Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 05/10/2023, 12:56 (GMT+7)
Thành tựu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và mấy phương hướng

Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự đột phá về lý luận, được Đảng ta vận dụng sáng tạo, đạt thành tựu to lớn trong hơn 35 năm đổi mới vừa qua, nhất là trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, khi đất nước phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức to lớn. Ngay khi đại dịch Covid-19 với những thiệt hại, ảnh hưởng rất nặng nề đến đời sống kinh tế - xã hội đất nước, sức khỏe, tính mạng con người vừa được kiểm soát, thì tình hình thế giới, khu vực lại có những diễn biến mới, phức tạp. Trong bối cảnh đó, với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng; sự điều hành linh hoạt, sáng suốt của Chính phủ, cũng như sự nỗ lực quyết tâm, chung sức đồng lòng của doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân, nền kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự phát triển khá toàn diện với nhiều nét nổi bật.

Thứ nhất, những yếu tố của kinh tế thị trường tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm. Kinh tế thị trường phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; phù hợp với thực tiễn, vận hành theo các quy luật của kinh tế thị trường, ngày càng theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế. Thị trường trong nước gắn với thị trường khu vực và thế giới; giá cả hầu hết được xác lập theo nguyên tắc thị trường; các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển; đặc biệt là, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế được bảo đảm vững chắc. Vai trò của Nhà nước đối với nền kinh tế được điều chỉnh ngày càng phù hợp với cơ chế thị trường; đồng thời, dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước được phát huy. Việc huy động, phân bổ các nguồn lực đã gắn với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp hơn với cơ chế thị trường; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, v.v.

Cùng với đó, việc cơ cấu lại nền kinh tế đã đạt được kết quả quan trọng; các loại thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất phát triển lành mạnh, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. Cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội xét trên phương diện quan hệ sở hữu khá hài hòa (gồm khoảng 27% từ kinh tế nhà nước, 04% từ kinh tế tập thể, 30% từ kinh tế hộ, 10% từ kinh tế tư nhân trong nước và 20% từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài1. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế có sự chuyển biến tích cực, nền kinh tế được chuyển dần sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng của nền kinh kế được cải thiện. Với những nỗ lực của toàn Đảng và toàn dân ta, kinh tế Việt Nam đã vượt qua được những khó khăn, thách thức to lớn. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu có sự suy giảm, gặp nhiều rủi ro, nhưng kinh tế nước ta vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng khá. Tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt 2,56%, trong khi nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng âm. Năm 2022, GDP đạt 8,02%, thuộc nhóm nước có tăng trưởng GDP cao nhất thế giới và được quốc tế đánh giá cao về kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù tăng trưởng GDP 06 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, nhưng theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, cả năm vẫn có thể đạt mục tiêu 6,0% - 6,5%. Chất lượng tăng trưởng của nền kinh kế được cải thiện, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam tăng trưởng thuộc tốp nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2019 - 2022 (tăng 74%). Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín là Moody's, S&P và Fitch đều đánh giá cao giá trị thương hiệu quốc gia; duy trì, nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam2.

Thứ ba, an sinh xã hội đạt kết quả quan trọng; quốc phòng, an ninh được tăng cường. Đây là một điểm nhấn phản ánh khá rõ nét bản chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta. Theo đó, an sinh xã hội đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong giáo dục - đào tạo, y tế, hỗ trợ các nhóm “yếu thế”, các đối tượng có nhiều khó khăn. Những người nghèo, trẻ em dưới 06 tuổi và người cao tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm gần ba lần; nhiều dịch bệnh phổ biến trước đây được khống chế thành công, v.v.

Trên cơ sở phát triển kinh tế và giải quyết tốt các vấn đề xã hội và an sinh, khả năng thích ứng với tình huống ngặt nghèo của nền kinh tế đất nước đã được gia tăng. Trước những thử thách đặc biệt, khó lường như đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta có thời điểm bị ngưng trệ, hầu hết các hoạt động đều tập trung cho chống dịch và chịu ảnh hưởng không nhỏ từ những khó khăn của kinh tế thế giới, như: giá dầu, giá hàng hóa tăng cao, lạm phát ở nhiều nước tăng kỷ lục, đứt gẫy chuỗi cung ứng,… song, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn kiên định mục tiêu phát triển. Những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ và giàu tính nhân văn nhằm bảo vệ quyền con người, bảo hộ công dân, bảo đảm sức khỏe và tính mạng của nhân dân được thực thi có hiệu quả, đưa đất nước trở thành “điểm sáng” của khu vực và thế giới về kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Vì thế, mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn, nhưng chỉ số hạnh phúc của nước ta vẫn đạt ở mức cao. Năm 2023, “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” của Việt Nam tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc3.

Cùng với đó, phát triển kinh tế - xã hội đã kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh; chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân cả về tiềm lực, lực lượng, thế trận, gắn kết chặt chẽ với nền an ninh nhân dân. Các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương đã quan tâm, huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm an toàn các sự kiện trọng đại của Đảng, Nhà nước. Tập trung nguồn lực phát triển công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng, hiện đại, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước; chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước.

Đại hội XIII của Đảng xác định rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước”4. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thời gian tới, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt những phương hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Một là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Trong đó, chú trọng phát triển kinh tế nhà nước, bảo đảm kinh tế nhà nước thực sự giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế quốc dân. Nhiệm vụ quan trọng là phải đẩy nhanh việc xử lý tình trạng nợ xấu, thoái vốn; thực hiện hiệu quả việc cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại; kiểm tra giám sát chặt chẽ không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước. Củng cố, phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác đáp ứng yêu cầu kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Theo đó, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa việc hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ trang trại trong nông nghiệp; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Hai là, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, thực sự coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Quan tâm phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh đáp ứng yêu cầu; nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực; mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động, tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp tư nhân. Thực hiện tốt hơn nữa chủ trương: “Xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 02 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60% - 65%”5.

Ba là, khuyến khích phát triển kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Quán triệt quan điểm: “kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, Chính phủ, các cấp, các ngành cần nỗ lực thực hiện, có chính sách thu hút hiệu quả và quản lý chặt chẽ để tận dụng những tác động tích cực và hạn chế những rủi ro cho nền kinh tế trong thu hút FDI. Hoàn thiện và áp dụng có hiệu quả các quy định về kỹ thuật, điều kiện về khoa học công nghệ, những tiêu chuẩn về môi trường đối với các dự án FDI, cùng với chính sách ưu đãi thu hút các dự án FDI có công nghệ xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Khuyến khích thu hút các dự án FDI có tác động tích cực lan tỏa; ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tác động tích cực cho các doanh nghiệp trong nước, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào các mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Bốn là, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường trong bối cảnh mới. Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường; thực hiện nhất quán cơ chế giá trị thị trường, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Phát huy đầy đủ vai trò của thị trường trong phân bổ các nguồn lực sản xuất; điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa; điều tiết hoạt động của các doanh nghiệp và thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Chú trọng thực hiện tốt việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, phát triển các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển mạnh khu vực dịch vụ dựa trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

PGS, TS. NGUYỄN MẠNH HƯỞNG
___________________

1 - Nguyễn Phú Trọng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2022, tr. 31.

2 - Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng “ổn định”; S&P nâng từ mức BB lên BB+, triển vọng “ổn định”; Fitch duy trì ở mức BB với triển vọng “tích cực”; IMF nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong “bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu – Theo Nguyễn Minh Phong, Điểm sáng kinh tế Việt Nam giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 27/8/2023.

3 - Nguyễn Minh Phong, Điểm sáng kinh tế Việt Nam giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 27/8/2023

4 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 128.

5 - Sđd, tr. 240.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...