Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 08/12/2011, 06:51 (GMT+7)
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí trước yêu cầu mới

Ngày 14-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 282-SL về báo chí. Năm 1957, Quốc hội đã lấy Sắc lệnh này làm Luật Báo chí đầu tiên của chế độ ta. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đang đặt ra yêu cầu tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước để báo chí thực sự là “tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân”1.

Nắm vững nguyên tắc, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, Đảng ta luôn khẳng định: báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Với những người làm báo, luôn lấy lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”2 làm kim chỉ nam cho hoạt động. Cuộc đấu tranh về chính trị, tư tưởng trên trận tuyến báo chí, dù thời chiến hay thời bình, dù trước kia hay hiện nay đều quyết liệt và phức tạp, nhưng ngày nay về tính chất, hình thái, cường độ thì cam go, phức tạp và quyết liệt bội phần.  

Sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trong điều kiện cuộc cách mạng khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin diễn ra ngày càng mạnh mẽ, nhanh chóng, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức không thể xem thường. Cách thức thu nhận, trao đổi thông tin ngày càng đa dạng, hiện đại hơn; các trào lưu, các khuynh hướng tư tưởng, kể cả âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động xâm nhập, tác động vào nước ta ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Tình hình đó đòi hỏi sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với báo chí cần được đổi mới toàn diện, từ tư duy đến phong cách, từ nội dung đến phương châm, phương thức.


Hội thảo báo Đảng khu vực Miền trung – Tây nguyên lần thứ 18 – vòng III với chủ đề “Báo Đảng địa phương với việc tuyên truyền phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo quốc gia”. tháng 7-2011 - nguồn: baoninhthuan.com.vn

 

Đảng lãnh đạo báo chí, trước hết là đề ra đường lối, chủ trương phát triển hệ thống báo chí; định hướng chính trị, tư tưởng trong nội dung thông tin, tuyên truyền của báo chí; lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ; lãnh đạo các đoàn thể chính trị - xã hội - nghề nghiệp trong cơ quan báo chí; lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên trong cơ quan báo chí; lãnh đạo thể chế hoá đường lối, quan điểm của Đảng thành pháp luật, chính sách của Nhà nước trong hoạt động báo chí. 

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành một số văn kiện quan trọng nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý báo chí trong tình hình mới. Thông báo Kết luận số 41-TB/TW, ngày 11-10-2006 của Bộ Chính trị yêu cầu đánh giá nghiêm túc 2 năm thực hiện Thông báo Kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị về công tác báo chí, đã nhấn mạnh: “chấn chỉnh ngay tình trạng một số cơ quan chủ quản buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí; một số báo, đài, tạp chí xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, vi phạm Luật Báo chí, có sai phạm về quan điểm, đường lối, coi nhẹ chức năng chính trị, tư tưởng của báo chí cách mạng. Xử lý nghiêm minh sai phạm của cán bộ lãnh đạo, phóng viên, nhân viên các cơ quan báo chí, nhất là những đơn vị, cá nhân sai phạm nghiêm trọng, lặp đi lặp lại, kéo dài”.

  Kết luận số 41-TB/TW của Bộ Chính trị khoá X đặc biệt coi trọng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cấp uỷ, ban cán sự đảng, đảng đoàn và lãnh đạo cơ quan chủ quản trong công tác quản lý, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ báo chí, trực tiếp chịu trách nhiệm về các sai phạm của cơ quan báo chí thuộc quyền. Đồng thời, nhấn mạnh công tác xây dựng đảng và nâng cao vai trò của tổ chức đảng, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan báo chí; khẳng định nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo, định hướng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, đường lối và chiến lược phát triển, về công tác cán bộ. Mặt khác, đề cao việc quản lý hoạt động báo chí theo pháp luật, chính sách của Nhà nước.

