Thứ Năm, 21/11/2024, 00:45 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược xuyên suốt của Đảng, nguồn sức mạnh to lớn, nhân tố quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm nhất quán đó đã và đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Sơn La là tỉnh miền núi, biên giới vùng Tây Bắc, với hơn 274km đường biên giới tiếp giáp với hai tỉnh: Hủa Phăn và Luông Pha Băng của Lào; có 06 huyện, 17 xã, 73 bản biên giới; dân số trên 1,3 triệu người với 12 dân tộc anh em cùng sinh sống (trong đó, có trên 83% là đồng bào dân tộc thiểu số). Những năm qua, phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường; thấm nhuần lời căn dặn: “...đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa...”1 của Chủ tịch Hồ Chí Minh (khi về thăm Sơn La năm 1959), cũng như quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực cách mạng, cổ vũ động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào các dân tộc ra sức thi đua, cùng nhau xây dựng Tỉnh ngày càng phát triển.
Cấp ủy, chính quyền các cấp của Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tập trung đầu tư, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xúc tiến thương mại; thực hiện chương trình nông thôn mới, các chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công, chú trọng các hộ gia đình tái định cư thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Kinh tế của Tỉnh có bước phát triển khá và tương đối toàn diện cả về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên2. Mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân được cải thiện, các thiết chế văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được đầu tư và phát huy hiệu quả. Giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục có bước phát triển; toàn Tỉnh có 179 xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 54/188 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Văn hóa truyền thống của các dân tộc được giữ gìn và phát triển; tệ nạn xã hội, hủ tục cơ bản được đẩy lùi. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố và có chuyển biến tích cực, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới, sâu sát cơ sở; việc thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, gắn với cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” và phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng vững chắc, nhân dân các dân tộc trên địa bàn luôn đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp.
Mặc dù vậy, Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, như: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, kinh tế phát triển chưa vững chắc, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, chất lượng nguồn nhân lực thấp, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là địa bàn thường xuyên xảy ra thiên tai; là trọng điểm chống phá của các thế lực thù địch về “dân tộc”, “tôn giáo”, “nhân quyền”; tội phạm, tệ nạn xã hội, tình trạng di, dịch cư tự do,… diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Tỉnh xác định, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, trọng tâm là Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”, với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, nhằm tạo đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân về đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng hàng đầu, bởi nâng cao nhận thức, trách nhiệm nói chung, trong xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng đã, đang và sẽ là động lực mạnh mẽ để thực hiện có hiệu quả các phong trào, nhiệm vụ cách mạng. Vì vậy, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong thực hiện các đề án, dự án, chủ trương lớn của Tỉnh về phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững, hỗ trợ giảm nghèo vùng biên giới; đề cao tinh thần, khát vọng phát triển, phát huy ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, v.v. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc với giáo dục, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Để đạt hiệu quả, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tích cực đổi mới, đa dạng hóa hình thức phù hợp với từng đối tượng và địa phương, cơ quan, đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục trực tiếp với trực tuyến; phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đại chúng, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, v.v. Đồng thời, thường xuyên nâng cao cảnh giác, chủ động nhận diện, phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý kịp thời âm mưu, thủ đoạn, hoạt động phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Qua đó, tạo sự đồng thuận về nhận thức và hành động, phát huy trách nhiệm, sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các cấp, ngành và nhân dân thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, giải pháp xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn Tỉnh.
Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trên cơ sở quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động của Trung ương và của Tỉnh về phát triển kinh tế, xã hội3, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 – 2025, cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung vào ba chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững theo kế hoạch của Trung ương và Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo phát huy ưu thế, xây dựng tỉnh Sơn La trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trung tâm chế biến nông sản, trung tâm sữa, hoa quả, cây dược liệu, du lịch,... của vùng Tây Bắc; Trung tâm Quốc gia nghiên cứu về khoa học, công nghệ cao trong nông nghiệp tại huyện Mộc Châu. Thực hiện tốt công tác giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; bảo vệ tài nguyên môi trường, quy hoạch, đất đai; gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng di dời phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La, v.v. Đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới; phòng, ngừa, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, tạo môi trường thuận lợi, nền tảng vững chắc để nhân dân yên tâm lao động, sản xuất.
Ba là, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và của Tỉnh ủy về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trọng tâm là: Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”; Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 21/01/2021 của Tỉnh ủy về Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Để đạt hiệu quả, cần tập trung xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, có năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao; chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc. Đồng thời, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và chính quyền các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình, đề án xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là Đề án số 03-ĐA/TU, ngày 30/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng, tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030”. Lãnh đạo thực hiện tốt quy hoạch cán bộ và chuẩn bị nhân sự cấp ủy cho đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 bảo đảm chất lượng, nghiêm túc, chặt chẽ. Nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong tổ chức đảng làm hạt nhân đoàn kết trong hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Tỉnh.
Bốn là, không ngừng mở rộng, đa dạng hóa hình thức tập hợp nhân dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trước hết, Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; chú trọng phân cấp, phân quyền trong phát huy quyền làm chủ của nhân dân; cụ thể hóa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” bằng các hình thức phù hợp; tạo môi trường thuận lợi để người dân tham gia xây dựng, giám sát hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Tăng cường đối thoại với nhân dân; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng công khai, minh bạch, phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống trung tâm hành chính công cấp tỉnh, huyện và phần mềm dịch vụ công cho cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) trong giải quyết thủ tục hành chính; không ngừng cải thiện chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội theo Thông báo Kết luận số 160-TB/TW, ngày 15/01/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII), xứng đáng với vai trò nòng cốt trong tập hợp, vận động, đoàn kết nhân dân. Triển khai linh hoạt, phù hợp các biện pháp nhằm đa dạng hóa hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng với chính quyền các cấp trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Chú trọng hoạt động giám sát, phản biện xã hội, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Quan tâm hơn nữa công tác vận động quần chúng, nhất là thế hệ trẻ; vận động đồng bào theo đạo sống “tốt đời, đẹp đạo”, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo cho sự phát triển của địa phương. Tích cực đổi mới hình thức tổ chức và nâng cao hiệu quả “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” gắn với đẩy mạnh thực hiện phong trào Thi đua yêu nước và các cuộc vận động, các phong trào: “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa”, “Sơn La chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Vì người nghèo - không ai bị bỏ lại phía sau”, v.v. Qua đó, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Tỉnh ngày càng vững mạnh, tạo tiền đề, động lực, phấn đấu thực hiện mục tiêu: đến năm 2025 đưa Sơn La phát triển xanh, nhanh và bền vững.
NGUYỄN HỮU ĐÔNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy _________________
1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 205.
2 - Tổng sản phẩm trên địa bàn theo giá hiện hành (GRDP) năm 2023 đạt 67.734 tỉ đồng (tăng 1,22 lần so với năm 2020), đứng thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc; tốc độ tăng tổng sản phẩm bình quân giai đoạn 2021 - 2023, đạt 4,18%/năm; GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 51,7 triệu đồng/người/năm (tăng 8,23 triệu đồng so với năm 2020). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đến hết năm 2023 còn 14,17% (vượt 1,25 điểm phần trăm so với kế hoạch), có 03 huyện được công nhận thoát nghèo (Bắc Yên, Mường La, Vân Hồ); đã hoàn thành việc xóa nhà tạm tại 10/12 huyện, thành phố, v.v.
3 - Chương trình hành động số 12-CTr/TU, ngày 16/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, v.v.
Tỉnh Sơn La,sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc,nâng cao nhận thức,đời sống vật chất,tinh thần của nhân dân
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học