Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 10/07/2023, 08:23 (GMT+7)
Tập trung xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần khu vực biên giới phía Tây Quân khu 4

Xây dựng tiềm lực khu vực phòng thủ nói chung, tiềm lực chính trị - tinh thần nói riêng theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 22/9/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất là trên các địa bàn chiến lược trọng điểm. Đối với đặc thù địa bàn khu vực biên giới phía Tây Quân khu 4, thì xây dựng, tăng cường sức mạnh tiềm lực này càng có ý nghĩa quan trọng. Vì thế, việc quán triệt, vận dụng tinh thần Nghị quyết trên vào thực tiễn địa bàn này cần có quyết tâm cao và nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Quân khu 4 là địa bàn chiến lược, gồm 06 tỉnh, từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế, tiếp giáp với 07 tỉnh của Lào, có đường biên giới đất liền dài 1.247,8 km. Nơi đây địa hình rừng núi hiểm trở, cơ sở hạ tầng và kinh tế kém phát triển; trình độ dân trí của nhân dân thấp, nạn buôn bán ma túy, di cư tự do qua biên giới, truyền đạo trái pháp luật diễn biến phức tạp, v.v. Đây cũng là địa bàn trọng điểm mà các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” để chống phá, hòng chia rẽ khối đại đoàn kết giữa các dân tộc và nhân dân hai bên biên giới.

Xác định tiềm lực chính trị - tinh thần là nhân tố căn bản, chủ đạo trong xây dựng “thế trận lòng dân”, là “linh hồn” và chất keo kết dính để huy động và nhân lên sức mạnh các tiềm lực khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu luôn coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự đồng thuận, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là trên địa bàn biên giới, tập trung xây dựng tiềm lực quan trọng này phù hợp với thực tiễn từng địa phương, từng khu vực biên giới. Cùng với đó, quán triệt sâu sắc quan điểm, phương châm của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, cấp ủy, chính quyền, các lực lượng trên địa bàn Quân khu luôn chủ động phối hợp với địa phương nước bạn ở khu vực biên giới, tổ chức giao lưu, kết nghĩa để chia sẻ, hiểu biết lẫn nhau, góp phần tạo môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển, xây dựng tuyến biên giới Việt - Lào ổn định. Nhờ đó, kịp thời phát hiện và xử lý tốt những vấn đề nảy sinh, không để các thế lực thù địch tạo cớ gây điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần xây dựng tiềm lực tổng hợp và thế trận phòng thủ vững chắc nơi biên giới.

Hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị, trật tự, an toàn khu vực biên giới đặt ra yêu cầu cao; nhất là xây dựng niềm tin, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong khi đó, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó dự báo; khu vực biên giới phía Tây Quân khu 4 vẫn là một trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch, v.v. Thực tiễn đó đòi hỏi lực lượng vũ trang Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị và có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, thiết thực, phù hợp để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần ở khu vực biên giới, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra; trong đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp chủ yếu sau:

Trước hết, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, nội dung xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong tình hình mới. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, nhằm thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận từ cấp ủy, chính quyền đến các cơ quan, đoàn thể trong hệ thống chính trị và lực lượng vũ trang về vị trí, vai trò, nội dung xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ nói chung, khu vực biên giới đất liền nói riêng. Thực hiện tốt nội dung này sẽ tạo nền tảng vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp trong xây dựng các tiềm lực khác trong khu vực phòng thủ của Quân khu. Để công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân đạt hiệu quả, cần vận dụng linh hoạt và sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp; trong đó, đặc biệt coi trọng công tác này đối với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới. Nội dung cần tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; chính sách pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy các cấp về phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu, biện pháp giảm nghèo bền vững, v.v. Với vai trò nòng cốt, các cơ quan, đơn vị của Quân khu cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức cho bộ đội và nhân dân về truyền thống mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, về vai trò, vị trí quan trọng của nhiệm vụ xây dựng tuyến biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Qua đó, tạo đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương để xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần ngày càng vững chắc, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp của mỗi địa phương trong bảo vệ chủ quyền tuyến biên giới đất liền.

