Thứ Sáu, 22/11/2024, 13:51 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Điểm nổi bật trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là đấu tranh vì quyền con người và giải phóng con người. Các thế hệ người Việt Nam luôn ghi lòng tạc dạ câu nói giản dị, sâu sắc của Người: “CNXH là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ”1.
Khái quát kinh nghiệm hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đặc biệt là hơn 25 năm đổi mới, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) (sau đây gọi tắt là Cương lĩnh 2011), đã khẳng định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”2. Đây là quan điểm rất cơ bản, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, định hướng suy nghĩ và hành động cho toàn Đảng, bộ máy nhà nước và toàn xã hội. Quan điểm trên định hướng rõ: một mặt, chiến lược, chính sách phát triển mọi mặt đời sống xã hội đều phải hướng vào phục vụ lợi ích của con người, của mọi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, dù họ sinh sống ở nông thôn hay thành thị, miền ngược hay miền xuôi; mặt khác, chiến lược, chính sách phát triển phải phát huy tối đa quyền làm chủ, sự năng động sáng tạo của con người Việt Nam để hoàn thành các mục tiêu đề ra cho từng chặng đường xây dựng đất nước.
Xét cho cùng, vì con người phải được quan niệm đầy đủ, thường xuyên, lâu dài; vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Cũng với ý nghĩa đó, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đảng đã xác định: “Mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển”3.
Nét nổi bật trước hết trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là hết mực thương yêu con người. Đó là một tình thương yêu bao la, sâu sắc, hiện thực và tích cực; thể hiện ở tinh thần đấu tranh không mệt mỏi đem lại những lợi ích thiết thực cho con người, hết lòng hết sức chăm lo mọi mặt cho sự phát triển của con người.
Trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở một đất nước kém phát triển, lại trải qua sự tàn phá dữ dội của những cuộc chiến tranh, tất nhiên, nhân dân ta phải đương đầu với vô vàn khó khăn, thử thách quyết liệt. Những người cộng sản với trách nhiệm của người chiến sĩ tiền phong, càng thấm thía lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nếu nước độc lập mà dân không được hạnh phúc, tự do thì độc lập chẳng có nghĩa lý gì”4. Vì vậy, chăm lo giải quyết tốt nhất quyền của con người trong điều kiện cho phép ở mỗi thời điểm lịch sử là trách nhiệm thường trực hằng ngày của người đảng viên cộng sản. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải gắn bó chặt chẽ giữa xây dựng đất nước, củng cố và phát triển vững chắc độc lập dân tộc với dân chủ, tự do, hạnh phúc cho mỗi người dân Việt Nam. Cương lĩnh, Chiến lược của Đảng, chính sách của Nhà nước luôn thể hiện tinh thần gắn bó giữa phát triển đất nước, xây dựng xã hội với chăm lo cuộc sống và sự phát triển của mỗi con người. Con người luôn ở vị trí trung tâm của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng và bảo vệ đất nước. Đó là mục tiêu cao nhất, đồng thời là nguồn lực lớn nhất bảo đảm để chúng ta thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, Chiến lược xây dựng, phát triển đất nước của Đảng. Đại hội XI của Đảng khẳng định: thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo,v.v.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là tình thương yêu sâu sắc đối với con người, thực sự quan tâm đến quyền lợi, nhu cầu, nguyện vọng của toàn thể nhân dân các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh còn nhìn thấu tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu sống và hoạt động của những con người trong các thành phần xã hội, tổ chức cách mạng khác nhau nhằm quan tâm giải quyết chu đáo, thiết thực, cụ thể, tốt nhất theo điều kiện, khả năng cho phép, phát huy tốt nhất ý chí và năng lực sáng tạo đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Trước lúc đi xa, Người cũng nhấn mạnh đến công việc đối với con người, Người xác định thái độ, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với các lớp người, như những người đã có công, dũng cảm hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến, cha mẹ vợ con của thương binh, liệt sĩ, những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, những phụ nữ đảm việc nước, giỏi việc nhà, bà con nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số,v.v.
