Thứ Sáu, 22/11/2024, 15:15 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
(Tiếp theo và hết*)
II - Giải pháp phòng, chống tham nhũng “vặt”
Từ thực trạng, hệ lụy và nguyên nhân đã nêu ở phần I, để phòng, chống tham nhũng “vặt” có hiệu quả, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là ở cơ sở cần thực hiện tốt những giải pháp cơ bản, mang tính đột phá sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, thống nhất về ý chí và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng “vặt”; qua đó, làm cho những người có thể tham nhũng, hoặc thờ ơ, vô cảm, thậm chí tiếp tay cho hành vi sai trái này nhận thấy cần phải tự giác tu dưỡng đạo đức, thực hành tốt công vụ, kiên quyết không nhũng nhiễu, nói không với “phong bì”, “phong bao”. Trong đó, cần tập trung làm cho các đối tượng nắm vững Nghị quyết chuyên đề “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X); Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý, vụ việc, vụ án tham nhũng”; Quy định 47-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về những điều đảng viên không được làm”. Cùng với đó, cần quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc Quy định 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt các cấp; Quy định 102-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) “Về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm”; Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Phòng, chống tham nhũng; Quy chế Dân chủ cơ sở, v.v. Việc quán triệt phải được tiến hành thường xuyên, liên tục; gắn nhận thức với hành động, giáo dục với biện pháp hành chính thông qua các chế tài quy định đối với cán bộ, viên chức trên từng cương vị công tác. Để đạt hiệu quả, cần đổi mới, phương pháp, hình thức, phát huy vai trò của mọi tổ chức, lực lượng, phương tiện, thông tin, truyền thông, hệ thống thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, tuyên truyền thường xuyên với tuyên truyền, giáo dục theo chủ đề, chuyên đề, v.v. Đối với từng cơ quan, đơn vị cần đặc biệt coi trọng và nâng cao chất lượng tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa và các phong trào hành động cách mạng; công khai kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham nhũng, v.v. Đối với nhân dân, cần phát huy vai trò của các công cụ tuyên truyền trực quan, niêm yết những quy định cán bộ, công chức, viên chức không được làm ở những nơi dễ thấy, dễ đọc trong các cơ quan công quyền để mọi người dân tham gia giám sát; đồng thời, phân tích, làm rõ những thông tin một chiều, không chính xác, sai sự thật, hòng vu cáo, kích động, gây hoang mang, hậu quả xấu trong nhân dân, v.v.
Hai là, không ngừng nâng cao hiệu quả lãnh đạo của chi bộ là vấn đề then chốt, quyết định đến cùng chất lượng phòng, chống tham nhũng “vặt” ngay từ cơ sở. Vì vậy, các chi bộ ở các đơn vị cơ sở thường xuyên tiếp xúc, giải quyết những vấn đề liên quan đến cuộc sống của người dân và có đảng viên giữ cương vị dễ để xảy ra hiện tượng xách nhiễu, đòi hỏi “phong bao” phải coi việc phòng, chống tham nhũng “vặt” là một nội dung quan trọng của nghị quyết lãnh đạo hằng tháng, quý, năm. Từ đó, xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch, phân công trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đảng viên, công chức, viên chức (kể cả cấp ủy viên các cấp sinh hoạt tại chi bộ). Quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, lãnh đạo tập thể đi đôi với phân công cá nhân phụ trách, nêu cao tính chiến đấu, tự phê bình và phê bình. Từng chi bộ, cần gắn kết có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Phong trào Thi đua yêu nước, nhất là Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện văn hóa công sở”, với những chuẩn mực, tiêu chí phù hợp với chức năng cơ quan, đơn vị và chức trách từng người để cán bộ, công chức, viên chức phấn đấu thực hiện. Trong đó, coi trọng xây dựng các tiêu chí rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp trong thực thi công vụ, đảm bảo mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tự giác và nêu gương trước nhân dân trong thực hiện những quy định đảng viên không được làm, 11 nhóm công việc công chức, viên chức không được làm (theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng). Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, biết trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ, chủ động phòng tránh, phê phán, lên án, đấu tranh với tư tưởng, hành vi tham nhũng “vặt” kể cả với người thân và bạn bè; tự giác thực hành đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ nghĩa cá nhân, thói ích kỷ, vụ lợi, “lợi ích nhóm”.
