Thứ Bảy, 23/11/2024, 05:49 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị được Đại hội XIII xác định là một trọng tâm lớn trong công tác xây dựng Đảng. Vì vậy, tiếp tục quán triệt, thực hiện và đẩy mạnh đổi mới nội dung này trong giai đoạn mới bằng nhiều giải pháp thiết thực, đồng bộ là vấn đề cấp thiết đối với từng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp hiện nay.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, ngoài điều kiện cần là có chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp thì phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên điều kiện đủ, bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng. Vì vậy, những năm qua, việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội luôn được chú trọng. Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 30/7/2007 của Hội nghị Trung ương 5 (khóa X) và Nghị quyết Đại hội XIII về vấn đề này, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong tuyên truyền, vận động, tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng được nâng cao; cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” được thực hiện chặt chẽ, đi vào nền nếp. Việc sắp xếp bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng được tăng cường, từng bước khắc phục tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận được đẩy mạnh, v.v. Qua đó, “đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cầm quyền, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hiệu quả của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng”1. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa đầy đủ, sâu sắc, thiếu thống nhất và chưa đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện.
Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới, bảo đảm cho Đảng hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, ngày 17/11/2022, Hội nghị Trung ương sáu (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”. Mục tiêu được đặt ra là: tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; vừa giữ vững được nguyên tắc của Đảng, song đồng thời phát huy sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là thể chế hóa, cụ thể hóa thành luật và các văn bản dưới luật; tạo chuyển biến thực sự, đạt kết quả cao trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng ở các cấp. Đề cao trách nhiệm của tập thể, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, gắn với kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Xây dựng phương pháp công tác, lề lối làm việc của các cấp ủy, tổ chức đảng thực sự khoa học, dân chủ, sát với thực tiễn; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng thông suốt từ Trung ương đến cơ sở. Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, đặc biệt quan tâm một số nội dung chủ yếu sau:
Về phương thức lãnh đạo công tác cán bộ
Cán bộ là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ là nguyên tắc bất di bất dịch của quá trình vận hành toàn bộ hệ thống chính trị nước ta. Phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn mới càng cần chú trọng tới tính hiệu quả của công tác cán bộ.
Đảng phải trực tiếp lãnh đạo công tác cán bộ; hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định; tổng kết việc thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền. Thực hiện giám sát mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên từ sớm, từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn; trong đó, phải tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm và tiến hành xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời những sai phạm. Tiếp tục cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, quan tâm xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Cùng với đó, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực trong công tác cán bộ; khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, cán bộ năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; thực hiện “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ. Công tác đánh giá cán bộ phải toàn diện, chặt chẽ, thực chất, khách quan, nhiều chiều; cùng với phẩm chất, bản lĩnh chính trị, ý thức, trách nhiệm, uy tín trong tập thể, trong nhân dân, phải đặc biệt chú trọng kỹ năng công tác, chất lượng, hiệu quả công việc được giao, bằng sản phẩm, kết quả cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Thường xuyên cảnh báo, nhắc nhở giúp cán bộ nhận diện nguy cơ, không mắc sai lầm, kịp thời khắc phục khuyết điểm; xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu khi để cán bộ dưới quyền trực tiếp tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm trong lãnh đạo cấp ủy, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch.
Về phương thức xây dựng bộ máy, đẩy mạnh cải cách hành chính
Trong những năm qua, mặc dù hệ thống chính trị nói chung, bộ máy của Đảng nói riêng được sắp xếp lại theo hướng gọn, tinh giản, hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; trong đó, chú trọng giải quyết các mối quan hệ cùng với sự phân cấp, phân quyền hợp lý, rõ ràng giữa các tổ chức đảng. Thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng về công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị, tinh giản biên chế theo vị trí việc làm, có trọng tâm, trọng điểm, gắn với nâng cao chất lượng, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thiện xây dựng vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, làm cơ sở để xác định tổng biên chế của hệ thống chính trị ở nước ta giai đoạn 2026 - 2031.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phong cách lãnh đạo, phương pháp công tác, lề lối làm việc trong các cơ quan của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, bảo đảm tính khoa học, dân chủ, sâu sát, cụ thể; quy định chặt chẽ nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ, quy trình công tác, khắc phục tình trạng bao biện, làm thay, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, áp đặt hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị ở tất cả các cấp về đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và văn kiện của Đảng, kết nối từ Trung ương tới cơ sở. Xây dựng và áp dụng tiêu chí, chỉ số đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động của các cơ quan, tổ chức như quản trị công, cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của cán bộ, đảng viên, người dân, làm cơ sở để nâng cao chất lượng, cải tiến phong cách, lề lối làm việc; tiếp tục đổi mới công tác thông tin, báo cáo trong Đảng, bảo đảm nhanh, chính xác, kịp thời.
Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát
Trong điều kiện cầm quyền, một trong những vấn đề cốt yếu cả về lý luận và thực tiễn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là phải kiểm soát quyền lực, không bị lạm dụng, để quyền lực được thực thi mang lại lợi ích tối đa cho cách mạng. Do đó, ngoài việc phải tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng trong kiểm tra, giám sát,… cần chú ý tới việc phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra của Nhà nước. Tập trung kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt ở những nơi dễ xảy ra vi phạm, nơi nhân dân có nhiều bức xúc, dư luận quan tâm, các lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm. Thực hiện tốt việc kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời tổ chức đảng, đảng viên sai phạm.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Cán bộ giữ chức vụ nêu gương cho đảng viên không giữ chức vụ; từ trong Đảng ra ngoài Đảng, cấp trên nêu gương cho cấp dưới. Người đứng đầu, tập thể lãnh đạo và rộng hơn là toàn Đảng nêu gương tốt góp phần lan tỏa trong xã hội những hành động tốt, tấm gương tiêu biểu. Đồng thời, nêu cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc vận động gia đình, người thân xây dựng lối sống gương mẫu.
Phương thức lãnh đạo của Đảng là hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng bằng những thành quả cách mạng, biến khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc thành hiện thực cuộc sống; trước hết là thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó cũng là yêu cầu của việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị. Với bản lĩnh vững vàng, lập trường chính trị đúng đắn, quyết tâm chính trị cao, tầm trí tuệ sáng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhất định sẽ tiếp tục giành được nhiều thắng lợi, đưa sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng đến thành công.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG __________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 82 - 83.
Đại hội XIII,phương thức lãnh đạo,cầm quyền của Đảng,hệ thống chính trị,tiếp tục đổi mới
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học