Hai là, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở các xã (phường, thị trấn) khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Để thực hiện tốt nội dung này, các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng địa bàn biên giới đất liền vững mạnh toàn diện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận biên phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; đồng thời, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới. Các đảng ủy quân sự địa phương xây dựng và thực hiện tốt quy chế lãnh đạo; tiếp tục nhân rộng việc thành lập chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn), nhất là các xã trên địa bàn biên giới theo Hướng dẫn số 35-HD/BTCTW, ngày 15/10/2009 của Ban Tổ chức Trung ương. Đồng thời, tham mưu, đề xuất các biện pháp nâng cao năng lực quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của chính quyền các cấp, nhất là các xã, huyện biên giới; phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ trong quản lý, điều hành, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ biên giới. Đối với cấp ủy, chính quyền các địa phương ở khu vực biên giới, cần tập trung xây dựng vững mạnh toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, tạo cơ sở, sức mạnh để lãnh đạo nhiệm vụ xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần; trong đó, tập trung vào năng lực cụ thể hóa nghị quyết của cấp trên vào tình hình thực tiễn khả năng, thế mạnh của địa phương. Ở từng cấp cần nắm chắc tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhân dân, dự báo được những nguy cơ tiềm ẩn khu vực nơi biên giới, như: xuất nhập cảnh trái phép, buôn lậu, hoạt động chống phá chính quyền, gây chia rẽ đồng bào các dân tộc của các thế lực thù địch,… từ đó có những chủ trương, biện pháp quản lý phù hợp, sát thực tiễn. Qua đó, xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững sự bình yên trên vùng biên giới trong mọi tình huống.

Ba là, phát huy vai trò nòng cốt, chuyên trách của lực lượng vũ trang Quân khu trong xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần. Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần ở khu vực biên giới đất liền là trách nhiệm của các cấp, các ngành và hệ thống chính trị; trong đó, Quân đội, Công an là những lực lượng nòng cốt và chuyên trách. Đây là lực lượng thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ gắn bó với địa bàn biên giới và các hoạt động của đồng bào. Một trong những biện pháp thiết thực, hiệu quả để góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” là các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng ủy Quân khu về “Xây dựng cụm cơ sở an toàn làm chủ, sẵn sàng chiến đấu”. Theo đó, các cụm cơ sở trên khu vực biên giới cần tập trung vào việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp với cơ sở chỉ đạo việc giữ vững an ninh, trật tự, phòng chống tội phạm và phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt hiệu quả, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”. Đồng thời, thường xuyên tiến hành tốt hoạt động dân vận, nhất là ở địa bàn vùng sâu, biên giới. Tiếp tục duy trì tốt các đội công tác xây dựng cơ sở ở các xã biên giới, tập trung giải quyết các vụ việc xảy ra trên địa bàn, vận động đồng bào các dân tộc không di cư tự do, không trồng cây thuốc phiện; tích cực phát hiện, tố giác tội phạm qua biên giới; xây dựng, củng cố các trung đội dân quân cơ động vững mạnh, v.v. Đối với Bộ đội Biên phòng, cần tăng cường cán bộ về làm phó bí thư chi bộ, đảng bộ các xã biên giới, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy, chi bộ các xã, bản biên giới.

Bốn là, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới đất liền. Muốn lòng dân hướng theo Đảng, đòi hỏi phải ổn định đời sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội ngày càng tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân phải ngày càng được nâng cao. Điều kiện sống, sinh hoạt tốt sẽ là cơ sở, nền tảng về vật chất để an dân - điều cốt tử trong xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần bám sát thực tiễn, phát hiện những vấn đề nảy sinh về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại,... để kịp thời có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường củng cố khu vực phòng thủ vững chắc, tạo hành lang, “phên giậu” nơi biên giới: chắc về phòng thủ, mạnh về kinh tế và thân thiện với nước láng giềng, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển.

Lực lượng vũ trang Quân khu cần quán triệt và thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt đề án quy hoạch, phát triển các khu kinh tế - quốc phòng dọc các khu vực biên giới; nhất là ở địa bàn chiến lược, địa hình hiểm trở, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, mật độ dân số thấp, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Trong đó, tập trung xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông, hồ, đập thủy lợi, hệ thống cấp nước sinh hoạt, các xưởng chế biến sau thu hoạch, trung tâm giống cây trồng, vật nuôi, điểm khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ vốn sản xuất, trồng và chăm sóc bảo vệ rừng, xây dựng các trạm xá quân - dân y kết hợp,... để giúp nhân dân “xóa đói giảm nghèo”, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách đấu tranh, ngăn chặn hoạt động móc nối chống phá của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định an ninh biên giới, xây dựng “thế trận lòng dân” khu vực biên giới vững chắc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, PGS, TS. LƯƠNG THANH HÂN*, Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
_____________________

* - Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 4

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...