Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 21/08/2023, 08:01 (GMT+7)
Tỉnh Bắc Ninh đẩy mạnh thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Kế thừa, phát triển tư tưởng lo giữ nước từ sớm, từ xa, từ lúc nước chưa nguy của dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã, đang triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bắc Ninh là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội và là địa bàn dung chứa nhiều tuyến giao thông huyết mạch, với nhiều khu công nghiệp lớn,... nên giữ vị trí quan trọng về nhiều mặt, nhất là về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của vùng Thủ đô và Quân khu 1. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, bám sát nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về công tác quốc phòng, quân sự, trực tiếp là Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã tổ chức quán triệt, cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động và triển khai thực hiện phù hợp đặc điểm địa bàn và đạt hiệu quả thiết thực. Theo đó, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính chính trị cơ sở vững mạnh, Tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ trong quy hoạch tổng thể đến triển khai thực hiện của từng ngành, lĩnh vực. Đến nay, Tỉnh đã rà soát, xây dựng hoàn chỉnh quy hoạch tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn theo từng giai đoạn; quy hoạch hệ thống trường bắn, thao trường huấn luyện; Đề án xây dựng công trình quốc phòng trong khu vực phòng thủ giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời, tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ quan, doanh trại các cấp, các công trình quốc phòng trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần - kỹ thuật, khu cất giấu vũ khí, trang bị, hệ thống trường bắn, thao trường, bãi tập, bến hạ thủy và một số hạng mục công trình mang tính lưỡng dụng, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu dân sinh và cơ động lực lượng, phương tiện khi có tình huống, được Bộ Quốc phòng và Quân khu đánh giá cao.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 1 và lãnh đạo Tỉnh động viên các lực lượng tham gia diễn tập

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quán triệt, triển khai cụ thể hóa thành chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết ở một số tổ chức đảng chưa sâu, chưa toàn diện; kết quả thực hiện trên một số lĩnh vực còn hạn chế, chưa vững chắc; nhận thức về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của một bộ phận cán bộ, đảng viên, hội viên các đoàn thể và nhân dân chưa đầy đủ, sâu sắc; khả năng chuyển nền kinh tế sang nhiệm vụ quốc phòng, an ninh khi có tình huống ở một số địa phương cơ sở chưa cao.

Thời gian tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Tỉnh sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch, làm nảy sinh những khó khăn mới về an ninh nông thôn, quản lý xã hội. Thêm vào đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường; các thế lực thù địch tăng cường hoạt động chống phá, đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hòng gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, v.v. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, lãnh đạo thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025,... tạo cơ sở, nền tảng và môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Thực hiện mục tiêu xác định, trước hết, Tỉnh tăng cường quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, địa phương, lực lượng vũ trang và toàn dân về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là quan điểm, tư tưởng cốt lõi của Đảng, nhiệm vụ chiến lược cấp bách, lâu dài của cả dân tộc, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Để tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động đối với nhiệm vụ quan trọng này, cấp ủy các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn Tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và của Tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo vệ Tổ quốc; trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các chiến lược về quân sự, quốc phòng, v.v. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành đề án, kế hoạch, văn bản chỉ đạo sát với thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân; kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, nhận thức rõ đối tượng, đối tác trong tình hình mới; có tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí quyết tâm chính trị cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng và các tầng lớp nhân dân, nâng cao khả năng miễn dịch trước các thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch.

Hai là, không ngừng củng cố hệ thống chính trị các cấp, nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền trong phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết số 19-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” và thực tế địa bàn, thời gian tới, Tỉnh chủ trương lấy đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và tinh giản bộ máy, biên chế làm khâu đột phá. Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các ban, sở, ngành; điều chỉnh, phê duyệt quy hoạch đội ngũ cán bộ các cấp giai đoạn 2025 - 2030; kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan chuyên môn, sáp nhập các cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ tương đồng theo đúng lộ trình; đồng thời, nâng cao vai trò hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và vai trò tham mưu của cơ quan các cấp. Để đạt hiệu quả cao, quá trình triển khai, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát; gắn kiểm tra, giám sát của cấp ủy đảng với thanh tra nhà nước và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, cùng các đoàn thể chính trị - xã hội. Song song với đó, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, Tỉnh tích cực huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng và triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; đồng thời, nâng cao vai trò hoạt động của các đoàn thể và cơ quan Quân sự, Công an các cấp.

