Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 21/06/2016, 07:00 (GMT+7)
Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một chủ trương nhất quán của Đảng ta, được Đại hội XII tiếp tục khẳng định. Vì thế, quán triệt sâu sắc chủ trương này, nhằm phát huy sức mạnh toàn dân tộc, để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là vấn đề cơ bản hiện nay.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là con đường tất yếu để đưa sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn và cũng là một trong những nhiệm vụ kinh tế cơ bản của các nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Ở Việt Nam, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được xác định ngay từ Đại hội III của Đảng; từ đó đến nay, luôn nhất quán về chủ trương đó, song có sự điều chỉnh hợp lý về nội dung, mô hình, mục tiêu cho phù hợp với từng giai đoạn. Tại Đại hội XII của Đảng, quan điểm về công nghiệp hóa, hiện đại hóa tiếp tục có sự bổ sung, phát triển cho phù hợp với tình hình mới của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế; trong đó, nổi bật là các khía cạnh chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa được điều chỉnh cho sát với thực tiễn. Đại hội VIII của Đảng (năm 1996), Đảng ta đã đề ra mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ trở thành “Một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại”. Tại Đại hội IX của Đảng (năm 2001), mục tiêu này được diễn đạt “mềm dẻo” hơn là: “Đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Đại hội X của Đảng (năm 2006), một lần nữa xác định: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”1. Đại hội XI tiếp tục khẳng định “... tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại2.

Tuy nhiên, như Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã đánh giá: “Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt kế hoạch; nhiều chỉ tiêu, tiêu chí trong mục tiêu phấn đấu để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại không đạt được.”3. Những hạn chế, khuyết điểm nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan là do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu; thiên tai, dịch bệnh; những diễn biến mới phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, tình hình căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông; sự chống phá của các thế lực thù địch, v.v. Nguyên nhân chủ quan là cuối nhiệm kỳ khóa X, kinh tế vẫn trên đà tăng trưởng, song một số khó khăn, hạn chế và những yếu kém vốn có của nền kinh tế chưa được đánh giá và dự báo đầy đủ, nên Đại hội XI đề ra một số chỉ tiêu, nhiệm vụ khá cao. Nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và các bộ, ngành chậm được khắc phục; chưa chú trọng đúng mức tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; chưa quyết liệt trong việc tham mưu, chỉ đạo thực hiện một số chủ trương, quan điểm phát triển đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI; năng lực dự báo còn hạn chế, cho nên một số chủ trương, chính sách, giải pháp đề ra chưa phù hợp, v.v. Các nguyên nhân trên không thể khắc phục trong một sớm, một chiều, nên vẫn đang là những vấn đề làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ tới. Để khắc phục tình trạng đó, phương hướng, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong 5 năm tới (2016 - 2020) được xác định linh hoạt hơn là: “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.4.

2. Định hướng xác định hệ tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Hiện nay, ở nước ta chưa có một văn bản chính thống nào về một bộ tiêu chí để đánh giá và làm thước đo mục tiêu “nước công nghiệp”, “cơ bản trở thành nước công nghiệp” và đặc biệt là “nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Vì thế, xây dựng hệ tiêu chí “nước công nghiệp theo hướng hiện đại” là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Bởi lẽ, tiêu chí là thước đo khoa học để đánh giá kết quả đã đạt được một cách cụ thể, rõ ràng, khắc phục tình trạng chủ quan, duy ý chí và là cơ sở để xác định mức độ tiếp cận hay hoàn thành, phát hiện những bất cập, hạn chế, từ đó định hướng và đề ra các mục tiêu, giải pháp thực hiện trong bước đi, giai đoạn kế tiếp. Trong bối cảnh toàn cầu hóa trở thành xu thế khách quan; khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ đang tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì việc thực hiện công nghiệp hóa luôn đòi hỏi phải hướng tới trình độ hiện đại, theo yêu cầu của kinh tế tri thức và phát triển bền vững; đồng thời, phải tăng cường xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Theo đó, xây dựng các tiêu chí của một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cần nghiên cứu tham khảo tiêu chí của các nền kinh tế công nghiệp mới (NICs), nhưng phải bảo đảm phù hợp với quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của nước ta hiện nay. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã tiếp cận có chọn lọc tiêu chí nước công nghiệp theo hướng hiện đại của một số nước trên thế giới; từ đó xác định các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020 theo các tiêu chí định hướng sau:

Tiêu chí phản ánh trình độ phát triển của nền kinh tế (GDP bình quân đầu người, tỷ trọng gia tăng công nghiệp chế tạo, tỷ trọng nông nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa, điện bình quân đầu người). Những tiêu chí định hướng này là cơ sở cho việc xác định các chỉ tiêu cụ thể về phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Đó là “Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200 - 3.500 USD. Tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP khoảng 85%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32 - 34% GDP. Bội chi ngân sách nhà nước còn khoảng 4% GDP. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng khoảng 30 - 35%. Năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm. Tiêu hao năng lượng tính trên GDP bình quân giảm 1 - 1,5%/năm. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%”5.

Tiêu chí phản ánh trình độ phát triển về mặt xã hội (chỉ số phát triển con người (HDI), tuổi thọ bình quân, chỉ số bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, số bác sĩ trên 1 vạn dân, tỷ lệ lao động qua đào tạo,…). Tiêu chí định tính này được lượng hóa thành các chỉ tiêu cụ thể về phát triển xã hội giai đoạn 2016 - 2020: “Đến năm 2020, tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65 - 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Có 9 - 10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên 1 vạn dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 - 1,5% năm”6.

