Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 10/10/2019, 07:58 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Chính trị quán triệt và thực hiện Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị

Trường Sĩ quan Chính trị là trung tâm đào tạo cán bộ chính trị, giảng viên khoa học xã hội và nhân văn cấp phân đội của toàn quân. Học viên tốt nghiệp ra trường là người chủ trì về chính trị, đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị ở phân đội. Vì vậy, việc quán triệt, thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” ở Trường Sĩ quan Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, tạo môi trường thực tiễn sinh động để bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh, sự “tinh nhuệ” về chính trị, kỹ năng phòng, chống “diễn biến hòa bình” cho cán bộ, giảng viên, đặc biệt là cho học viên - những cán bộ tương lai chủ trì về chính trị ở phân đội.

Để đạt hiệu quả, Nhà trường đã tổ chức biên soạn đề cương, tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên là các đồng chí bí thư, cấp ủy các cấp - những người trực tiếp truyền đạt Nghị quyết 35 cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, thông qua sinh hoạt Ngày Đảng, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần hằng tháng ở cấp mình. Nội dung giáo dục, tuyên truyền đi sâu vào việc củng cố và tăng cường niềm tin khoa học đối với chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng. Đồng thời, tập trung nêu rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Trong tổ chức thực hiện, Nhà trường luôn gắn chặt với việc rà soát, quán triệt, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy định của Đảng có liên quan, như: Chỉ thị 23-CT/TW, ngày 09-02-2018 của Ban Bí thư về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”; Kết luận 94-KL/TW, ngày 28-3-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về việc tiếp tục đổi mới học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân”; Hướng dẫn 02-HD/TW, ngày 08-02-2018 của Ban Bí thư về “Tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận”; Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới”, v.v. Qua đó, tạo sự đồng bộ, thống nhất cao về nhận thức cho cán bộ, đảng viên, quần chúng đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới; coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của mỗi cán bộ, học viên Nhà trường.

Thiếu tướng, PGS, TS Nguyễn Hùng Oanh phát biểu tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm phòng, chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng do Nhà trường tổ chức

Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trang bị kiến thức toàn diện gắn với rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ sức đề kháng trước âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và làm cơ sở vững chắc cho bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng cho học viên. Trong thực hiện, Ban Giám hiệu Nhà trường yêu cầu phải luôn giữ vững tính đảng, bảo đảm tính khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu và tính định hướng, hướng dẫn hành động cho người học; kết hợp chặt chẽ giữa trang bị tri thức khoa học với truyền thụ kinh nghiệm của chương trình, nội dung dạy học. Trên cơ sở chương trình đào tạo đã được bổ sung, hoàn thiện, Nhà trường tập trung chỉ đạo, rà soát, đổi mới nội dung dạy học, chú trọng tính cập nhật ở tất cả các môn học. Qua đó, xây dựng, bồi dưỡng cho học viên thế giới quan, phương pháp luận khoa học; lý tưởng, tình cảm cách mạng, kiến thức toàn diện và các phẩm chất cần thiết của người cán bộ chính trị. Đây là cơ sở giúp học viên có năng lực giải quyết những vấn đề thực tiễn đúng quy luật, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, rà soát, bổ sung, hoàn thiện nội dung, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cập nhật thực tiễn vào các bài giảng phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa; đưa nội dung Nghị quyết 35, Đề án “Quân đội phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới” và nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng vào giảng dạy.

Tổ chức tốt hoạt động tập huấn kết hợp với nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng, chú trọng những hoạt động mới để bồi dưỡng kỹ năng đấu tranh cho học viên. Nhà trường tập trung tổ chức ở cấp hệ, tiểu đoàn sát với từng đối tượng học viên với nhiều hình thức, như: tổ chức lớp bồi dưỡng, trao đổi, tọa đàm, diễn đàn, v.v. Thông qua đó, trang bị, nâng cao nhận thức cho học viên về công tác an ninh mạng; nhận diện phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên không gian mạng; các kỹ năng, phương pháp tham gia đấu tranh. Đẩy mạnh vai trò của lực lượng nòng cốt (Lực lượng 47) trong phản bác quan điểm sai trái, thù địch với sự tham gia đông đảo của học viên. Để làm được điều đó, một mặt, Nhà trường tiếp tục mở rộng thành viên Lực lượng 47 là học viên; mặt khác, tổ chức cho học viên tích cực tham gia bình luận, chia sẻ các bài đấu tranh của Lực lượng 47 của cơ quan, đơn vị mình và các bài đấu tranh chuyên sâu khác. Ban Chỉ đạo 35 của Nhà trường luôn bám sát sự chỉ đạo của trên, chủ động dự báo về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, nhất là trước các sự kiện chính trị quan trọng để chủ động định hướng đấu tranh kịp thời, hiệu quả. Thường xuyên đổi mới phương thức đấu tranh, chú trọng tổ chức bài đấu tranh trực diện theo vệt sự kiện, tổ chức thành các đợt, qua đó thu hút sự tham gia truy cập chia sẻ, bình luận, kết nối của nhiều thành viên trên mạng xã hội ở cả trong và ngoài Quân đội, tạo hiệu ứng thông tin tích cực trên không gian mạng. Đồng thời, tổ chức mục “Ngân hàng đấu tranh nhanh” trên cổng thông tin điện tử của Nhà trường và tạo điều kiện cho học viên truy cập, khai thác. Thường xuyên coi trọng việc đổi mới và duy trì có hiệu quả hoạt động của các blog, nhóm facebook, các trang fanpage của tập thể và các tài khoản cá nhân của thành viên Lực lượng 47, tài khoản của cấp đầu mối trực thuộc Nhà trường, tạo thành mạng lưới, nhiều tầng nấc, nhiều hướng mũi đấu tranh; đa dạng hóa hình thức đấu tranh thông qua mở mới tài khoản trên Youtube với sự tham gia tích cực của học viên xây dựng các clip đấu tranh trực diện. Cùng với đó, tổ chức có hiệu quả mô hình hoạt động của Câu lạc bộ đấu tranh chuyên sâu ở các đơn vị quản lý học viên để trực tiếp bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng đấu tranh1. Đặc biệt, Nhà trường đã tổ chức thành công đợt diễn tập đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Đây là bài học thực tiễn sinh động để bồi dưỡng năng lực đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng cho học viên. Trên cơ sở kết quả diễn tập, Nhà trường đã triển khai biên soạn chuyên đề về diễn tập đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng tập huấn cho học viên tốt nghiệp ra trường năm học 2018 - 2019 và các năm tiếp theo.

