Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 31/10/2019, 06:59 (GMT+7)
Quy định 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị - “thang thuốc” tăng cường sức mạnh cho Đảng

Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cả nước đồng tình, ủng hộ, kỳ vọng đây là “phương thuốc” hữu hiệu, làm cho Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Một phiên họp định kỳ của Bộ Chính trị. Ảnh: TTXVN

Những năm gần đây, không ít cán bộ, đảng viên nắm giữ trọng trách trong Đảng và chính quyền nhưng lại thoái hóa, biến chất gây mất niềm tin của nhân dân cũng như uy tín, thanh danh của Đảng. Họ là những người lười rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng nên, “... khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng1, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ. Nhưng bản thân họ lại không nghĩ vậy, mà cho rằng: có “quyền” ắt có “lợi” nên việc được hưởng đặc quyền, đặc lợi là điều tất yếu. Khi đã sa vào chủ nghĩa cá nhân, hưởng thụ vật chất thì lòng tham cũng phát sinh, khó kiểm soát, luôn mong muốn và bằng mọi phương cách giành giật đặc quyền, đặc lợi để thỏa mãn sự tham lam ngày càng lớn. Ở địa vị thấp, lợi lộc nhỏ thì tìm cách để leo cao hơn (chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ,…), nhằm thu vén lợi ích cá nhân, thậm chí sẵn sàng tham ô, nhận hối lộ để đút lót, mua chuộc, v.v. Nguy hại hơn, vì là người có chức, quyền trong cơ quan, tổ chức, nên những thói hư tật xấu của họ dễ dàng lan truyền rộng khắp, thậm chí trở thành trào lưu, lẽ sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng nếu không kịp thời, kiên quyết ngăn chặn.

Nhận rõ sự nguy hại đó, từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Đảng ta xác định “công tác cán bộ đặc biệt quan trọng, là then chốt của mọi then chốt, nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, nên đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ; đồng thời, đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, v.v. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà một số tệ nạn không những chưa xóa bỏ được lại còn sinh ra tệ nạn khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thanh danh của Đảng; trong đó, nguyên nhân rất quan trọng là chưa kiểm soát chặt quyền lực trong công tác cán bộ làm nảy sinh nạn chạy chức, chạy quyền, tha hóa công tác cán bộ, chi phối đến chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng, ảnh hưởng đến năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, để ngăn chặn và xóa bỏ tận gốc những tệ nạn có nguyên nhân từ công tác cán bộ gây ra, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205-QĐ/TW (gọi tắt là Quy định 205) về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định 205 được kết cấu thành 4 phần: Quy định chung gồm 2 điều (Điều 1 và Điều 2); Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ gồm 7 điều (Điều 3 đến Điều 9); Chống chạy chức, chạy quyền gồm 4 điều (Điều 10 đến Điều 13); Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 14 và Điều 15). Trong đó, đã cụ thể hóa việc thực hiện nghiêm quy trình công tác cán bộ mà các hội nghị Trung ương 4, Trung ương 7 (khóa XII) đặt ra, từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đến tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành. Để thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện, Quy định 205 giải thích rất rõ ràng nhân sự là gì? Cơ quan nào được giao thực hiện công tác cán bộ? Thế nào là quyền lực trong công tác cán bộ và nội dung kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực này. Theo đó, quyền lực trong công tác cán bộ là thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Như vậy, kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được hiểu là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ.

