Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Sáu, 23/04/2021, 06:34 (GMT+7)
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng

Quán triệt quan điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn không ngừng đổi mới, sáng tạo trong thực hiện cả hai nhiệm vụ này, xây dựng Tổng Công ty thành tập đoàn kinh tế quốc phòng hàng đầu Việt Nam, điểm sáng về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Từ một doanh nghiệp nhỏ, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, đầu cầu tập kết lực lượng, phương tiện, xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa chi viện cho các đơn vị trên vùng biển, đảo phía Nam và vận tải quân sự Bắc - Nam, đến nay, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn đã trở thành một doanh nghiệp có uy tín, hoạt động đa ngành, nghề, một điển hình cho doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng chủ động hội nhập và kinh doanh hiệu quả. Đi đôi với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, Tổng Công ty còn thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, tham gia phục vụ các hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; tổ chức hoa tiêu, lai dắt tàu; bảo đảm cầu, bến, phương tiện cho các tàu quân sự xếp dỡ hàng hóa; tham gia hoạt động đối ngoại quốc phòng; thi công các công trình khu vực biên giới, hải đảo, v.v.

Chặng đường 32 năm xây dựng và phát triển (1989 - 2021), dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, cùng với lòng tin cậy hợp tác của khách hàng, Tổng Công ty đã đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xây dựng và thực hiện thành công Chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu cả nước về kinh doanh khai thác cảng và các ngành kinh tế biển, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước. Năm 2020, Tổng Công ty xếp hạng 19 trong các cụm cảng container có sản lượng thông quan lớn nhất thế giới (vượt 01 bậc so với năm 2019); Top “100 doanh nghiệp phát triển bền vững năm 2020”; Top 5 doanh nghiệp logistics hàng đầu Việt Nam và nhiều phần thưởng cao quý.

Năm 2020, dịch bệnh Covid-19 gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế - xã hội trong nước, làm đứt gãy chuỗi cung ứng và suy thoái kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt cho dịch vụ khai thác cảng, logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển. Xác định thực trạng đó, chính là “hàn thử biểu” khẳng định khả năng cạnh tranh cao trong sản xuất, kinh doanh của Tân Cảng Sài Gòn. Vì vậy, Tổng Công ty đã chủ động, kịp thời xây dựng các kịch bản, phương án điều hành sản xuất ứng phó với các cấp độ dịch Covid-19; nhanh chóng khởi động chế độ kết nối thông tin online, họp trực tuyến với khách hàng, hãng tàu. Đồng thời, triển khai tối đa việc làm thủ tục giao nhận hàng hóa và thanh toán qua mạng, triển khai chữ ký số, đồng bộ với việc áp dụng các gói chính sách hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với từng khách hàng, hãng tàu, góp phần duy trì ổn định đơn vị, đảm bảo sản xuất, kinh doanh thông suốt, an toàn, không gián đoạn. Để giải phóng hàng hóa qua các cảng nhanh chóng, Tổng Công ty đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành khai thác cảng (Bổ sung thêm 30 tính năng trên cổng điện tử E-port; giao hàng điện tử chiếm 95%; thanh toán phí giao hàng trên E-port chiếm 93%); tối ưu hóa cầu, bến đón các tàu container theo lịch dài hạn và các tàu trễ lịch, hạn chế việc tàu chờ cầu. Phối hợp chặt chẽ với Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Cảng Sài Gòn khu vực 1 chuyển container hàng tồn lâu ngày ra cảng Cát Lái, tái xuất container không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật; với các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn tất thủ tục cho phép tiếp nhận các tàu có trọng tải lớn vào các cảng, góp phần nâng cao năng lực khai thác cảng.

Cùng với đó, Tổng Công ty đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics gắn với các khu vực cảng, ICD, kho bãi và các hoạt động vận tải; mở rộng thị trường các khu vực Bình Dương, Tây Ninh, khu vực phía Bắc. Tăng cường công tác nghiên cứu, phân tích, đánh giá thị trường, khách hàng trong nước và quốc tế; thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình khách hàng, giải quyết tốt vấn đề phát sinh trong triển khai dịch vụ E-port, Edo, Hải quan, v.v. Tiến hành khảo sát chất lượng dịch vụ toàn hệ thống, thực hiện tốt quy chế tổ chức hoạt động marketing; trực tiếp trao đổi, giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc, thu hút khách hàng, hãng tàu sử dụng dịch vụ logistics, hệ thống các cảng, ICD của Tổng Công ty. Chủ động hợp tác, mở rộng dịch vụ, tham gia thực hiện thành công các dự án lớn vận tải hàng quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng; triển khai hiệu quả tuyến dịch vụ Cái Mép - ICD Long Bình; thu hút 02 hãng tàu sử dụng dịch vụ chuyển rỗng về ICD Long Bình, Thành phố Hồ Chí Minh và mở 02 tuyến dịch vụ mới hàng chuyển cảng tại Cát Lái - Hiệp Phước. Triển khai thí điểm tuyến vận tải mới Thành phố Hồ Chí Minh - Cam Ranh - Hải Phòng - Thành phố Hồ Chí Minh; đầu tư đóng mới 05 sà lan (sức chở 128 và 198 teus), triển khai thành công tuyến vận chuyển bằng sà lan Quảng Ninh - Hải Phòng - Quế Võ - Tân Chi, tuyến Quốc tế Việt Nam - Campuchia, Cát Lái - Thạnh Phước, Bình Dương; nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ biển ra thị trường nước ngoài1. Nhờ đó, Tổng Công ty đã hoàn thành xuất sắc kế hoạch sản xuất, kinh doanh, về đích sớm, trước 10 ngày; tiếp tục khẳng định vị thế là nhà khai thác cảng container số 01 Việt Nam với 62% thị phần xuất nhập khẩu container cả nước. Sản lượng container thông qua các cảng thuộc hệ thống Tân cảng Sài Gòn đạt 9,55 triệu Teu, tăng 8,5% so với năm 2019, tăng 3,1% kế hoạch năm 2020. Năng suất lao động tăng 12,1%, thu nhập bình quân tăng 7,9%, doanh thu: 24,472 tỷ đồng, tăng 3,9%; lợi nhuận: 3.655 tỷ đồng tăng 10,2%. Nộp ngân sách nhà nước 1.612 tỷ đồng, tăng 56%. Năng suất lao động tăng 10,53%; thu nhập bình quân 29,64 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,83% so với năm 2019.