Phát huy kết quả đạt được sau đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng sơ kết 2 năm thực hiện Thông báo Kết luận số 162-TB/TW và để triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 41-TB/TW của Bộ Chính trị, ngày 30-3-2007, Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận số 68-TB/TW tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí. Ngày 9-5-2007, Ban Bí thư ban hành Kế hoạch 03-KH/TW, nêu một số biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Thông báo kết luận 68-TB/TW. Điều đó đã thể hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác báo chí.

Từ quan điểm chỉ đạo, kết quả và kinh nghiệm thu được qua thực tiễn, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm đã thảo luận và ra Nghị quyết “Về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trước yêu cầu mới”. Lần đầu tiên, công tác báo chí, hoạt động báo chí được Trung ương đề cập một cách toàn diện, đầy đủ, sâu sắc trong một nghị quyết hết sức quan trọng. Nghị quyết khẳng định: “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng”3. Nghị quyết xác định nhiệm vụ của báo chí thời gian tới là: “Nắm vững và tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ công tác tư tưởng, tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội; phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, tính hấp dẫn, mở rộng đối tượng độc giả, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ”4.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, Nghị quyết chỉ rõ: “Đổi mới, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí... Xây dựng quy chế để thường xuyên làm tốt việc định hướng và cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm về đối nội, đối ngoại; nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; quy định thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo báo chí của Đảng, cơ quan quản lý báo chí của Nhà nước, Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản báo chí đối với cơ quan báo chí và người làm báo; xây dựng chế tài đủ mạnh, xử lý dứt điểm, kịp thời, nghiêm minh các sai phạm”5.

Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đặt ra yêu cầu đối với báo chí và công tác quản lý báo chí: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước; khắc phục xu hướng thương mại hóa, xa rời tôn chỉ, mục đích trong hoạt động báo chí, xuất bản. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới. Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản trong cả nước theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại. Phát triển và mở rộng việc sử dụng internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh”6.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, sự lãnh đạo của Đảng đối với các lĩnh vực đời sống xã hội chủ yếu được thông qua Nhà nước. Ở lĩnh vực báo chí, đó là việc Nhà nước thể chế hoá, cụ thể hoá đường lối, quan điểm của Đảng thành luật pháp, kế hoạch, chính sách về báo chí. Nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động báo chí được đặt ra ngay từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà vừa ra đời, rõ nhất là Sắc lệnh số 282-SL, ngày 14-12-1956 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký. Ngày 20-5-1957, Quốc hội đã thông qua quyết định lấy Sắc lệnh này làm Luật Báo chí đầu tiên của chế độ ta. Từ đó đến nay, cùng với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, hệ thống văn bản pháp luật về báo chí được bổ sung, chỉnh sửa và từng bước hoàn thiện. Năm 1989, Quốc hội ban hành Luật Báo chí. Năm 1999, Quốc hội khoá X, tại kỳ họp thứ 5, đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí. Luật Báo chí năm 1999 đã tạo hành lang pháp lý để báo chí Việt Nam phát triển, từng bước hội nhập với báo chí khu vực và thế giới.

 Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, thông báo kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ban cán sự đảng Chính phủ về lãnh đạo, quản lý công tác báo chí, Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng: Đề án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (1989, 1999); Thông tư số 07/2007/TT-VHTT của Bộ Văn hoá - Thông tin hướng dẫn việc cấp, đổi và thu hồi Thẻ nhà báo; Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT, ngày 02-12-2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc ban hành Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí; Nghị định số 97/2008/NĐ-CP, ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Nghị định số 28/2009/NĐ-CP, ngày 20-3-2009 quy định xử phạt hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Thông tư số 07/2008/TT-BTTTT, ngày 18-12-2008 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin trên trang điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP, ngày 28-8-2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin điện tử trên internet; Quy hoạch hệ thống báo in, tạp chí in đến năm 2020; Thông tư số 18/2009/TT-BTTTT, ngày 28-5-2009 quy định một số yêu cầu về quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình cáp tương tự tại đầu cuối của người sử dụng dịch vụ, v.v.

