Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 20/07/2017, 08:50 (GMT+7)
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trước yêu cầu mới

Bảo vệ chính trị nội bộ là một công tác quan trọng, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan và mỗi cán bộ, đảng viên. Đặc biệt, trước tình hình phức tạp hiện nay, đòi hỏi công tác này càng phải được tăng cường.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Quân đội luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc. Cơ quan bảo vệ an ninh thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện với nhiều nội dung, biện pháp thiết thực, hiệu quả; đồng thời, chủ động triển khai các biện pháp công tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị làm tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động phá hoại chính trị nội bộ Quân đội của các thế lực thù địch, góp phần quan trọng xây dựng nội bộ cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh và bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, ở một số đơn vị còn để xảy ra các vụ việc liên quan đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Còn có cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng có biểu hiện mơ hồ, mất cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch. Cá biệt, có trường hợp còn tùy tiện, thiếu thận trọng, đưa lên mạng những thông tin, hình ảnh sai trái, phản cảm,... gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến chính trị nội bộ, danh dự, uy tín và bản chất, truyền thống tốt đẹp của Quân đội ta, v.v.

Những hạn chế trên, chủ yếu là do việc quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ của một số cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, nhất là ở cấp cơ sở. Công tác quản lý tư tưởng và các mối quan hệ của đảng viên, cán bộ, chiến sĩ có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Việc phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ chưa thường xuyên. Một số cán bộ, chiến sĩ còn mất cảnh giác, thiếu tu dưỡng, rèn luyện về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống và ý thức tổ chức kỷ luật, không làm chủ được bản thân trước những tác động tiêu cực. Hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn những sơ hở, thiếu sót trong nội bộ, đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu chưa cao, v.v.

Sự nghiệp xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới với cả thuận lợi và khó khăn, phức tạp đan xen. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” Quân đội. Những hạn chế, thiếu sót trong công tác xây dựng Đảng đã được nêu lên trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội chưa được đẩy lùi, xu hướng ngày càng phức tạp, làm giảm sút niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Tình hình đó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong Quân đội; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Nắm vững và thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, tạo cơ sở để các cấp thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ trước yêu cầu mới. Thực tế cho thấy, thời gian qua, một số cơ quan, đơn vị chưa nghiên cứu, quán triệt kỹ, nên thực hiện quy định về công tác bảo vệ chính trị nội bộ chưa nghiêm, tạo kẽ hở cho các thế lực thù địch hoạt động phá hoại, ảnh hưởng xấu đến tình hình nội bộ đơn vị. Do đó, để làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, trước hết cần chú trọng quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị về tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình hiện nay và một số văn bản khác có liên quan. Đồng thời, gắn thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị 87-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực, hiệu quả. Chú trọng xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đề cao tự phê bình và phê bình, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật đảng, thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm. Tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực, bè phái, cục bộ, không để xảy ra tình trạng gây mất đoàn kết trong nội bộ.

2. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Trước hết, cần nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ là một trong những biện pháp quan trọng để xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cho nên, các đơn vị cần làm tốt công tác giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng nâng cao bản lĩnh, trách nhiệm chính trị, nhận thức về vị trí, vai trò của mặt công tác quan trọng này. Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục; gắn công tác giáo dục chính trị, tư tưởng với đẩy mạnh hoạt động thực tiễn để khắc phục kịp thời tư tưởng lệch lạc, mơ hồ, mất cảnh giác trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Chú trọng tuyên truyền, quán triệt việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng gian, giữ bí mật, đề cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, vạch trần âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch và phần tử xấu. Đồng thời, tích cực tự bảo vệ, nâng cao sức đề kháng và nhận thức đúng về công tác bảo vệ chính trị nội bộ là công việc của mọi cán bộ, chiến sĩ, chứ không phải của riêng đội ngũ cán bộ bảo vệ, mặc dù đây là lực lượng chuyên trách có vai trò rất quan trọng. Trên cơ sở đó, khắc phục tư tưởng phó mặc, giao khoán cho cán bộ bảo vệ an ninh trong thực hiện công tác bảo vệ chính trị nội bộ.

3. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Cấp ủy, chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp là nhân tố quyết định, do đó phải thường xuyên nêu cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, nắm và quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ. Chú trọng tăng cường các biện pháp quản lý chính trị nội bộ, ngăn ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hiện tượng, vụ việc tiêu cực trong đơn vị; gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ với công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra để phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp sai phạm. Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy chế, quy định bảo đảm sự trong sạch về chính trị nội bộ đơn vị. Cùng với đó, cần đề cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, nêu cao trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động, kiên quyết không để các thế lực thù địch lôi kéo, móc nối, cài cắm người vào trong nội bộ đơn vị. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, đôn đốc chấp hành nghiêm các quy chế, quy định về bảo vệ bí mật, nhất là việc quản lý thông tin, tài liệu, giữ gìn bí mật nhà nước, bí mật quân sự. Chú trọng các biện pháp quản lý bí mật trên các lĩnh vực thông tin và truyền thông, sử dụng dịch vụ in-tơ-nét và các thiết bị công nghệ thông tin. Quản lý chặt chẽ tình hình mọi mặt, không để bộ đội truy cập vào các trang mạng có nội dung phản động, sai trái; đưa các thông tin, hình ảnh có nội dung liên quan đến nội bộ cơ quan, đơn vị hoặc “nhạy cảm” trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Chủ động nắm, quản lý, dự báo thông tin, định hướng tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ trước các thông tin xấu độc, ảnh hưởng đến bản chất, truyền thống và uy tín của Quân đội. Khi phát hiện các thông tin, hình ảnh có nội dung xấu ảnh hưởng đến Quân đội trên mạng xã hội, cần nhanh chóng báo cáo cấp trên và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời, không để các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

4. Gắn công tác bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng đơn vị an toàn với xây dựng địa bàn an toàn. Các đơn vị cần chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu trên địa bàn đóng quân. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án phối hợp xử lý kịp thời các vụ việc, tình huống phức tạp xảy ra, nhất là những vấn đề nhạy cảm, những nơi mà các thế lực thù địch tập trung chống phá, lợi dụng sơ hở của ta để kích động, lôi kéo gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân - dân. Duy trì tốt chế độ giao ban, sơ kết, rút kinh nghiệm với địa phương để nắm chắc tình hình, kịp thời tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm quy định về phòng gian, giữ bí mật. Các đơn vị cần thực hiện tốt các quy định trong hoạt động đối ngoại quốc phòng, thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc và các thủ tục trong việc cử cán bộ, nhân viên đi nước ngoài; quán triệt, chấp hành nghiêm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật quân sự; không để các thế lực thù địch, phần tử xấu tác động, móc nối, lôi kéo thu thập bí mật, lợi dụng phá hoại nội bộ. Xử lý nghiêm các trường hợp ra nước ngoài không báo cáo tổ chức hoặc tự ý quan hệ trao đổi, tiếp xúc, liên lạc với người nước ngoài sai quy định.

Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ là vấn đề cấp bách hiện nay, là một nội dung trọng yếu trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu mới.

Đại tá DƯƠNG ĐỨC THIỆN, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh Quân đội

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...