Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 04/07/2019, 07:32 (GMT+7)
Tỉnh Cà Mau xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”, tỉnh Cà Mau đã đạt được những kết quả quan trọng. Nhờ đó, đã tạo điều kiện thuận lợi để Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, xây dựng tiềm lực, thế trận phòng thủ vững chắc trên một hướng chiến lược của Quân khu 9.

Nằm ở cực Nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có ba mặt giáp biển, với bờ biển dài 254km, vùng biển rộng khoảng 80.000km2, giàu tài nguyên thiên nhiên và là ngư trường trọng điểm của cả nước. Các cụm đảo của Tỉnh, như: Hòn Khoai, Hòn Chuối, Hòn Buông và Hòn Đá Bạc tiếp giáp với tuyến hàng hải quốc tế, rất thuận lợi cho giao thương, đồng thời cũng là những tiền đồn của thế trận phòng thủ trên hướng biển Tây Nam Tổ quốc. Vì vậy, Tỉnh được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế và có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh. Cho nên, xây dựng tỉnh Cà Mau thành khu vực phòng thủ vững chắc có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Quán triệt, thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng khu vực phòng thủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác quan trọng này. Nhờ đó, công tác xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh được tiến hành toàn diện, đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân.

Để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần, Tỉnh quan tâm chăm lo kiện toàn và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp; trong đó, tập trung xây dựng củng cố tổ chức đảng, chính quyền cấp cơ sở; quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, 100% chi bộ quân sự có chi ủy. Đồng thời, đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, gắn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của công dân cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về đường lối của Đảng, về quốc phòng toàn dân, chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Tỉnh đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu về văn hóa - xã hội, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; giảm tỷ lệ hộ đói nghèo mỗi năm từ 1% đến 1,5%; đảm bảo tốt chính sách về người có công với cách mạng, dân tộc, tôn giáo, an sinh xã hội; phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, trực tiếp là tổ chức đảng và chính quyền các cấp của Tỉnh.

Cùng với đó, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiềm lực vật chất - kỹ thuật ngày càng cao cho khu vực phòng thủ. Tỉnh thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng và an ninh, nhất là những lĩnh vực quan trọng phù hợp quy hoạch xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Nhờ đó, kinh tế của Tỉnh luôn phát triển ổn định, bền vững, năm 2018, tăng trưởng đạt 7%, 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của Tỉnh được cải thiện và tăng thứ hạng. Việc triển khai thực hiện ba đột phá chiến lược1 gắn với cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được tích cực thực hiện và bước đầu đạt được những kết quả khả quan, nhất là trong các lĩnh vực: nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, du lịch và công nghiệp khí - điện - đạm, v.v.

Diễn tập khu vực phòng thủ huyện Cái Nước năm 2017

Trong xây dựng tiềm lực quân sự - an ninh, Tỉnh phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang; tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế các đơn vị Quân đội, Công an theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, có cơ cấu hợp lý, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng. Đồng thời, tăng cường huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng vũ trang đủ sức làm nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với giữ vững chủ quyền an ninh biển, đảo; xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc, tình huống an ninh - quốc phòng, không bị bất ngờ, không để xảy ra các “điểm nóng” trên địa bàn. Tuy là địa phương có tích lũy kinh tế chưa cao, nhưng những năm qua, Tỉnh đã cân đối ngân sách hợp lý, đầu tư đúng mức, dành hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình quốc phòng và an ninh, nhằm xây dựng thế trận quân sự toàn diện, cơ bản, liên hoàn, vững chắc, v.v.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện và tổ chức hoạt động khu vực phòng thủ, tỉnh Cà Mau còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Nội dung, biện pháp xây dựng khu vực phòng thủ ở một số địa phương chưa sát với yêu cầu, đặc điểm địa bàn; tổ chức triển khai có mặt chưa linh hoạt, đồng bộ. Bên cạnh đó, trên địa bàn Tỉnh có những yếu tố làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp mới về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, cả trong nội địa và trên vùng biên giới biển,… nếu không được giải quyết kịp thời sẽ có nguy cơ trở thành “điểm nóng”. Tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông diễn biến phức tạp, khó dự báo. Để tiếp tục xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Cà Mau vững chắc trong điều kiện đó, Tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều nội dung, giải pháp; trong đó nổi lên là:

Một làđẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; thường xuyên tuyên truyền, bồi dưỡng, giáo dục kiến thức về quốc phòng và an ninh cho mọi đối tượng. Để đạt hiệu quả, Tỉnh vận dụng đa dạng hình thức, phương pháp, nhất là với những đối tượng mới, đặc thù, như: công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số, ngư dân hoạt động dài ngày trên biển, v.v. Qua đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cán bộ chủ trì các cấp, ngành nhận thức sâu sắc, đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ. Trên cơ sở đó, thực hiện có hiệu quả xây dựng khu vực phòng thủ trên lĩnh vực mình phụ trách.

