Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:44 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã quyết nghị, ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”. Đây là vấn đề luôn được Đảng ta hết sức coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, nên cần được quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả trong thực tiễn, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”1, đảng viên là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”2. Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Tổ chức cơ sở đảng (chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở) là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở”3; “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam”4. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên đối với vai trò lãnh đạo của Đảng. Những năm qua, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; được triển khai thực hiện một cách toàn diện, với đồng bộ các giải pháp và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nổi bật là: công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh được đẩy mạnh; tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, sắp xếp phù hợp; bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cấp ủy viên, bí thư cấp ủy được quan tâm hơn; chất lượng đội ngũ đảng viên có chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở thực sự trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh, năng lực, uy tín và phẩm chất tốt, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của cách mạng.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, “chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo; chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc; thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảng bộ cơ sở, sinh hoạt cấp ủy, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở”5; không ít tổ chức cơ sở đảng chưa thực sự làm tròn vai trò là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, cầu nối giữa Ðảng với Nhân dân, cũng như bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Mô hình tổ chức một số loại hình tổ chức cơ sở đảng còn bất cập, chậm được kiện toàn, sắp xếp. Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, chưa làm tròn trách nhiệm của mình trước Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật6.
Để khắc phục thực trạng này, “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng”7 theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), thời gian tới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, cần quán triệt, thực hiện tốt những nội dung, giải pháp chủ yếu sau đây:
1. Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng
Tổ chức cơ sở đảng là nền tảng của Đảng, hạt nhân chính trị và là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở luôn được phát huy cao. Đây là nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài, cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm.
Trước hết, gắn củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng với xây dựng hệ thống chính trị bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất. Đây là đòi hỏi khách quan, bởi tổ chức đảng nói chung, tổ chức cơ sở đảng nói riêng hoạt động không “đơn tuyến” mà nằm trong tổng thể của cả hệ thống và có mối quan hệ hữu cơ với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Vì thế, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng phải đồng bộ với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị. Quá trình thưc hiện, phải gắn việc xây dựng, củng cố, kiện toàn cấp ủy, tổ chức đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp, hoàn thiện các chức danh,... cũng như phù hợp với cơ cấu, quy mô tổ chức của hệ thống chính trị cơ sở, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của từng tổ chức, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững.
Hai là, đổi mới, hoàn thiện về mặt tổ chức các loại hình tổ chức cơ sở đảng. Để thực hiện tốt nội dung này, cần khẩn trương, nghiêm túc trong đổi mới, hoàn thiện mô hình tổ chức đảng trực thuộc đảng ủy xã, phường, thị trấn; tổ chức cơ sở đảng ở các loại hình đặc thù, như: các loại hình doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp theo ngành, lãnh thổ, v.v. Trong bối cảnh đất nước ta đang tiến sâu vào quá trình đổi mới với sự phát triển nhanh của tình hình kinh tế, xã hội, cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển tổ chức cơ sở đảng đối với khu vực ngoài nhà nước, ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, tổ hợp tác, kinh tế trang trại, v.v. Chú trọng duy trì, củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của các chi bộ quân sự, công an xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với quy định về tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang. Đồng thời, rà soát, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình tổ chức cơ sở đảng, nhất là một số tổ chức cơ sở đảng trong Đảng bộ Quân đội và Đảng bộ Công an phù hợp với thực tiễn.
Ba là, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong đó, cần chú trọng thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trong Đảng. Nâng cao năng lực quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của trên; hiệu quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh; khắc phục tình trạng dập khuôn máy móc, “bệnh” hình thức, chạy theo thành tích trong đánh giá, xếp loại tổ chức đảng và đảng viên. Triển khai thực hiện hiệu quả mô hình “chi bộ bốn tốt”, “đảng bộ cơ sở bốn tốt” (hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; chất lượng sinh hoạt tốt; đoàn kết, kỷ luật tốt; cán bộ, đảng viên tốt). Nội dung sinh hoạt chi bộ phải gắn với thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nhất là Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 của Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; kịp thời phát hiện, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay từ cơ sở. Nội dung thảo luận phải thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường sinh hoạt chuyên đề; kịp thời thông tin, phổ biến, quán triệt chủ trương, nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình thời sự trong và ngoài nước; lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đảng viên và nhân dân; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.
Bốn là, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, kỹ năng và nghiệp vụ công tác đảng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở. Đây là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của tổ chức đảng ở cơ sở. Vì thế, cần thường xuyên làm tốt công tác bồi dưỡng cho đội ngũ cấp ủy viên cơ sở về lý luận chính trị, kỹ năng, nghiệp vụ công tác đảng, công tác quần chúng, kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ sở. Đồng thời, chú trọng công tác quy hoạch, tạo nguồn, xây dựng cán bộ cơ sở; thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân; bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở những nơi có điều kiện; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khóm, ấp, tổ dân phố hoặc trưởng ban công tác mặt trận; bí thư cấp ủy đồng thời là thủ trưởng cơ quan, đơn vị phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
2. Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên
Nói đến đội ngũ đảng viên là nói đến vấn đề liên quan đến con người, nguồn nhân lực chất lượng cao, có ý nghĩa rất quan trọng tới sự phát triển bền vững của đất nước cả trước mắt và lâu dài. Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nâng cao phẩm chất và năng lực - yếu tố cơ bản, tổng hợp có tính quyết định làm nên chất lượng của toàn Đảng. Đây là vấn đề có nội hàm rộng, phong phú, đa dạng và có tính xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng, nên cần tập trung thực hiện tốt những nội dung căn cốt nhất.