Trên cơ sở đó, Quy định 205 nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, nội dung phải thực hiện; những việc không được làm đối với người có thẩm quyền trong công tác tổ chức cán bộ và chính bản thân nhân sự; đồng thời, cụ thể hóa, quy rõ trách nhiệm trong thực hiện kiểm soát quyền lực. Theo đó, với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, “Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ; thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót và chịu trách nhiệm về những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ thuộc phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm được giao”. Với thành viên cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị, “Thực hiện đúng, đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm của mình trong công tác cán bộ. Phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến nhân sự mà cá nhân được phân công theo dõi, quản lý. Thể hiện rõ chính kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến của mình, được bảo lưu ý kiến”, phải “Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực thuộc thẩm quyền được giao quản lý, phụ trách”, “Chịu trách nhiệm cá nhân trong việc đề xuất nhân sự và trong việc nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ có liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách”; chịu trách nhiệm liên đới đối với từng quyết định không đúng về công tác cán bộ của tập thể lãnh đạo, trừ khi đã có ý kiến không đồng ý được lưu bằng văn bản. Với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, ngoài trách nhiệm là thành viên đã nêu ở trên, còn phải: “Đề xuất rõ ràng, cụ thể về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, điều kiện, quy trình giới thiệu, đánh giá nhân sự. Kết luận đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan những nội dung thảo luận và chịu trách nhiệm về kết luận của mình khi chủ trì hội nghị về công tác cán bộ”. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được giao thực hiện công tác cán bộ ở các cấp, “Chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo đối với những đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định nhân sự, hồ sơ nhân sự”. Với cán bộ tham mưu, đề xuất: “Chịu trách nhiệm về đề xuất của mình và tính chính xác, kịp thời của hồ sơ nhân sự”. Đối với nhân sự: “Báo cáo kịp thời, đầy đủ, chính xác, rõ ràng hồ sơ lý lịch” và kê khai trung thực tài sản, thu nhập theo quy định: “Tự giác không ứng cử, không nhận đề cử, quy hoạch, bổ nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, khen thưởng, chế độ, chính sách” nếu bản thân thấy không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, v.v. Với việc quy rõ trách nhiệm như vậy, vừa bắt buộc các cá nhân, tập thể có thẩm quyền trong công tác cán bộ làm việc cẩn trọng, vừa là cơ sở để xử lý nếu xảy ra sai phạm.

Để chống chạy chức, chạy quyền hiệu quả, Quy định 205 nêu chi tiết các hành vi chạy chức, chạy quyền cũng như hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên, nhân dân dễ nhận biết để phát hiện, phản ánh, tố giác và là cơ sở cho cơ quan chức năng xử lý. Quy định 205 nêu rõ 6 hành vi chạy chức, chạy quyền, gồm: hành động tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ, Tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan để được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi; lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người “cánh hẩu” vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người; lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình; dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm và sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có vị trí, chức vụ, quyền lợi. Các biểu hiện bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, gồm 8 hành vi sau: biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình gợi ý, tác động, gây áp lực để người khác quyết định hoặc tham mưu, đề xuất, nhận xét, đánh giá, biểu quyết, bỏ phiếu giới thiệu nhân sự theo ý mình; xác nhận, chứng thực, nhận xét, đánh giá không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ nhân sự, kết quả bầu cử, lấy phiếu giới thiệu, phiếu tín nhiệm, thi tuyển nhằm có lợi cho nhân sự hoặc để đạt mục đích cá nhân; trì hoãn, không thực hiện khi thấy bất lợi hoặc chọn thời điểm có lợi đối với nhân sự theo ý mình để thực hiện quy trình công tác cán bộ; trực tiếp hoặc gián tiếp nhận hối lộ nhằm giúp cho người khác có được vị trí, chức vụ, quyền lợi không chính đáng; trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ, môi giới cho nhân sự thực hiện các hành vi chạy chức, chạy quyền; cuối cùng là các hành vi khác.

Giữa quyền lực trong công tác cán bộ và chạy chức, chạy quyền có mối quan hệ biện chứng với nhau. Quyền lực không được kiểm soát sinh ra chạy chức, chạy quyền, nhưng nếu không loại bỏ chạy chức, chạy quyền, thì do quan hệ “cung cầu”, tệ nạn này sẽ len lỏi, tác động làm quyền lực tiếp tục bị tha hóa. Cho nên các điều trong Quy định 205 luôn gắn kết vấn đề kiểm soát quyền lực với việc chống chạy chức, chạy quyền. Cụ thể, nói về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, Quy định yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm: “Phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”; “Bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác”; cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý, v.v. Quy định còn yêu cầu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan dân cử “nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định”. Đối với, cán bộ, đảng viên “có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền”.

Việc ban hành Quy định trước thềm đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự nhiệt tình hưởng ứng của toàn thể nhân dân như một “thang thuốc” hữu hiệu làm cho “quyền lực” trong công tác cán bộ sẽ bị nhốt vào “lồng cơ chế, pháp luật”, không còn điều kiện cho bệnh chạy chức, chạy quyền tồn tại. Qua đó, làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, đủ sức mạnh lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững, sánh vai với các cường quốc năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.

CÔNG TÂM

___________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 361.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...