Thứ Bảy, 23/11/2024, 09:14 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Xây dựng Quân đội hiện đại là một trong những nội dung cơ bản của xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”1. Theo Nghị quyết, nội dung về xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân hiện đại đã có bước phát triển mới, đó là: tạo tiền đề vững chắc phấn đấu từ năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hiện đại.
Xác định chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại, Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội; đánh giá đúng tình hình thế giới, khu vực và trong nước; kế thừa có chọn lọc kinh nghiệm xây dựng Quân đội trong nhiều năm qua cũng như yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tất cả là sự kết tinh trong đường lối chính trị về mục tiêu xây dựng đất nước, được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”2.
Một quốc gia có nền công nghiệp hiện đại là cơ sở chủ yếu, đồng thời là yêu cầu tất yếu phải xây dựng Quân đội hiện đại, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Theo đó, xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại cần tập trung vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện đại về tổ chức, biên chế, vũ khí, trang bị kỹ thuật và phương pháp tác chiến.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao trong xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại thực chất là xây dựng con người hiện đại, nhân tố có vai trò quyết định nhất theo tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội “người trước súng sau” và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, nâng cao chất lượng thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”3. Đó là con người được xây dựng vững mạnh về chính trị, có ý chí, quyết tâm cao, trung thành, tận tụy với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có bản lĩnh chính trị vững vàng. Trong xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại thì con người ấy phải là những người có trình độ cao, hiểu biết sâu rộng, toàn diện và rất giỏi chuyên môn theo nhiệm vụ, chức trách; có năng lực hành động sáng tạo, hiệu quả, nhất là năng lực chỉ huy, quản lý, điều hành huấn luyện và tác chiến hiện đại. Tựu chung, đó phải là người có trình độ, năng lực, đủ sức làm chủ khoa học và công nghệ; vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại; có tác phong hiện đại, tác phong công nghiệp của đất nước có nền công nghiệp hiện đại. Được thể hiện bằng tỷ lệ những người có học vấn ngày càng cao: trình độ cử nhân, thạc sĩ, đặc biệt là trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư với chất lượng thực tế cao, tiếp cận trình độ của các nước khu vực và thế giới.
Đối với cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Quân đội, nhất là cấp chiến dịch, chiến lược phải là tinh hoa của Quân đội, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ hiểu biết toàn diện tầm chiến lược, được trải nghiệm thực tiễn, có năng lực, thành thạo chỉ huy tác chiến truyền thống và giỏi chỉ huy tác chiến hiện đại. Nếu người lãnh đạo, chỉ huy vừa là người chỉ huy giỏi đồng thời lại là nhà khoa học xuất sắc thì rất tốt cho Quân đội hiện đại. Với đội ngũ những người làm công tác nghiên cứu khoa học, cán bộ làm công tác nhà trường, cơ quan nghiên cứu cần có học hàm, học vị tương xứng với nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy, hết sức chú trọng xây dựng đội ngũ các nhà khoa học đầu ngành, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, v.v. Với đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, phải đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật ngang tầm quốc gia, quốc tế, có khả năng làm chủ khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Vì vậy, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, cần có cơ chế, chính sách hợp lý, thu hút các nhân tài, các tinh tú của đất nước vào phục vụ Quân đội, xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại.
Xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại về tổ chức, biên chế
Tổ chức Quân đội phản ánh một trong những nội dung cơ bản của xây dựng Quân đội hiện đại. Trong nhiều năm qua, tổ chức, biên chế của Quân đội ta đã có những chuyển biến nhất định, nhưng nhìn chung vẫn là chậm đổi mới, vẫn mang dáng dấp của tổ chức Quân đội thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Để năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại, cần đầu tư nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức Quân đội theo mục tiêu “tinh, gọn, mạnh”, phù hợp nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ thời bình và sẵn sàng mở rộng khi có yêu cầu của chiến tranh theo hướng giảm trung gian, giảm lực lượng phục vụ, tăng lực lượng tác chiến.
Với Lục quân, lấy cấp sư đoàn làm đơn vị cơ bản để xây dựng Quân chủng Lục quân, có thể xây dựng theo các mô hình: sư đoàn mạnh, tăng thêm về tăng thiết giáp, pháo binh, phòng không, có thể biên chế trung đoàn bộ binh cơ giới; sư đoàn nhẹ, tổ chức như sư đoàn hiện nay biên chế ở cấp quân khu, nhất là quân khu ở địa hình rừng núi. Tổ chức Bộ Tư lệnh Lục quân chỉ huy lực lượng cơ động chiến lược gồm các sư đoàn mạnh và các lữ đoàn binh chủng hiện đại. Sau năm 2030, khi vũ khí, trang bị của Quân đội ta mạnh hơn, nghiên cứu xây dựng các lữ đoàn bộ binh có biên chế linh hoạt hơn theo nhiệm vụ tác chiến.
Với Quân chủng Hải quân, nên lấy các vùng Hải quân làm đơn vị cơ bản để tổ chức, tăng cường trang bị hiện đại để bảo vệ các vùng biển, đảo được giao. Quan điểm của ta là không đi tiến công nước khác, vì vậy, có thể không cần tổ chức “hạm đội đại dương”, nhưng cần có cụm lực lượng Hải quân cơ động mạnh, hiện đại để tác chiến xa bờ, vì vùng biển của nước ta rộng, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo diễn biến phức tạp.