Coi trọng nghiên cứu, tổng kết thực tiễn; khuyến khích học viên tham gia nghiên cứu khoa học về đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” trên không gian mạng. Trong triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hằng năm, Nhà trường định hướng, khuyến khích đăng ký, tổ chức nghiên cứu giải quyết các vấn đề lý luận, thực tiễn đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng. Các khóa học viên từ năm thứ hai đều phải tham gia nghiên cứu khoa học với nhiều hình thức, như: nghiên cứu đề tài; chuyên đề khoa học; làm khóa luận, tiểu luận; viết bài tham gia hội thảo, đăng báo, tạp chí, thông tin khoa học, v.v. Cùng với công tác giáo dục, cơ chế thưởng điểm đã phát huy tác dụng, động viên học viên tích cực nghiên cứu khoa học. Tổng kết công tác nghiên cứu khoa học, liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” đã có 07 đề tài nghiên cứu hướng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, tiêu biểu là: Về định hướng tư tưởng trước tác động của thông tin mạng xã hội; Xây dựng ý thức bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Bồi dưỡng kỹ năng, năng lực đấu tranh trên không gian mạng; Giải pháp bảo mật an toàn thông tin; Tăng cường quản lý các mối quan hệ trên mạng xã hội của học viên, v.v. Những đề tài đã nghiệm thu được Nhà trường triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả tốt trong hoạt động tuyên truyền, giảng dạy. Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học đã giúp học viên mở rộng kiến thức, rèn luyện tư duy sáng tạo, khả năng phản biện, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá, sử dụng thông tin,… góp phần nâng cao năng lực đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị trên không gian mạng.

Đa dạng hóa nội dung, hình thức phối hợp với các đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị. Thông qua hoạt động dân vận, kết nghĩa, giao lưu, tọa đàm, trao đổi; thực hiện phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,... Nhà trường tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng internet, mạng xã hội để đẩy mạnh thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Tổ chức đoàn của Nhà trường đã phối hợp với các tổ chức đoàn của địa phương đẩy mạnh các hoạt động giáo dục lịch sử, truyền thống, lan tỏa giá trị, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” cho thanh, thiếu niên. Đồng thời, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương kết nghĩa tổ chức cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin chính trị, thời sự, chuyên đề, kịp thời định hướng tư tưởng cho nhân dân trước những tác động của thông tin tiêu cực trên không gian mạng, những vấn đề nhạy cảm, phức tạp,... góp phần xây dựng cơ sở địa phương vững mạnh về chính trị.

Nhà trường phối hợp với ngành Tuyên giáo của địa phương trao đổi nhiều nội dung thiết thực về mô hình hoạt động đấu tranh; phương thức lôi cuốn, mở rộng lực lượng, thành phần trong xã hội tham gia đấu tranh; tổ chức lực lượng viết bài, liên kết với tài khoản của Nhà trường để đấu tranh. Nhà trường chủ động chia sẻ những bài viết, video clip đấu tranh trực diện vào các trang cộng đồng mạng bên ngoài Quân đội, gồm các trang có chọn lọc2 và nhiều trang chia sẻ ngẫu nhiên. Nhờ đó, có sự tương tác tích cực, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong đấu tranh phản bác thông tin sai trái, phản động. Đây là kinh nghiệm tốt nhằm lan tỏa thông tin, thu hút, mở rộng mạng lưới tham gia đấu tranh trên không gian mạng. Ngoài ra, Nhà trường còn chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Tư lệnh 86 và Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội để hỗ trợ kỹ thuật, kết nối mạng internet, bảo đảm tốc độ đường truyền để huy động đông đảo cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên tham gia đấu tranh.

Kết quả trên là cơ sở để Trường Sĩ quan Chính trị tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị; đào tạo đội ngũ cán bộ chính trị cấp phân đội “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ phẩm chất, năng lực của người chủ trì về chính trị, trực tiếp tiến hành giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trước yêu cầu mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN HÙNG OANH, Hiệu trưởng Nhà trường

___________

1 - Mô hình này đã được Ban Thanh niên Quân đội, Cục Tuyên huấn về khảo sát để triển khai nhân rộng ở các học viện, nhà trường trong toàn quân.

2 - Như: Hội thanh niên yêu nước; Biển xanh, cát trắng, nắng vàng; Tin tức nóng 24h, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...