Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 21/07/2022, 06:37 (GMT+7)
Tiếp tục quán triệt quan điểm xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới

Nhằm tạo và phát huy sức mạnh lực lượng toàn dân cùng lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc Tổ quốc, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam (năm 2019) chỉ rõ: “Việt Nam chủ trương xây dựng lực lượng quốc phòng toàn dân…; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân để xây dựng lực lượng quốc phòng bảo vệ Tổ quốc…”. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, cần tiếp tục được quán triệt, triển khai thực hiện trong thực tiến, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Nhận thức sâu sắc vai trò của lực lượng toàn dân - lực lượng đông đảo nhất, kịp thời nhất, nhanh nhất và là chỗ dựa vững chắc nhất của quốc phòng Việt Nam, những năm qua, đặc biệt trong gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, công tác xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc luôn được Đảng, Nhà nước cùng các bộ, ngành, địa phương quan tâm, chăm lo với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp và đạt nhiều kết quả quan trọng.

Nổi bật là, lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc được xây dựng toàn diện, cả lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi, trong các bộ, ngành, lĩnh vực, các cấp, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại hình tổ chức kinh tế, xã hội, điều kiện của từng vùng, miền. Công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng, phát huy vai trò lực lượng toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc được đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ quan trọng này. Hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, huy động lực lượng toàn dân tham gia bảo vệ Tổ quốc từng bước được nghiên cứu, bổ sung, tương đối phù hợp điều kiện thực tiễn của các cấp, ngành, địa phương. Nhờ đó, lực lượng toàn dân đã phát huy tốt vai trò xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc; đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, ngăn chặn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, chiến tranh mạng; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, thậm chí cả người đứng đầu cấp ủy một số bộ, ngành, địa phương về nhiệm vụ này chưa thật đầy đủ, sâu sắc. Cơ chế, chính sách, pháp luật về xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc có nội dung còn bất cập, thiếu đồng bộ, chưa phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh của quần chúng trong củng cố quốc phòng, đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, song tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp; đặc biệt, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã, đang tác động tới mọi quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam; Biển Đông vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định, khó dự báo. Trong nước, tình hình an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội,… cơ bản ổn định, nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhất là nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, hòng chống phá cách mạng nước ta trên tất cả các lĩnh vực, v.v. Trước tình hình đó, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về quân sự, quốc phòng, trọng tâm là chủ trương xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, với quyết tâm chính trị cao và giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương trong xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn cho thấy, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp có ý nghĩa quyết định, bảo đảm tập hợp và phát huy được sức mạnh to lớn của nhân dân tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và ngược lại. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức cần tập trung quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quân ủy Trung ương về xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả, xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm hùng hậu, rộng khắp, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các loại hình tổ chức kinh tế, xã hội, điều kiện của từng vùng, miền.

Quá trình xây dựng, phải luôn bám sát thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ địa phương, cơ sở; chủ động khắc phục tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, động viên, nêu cao ý thức, trách nhiệm của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trên từng khu vực, địa bàn và cả nước; trong đó, chú trọng địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo và các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thực hiện đúng quy trình các bước trong lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung, phát triển lý luận, làm cơ sở chỉ đạo hoạt động thực tiễn xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc đạt hiệu quả cao hơn. Về lâu dài, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách huy động, động viên nhiều hơn nữa sức người, sức của trong nhân dân, nhất là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm qua, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, công tác tuyên truyền, giáo dục về xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc đã được tiến hành thường xuyên, bước đầu đạt kết quả tích cực, nhất là trong thực hiện các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phòng chống tội phạm, v.v. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác này có mặt còn chưa toàn diện, chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời những nội dung mới về quốc phòng, an ninh, về đối tác, đối tượng, về xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc,... nên nhận thức, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ này chưa cao. Để khắc phục những hạn chế đó, các cấp, ngành, địa phương phải đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, lấy số lượng, chất lượng người dân tham gia và kết quả hoàn thành nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu cao nhất. Nội dung tuyên truyền, giáo dục bảo đảm toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp giáo dục truyền thống với giáo dục nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, chú trọng khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, theo tinh thần “cử quốc nghênh địch, trăm họ là binh”, “toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến”,... làm cho các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc là tất yếu khách quan; là trách nhiệm của mọi người, mọi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức. Cùng với đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân nắm chắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, trọng tâm là quan điểm xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc; nội dung, phương thức xây dựng nền quốc phòng toàn dân, đấu tranh quốc phòng, an ninh; trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, v.v. Quá trình giáo dục phải thường xuyên cập nhật, bổ sung những nội dung mới về quốc phòng, an ninh, phù hợp với sự phát triển của thực tiễn, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phải phong phú, hấp dẫn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng; phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí, phát thanh và truyền hình Trung ương, địa phương; hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, truyền thanh nội bộ,... kiên quyết khắc phục tình trạng hình thức, sáo rỗng, không thực chất.

Ba là, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy nhân dân tự giác tham gia xây dựng và đấu tranh quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, xuất phát từ tình hình thế giới, khu vực và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới, nội hàm bảo vệ Tổ quốc đã có sự phát triển tương đối toàn diện. Đó là, vừa xây dựng đất nước cường thịnh, giữ vững ổn định từ bên trong, ngăn chặn, phòng ngừa chiến tranh, vừa không ngừng nâng cao sức mạnh quốc phòng, tăng cường khả năng phòng thủ, sẵn sàng đánh bại địch tiến công xâm lược ở mọi quy mô, hình thức. Do đó, để xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, các cấp, ngành, lực lượng từ Trung ương đến địa phương phải chú trọng các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng vững chắc tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, sức mạnh vật chất cho quốc phòng, an ninh; đồng thời, tạo động lực thúc đẩy các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Thời gian qua, mặc dù được Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành và địa phương tập trung quan tâm chăm lo, nhưng đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,... còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi công tác xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc cần triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa đi đôi với nâng cao chất lượng các chính sách an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, dân tộc, tôn giáo. Gắn tăng trưởng kinh tế với củng cố quốc phòng, an ninh, mở rộng đối ngoại, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển, làm cho nhân dân tin tưởng, tham gia và cống hiến sức người, sức của cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, cần chú trọng phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo bằng thế trận và lực lượng toàn dân, lấy lực lượng vũ trang làm nòng cốt; kết hợp phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân với đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân; nâng cao cảnh giác để nhân dân không những không mắc mưu kẻ địch, mà còn tham gia đấu tranh bảo vệ chủ trương, đường lối xây dựng lực lượng toàn dân, lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng lực lượng toàn dân bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ chiến lược quan trọng, đòi hỏi các cấp, các ngành Trung ương, địa phương cần quán triệt, triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp phù hợp, nhằm phát huy sức mạnh to lớn của nhân nhân đối với sự nghiệp củng cố, đấu tranh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGÔ TRỌNG CƯỜNG, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...