Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 19/12/2011, 14:44 (GMT+7)
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51 của Bộ chính trị trong Bộ đội Biên phòng
Thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị, khoá IX "Về  tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính uỷ, chính trị viên (CU,CTV) trong Quân đội nhân dân Việt Nam" (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị) có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói chung, xây dựng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia nói riêng.

 

Chức năng, nhiệm vụ của BĐBP rất toàn diện, liên quan không chỉ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, mà cả về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội1 của đất nước. Các đơn vị BĐBP hoạt động chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, nơi nhiều khó khăn gian khổ; phải trực diện đấu tranh với kẻ thù và bọn tội phạm các loại trong hoạt động công khai và bí mật, trong nước và xuyên biên giới, với nhiều âm mưu, thủ đoạn thâm độc, tinh vi và xảo quyệt. Đặc biệt, hệ thống các đồn biên phòng nằm trải dọc các tuyến biên giới, bờ biển, hải đảo; là đại diện của chính quyền giải quyết các vấn đề về chủ quyền quốc gia trên biên giới một cách thường xuyên, liên tục cả về không gian, thời gian, trong mọi hoàn cảnh; liên quan đến những vấn đề về chính trị, quân sự, an ninh và đối ngoại mang tính chất quốc gia, vốn rất nhạy cảm và chịu sự tác động nhiều mặt, nhiều chiều. Điều đó đòi hỏi người chiến sĩ biên phòng phải được đào tạo chuyên sâu về công tác biên phòng (CTBP), vừa tinh thông nghiệp vụ, vừa phải nắm chắc pháp luật chuyên ngành; đồng thời, phải có kiến thức toàn diện cả về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cũng như kinh tế, văn hoá, xã hội. Đặc biệt, cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) biên phòng phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định và sắc bén để giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia đúng theo chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong điều kiện hoạt động tương đối phân tán, độc lập.

Chính vì vậy, việc triển khai Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, tạo ra sức mạnh và chất lượng mới cho lực lượng BĐBP. Ngay sau khi Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) ra Nghị quyết 513-NQ/ĐUQSTW triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, Đảng uỷ BĐBP đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn làm cho đội ngũ cấp uỷ viên, cán bộ chủ trì các cấp nhận thức đúng về vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ, các mối quan hệ công tác và những yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của CU,CTV. Với phương châm "Tích cực, chủ động, đồng bộ, vững chắc, có quy trình, bước đi phù hợp", căn cứ vào đặc điểm, chức năng, yêu cầu nhiệm vụ của BĐBP, Thường vụ Đảng uỷ BĐBP đã rà soát tổ chức, biên chế, tính chất, nhiệm vụ và quy mô tổ chức cũng như đánh giá toàn diện số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, trước hết là đội ngũ cán bộ chính trị (CBCT), để đề xuất với cấp trên biên chế chức danh và lựa chọn nhân sự, đề nghị trên bổ nhiệm theo phân cấp. Vì vậy, việc biên chế chức danh CU,CTV trong BĐBP cơ bản phù hợp, đạt chỉ tiêu, yêu cầu, chất lượng đề ra. Đến nay, toàn lực lượng đã đề nghị Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng xem xét, bổ nhiệm: chính uỷ đạt 100%; phó chính uỷ đạt 94,7%; Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh BĐBP xem xét, bổ nhiệm: chính trị viên đạt 98,7%; chính trị viên phó đạt 80,2%. Trong quá trình xem xét, đề nghị bổ nhiệm chính uỷ, phó chính uỷ BĐBP các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh đã phối hợp, thống nhất với các tỉnh uỷ, thành uỷ đảm bảo chặt chẽ, đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn.

Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và phát triển, đội ngũ CBCT các cấp trong BĐBP chủ yếu được đào tạo cơ bản về CTBP và trưởng thành từ cơ sở, được bồi dưỡng chuyển loại CBCT, nên đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) và CTBP. Hầu hết cán bộ chủ trì về chính trị đều có uy tín cao trong đơn vị và với cấp ủy, chính quyền địa phương, được tổ chức đảng tín nhiệm bầu vào cấp uỷ và bầu làm bí thư. Hằng năm, qua kết quả bình xét, CBCT đều được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ… Đó là những thuận lợi rất cơ bản trong triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị trong BĐBP. Khi được bổ nhiệm làm CU,CTV, hầu hết đội ngũ CBCT hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, quá trình đó cũng có không ít khó khăn, vướng mắc, như: nhận thức về Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị chưa đầy đủ và thống nhất; các điều lệ, quy chế, quy định ban hành chưa đồng bộ, có nội dung chưa nhất quán, chưa sát hợp với tính chất nhiệm vụ, đặc điểm hoạt động của BĐBP; đội ngũ cán bộ nói chung, CBCT trong BĐBP nói riêng, còn thiếu. Đặc biệt, CU,CTV và cơ quan chính trị phải chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện biện pháp vận động quần chúng (một biện pháp cơ bản, là cơ sở để triển khai các biện pháp nghiệp vụ CTBP khác), nên đòi hỏi CU,CTV không chỉ tinh thông CTĐ,CTCT, mà còn phải nắm vững mọi mặt nghiệp vụ CTBP thì mới có thể hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao. Do đó, công tác tạo nguồn CU,CTV của BĐBP không chỉ coi trọng kiến thức nghiệp vụ CTĐ,CTCT mà còn phải rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về năng lực, trình độ nghiệp vụ CTBP.

