Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 10/11/2011, 15:57 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Chỉ huy - Kỹ thuật Thông tin với nhiệm vụ đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu mới
alt
Thiếu tướng Lê Đình Hùng, Hiệu trưởng Nhà trường báo cáo kết quả thực hiện Đề tài “Nghiên cứu tổ chức, bảo đảm TTLL" với HĐKH Bộ Quốc phòng 
 Coi con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển, Đại hội XI của Đảng xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020. Quán triệt tinh thần đó, Trường Sĩ quan Chỉ huy - Kỹ thuật Thông tin đang triển khai nhiệm vụ đào tạo với nhiều giải pháp đồng bộ, góp phần xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc hiện đại theo yêu cầu mới.

Sau Chiến dịch Biên Giới (1950), Đảng ta và Bác Hồ quyết định chuyển cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta sang giai đoạn phản công chiến lược. Để bổ sung kịp thời cán bộ, chiến sĩ thông tin cho các chiến trường, ngày 11-11-1951, Trường Thông tin thuộc Cục Thông tin liên lạc (tiền thân của Nhà trường ngày nay) được thành lập tại Chiến khu Việt Bắc. Bối cảnh ra đời đó đã nói lên vai trò quan trọng của vấn đề đào tạo nhân lực và nó cũng phản ánh đội ngũ cán bộ, nhân viên thông tin quan trọng như thế nào đối với các hoạt động tác chiến. Không phụ lòng tin của Đảng, của Quân đội và nhân dân, đặc biệt là thấm nhuần những lời Bác Hồ dạy Bộ đội Thông tin liên lạc, 60 năm qua, Nhà trường đã vượt lên mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nhà trường đã đào tạo hàng nghìn cán bộ, nhân viên thông tin, báo vụ viên cho toàn quân và hàng trăm sĩ quan cho quân đội một số nước bạn. Hầu hết số cán bộ, nhân viên khi về đơn vị đều thể hiện sự vững vàng cả về bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mặc dù còn nhiều khó khăn, song một lần nữa, Nhà trường lại vượt lên chính mình để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, năm 2001, Trường được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”; tiếp đó, năm nay (2011), Nhà trường lại vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Đó là những phần thưởng cao quý ghi nhận sự đóng góp to lớn của Nhà trường cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Đó còn là sự khẳng định những bước đường trưởng thành gắn với quá trình xây dựng và phát triển của Nhà trường trong 60 năm qua.

Hiện nay, bên cạnh phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm, tâm huyết với sự nghiệp GD-ĐT, 100% cán bộ, giảng viên của Nhà trường có trình độ đại học, trong đó 57,5% có trình độ trên đại học. Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo từ phòng học, phòng chuyên dùng, phòng hội thảo - bảo vệ khóa luận, phòng đào tạo từ xa, thư viện cho đến hệ thống thao trường, bãi tập đều được đầu tư nâng cấp tương đối đồng bộ và hiện đại. Đó là cơ sở quan trọng để Nhà trường thực hiện tốt nhiệm vụ GD-ĐT. 

alt
Đào tạo sĩ quan CHTL Thông tin cho QĐ Hoàng gia Cam-pu-chia và QĐ Nhân dân cách mạng Lào
Tuy nhiên, trước yêu cầu xây dựng Binh chủng Thông tin liên lạc hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ 9, hơn lúc nào hết, Nhà trường nhận thức rõ trách nhiệm của mình. Cán bộ, giảng viên Nhà trường hiểu rằng, trong các nguồn lực cơ bản để phát triển đất nước, xây dựng Binh chủng hiện đại, nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định. Do vậy, vấn đề đào tạo nhân lực có vai trò rất quan trọng. Với nhận thức đó, Đảng ủy Nhà trường đã tổ chức cho toàn Trường nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của cấp trên; trong đó, quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa chủ trương xây dựng Binh chủng hiện đại vào nhiệm vụ cụ thể của Nhà trường. Trên cơ sở quán triệt các nghị quyết của trên, Đảng ủy Nhà trường đã bổ sung, hoàn chỉnh Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Nhà trường lần thứ 14, nhiệm kỳ 2010 - 2015. Theo đó, phương hướng và mục tiêu tổng quát trong 5 năm tới của Nhà trường được xác định là: Đổi mới toàn diện công tác GD-ĐT, nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Binh chủng hiện đại; xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Nhà trường vững mạnh toàn diện, chính quy, mẫu mực theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và phấn đấu trở thành trường điểm của Bộ Quốc phòng.

