạt động của các lực lượng Đặc công; phù hợp với sự phát triển của nghệ thuật quân sự, khả năng, cách đánh và vũ khí, trang bị của Bộ đội Đặc công gắn với chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thực hiện sự chỉ đạo của Binh chủng, năm 2012, Nhà trường đã xây dựng hoàn chỉnh nội dung, chương trình đào tạo chuyên ngành đặc công chống khủng bố (bậc trung cấp) và đã tuyển sinh khóa 1 (năm học 2012 - 2013), bước đầu đem lại kết quả khả quan. Để nâng cao kỹ năng cho người học, nhất là về tác phong, phương pháp chỉ huy, huấn luyện bộ đội, Nhà trường đã điều chỉnh giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian tự nghiên cứu, luyện tập thực hành, diễn tập vòng tổng hợp một cách hợp lý. Cùng với đó, chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo chính khóa với đào tạo ngoại khóa, giữa đào tạo tại trường và bồi dưỡng trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu ở đơn vị cơ sở.

Hai là, tích cực đổi mới phương pháp dạy - học nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên, phương pháp học tập của học viên. Nhiều năm qua, Nhà trường chỉ đạo thực hiện tốt phương pháp giảng dạy theo các đề án, chương trình đổi mới đã được Binh chủng và Bộ GD-ĐT phê chuẩn; thực hiện nghiêm các chế độ quy định, nền nếp chính quy, kỷ luật trong giảng dạy, học tập, chống mọi biểu hiện tiêu cực trong GD-ĐT; duy trì nền nếp chế độ tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến thông tin mới ở cấp trường; tổ chức các cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm và phương pháp dạy - học theo tháng, quý ở cấp khoa. Các khoa giáo viên thực hiện nghiêm chế độ giảng tập, bình giảng ở cấp tổ bộ môn để rút kinh nghiệm, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ cho giảng viên. Trong quá trình đào tạo, Nhà trường luôn quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, phương châm gắn lý thuyết với thực hành, lấy thực hành làm chính; coi trọng vận dụng các phương pháp dạy - học tích cực, sát với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Bộ đội Đặc công. Đội ngũ giáo viên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, các sáng kiến, cải tiến, đề tài NCKH vào giảng dạy; kết hợp chặt chẽ giữa giảng trên lớp với hướng dẫn học viên phương pháp tự học tập, nghiên cứu, phương pháp tư duy độc lập, giữa trang bị kiến thức cơ bản với truyền thụ những kinh nghiệm chiến đấu. Qua đó, tạo cho người học có niềm tin vào cách đánh và nghệ thuật tác chiến đặc công. Các đơn vị quản lý học viên chú trọng đổi mới phương pháp tự học tập của học viên, tổ chức tốt việc trao đổi, rút kinh nghiệm học tập ở các tổ, lớp, nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, tự giác, sáng tạo của người học; nâng cao chất lượng các giờ tự học, nhằm biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Nhà trường cũng đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động ngoại khóa; duy trì thường xuyên các chế độ rèn luyện thể lực trong ngày, tuần, tháng để rèn luyện nâng cao sức khoẻ dẻo dai, bền bỉ, sức chịu đựng cao cho học viên. Bên cạnh đó, Nhà trường đẩy mạnh công tác khảo thí, đổi mới cách đánh giá kết quả học tập của học viên, chú trọng thực hiện đa dạng hình thức, phương pháp kiểm tra, thi tốt nghiệp, thanh tra, rút kinh nghiệm huấn luyện hằng tháng, quý; thực hiện nghiêm Quy chế quản lý, rèn luyện học viên, v.v.

Ba là, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng ngày càng cao đáp ứng yêu cầu công tác GD-ĐT trong tình hình mới. Chiến lược phát triển GD-ĐT của Nhà trường giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định: “Tiếp tục kiện toàn và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý GD-ĐT theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Nhà trường; phấn đấu đến năm 2015, 100% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn về trình độ học vấn; đội ngũ nhà giáo có trên 55% đạt trình độ sau đại học; 100% cán bộ cấp khoa, phòng và hệ đại học có học vị thạc sĩ, tiến sĩ và chức vụ chỉ huy, quản lý tương ứng ở đơn vị”. Để thực hiện chiến lược đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn coi trọng công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên ngang tầm nhiệm vụ. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ, giáo viên; gắn quy hoạch, tạo nguồn với việc bồi dưỡng, đào tạo, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ, giáo viên theo đúng quy trình, nguyên tắc. Bên cạnh nguồn cán bộ do trên điều động về Trường, hằng năm, Nhà trường còn rà soát, tuyển chọn số học viên có kết quả học tập giỏi, thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt, có khả năng sư phạm, NCKH để đề nghị Binh chủng điều động về công tác tại các đơn vị. Số cán bộ này, sau khi được rèn luyện qua thực tiễn, phấn đấu phát triển đến cán bộ cấp đội đặc công, được điều động về Trường bồi dưỡng, thi tuyển, đủ tiêu chuẩn bổ sung cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý. Để chuẩn hóa về mặt kiến thức, nâng cao chất lượng giảng dạy, một mặt, Nhà trường chủ động tự đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của Trường; động viên, khuyến khích cán bộ tự học tập, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ chuyên môn, kết hợp với việc gửi đi đào tạo, hoàn thiện đại học, sau đại học ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Mặt khác Nhà trường tổ chức cho giáo viên, cán bộ quản lý đi thực tế ở đơn vị, đảm nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ huy, để rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, chuyên môn. Cơ quan quản lý GD-ĐT chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy chế và tổ chức thi giáo viên, cán bộ quản lý giỏi cấp Nhà trường, Binh chủng… Với các giải pháp tích cực đó, đến nay, 100% đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của Nhà trường có trình độ đại học trở lên (trong đó có 45% có trình độ sau đại học), bảo đảm năng lực chuyên môn khá, giỏi, phương pháp sư phạm tốt.

Cùng với việc đổi mới công tác GD-ĐT, Nhà trường còn coi trọng đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng các chi bộ, đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xây dựng các cơ quan, khoa giáo viên, hệ học viên vững mạnh toàn diện. Đó là cơ sở quan trọng để Nhà trường nâng cao chất lượng GD-ĐT, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá, TS. VŨ VĂN NGHIỆP
Hiệu trưởng Nhà trường
____________
             

1 - Ban TGTƯ - Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCHTƯ khóa XI (Dùng cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở), Nxb CTQG, H. 2012, tr. 94.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...