Thực binh bắn đạn thật của lực lượng vũ trang Tỉnh trong diễn tập khu vực phòng thủ (năm 2022)

Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Quán triệt, thực hiện Nghị định số 164/2018/NĐ-CP, ngày 21/12/2018 của Chính phủ về kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tỉnh tập trung khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế; tiếp tục phát triển đồng bộ trên 3 lĩnh vực: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, hướng đến phát triển nhanh và bền vững; trong đó, lấy công nghiệp làm động lực chủ yếu cho tăng trưởng, trở thành trung tâm công nghiệp và dịch vụ công nghệ cao, trung tâm sản xuất thông minh của Việt Nam và vùng Đông Nam Á, trung tâm Logistics của vùng Thủ đô.

Là địa phương có diện tích hẹp, dân số đông và đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, để đảm bảo mỗi bước phát triển kinh tế là một bước tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương bám sát Quy hoạch phát triển tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trên cơ sở đó rà soát, thẩm định, giám sát kỹ việc phân vùng, quy hoạch khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị mới gắn với quy hoạch quốc phòng, an ninh để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch và nông nghiệp; gắn quy hoạch với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng theo một kế hoạch thống nhất. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho quốc phòng, an ninh; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của pháp luật, phù hợp với chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển và quy hoạch của Tỉnh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh của cấp ủy, chính quyền các cấp, thông qua kế hoạch, chỉ tiêu, biện pháp tổ chức thực hiện. Duy trì nghiêm cơ chế lãnh đạo xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ; thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong khu vực phòng thủ, nhất là Ban Chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan Quân sự, Công an trong tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Tích cực huy động, động viên nguồn lực từ các địa phương và xã hội cho xây dựng khu vực phòng thủ; thường xuyên bổ sung, hoàn thiện kế hoạch động viên kinh tế, sẵn sàng chuyển từ tiềm lực thành thực lực quốc phòng và kế hoạch chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến bảo đảm tính khoa học, khả thi cao.

Bốn là, xây dựng lực lượng vũ trang tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII); Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang địa phương “tinh, gọn, mạnh”, cân đối, hợp lý giữa lực lượng thường trực, dự bị động viên và dân quân tự vệ. Trong đó, ưu tiên lực lượng làm nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng chiến đấu và xây dựng đội ngũ cán bộ, cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống văn kiện tác chiến; kế hoạch phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng Quân sự với Công an theo Nghị định số 03/2019/NĐ-CP của Chính phủ và tổ chức huấn luyện, diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, diễn tập chiến đấu phòng thủ xã, phường, thị trấn chặt chẽ, đúng quy định. Qua đó, nâng cao hơn nữa trình độ tổ chức, điều hành hoạt động khu vực phòng thủ của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và khả năng hiệp đồng tác chiến giữa các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, địa phương, xây dựng tiềm lực, thế trận quân sự khu vực phòng thủ Tỉnh ngày càng vững chắc.

Cùng với các nhiệm vụ, giải pháp trên, các ban, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 71-NQ/TU, ngày 29/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030, xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các cơ quan, địa phương, đơn vị gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Quan tâm bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách với người có công; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng làng, xã, cụm làng, xã chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Tích cực triển khai thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về giáo dục, đào tạo, y tế, lao động, giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, Quy chế Dân chủ cơ sở, tăng cường khối đại đoàn kết trong nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp xây dựng Bắc Ninh sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

NGUYỄN HƯƠNG GIANG, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...