Quá trình hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương, đội ngũ CU,CTV các cấp trong BĐBP đã phát huy được trách nhiệm, quyền hạn của mình, luôn giữ vững nguyên tắc, thực hiện có hiệu quả nội dung, quy trình CTĐ,CTCT; các mặt công tác, như: tư tưởng, tổ chức, cán bộ, bảo vệ an ninh, vận động quần chúng… đều được triển khai toàn diện, bám sát thực tiễn, có sự đổi mới cả về nội dung và phương pháp. Chất lượng chính trị của toàn lực lượng có bước chuyển biến rất cơ bản, trước hết là về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng và hiệu lực của người chỉ huy; chất lượng và hiệu quả CTĐ,CTCT ở các cơ quan, đơn vị được nâng cao; tinh thần dân chủ, sự đoàn kết gắn bó, ý thức cộng đồng trách nhiệm giữa CBCT với cán bộ các ngành khác được tăng cường. Đặc biệt, biện pháp nghiệp vụ vận động quần chúng và đối ngoại biên phòng do CU,CTV trực tiếp chỉ đạo ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả các mặt nghiệp vụ CTBP; thế trận biên phòng toàn dân được củng cố và tăng cường.  Có thể khẳng định rằng, Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị đã thực sự tạo ra động lực mới để lực lượng BĐBP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Tuy nhiên, quá trình đó vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, nhất là sự bất cập giữa các văn bản quy định và việc nhận thức trong thực tiễn. Hiện nay, quy định về vị trí, vai trò, mối quan hệ công tác của CU,CTV đã được nhiều văn bản đề cập. Cụ thể, như: "Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam" (năm 2010) quy định: "Người chỉ huy và CU,CTV từng cấp phải chăm lo xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện và chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của đơn vị" (Điều 7); "Quan hệ giữa người chỉ huy và CU,CTV với các phó chỉ huy là quan hệ giữa chỉ huy và phục tùng chỉ huy" (Điều 33) và "Điều lệ CTĐ,CTCT trong Quân đội nhân dân Việt Nam" (năm 2009) cũng quy định rõ: "CU,CTV và người chỉ huy là hai người có trách nhiệm, quyền hạn cao nhất trong đơn vị" (Điều 27). Nhưng nhìn chung, việc nhận thức về vai trò của người chỉ huy và người chủ trì về chính trị  đối với CU,CTV chưa rõ, chưa thống nhất. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ và giải quyết mối quan hệ công tác của người chỉ huy và CU,CTV ở một số đơn vị BĐBP chưa tốt, nhất là ở các đồn biên phòng; CU,CTV chưa thật chủ động thực hiện   đầy đủ vai trò chủ trì về chính trị đối với các biện pháp nghiệp vụ CTBP. Trong khi đó năng lực CTĐ,CTCT, trình độ nghiệp vụ CTBP, phẩm chất đạo đức, lối sống, phương pháp công tác cũng như kinh nghiệm trong chỉ đạo nghiệp vụ, quản lý đơn vị của một bộ phận CU,CTV chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều đồng chí chưa tích cực nghiên cứu, học tập vươn lên, còn biểu hiện nguyên tắc máy móc, chưa năng động, sáng tạo, một số uy tín hạn chế… Vì vậy, chất lượng chính trị, hiệu quả CTĐ,CTCT ở một số đơn vị chuyển biến chậm. 