Đặc biệt, phải đặt ra yêu cầu cao đối với người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, đảm bảo cho họ luôn là trung tâm đoàn kết, gương mẫu tự học, tự rèn, không tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu nhân dân; gắn “nói với làm”, “xây với chống”, lấy “xây là chính”, “chống là quan trọng”, “làm đến đâu hiệu quả đến đó”. Đồng thời, phát huy dân chủ trong kiểm tra, giám sát, thanh tra; có biện pháp phòng, chống tham nhũng “vặt” phù hợp; kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh, không dung túng, bao che, tiếp tay, a dua cho các hành vi vi phạm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Người đứng đầu luôn sâu sát, gần gũi, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của đảng viên, quần chúng; phân công nhiệm vụ cho cấp dưới phải bảo đảm dân chủ, công khai, phù hợp với chuyên môn nghiệp vụ, ưu tiên sử dụng những người có năng lực, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm; lấy kết quả phòng, chống tham nhũng của cơ quan, đơn vị làm thước đo đánh giá phẩm chất, trách nhiệm, năng lực và mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Cùng với đó, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị mình xảy ra tham nhũng “vặt”, người dân kêu ca, phàn nàn về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền; nếu để trong cơ quan mình phụ trách có những trường hợp vi phạm nặng, thành hệ thống cần xem xét việc cách chức, giáng chức để làm gương cho người khác và làm trong sạch nội bộ.
Ba là, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát Đảng và thanh tra Nhà nước, xử lý, ngăn chặn hiệu quả tệ tham nhũng “vặt” từ gốc, từ sớm để có biện pháp gột rửa sai trái, “trị bệnh cứu người”, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các cấp ủy phải thực hiện tốt quy trình kiểm tra, giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng “vặt”; phối hợp chặt chẽ với công tác thanh tra công vụ và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nghề nghiệp, cũng như mọi người dân; xây dựng cơ chế gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát, thanh tra. Quá trình tổ chức thực hiện phải toàn diện, đồng bộ, khoa học, phát huy tinh thần giám sát lẫn nhau. Khi phát hiện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi tham nhũng “vặt” phải xử lý, hoặc đề nghị trên xử lý nghiêm theo quy định. Cùng với đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm, lựa chọn, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thanh tra. Họ phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, năng lực, phương pháp công tác tốt, lối sống trong sạch, liêm chính, chí công vô tư khi thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, phát huy dân chủ và vai trò của các tổ chức quần chúng, cơ quan báo chí, truyền thông. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, Quy chế người phát ngôn, Quy chế cung cấp thông tin cho báo chí, gắn với duy trì nền nếp hành chính, công vụ kỷ luật, kỷ cương; xây dựng nếp sống trong sáng, lành mạnh. Đặc biệt, cần thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “phát động tư tưởng quần chúng, làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu có chỗ ẩn nấp”1. Thực tế cho thấy, đây là liều thuốc đặc trị tham nhũng “vặt”. Chỉ khi nào, người dân, cơ quan báo chí, các nhà báo chân chính có điều kiện thuận lợi, tích cực, chủ động giám sát cán bộ, công chức, viên chức thông qua thái độ, trách nhiệm, chất lượng trong tiếp xúc, giải quyết công vụ hằng ngày, thì lúc đó cuộc đấu tranh loại trừ tệ tham nhũng “vặt” mới đi vào thực chất. Các tổ chức quần chúng phải hướng đoàn viên, hội viên vào thực hiện tốt quy tắc, quy định trong tiếp xúc, ứng xử và giải quyết công việc theo quy định pháp luật, tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện tốt văn hóa công sở”. Tập trung xây dựng, cụ thể hóa và thực hiện tốt “Ba trụ cột”2 của Phong trào, đảm bảo mỗi cán bộ, công chức, viên chức luôn nêu cao tinh thần “phụng công thủ pháp”, thực sự cần kiệm, liêm chính, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo vì người dân phục vụ.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng “vặt” dẫu còn khó khăn, gian khổ, nhưng vẫn phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ tệ nạn này ra khỏi đời sống xã hội. Một số giải pháp trên là đề xuất của tác giả nhằm góp phần huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân loại trừ tệ nạn tham nhũng “vặt”, làm trong sạch bộ máy công quyền, thực hiện thắng lợi mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
XUÂN TUẤN
__________
* - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử ngày 22-5-2019
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 13, Nxb CTQG, H.2011, tr. 419.
2 - “Ba trụ cột”: (1). Xây dựng hệ giá trị chuẩn mực cho văn hóa công sở; (2). Kiến tạo môi trường có văn hóa và hiệu quả; (3). Hình thành hình ảnh, tác phong, cốt cách của người cán bộ, công chức chuyên nghiệp, tận tâm, mẫu mực, sáng tạo, vì người dân phục vụ).
Tham nhũng “vặt”,giải pháp phòng
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học