Với Quân chủng Phòng không - Không quân, trước mắt vẫn lấy cấp sư đoàn làm đơn vị cơ bản để tổ chức, nhưng nên hình thành các vùng phòng không - không quân (vấn đề này đã được nghiên cứu trước đây, nhưng chưa thực hiện, vì thời điểm đó chưa phù hợp, tương xứng, bảo vệ vùng trời theo địa bàn), khi đó ở các vùng phòng không - không quân tổ chức các lữ đoàn phòng không, lữ đoàn không quân. Cấp quân chủng, hình thành lực lượng phòng không - không quân cơ động chiến lược, chủ yếu là không quân tầm xa và tên lửa phòng không tầm cao, bố trí bảo vệ các mục tiêu chiến lược, khu vực trọng điểm quốc gia.
Ngoài ra, cần chuẩn bị và tiến tới thành lập binh chủng tên lửa chiến lược, gồm một số lữ đoàn tên lửa đất đối đất, đất đối hải có tầm bắn xa, uy lực mạnh, khả năng răn đe lớn, đánh thắng trong các tình huống xung đột và chiến tranh.
Xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại về vũ khí, trang bị kỹ thuật
Xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại về vũ khí, trang bị là một trong những nội dung cơ bản, đặc trưng của xây dựng Quân đội hiện đại, thể hiện trình độ hiện đại của Quân đội. Những năm qua, Quân đội ta đã có vũ khí, trang bị khá hiện đại, nhưng chưa nhiều và chưa có tính đột phá về sức mạnh. Với quan điểm tự lực, tự cường, kết hợp truyền thống và hiện đại, trong hiện đại vũ khí, trang bị, chúng ta cần coi trọng “đi tắt đón đầu”, ưu tiên phát triển vũ khí công nghệ cao và các phương tiện phòng, chống vũ khí công nghệ cao; hệ thống tên lửa và các phương tiện bay không người lái; các loại vũ khí có tầm bắn xa, cao, đánh đêm, dưới ngầm, từng bước tiếp cận trình độ hiện đại của các nước trong khu vực và thế giới.
Phải xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại để có thể chủ động sản xuất vũ khí, trang bị hiện đại, cần kết hợp chặt chẽ giữa cải tiến vũ khí, trang bị hiện có với sản xuất và mua sắm hiện đại hóa vũ khí, trang bị của Quân đội. Cải tiến vũ khí, trang bị hiện có theo hướng kéo dài thời gian sử dụng, đa năng, tự hành, tự động hóa, sản xuất tập trung một số loại vũ khí lục quân, tàu hải quân, cảnh sát biển và tiến tới sản xuất một số loại tên lửa; mua sắm chủ yếu một số loại vũ khí công nghệ cao, hiện đại và phương tiện phòng, chống hiệu quả vũ khí công nghệ cao. Trong khi coi trọng hiện đại hóa Hải quân, Phòng không - Không quân và một số lực lượng khác, cũng cần quan tâm thích đáng đến hiện đại hóa Lục quân và không coi nhẹ hiện đại hóa các phương tiện bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, xe chuyên dụng,… có thể cơ động bảo đảm cho tác chiến trong các điều kiện ác liệt, khó khăn, phức tạp.
Xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại về phương pháp tác chiến
Tác chiến hiện đại là yêu cầu tất yếu của một Quân đội hiện đại. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã rất coi trọng nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự và đường lối chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, nhất là nghiên cứu về các phương pháp tác chiến truyền thống ở các quy mô. Thời gian tới, cần thống nhất nhận thức: trong khi coi trọng nghiên cứu, phát triển các phương pháp tác chiến truyền thống, cần đầu tư thích đáng nghiên cứu, phát triển các phương pháp tác chiến hiện đại, phù hợp với vũ khí, trang bị hiện đại của Quân đội và các nguyên tắc tác chiến hiện đại; kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc và tinh hoa quân sự nhân loại.
Định hướng nghiên cứu về tác chiến hiện đại là: Nghiên cứu tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng hiện đại ở các quy mô, nhất là ở quy mô chiến dịch, chiến dịch chiến lược và tác chiến chiến lược. Đặc biệt, nghiên cứu phát triển lý luận tác chiến các chiến dịch có sự tham gia của các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không - Không quân (tác chiến liên quân) với số lượng lớn, trong điều kiện quân chủng Hải quân và Phòng không - Không quân đã có sự phát triển mạnh và được trang bị hiện đại. Coi trọng nghiên cứu tác chiến liên quân ở địa bàn ven biển và vùng biển phụ cận xứng tầm với một quốc gia biển như Việt Nam. Ở đó có thể kết hợp chặt chẽ các đòn đột kích của Hải quân và Không quân trên biển, các đòn đánh của Lục quân và Không quân ở tuyến mép nước và các đòn đột kích của Hải quân đánh bộ và Lục quân khi quân địch bám bờ và đổ bộ lên bờ. Để tác chiến hiệp đồng quân binh chủng hiện đại đạt hiệu quả cao, cần đầu tư nghiên cứu phát triển về tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và hiệp đồng tác chiến, nhất là ở cấp chiến dịch, chiến lược, trong điều kiện quân chủng Hải quân, Phòng không - Không quân đã phát triển mạnh và được trang bị hiện đại thì đây là nội dung rất quan trọng của nghệ thuật tác chiến hiện đại.
Trung tướng, PGS, TS. TRẦN THÁI BÌNH ____________________ 1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQG, H. 2021, tr. 48, 49.
2 - Sđd, tr. 112.
3 - Sđd, tr. 160.
Đại hội lần thứ XIII,năm 2030,quân đội hiện đại
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học