Để báo chí cách mạng đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, cần phải không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; đổi mới nội dung, tư duy, phong cách và phương thức lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước đối với công tác báo chí.

Về đổi mới nội dung lãnh đạo. Đảng ta, trực tiếp là các cơ quan tham mưu của Đảng về công tác báo chí, cần tích cực, chủ động, sắc bén, kịp thời trong việc dự báo, định hướng chính trị, tư tưởng, nhất là trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm trong đời sống xã hội; vừa tuyên truyền sâu rộng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, vừa quan tâm phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Về phương châm. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí cần kịp thời, nhưng phải đảm bảo tính khoa học, tính thuyết phục, có lý có tình, tránh áp đặt, mệnh lệnh, phải đạt tới sự tuân thủ một cách tự giác, triệt để của các cơ quan báo chí và những người làm báo.

Về phương thức. Bên cạnh nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định quan trọng mà Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành, Đảng cần tiếp tục xây dựng, bổ sung thêm các quy định, quy chế tạo cơ sở chính trị cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo báo chí. Tiếp tục thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng bằng việc bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí; xây dựng Chiến lược thông tin quốc gia tầm nhìn đến năm 2020; xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chế tài đủ mạnh để vừa tạo điều kiện cho báo chí phát triển đúng hướng, vững chắc vừa xử lý kịp thời, dứt điểm các sai phạm, nhất là các sai phạm lớn, lặp đi lặp lại, kéo dài.

Trên cơ sở rà soát chức năng, nhiệm vụ từng cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí khẩn trương lập đề án đổi mới, sắp xếp lại hệ thống các cơ quan báo chí cả nước, của từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị theo hướng hợp lý, tinh gọn, thiết thực, hiệu quả. Kiên quyết xử lý, thu gọn các báo, tạp chí, kênh truyền hình nội dung không thiết thực, xa rời tôn chỉ, mục đích hoặc để sai phạm kéo dài.

Coi trọng việc xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh; đề cao vai trò đảng viên của người làm báo, nhất là người giữ cương vị chủ trì. Trên cơ sở đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng hoạt động của tổ chức đảng đối với tờ báo bảo đảm theo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của mình. Nâng cao chất lượng tư tưởng, chính trị, văn hoá, khoa học của từng cơ quan báo chí, để báo chí thực sự là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp và là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý báo chí; đào tạo phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Mở rộng nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm quản lý, đào tạo báo chí với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản của báo chí; sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan chủ quản với cơ quan báo chí. Nâng cao chất lượng nội dung, hình thức, khả năng chi phối thông tin của các báo, đài chủ lực. Đầu tư thoả đáng cho hoạt động thông tin đối ngoại; tiếp tục mở rộng sóng phát thanh, truyền hình ra các nước, khu vực bằng công nghệ thông tin hiện đại; đưa sách, báo có nội dung tốt trong nước phục vụ đông đảo đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế; đồng thời, tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới. Kiên quyết đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái, thù địch bằng một đội ngũ nhà báo và chuyên gia giàu tâm huyết, có kiến thức và kinh nghiệm, sử dụng các hình thức và phương tiện phù hợp. Ngăn chặn có hiệu quả hoạt động xâm nhập báo chí nước ta của các thế lực thù địch, phản động từ bên ngoài. Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, điều kiện hoạt động cho các cơ quan báo chí. Nghiên cứu, đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị theo hướng hiện đại; ưu tiên phủ sóng phát thanh, truyền hình, phát hành các ấn phẩm báo chí cho giới trẻ, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

TS. NGUYỄN THẾ KỶ

Phó Trưởng ban, Ban Tuyên giáo Trung ương

__________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 42.

2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 616.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2007, tr. 42-43.

4,5 - Sđd , tr. 49, 50

6 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr 225-226.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...