Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Tư, 25/10/2017, 09:44 (GMT+7)
Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế - chức năng cơ bản, nhiệm vụ xuyên suốt của Quân đội

LTS. Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam, thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống, trách nhiệm chính trị của Quân đội trong việc quán triệt, thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Thực tiễn quá trình Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã mang lại hiệu quả toàn diện, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh của đất nước, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo.

Để góp phần làm sáng tỏ quan điểm, chủ trương của Đảng, cũng như hiệu quả tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội nhân dân Việt Nam; đồng thời, làm cơ sở đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội về Quân đội lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc vệt bài với chủ đề: “Tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế - chức năng cơ bản, nhiệm vụ xuyên suốt của Quân đội” của nhóm tác giả Mạnh Hà, Mạnh Dũng, Mạnh Tuấn.

I

Quan điểm, chủ trương của Đảng về Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm, chủ trương chiến lược lâu dài của Đảng ta, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm đó được hình thành trên cơ sở lịch sử truyền thống “dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc, những bài học quý về chính sách “ngụ binh ư nông”, “tĩnh vi nông, động vi binh” của ông cha ta.

Đó còn là nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin về mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; về quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, mang bản chất của giai cấp công nhân, có chức năng, nhiệm vụ được quy định bởi Đảng Cộng sản. Lê-nin cho rằng: Quân đội tham gia lao động sản xuất là tất yếu khách quan và có vai trò quan trọng đối với nhiệm vụ khôi phục đất nước sau chiến tranh. Theo đó, những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga, Lê-nin và Chính phủ Xô-viết đã chuyển một lực lượng quân đội sang làm kinh tế, tập trung vào các nhiệm vụ, như: khôi phục giao thông vận tải, sản xuất đầu máy xe lửa, sản xuất nông cụ, nông nghiệp,... góp phần khôi phục kinh tế, giữ vững thành quả của Cách mạng Tháng Mười. Đó là cơ sở lý luận, bài học kinh nghiệm để Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định “lao động sản xuất” là một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xuất phát từ cơ sở lý luận và thực tiễn, sau khi thành lập, Quân đội nhân dân Việt Nam được xác định có ba chức năng cơ bản là: “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Theo đó, trong suốt quá trình hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn quán triệt, nắm vững và hoàn thành xuất sắc ba chức năng cơ bản đó. Đối với chức năng, nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế được Quân đội thực hiện thường xuyên, phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các đơn vị Quân đội luôn nắm vững chức năng, nhiệm vụ, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng “vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “thực túc, binh cường”, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, vừa chiến đấu, vừa tích cực lao động sản xuất cải thiện đời sống, bảo đảm cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Cùng với đó, Quân đội còn đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, trong đó có vụ án Trần Dụ Châu là một điển hình.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội III của Đảng (từ ngày 5 đến 10-9-1960) đã khẳng định: “phải kết hợp xây dựng kinh tế với củng cố quốc phòng; trong xây dựng kinh tế, phải thấu suốt nhiệm vụ phục vụ quốc phòng, cũng như trong củng cố quốc phòng phải khéo sắp xếp cho ăn khớp với công cuộc xây dựng kinh tế”1. Thực hiện chủ trương đó, cùng với xây dựng và bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc, quân và dân ta ở miền Nam đã kết hợp chặt chẽ giữa đánh địch với củng cố, mở rộng hậu phương, xây dựng căn cứ địa, tích cực lao động sản xuất ở vùng giải phóng, đáp ứng một phần nhu cầu lương thực của bộ đội trên chiến trường.

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24 (khóa III) ban hành Nghị quyết xác định: “Các lực lượng vũ trang, kể cả các đơn vị thường trực, phải tích cực tham gia sản xuất, góp phần xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự đối với tất cả trai tráng và chế độ quân đội tham gia xây dựng kinh tế”2. Đến Đại hội IV (từ ngày 14 đến 20-12-1976), Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Trong hoàn cảnh một nước nghèo lại vừa ra khỏi một cuộc chiến tranh ác liệt, kéo dài, thì các lực lượng vũ trang, ngoài nghĩa vụ luôn luôn sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc, còn phải tích cực làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế, góp phần xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội”3.