Tổng công ty xác định nhiệm vụ quân sự, quốc phòng không chỉ là nhiệm vụ chính trị trung tâm, mà còn là điều kiện quyết định đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị. Bởi, địa bàn hoạt động của Tổng Công ty ngày càng mở rộng; yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn khu vực đóng quân, an ninh cảng biển, phòng, chống cháy nổ, an toàn lao động, an toàn giao thông, an toàn hàng hải,... ngày càng nặng nề, phức tạp; các đơn vị vừa sản xuất, kinh doanh, vừa sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ BM, CV. Do đó, Tổng Công ty luôn quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, hướng dẫn của cấp trên về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; xây dựng và thực hiện nghiêm túc các kế hoạch công tác quân sự, kế hoạch xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, kế hoạch huấn luyện chiến đấu, v.v. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết, Tổng Công ty thực hiện tốt việc rà soát, nắm chắc tình hình chính trị nội bộ, bảo đảm tiêu chuẩn trong tuyển dụng, nhất là lực lượng thực hiện nhiệm vụ BM, CV. Trên cơ sở đó, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên và bảo đảm quân số khỏe đạt gần 100%, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu phát triển mới. Cùng với đó, Tổng Công ty chú trọng huấn luyện nghiệp vụ tuần tra, dẫn luồng hẹp, bảo bảm an toàn kỹ thuật ca nô; luyện tập các phương án chữa cháy khu hàng nguy hiểm IMO; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phối hợp với Vùng 2 Hải quân tổ chức huấn luyện BM cho tốp 5 về tác chiến bảo vệ biển, đảo khu vực ST, T-D. Thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các văn kiện, phương án sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với thực tế địa bàn và nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; duy trì nghiêm các ca, kíp trực sẵn sàng chiến đấu đúng thành phần quy định, đủ khả năng xử lý các tình huống.

Để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trên biển vững chắc, Tổng Công ty chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi Đơn vị đứng chân tổ chức tuyên truyền, vận động đồng bào và ngư dân thực hiện chủ trương, đường lối của đảng, chính sách và luật pháp của Nhà nước, nhất là các nội dung có liên quan đến biển, đảo. Qua đó, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, góp phần cùng nhân dân cả nước hướng về biển, đảo quê hương, chung sức, đồng lòng bảo vệ biển, đảo Tổ quốc. Hệ thống cảng quân sự, căn cứ hậu cần, kỹ thuật của Tổng Công ty tại các địa bàn kinh tế, quốc phòng chiến lược đều có tính lưỡng dụng, phục vụ tốt phát triển kinh tế trong thời bình, thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo khi có tình huống. Nổi bật là mô hình “Trung tâm Âu tàu, Làng chài - điểm tựa vững chắc để ngư dân vươn khơi bám biển” hoạt động rất hiệu quả và thiết thực, kịp thời cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước ngọt; sửa chữa, khắc phục sự cố máy móc cho ngư dân; bảo vệ, giúp đỡ ngư dân trên các vùng biển trọng điểm, chiến lược xa bờ, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, thềm lục địa Việt Nam2. Qua đó, tạo điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, tham gia bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Cùng với đó, Tổng Công ty thực hiện có hiệu quả phong trào “Quân cảng Sài Gòn chung sức xây dựng nông thôn mới; chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, trợ cấp phụng dưỡng hằng tháng, chúc thọ, tặng quà cho 186 Mẹ Việt Nam anh hùng; hỗ trợ các gia đình chính sách, người có công; giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần phát triển kinh tế, an sinh xã hội, củng cố, tăng cường, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên địa bàn.

Phát huy kết quả đã đạt được, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công tầm nhìn, sứ mệnh: trở thành Tập đoàn kinh tế quốc phòng - an ninh hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics, v.v. Đồng thời, là điểm sáng về kết hợp phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng, an ninh, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Đảng đã đề ra.

Đại tá PHẠM VĂN PHÈN, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc
__________________

1 - Nga, Trung Quốc, Malaysia, Myanmar, Nhật Bản, Thái Lan, Bangladesh.

2 - Kết quả năm 2020: cứu nạn 09 lượt tàu cá với 93 ngư dân gặp nạn trên biển; cấp cứu và khám bệnh cho 62 ngư dân tại Bệnh xá các đảo, cung ứng 35.366 lít nhiên liệu, cấp 168.700 lít nước ngọt miễn phí, sửa chữa miễn phí cho 21 tàu cá; hướng dẫn, hỗ trợ hơn 03 nghìn lượt ngư dân vào các Âu Tàu tránh bão.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...