Để biến phương hướng, mục tiêu trên thành hiện thực, tập trung đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo là giải pháp được Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường đặt lên hàng đầu. Đây chính là bước cụ thể hóa của Nhà trường nhằm quán triệt quan điểm đổi mới GD-ĐT của Đảng, trực tiếp là thực hiện Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác GD-ĐT trong tình hình mới. Trên cơ sở Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội”, Nhà trường đã triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ chỉ huy - tham mưu thông tin cấp phân đội”, coi đó là chương trình trọng tâm, làm cơ sở để xây dựng mục tiêu, chương trình đào tạo các đối tượng khác. Thực hiện Đề án này, Nhà trường chú trọng đổi mới nội dung đào tạo theo hướng thiết thực, hiện đại, cập nhật sự phát triển mới về khoa học giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học kỹ thuật và nghệ thuật quân sự, bám sát nhiệm vụ của Binh chủng và chức trách của cán bộ thông tin theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo. Yêu cầu của việc đổi mới là: đổi mới toàn diện, kết hợp trang bị kiến thức toàn diện với chuyên sâu; trong đó, coi trọng xây dựng lập trường chính trị, rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy, khả năng thích ứng cao với các tình huống nảy sinh, kể cả khi có chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử mạnh. Việc đổi mới nội dung phải gắn với việc giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thí nghiệm và tăng thời gian tự học tập, nghiên cứu, vận dụng kiến thức của người học vào thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Trong đổi mới chương trình, Nhà trường còn đổi mới việc đào tạo tiếng Anh theo hướng chú trọng kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là thực hiện giảng dạy một số môn chuyên ngành bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng nhu cầu hợp tác quốc phòng và hội nhập quốc tế của Quân đội và Binh chủng.

Đi đôi với đổi mới quy trình, chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học được Đảng ủy, Ban giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sâu sát và coi đó là giải pháp tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo. Để thực hiện tốt giải pháp đã xác định, Đảng ủy Nhà trường yêu cầu các khoa phải đưa việc đổi mới cách dạy, các đơn vị quản lý học viên đưa việc đổi mới cách học vào nghị quyết lãnh đạo thường xuyên. Yêu cầu mà Nhà trường đặt ra là, đổi mới cách dạy phải đồng bộ với đổi mới cách học. Đổi mới cách dạy là loại bỏ phương pháp không phù hợp, thay vào đó là các phương pháp dạy - học tích cực (lấy người học làm trung tâm - người dạy giúp người học phương pháp tư duy, học tập, nghiên cứu là chủ yếu) nhằm phát huy tính tích cực, sáng tạo của người học, với phương châm: “Biến quá trình đào tạo của Nhà trường thành quá trình tự đào tạo của mỗi học viên”. Đổi mới cách dạy chính là việc đa dạng hóa các loại hình, phương pháp dạy - học nhằm khai thác, ứng dụng triệt để các thành tựu về khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ viễn thông, tin học vào việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống bài giảng điện tử, thiết bị mô phỏng để tăng cường tính trực quan cho người học.

alt
Đào tạo nhân lực phục vụ CNH,HĐH đất nước
Nội dung, yêu cầu của việc đổi mới cách dạy còn đòi hỏi người dạy và cơ quan, đơn vị bảo đảm phải đặt người học vào môi trường tác chiến (liên quan đến việc chuẩn bị thao trường, bãi tập) để hình thành khả năng thích ứng với thực tiễn chiến đấu và rèn luyện bản lĩnh, tác phong chỉ huy của học viên. Cùng với chỉ đạo các khoa giáo viên, Ban giám hiệu Nhà trường chỉ đạo các đơn vị quản lý học viên thực hiện tốt việc đổi mới cách học của học viên bằng cách đẩy mạnh phong trào tự học, tăng cường quản lý chất lượng giờ tự học, hình thành mô hình tự học theo nhóm. Mặt khác, Nhà trường thành lập các câu lạc bộ, như: Câu lạc bộ tiếng Anh, Câu lạc bộ Tin học, Câu lạc bộ Khoa học trẻ; đồng thời, kết nối mạng LAN, hoàn thiện Thư viện điện tử với trên 11.000 đầu sách, hàng trăm nghìn trang giáo trình, tài liệu tham khảo…, để tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên, học viên tìm hiểu, áp dụng các phương pháp dạy và học tiên tiến.