Với tư duy đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy kinh tế, Đại hội VI của Đảng (từ ngày 15 đến 18-12-1986), đã khẳng định: “Từng bước phát triển công nghiệp quốc phòng đi đôi với tăng cường tiềm lực kinh tế của đất nước. Trên cơ sở bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và sản xuất quốc phòng, huy động một phần lực lượng quân đội, sử dụng một phần năng lực công nghiệp quốc phòng vào việc xây dựng kinh tế”4; đồng thời, chỉ rõ nhiệm vụ: toàn dân xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Trong các kỳ Đại hội kế tiếp, Đảng ta tiếp tục khẳng định chủ trương: quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”5; “Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội”6 . Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), ngày 03-6-2017, đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, tạo điều kiện để Quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về kết hợp quốc phòng với an ninh và kinh tế, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013), Điều 68 quy định: “kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh”7.

Quán triệt và thực hiện quan điểm, chủ trương đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, văn bản quy phạm pháp luật để lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân phát huy khả năng, thế mạnh tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế. Trọng tâm là Nghị quyết số 71/ĐUQSTW, ngày 25-4-2002 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) “Về nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội”; Nghị quyết số 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 của Quân ủy Trung ương “Về lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Thông tư 69/2017/TT-BQP, ngày 03-4-2017 của Bộ Quốc phòng ban hành Quy chế quản lý hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, v.v.

Như vậy, có thể khẳng định: kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế và Quân đội tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng đất nước là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong mọi giai đoạn cách mạng, cả trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quan điểm đó được thể hiện trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng; trong Hiến Pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nhiều văn bản pháp luật liên quan của Nhà nước. Đó là cơ sở lý luận – pháp lý để Quân đội nhân dân Việt Nam triển khai thực hiện.

Thực tiễn cũng cho thấy, quan điểm, chủ trương đó là phù hợp với đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân của Đảng ta. Trong đó, nền quốc phòng toàn dân được xây dựng thông qua các tiềm lực: kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, v.v. Các lĩnh vực đó kết hợp chặt chẽ với nhau, nhất là kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên cơ sở quy hoạch vùng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là sự cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đồng thời, thông qua thực hiện nhiệm vụ tham sản xuất, xây dựng kinh tế còn nhằm giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như góp phần tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng bảo vệ Tổ quốc. Mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội chính trị nhằm vào Quân đội, nhất là việc tuyên truyền Quân đội chỉ có chức năng bảo vệ Tổ quốc, không tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là sự xuyên tạc trắng trợn, lố bịch. Những luận điệu tuyên truyền đó không phải là sự thật, hoàn toàn trái với cơ sở lý luận - thực tiễn đã nêu trên. Vì thế, nó chỉ có thể nhất thời lừa gạt được một số người nhẹ dạ, cả tin và thiếu thông tin chính thống về Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế chứ không thể lừa bịp được quảng đại quần chúng nhân dân. Thực tiễn cho thấy, chỉ có sự thật mới có giá trị, còn sự xuyên tạc, giả dối, lừa gạt cho dù khéo che đậy đến đâu cũng sẽ bị vạch trần, lột tả, vô giá trị.

MẠNH HÀ - MẠNH DŨNG - MẠNH TUẤN
________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng, Toàn tập, Tập 21, Nxb CTQG, H. 2002, tr. 535.

2 - Sđd, Tập 36, H. 2004, tr. 400.

3 - Sđd, Tập 37, tr. 587.

4 - Sđd, Tập 47, H. 2006, tr. 372.

5 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149

6 - Sđd, tr. 312.

7 - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 32.

Số tiếp theo: II. Hiệu quả từ thực tiễn Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...