Quán triệt tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh để nắm vững định hướng lớn của Đảng về xây dựng, phát triểngiai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh CNH,HĐH và hội nhập quốc tế; xây dựng giai cấp nông dân, thực sự là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng đội ngũ trí thức lớn mạnh, có chất lượng cao, phục vụ cho thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức; xây dựng phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh có đạo đức, trách nhiệm xã hội cao, thực sự đóng vai trò động lực phát triển kinh tế đất nước; xây dựng những con người trẻ tuổi “vừa hồng vừa chuyên”, có hoài bão lớn, có sức phát triển mạnh mẽ, thực sự là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Theo đó, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, quán triệt sâu sắc tư tưởng của Người, việc luôn coi trọng lợi ích của con người, của người dân là đòi hỏi cao nhất, tập trung nhất và phải là việc làm thường xuyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: việc gì có lợi cho dân thì kiên quyết làm cho bằng được, việc gì có hại cho dân thì kiên quyết tránh. Chúng ta có kinh nghiệm của cuộc sống để hiểu rằng, làm được điều Bác Hồ căn dặn trong sự nghiệp xây dựng đất nước hiện nay thật không dễ dàng. Người cán bộ, đảng viên, trước hết phải có tâm và có tầm, phát triển toàn diện đạo đức và năng lực sáng tạo, nhất là về đạo đức cách mạng, lối sống để làm gương cho quần chúng noi theo. Đối với mỗi người cụ thể, dù là công nhân, nông dân, trí thức, hay doanh nhân… thì việc nắm vững, thấu hiểu lý tưởng cao đẹp của Hồ Chí Minh, có tác dụng lớn lao để thúc đẩy tính năng động, sáng tạo, tự giác của những người chủ đất nước; tích cực lao động vì hạnh phúc của chính mình và xã hội cũng như lớp con cháu mình; ra sức rèn luyện để trở thành những con người mới XHCN, những chủ thể của Tổ quốc Việt Nam XHCN giàu mạnh.
Trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng, nổi bật lên sự quán triệt sâu sắc một điểm rất căn bản, xuyên suốt trong tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh, đó là quan điểm về trồng người, xây dựng con người với lòng tôn trọng và tin tưởng hết mực ở con người. Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn xây dựng CNXH trước hết cần có những con người XHCN”5; theo Người, đó là con người phát triển toàn diện, hoàn toàn không có chủ nghĩa cá nhân.
Chủ động, tích cực, thường xuyên quan tâm đến sự nghiệp trồng người, xây dựng con người, giải phóng con người về mặt phẩm chất đạo đức cũng như tài năng, trí tuệ, là một bộ phận rất quan trọng của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh. Điều này được quán triệt rất sâu sắc trong các văn kiện Đại hội XI của Đảng, định hướng cho sự nghiệp xây dựng con người Việt Nam XHCN của Đảng, Nhà nước và toàn thể nhân dân các dân tộc Việt Nam. Cương lĩnh 2011 chỉ rõ: “Kết hợp và phát huy đầy đủ vai trò của xã hội, gia đình, nhà trường, từng tập thể lao động, các đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc chăm lo xây dựng con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân, có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”6. Đảng ta đã chỉ rõ phải huy động trách nhiệm và sức mạnh của cả cộng đồng dân tộc Việt Nam, của các tổ chức và cộng đồng dân cư để xây dựng con người Việt Nam XHCN. Tất nhiên, Đảng ta cũng quan niệm xây dựng con người phải kết hợp chặt chẽ với xây dựng tổ chức, xây dựng cộng đồng và phải thường xuyên giáo dục, rèn luyện con người trong thực tiễn hoạt động xây dựng, phát triển đất nước trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Cương lĩnh 2011 cũng xác định rõ: “Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng XHCN”7. Ở thời kỳ lịch sử có ý nghĩa quyết định này, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 xác định rõ: “Chú trọng xây dựng nhân cách con người Việt Nam về lý tưởng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, thể chất, lòng tự tôn dân tộc, trách nhiệm xã hội, ý thức chấp hành pháp luật, nhất là trong thế hệ trẻ”8. Đồng thời, Chiến lược cũng xác định những năm tới, trong 3 khâu đột phá chiến lược, có một nội dung quan trọng vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa cơ bản lâu dài, đó là: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”9.
Tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là cơ sở rất quan trọng của các văn kiện, nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Quán triệt sâu sắc điều đó, chắc chắn sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta, quán triệt điều đó sẽ góp phần tích cực vun đắp mối quan hệ máu thịt giữa Quân đội và nhân dân, giữa cán bộ và chiến sĩ và giữa các quân nhân, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đồng thời, ngày càng thúc đẩy mạnh mẽ mọi cán bộ, chiến sĩ tích cực học tập và rèn luyện để trở thành những con người mới XHCN, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, thể lực mạnh mẽ và năng lực hoạt động thực tiễn dồi dào sức sáng tạo.
Đặc biệt, đối với các nhà trường quân đội, quán triệt tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh sẽ góp phần đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và phát triển nhanh sự nghiệp giáo dục - đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, thực sự tạo ra được một đội ngũ cán bộ, đảng viên - lực lượng nòng cốt của Quân đội, vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay và trong tương lai.
Thiếu tướng, PGS. LÊ HỒNG QUANG
___________
1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 591.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 76.
3 - Sđd, tr. 100.
4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 10, Nxb CTQG, H. 1996, tr. 310.
5 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 76-77.
6, 7, 8 - Sđd, tr. 71, 126, 106.
9 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 56.
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học