Tiêu chí phản ánh về môi trường (tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch, độ che phủ rừng, tỷ lệ giảm phát thải khí nhà kính). Lượng hóa tiêu chí này bằng các chỉ tiêu về môi trường trong giai đoạn 2016 - 2020 là: “Đến năm 2020, 95% dân cư thành thị, 90% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và 85% chất thải nguy hại, 95 - 100% chất thải y tế được xử lý. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%”7.

Có thể khẳng định rằng, xét cả về định tính và định lượng, việc xác định hệ tiêu chí trên là phù hợp. Bởi vì: (1) Hệ tiêu chí đã phán ánh được trình độ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta gắn với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2016 - 2020. Đó là giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức đang diễn ra trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. (2) Hệ tiêu chí này phản ánh được các vấn đề kinh tế, xã hội cốt lõi là chỉ số phát triển con người và môi trường sinh thái. Các chỉ tiêu trong từng nhóm tiêu chí trên, có đủ tính đại diện và cơ bản là phù hợp với các mục tiêu, định hướng ưu tiên của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam, cũng như xu thế phát triển bền vững trên thế giới hiện nay.

3. Xác định các giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là cả một quá trình lâu dài, cần được thực hiện thông qua nhiều bước hay nhiều giai đoạn. Tuy nhiên, ở nước ta, từ trước đến nay, “những tư tưởng, quan điểm của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về cơ bản, mới chỉ mang tính định hướng chung…, lộ trình, bước đi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những nhiệm vụ trọng tâm ở từng giai đoạn chưa được xác định rõ”8. Vì vậy, tại Đại hội lần này, Đảng ta đã có sự bổ sung về việc phân chia các bước đi của công nghiệp hóa, hiện đại hóa một cách phù hợp. Theo đó, “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiến hành qua ba bước: tạo tiền đề, điều kiện để công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; và nâng cao chất lượng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong 5 năm tới, tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,...”9. Đây là sự bổ sung rất cần thiết, có ý nghĩa to lớn trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay. Bởi vì: (1) Trên thế giới cũng đã có sự phân chia các giai đoạn của công nghiệp hóa, hiện đại hóa để làm cơ sở cho việc xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn. Giáo sư người Mỹ Hollis Chenary Burnley chia thời kỳ công nghiệp hóa làm 3 giai đoạn: giai đoạn khởi đầu, giai đoạn phát triển và giai đoạn hoàn thiện, không kể một thời đoạn tiền công nghiệp hóa và một thời đoạn hậu công nghiệp hóa. (2) Sự phân chia này giúp cho chúng ta nhận thức rõ hơn nước ta đang ở giai đoạn nào của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; từ đó, xác định mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, nội dung, biện pháp, phương thức công nghiệp hóa, hiện đại hóa phù hợp, khả thi trong từng giai đoạn. (3) Đó cũng là cơ sở để hoạch định chiến lược phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng, công nghiệp hỗ trợ; giải quyết mối quan hệ giữa công nghiệp hóa và đô thị hóa, giữa phát triển nông nghiệp và công nghiệp.

4. Xác định phương hướng nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2016 - 2020. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Để thực hiện định hướng trên, Đảng ta xác định cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ cụ thể sau:

Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương và có chính sách phù hợp để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, tăng hàm lượng khoa học - công nghệ, tập trung vào những ngành có tính nền tảng, có lợi thế so sánh, cạnh tranh, có ý nghĩa chiến lược và khả năng tham gia sâu, hiệu quả vào mạng sản xuất, phân phối toàn cầu. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và sản xuất vật liệu mới; từng bước phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hóa.

Đẩy mạnh phát triển khu vực dịch vụ theo hướng hiện đại, đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn các khu vực sản xuất và cao hơn tốc độ tăng GDP. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao. Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh. Phát triển mạnh kinh tế biển, nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tập trung đầu tư, nâng cao hiệu quả hoạt động các khu kinh tế ven biển.

Thống nhất quản lý tổng hợp chiến lược, quy hoạch phát triển trên quy mô toàn bộ nền kinh tế, vùng và liên vùng. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; đổi mới cơ chế, chính sách, kiểm soát chặt chẽ quá trình phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ và năng lực cạnh tranh của các đô thị; chú trọng phát huy vai trò, giá trị đặc trưng của các đô thị động lực phát triển kinh tế cấp quốc gia và cấp vùng.

Đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội để tiếp tục tập trung đầu tư hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ với một số công trình hiện đại. Ưu tiên và đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực trọng tâm là hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng điểm, kết nối giữa các trung tâm kinh tế lớn và giữa các trục giao thông đầu mối; hạ tầng ngành điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; hạ tầng thủy lợi đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Quán triệt và thống nhất nhận thức về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà Đại hội XII của Đảng đã xác định là cơ sở để xây dựng niềm tin, chỉ đạo thực tiễn, nắm bắt thời cơ, lợi thế, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại như kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Đại tá, PGS, TS. BÙI NGỌC QUỴNH, Học viện Chính trị

_______________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2006, tr.186.

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 33.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 60.

4 - Sđd, tr. 89.

5 - Sđd, tr. 272.

6 - Sđd, tr. 272-273.

7 - Sđd, tr. 273.

8 - ĐCSVN - Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG, H. 2015, tr. 83.

9 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 90.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...