Hai làtăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chính quyền trong quản lý, điều hành nhiệm vụ xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ. Đây là nguyên tắc quan trọng hàng đầu, đảm bảo cho việc xây dựng khu vực phòng thủ tiến hành đúng hướng, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Bám sát Nghị quyết 28-NQ/TW gắn với thực hiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Luật Quốc phòng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội,… Tỉnh tiếp tục rà soát, bổ sung, đẩy mạnh thực hiện kế hoạch, chương trình hành động thực hiện với lộ trình, biện pháp đồng bộ, khoa học, khả thi, phù hợp điều kiện của địa phương. Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp vận hành nghiêm cơ chế “Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương làm tham mưu theo chức năng và tổ chức thực hiện”; chủ động linh hoạt vận dụng để phù hợp với sự phát triển của thực tiễn trong điều kiện mới. Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh tăng cường phối hợp, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ của các địa phương; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng khu vực phòng thủ.

Ba làđẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nguồn lực vật chất, khoa học, kỹ thuật xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Phát huy lợi thế, Tỉnh ưu tiên phát triển các ngành kinh tế biển gắn liền với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Xây dựng vùng biển và ven biển trở thành “vùng kinh tế mở”, hướng mạnh phát triển ra biển, từng bước xây dựng vùng biển, ven biển thành vùng kinh tế động lực, phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ một số ngành, nghề mới. Bố trí các cụm dân cư trên tuyến biên giới biển, tạo thế bố trí lực lượng mới trên các địa bàn; đẩy mạnh trồng rừng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, như: mạng lưới giao thông, sân bay, bến cảng, bưu chính, viễn thông, y tế,... gắn với xây dựng các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu cần, công trình phòng thủ. Ðối với nghề khai thác xa bờ, Tỉnh hỗ trợ về vốn, tổ chức các đội tàu công suất lớn, giúp ngư dân vươn khơi, bám biển, đồng thời tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo. Các cơ quan chức năng triển khai phương án bảo vệ ngư dân trong khai thác thủy sản, tranh chấp ngư trường, cứu hộ cứu nạn; quản lý, xử lý tốt tình hình quốc phòng, an ninh trên biển, tiếp tục giữ vững ổn định trật tự vùng biển của ta và vùng chồng lấn với các nước lân cận trong quá trình đánh bắt hải sản trên biển.

Bốn là, tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, thực sự làm nòng cốt để tăng cường tiềm lực quân sự, an ninh cho khu vực phòng thủ. Cơ quan quân sự các cấp thực hiện tốt vai trò chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ. Trong đó, chú trọng tham mưu cho địa phương tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng; xây dựng thế trận quân sự, an ninh trong khu vực phòng thủ. Không ngừng nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập các cấp; tập trung vào các trạng thái khẩn cấp về quốc phòng, động viên quốc phòng, chống khủng bố, bạo loạn lật đổ,... hoàn thiện khả năng phối hợp giữa các lực lượng trong xử trí các tình huống quốc phòng - an ninh có thể xảy ra. Đồng thời, tích cực thực hiện công tác dân vận, tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ, chủ động nắm, dự báo chính xác tình hình, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp có đối sách xử lý phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Kịp thời đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội, xâm phạm chủ quyền của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới, biển, đảo, các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.

Bám sát chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước, tỉnh Cà Mau tiếp tục nâng cao chất lượng toàn diện khu vực phòng thủ, góp phần tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển về kinh tế, mạnh về quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Đại tá TRƯƠNG DŨNG TIẾN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh

________

1 - Gồm: 1. Cải cách hành chính; 2. Phát triển nguồn nhân lực; 3. Xây dựng kết cấu hạ tầng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...