Việc xác lập và thực hiện chế độ CU,CTV là nhằm mục đích tăng cường sự lãnh đạo của tổ chức đảng và hiệu lực CTĐ,CTCT, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội vững mạnh về mọi mặt, trước hết là vững mạnh về chính trị trong thời kỳ mới. Việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội chủ yếu là tăng cường CTĐ,CTCT; trong đó, vai trò của đội ngũ cán bộ chủ trì về chính trị và cơ quan chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phản ánh vị trí, vai trò, mối quan hệ giữa CU,CTV với các tổ chức, lực lượng trong đơn vị. Trong đó, CU,CTV là người chủ trì xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị; định hướng hoạt động mọi tổ chức, cá nhân trong đơn vị hoạt động theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ, mệnh lệnh, chỉ thị của người chỉ huy; đồng thời, bảo đảm cho mọi CB,CS trong đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao; các tổ chức trong đơn vị được xây dựng vững mạnh, có chất lượng chính trị cao. Đối với BĐBP, yêu cầu đó đặt ra càng cao. Bởi lẽ, CU,CTV và cơ quan chính trị còn phải trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp vận động quần chúng và đối ngoại biên phòng nhằm tổ chức lực lượng để thực hiện các giải pháp chính trị trong giải quyết các vấn đề về chủ quyền an ninh biên giới. Lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội ta và thực tiễn hơn 50 năm chiến đấu, công tác của BĐBP đã chứng minh: việc xác định đúng đắn và thực hiện đầy đủ vai trò CTĐ,CTCT là yếu tố có ý nghĩa quyết định đảm bảo giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. CU,CTV trong BĐBP, nhất là chính trị viên ở các đồn biên phòng, trong điều kiện hoạt động độc lập trên biên giới, với tư cách là người chủ trì về chính trị, là hạt nhân đoàn kết trong đảng bộ, đơn vị và quan hệ phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể trên địa bàn, thì phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của họ có ảnh hướng rất lớn đến nhận thức, hành động của CB,CS và chất lượng, hiệu quả công tác của đơn vị. Sự gương mẫu về mọi mặt của CU,CTV thật sự là mệnh lệnh không lời đối với CB,CS. Điều đó đòi hỏi người CU,CTV trong BĐBP phải thường xuyên bám sát thực tiễn, sâu sát cơ sở, địa bàn; bao quát, nắm chắc tình hình nội - ngoại biên, nhạy bén phát hiện những vấn đề cần tập trung lãnh đạo trong CTBP để chủ động cùng với người chỉ huy đề ra chủ trương, biện pháp tổ chức đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong mọi tình huống.

Hiện nay, đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện và sâu sắc, đã đặt ra những yêu cầu mới cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh nói chung và nhiệm vụ CTBP nói riêng. Để xây dựng BĐBP vững mạnh toàn diện, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, một trong nội dung cơ bản, có tính quyết định là cần tiếp tục phát huy hơn nữa hiệu quả chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ CU,CTVtrong BĐBP. Thực tiễn triển khai thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 513 của Quân uỷ Trung ương trong BĐBP thời gian qua đã đặt ra một số vấn đề cần phải tập trung nghiên cứu, giải quyết trong thời gian tới.

Trước hết, chế độ CU,CTV trong Quân đội được thực hiện trong bối cảnh thế giới và trong nước rất khác trước đây và thường xuyên biến đổi một cách mau lẹ. Do đó, hệ thống quy chế, quy định của Đảng, Điều lệnh quản lý bộ đội, Điều lệ công tác trên các lĩnh vực hoạt động trong Quân đội tuy đã được điều chỉnh theo Nghị quyết 51 của Bộ chính trị và Nghị quyết 513 của Quân ủy Trung ương, nhưng vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu thể chế hóa một cách đầy đủ, toàn diện và đồng bộ hơn.

Thứ hai, đối với BĐBP, do yêu cầu nhiệm vụ mà tổ chức biên chế đã có bước phát triển; lực lượng phòng chống tội phạm và ma túy, lực lượng kiểm soát cửa khẩu được triển khai ở cả ba cấp tổ chức. Đây là các lực lượng thường xuyên trực tiếp đấu tranh với các đối tượng trên biên giới; vì vậy, cần được nghiên cứu bổ sung chức danh CU,CTV ở các cấp để tăng cường chất lượng CTĐ,CTCT, đáp ứng yêu cầu công tác và chiến đấu thường xuyên căng thẳng, nhiều khi rất quyết liệt.

Thứ ba, bên cạnh việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo chế độ CU,CTV chung trong toàn quân, đội ngũ CU,CTV trong BĐBP còn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn biện pháp nghiệp vụ vận động quần chúng và biện pháp đối ngoại biên phòng với những yêu cầu, nội dung mang tính nghiệp vụ chuyên ngành. Vì vậy, người CU,CTV trong BĐBP không chỉ thực hiện các nội dung CTĐ,CTCT nói chung, mà còn phải nắm chắc nội dung liên quan của các hiệp ước, hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương mà nước ta ký kết; các chủ trương, chính sách, pháp luật, đối sách đấu tranh với các loại đối tượng phản động và tội phạm… Do đó, người CU,CTV không chỉ tham gia tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị với tư cách bí thư tổ chức đảng, mà còn phải thực hiện nhiệm vụ của người chỉ huy chuyên ngành (như các chỉ huy chuyên ngành khác trong tổ chức chỉ huy đơn vị). Bởi vậy, công tác đào tạo CBCT nói chung, tạo nguồn CU,CTV của BĐBP nói riêng cần phải được nghiên cứu xây dựng nội dung, chương trình một cách khoa học, cơ bản để đáp ứng yêu cầu đó.

Thiếu tướng VŨ HIỆP BÌNH

Phó Chính uỷ Bộ đội Biên phòng

 __________

1 - Theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa VIII và được thể chế tại Pháp lệnh Biên phòng.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...