Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 19/05/2022, 08:05 (GMT+7)
Quảng Ninh lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

Đại hội XIII của Đảng xác định: củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc,… là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và toàn dân. Đây là vấn đề quan trọng, xuyên suốt, được tỉnh Quảng Ninh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Nổi bật là, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc được nâng lên; tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc; chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang Tỉnh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới, biển, đảo được giữ vững, tạo môi trường thuận lợi để Tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Đây là cơ sở, tiền đề vững chắc để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả quan điểm, chủ trương, đường lối về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Phát huy kết quả đạt được, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản làm cơ sở lãnh đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, tiêu biểu là: Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 23/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy về “Phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, v.v. Để thực hiện thắng lợi nghị quyết trên, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh đã và đang quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ những nội dung trọng tâm sau:

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý tập trung, thống nhất của chính quyền đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Xác định đây là nội dung quan trọng hàng đầu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, trọng tâm là: Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định số 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Quân khu 3 và của Tỉnh về công tác quốc phòng, quân sự. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm đúng quan điểm “phát triển kinh tế là trung tâm, tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”; đồng thời, phát huy vai trò tham mưu, đề xuất của Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh trong xây dựng, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, đề án nhằm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thống nhất công tác quốc phòng, quân sự. Tỉnh chỉ đạo các địa phương kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh ngay từ khâu xây dựng quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm: quy hoạch vùng, quy hoạch các ngành, lĩnh vực phải phù hợp, gắn liền với các quy hoạch về quốc phòng, quân sự; chú trọng xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, đa năng, lưỡng dụng vừa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm cho quốc phòng khi có tình huống. Trong quá trình thực hiện phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng; thẩm định chặt chẽ các quy hoạch, kế hoạch, dự án ở khu vực biên giới, cửa khẩu; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương để làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm.

Hai là, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng “thế trận lòng dân vững chắc” trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.  Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, Tỉnh chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 các cấp nâng cao hiệu quả hoạt động; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang trong Tỉnh để tiến hành tốt công tác tuyên truyền, kết hợp giữa “xây” và “chống”, tạo thế chủ động trên mặt trận thông tin, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh phù hợp với từng đối tượng; chú trọng các đối tượng đặc thù, vùng dân tộc thiểu số, khu vực biên giới, biển, đảo, các khu kinh tế, khu công nghiệp. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm, chăm lo thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo; khơi dậy và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”, ý chí tự lực, tự cường của nhân dân vùng Mỏ, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh. Đồng thời, thực hiện tốt các đề án, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền, địa phương trong Tỉnh bằng cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực. Qua đó, tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện và khu vực phòng thủ Tỉnh ngày càng vững chắc. Để đạt hiệu quả, Tỉnh chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ Biên phòng cho các xã, phường biên giới; không để thôn, bản “trắng” tổ chức đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng khu vực phòng thủ Tỉnh vững chắc, liên kết chặt chẽ trong thế trận phòng thủ của Quân khu 3; ưu tiên quy hoạch, xây dựng toàn diện, đồng bộ các thành phần cấu thành thế trận quân sự ở các địa phương biên giới, biển, đảo và các khu kinh tế. Xây dựng cơ chế huy động mọi nguồn lực xã hội theo quy định của pháp luật cho củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ, nhất là địa bàn chiến lược, trọng điểm tuyến biên giới, biển, đảo. Chủ động nắm chắc, dự báo sát, đúng tình hình từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nêu cao tinh thần cảnh giác, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch, phản động. Tỉnh chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Công an Tỉnh, chủ trì phối hợp trong tham mưu, xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, phòng thủ dân sự theo Đề án diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm sát với thực tiễn địa phương. Đồng thời, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ ngư dân xây dựng các đội tàu đánh bắt xa bờ đủ mạnh để bám biển, kết hợp sản xuất với bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh lực lượng gắn với bố trí lại dân cư, thực hiện dự án di dân, dãn dân ra biên giới, tạo thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc.

Bốn là, chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang Tỉnh vững mạnh có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Thực hiện chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng, Tỉnh tập trung xây dựng cơ quan Quân sự, Công an vững mạnh toàn diện, có tổ chức, biên chế đúng quy định, có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng chiến đấu cao. Với lực lượng dự bị động viên, Tỉnh xây dựng theo phương châm “đủ mạnh, sẵn sàng huy động, sẵn sàng chiến đấu”. Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ “vững mạnh, rộng khắp”, có số lượng, cơ cấu, thành phần phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành, từng địa phương, nhất là trong các đơn vị ngành Than, các khu kinh tế, khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ biển. Đi đôi với xây dựng lực lượng, Tỉnh chỉ đạo lực lượng vũ trang duy trì nghiêm nền nếp, chế độ canh trực, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập; trong đó, coi trọng huấn luyện cho các lực lượng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, khí tài, trang bị và sát thực tế chiến đấu, đối tượng tác chiến, phù hợp đặc điểm địa bàn. Trong công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, Tỉnh lãnh đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân; yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm công tác đăng ký, quản lý nguồn công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự và triển khai các khâu, các bước đảm bảo chặt chẽ, công khai, công bằng, dân chủ, đúng luật. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận, phòng, chống “diễn biến hòa bình”; duy trì hiệu quả các cụm “Đơn vị an toàn - địa bàn an toàn” gắn với các mô hình xã, phường, thị trấn điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự, góp phần xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh; kịp thời phát hiện, xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp từ cơ sở.

Năm là, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển. Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Tỉnh chủ động, tích cực triển khai toàn diện, đồng bộ có hiệu quả đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; tạo thế đan xen lợi ích, vừa hợp tác, vừa đấu tranh trên địa bàn Tỉnh; tăng cường sự tin cậy chính trị, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, phụ thuộc. Đẩy mạnh hợp tác với các địa phương của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa; tiếp tục thực hiện hiệu quả và mở rộng mô hình kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, kinh tế - xã hội. Đổi mới toàn diện, đồng bộ các biện pháp công tác Biên phòng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ biên giới, biển, đảo theo pháp luật và các hiệp định, quy chế biên giới mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia. Trong quá trình thực hiện, cần giữ vững nguyên tắc, song phải mềm dẻo, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề biên giới, không để xảy ra căng thẳng, phức tạp, đối đầu, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển, đảo, bảo đảm giữ vững khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển.

VŨ XUÂN DIỆN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Ninh

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...