Giảng viên và cán bộ quản lý - chủ thể của hoạt động dạy và giáo dục, rèn luyện học viên - là nhân tố quyết định sự phát triển của Nhà trường. Vì vậy, chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục được Nhà trường xác định là giải pháp đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT. Thực hiện giải pháp này, Nhà trường đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên giai đoạn 2010 - 2015, bảo đảm số lượng và chất lượng (nhấn mạnh bản lĩnh chính trị, trình độ giảng dạy và hiệu quả công tác), có cơ cấu hợp lý, phấn đấu đến năm 2015, 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, trong đó, khoảng 30% có học vị tiến sĩ. Để đạt được các chỉ tiêu đó, một mặt, Nhà trường tăng cường đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ các chuyên gia đầu ngành, các giảng viên có trình độ cao và đẩy mạnh công tác tạo nguồn; mặt khác, đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo trong nước và nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết chuyên đề về “Công tác đào tạo cán bộ ở nước ngoài giai đoạn 2011 - 2020 và những năm tiếp theo” của Đảng ủy Binh chủng. Trong quá trình xây dựng và phát triển đội ngũ, Đảng ủy Nhà trường chỉ đạo cấp ủy các cấp phải lãnh đạo chặt chẽ các khâu tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, cử giảng viên đi thực tế ở đơn vị và đào tạo ở nước ngoài, đảm bảo công khai, dân chủ, tạo động lực và cơ hội phấn đấu cho mọi cán bộ, giảng viên. Cùng với những hoạt động đó, Nhà trường sẽ tiếp tục áp dụng chính sách động viên, khuyến khích cán bộ, như: ưu tiên tuyển dụng con em cán bộ vào làm việc, học tập tại Trường; tạo điều kiện hợp thức hóa gia đình và từng bước giải quyết nhà ở, đất ở cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp.       

Đồng thời với 3 giải pháp trên, Nhà trường xác định đổi mới công tác quản lý và tổ chức đào tạo, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến về công tác quản lý, tổ chức đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học. Nội dung của việc đổi mới là tăng cường đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin vào xây dựng kế hoạch, điều hành, quản lý; đẩy mạnh việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý giáo dục của đội ngũ cán bộ; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo; nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng kinh phí GD-ĐT. Đi đôi với các nội dung đó, Nhà trường xác định đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, hướng mạnh vào các đề tài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, các phương pháp dạy - học tiên tiến và các biện pháp bảo đảm thông tin liên lạc trong điều kiện chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao.

Đào tạo nhân lực góp phần xây dựng Binh chủng hiện đại là một thử thách thật sự đối với cán bộ, giảng viên, công nhân viên và chiến sĩ Nhà trường. Để vượt qua thử thách đó, việc tập trung thực hiện đồng bộ 4 giải pháp trên là rất cần thiết. Đó cũng là cách biến thử thách thành cơ hội để Nhà trường tiếp tục khẳng định phẩm chất anh hùng, xứng đáng với lời Bác Hồ căn dặn Bộ đội Thông tin liên lạc: "Đã có cố gắng, cần luôn luôn cố gắng hơn nữa. Phải không ngừng nâng cao trình độ chính trị, t­­ư tưởng; ra sức học tập thêm nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác thông tin liên lạc kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, ngày càng tiến bộ, lập nhiều thành tích mới"1 .

Thiếu tướng LÊ ĐÌNH HÙNG

Hiệu trưởng Nhà trường

________

1 - Hồ Chí Minh -  Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 436.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...