Một là, đổi mới, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị cho đội ngũ đảng viên. Đây là nhiệm vụ hàng đầu, vì tư tưởng có “thông” thì hành động mới có kết quả tốt. Bản lĩnh chính trị của đảng viên cũng bắt đầu từ tư tưởng chính trị mà nên. Do đó, phải nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị; đề cao tính tự giác nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tổ chức đảng các cấp cần chủ động nắm chắc tình hình, diễn biến tư tưởng, kịp thời định hướng cho đảng viên trước những vấn đề phát sinh. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa của dân tộc. Đẩy mạnh giáo dục đạo đức cách mạng, nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện, tự soi, tự sửa, “cả quyết sửa lỗi mình”, đề cao danh dự của người cách mạng.
Hai là, tăng cường công tác quản lý đảng viên; kịp thời rà soát, sàng lọc đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách. Phải làm tốt công tác quản lý đảng viên ngay từ cấp ủy cơ sở; tăng cường công tác quản lý đảng viên ở ngoài nước; thường xuyên kiểm tra chi bộ, đảng viên thực hiện chế độ sinh hoạt đảng. Tích cực đổi mới công tác đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; sửa đổi, bổ sung, quy định chặt chẽ việc sinh hoạt đảng; đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đảng viên để bảo đảm đồng bộ, liên thông trong toàn Đảng; hoàn thành cơ sở dữ liệu tổ chức cơ sở đảng, đảng viên. Kịp thời rà soát, sàng lọc, kiên quyết đưa những người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng; khắc phục triệt để tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh, bệnh thành tích,... trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại đảng viên.
Ba là, giải quyết tốt vấn đề số lượng và chất lượng trong công tác phát triển đảng viên, bảo đảm vừa nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên theo phương châm: “thà ít mà tốt”, vừa tiếp tục tăng số lượng và phân bổ cho phù hợp với từng vùng, từng lĩnh vực theo phương châm: “ở đâu có dân thì ở đó có đảng viên”. Trong đó, chú trọng phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đảng viên trong lực lượng vũ trang, khu vực ngoài nhà nước, trong công nhân, nông dân, trí thức, doanh nhân; khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, nhằm tạo nguồn cán bộ cho hệ thống chính trị các cấp. Chú trọng đổi mới nội dung, chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng và đảng viên mới, bảo đảm thiết thực, chất lượng, hiệu quả theo hướng tập trung vào những vấn đề cơ bản về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền của đảng viên, tính tiên phong, gương mẫu, nhất là xác định đúng đắn động cơ vào Đảng.
Các nội dung, giải pháp trên cần được nhận thức đầy đủ và thực hiện đồng bộ với sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cả hệ thống chính trị, nhất là sự tham gia của nhân dân trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để thực hiện điều đó, tổ chức cơ sở đảng phải chú trọng tạo điều kiện cho nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn tổ chức cơ sở đảng một cách toàn diện. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng công tác tiếp dân, tăng các kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân đối với những chủ trương, nhiệm vụ mà tổ chức cơ sở đảng đề ra; phát huy vai trò của nhân dân trong kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp trên cơ sở đang cư trú tại địa phương; kịp thời phát hiện, tố giác cán bộ, đảng viên vi phạm; làm tốt công tác giới thiệu những người ưu tú để chi bộ, tổ chức cơ sở đảng xem xét kết nạp vào Đảng hoặc để giới thiệu bầu vào những vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị các cấp. Cùng với đó, phát huy tốt vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; làm tròn trách nhiệm phản biện những nhiệm vụ, chủ trương của tổ chức đảng; tích cực động viên nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là giám sát và nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc và nơi cư trú, v.v.
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên luôn được Đảng ta coi trọng và xác định là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. Quán triệt, thực hiện tốt các nội dung, giải pháp nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG _______________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 15, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 113.
2 - Sđd, Tập 8, tr. 288.
3 - Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 35.
4 - Sđd, tr. 07.
5 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 156 - 157.
6 - Giai đoạn 2016 - 2020, có 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” bị xử lý kỷ luật (chiếm 0,5% tổng số đảng viên).
7 - ĐCSVN – Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), Nxb CTQGST, H. 2022, tr. 161.
Nghị quyết số 21-NQ/TW,tổ chức cơ sở đảng,đội ngũ đảng viên,Nghị quyết Đại hội XIII
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học