Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 18/09/2017, 09:52 (GMT+7)
Quán triệt quan điểm của Đảng, tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội

Xuất phát từ kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) và yêu cầu cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TW Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”. Đây là Nghị quyết quan trọng nhằm định hướng cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay; qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước.

Ảnh minh họa

Những năm qua, quán triệt và thực hiện các nghị quyết của Đảng, Luật Doanh nghiệp, các nghị định của Chính phủ về cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc điều chỉnh, sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Quân đội theo hướng tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế. Vì thế, số lượng doanh nghiệp Quân đội đã giảm đáng kể; từ 305 doanh nghiệp thuộc loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhà nước nắm giữ 100% vốn của năm 2000, xuống còn 88 doanh nghiệp vào cuối năm 2016. Đa số các doanh nghiệp Quân đội được tổ chức sắp xếp lại hoặc cổ phần hóa đã nêu cao tính năng động, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Các khu kinh tế - quốc phòng do các đoàn kinh tế - quốc phòng làm nòng cốt đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều mặt, thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, tạo nên diện mạo, thế và lực mới trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa biên giới của Tổ quốc.

Các doanh nghiệp Quân đội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) “Về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, các chỉ tiêu chủ yếu đều tăng: tổng số vốn nhà nước tăng gần 16,5 lần; doanh thu tăng 18 lần; lợi nhuận trước thuế tăng 49,4 lần; nộp ngân sách nhà nước tăng 18,9 lần. Năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Quân đội đạt trên 340 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước hơn 43 nghìn tỷ đồng; người lao động có thu nhập bình quân đạt 11,832 triệu đồng/người/tháng.

Những kết quả đạt được trên đã khẳng định quan điểm, chủ trương của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là đúng đắn, sáng tạo; đồng thời, cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị cao và những đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp Quân đội đối với việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, còn thể hiện sâu sắc bản chất, truyền thống của Quân đội trong việc thực hiện chức năng của “đội quân lao động sản xuất”.

Tuy nhiên, tiến độ sắp xếp, đổi mới, nhất là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp Quân đội so với yêu cầu còn chậm, số lượng doanh nghiệp 100% vốn nhà nước vẫn còn nhiều; quá trình cổ phần hóa chưa thực sự gắn sát với công tác tổ chức lực lượng Quân đội cũng như tổ chức lại lực lượng lao động trong các doanh nghiệp. Ở một số doanh nghiệp, năng lực quản trị và công tác quản lý tài chính còn hạn chế; quản lý, sử dụng đất quốc phòng chưa chặt chẽ, gây lãng phí nguồn lực, v.v. Những hạn chế, yếu kém đó chủ yếu do nhận thức của một số cấp ủy, chỉ huy đơn vị, doanh nghiệp về chủ trương sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa chưa đầy đủ; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, một số doanh nghiệp có biểu hiện ngại đổi mới, né tránh cổ phần hóa; chưa mạnh dạn sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả, v.v.

Thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế của nước ta vẫn tiếp tục giữ được nhịp độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, sự cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Quân đội phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì thế, để đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trước hết, các doanh nghiệp Quân đội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ chủ yếu được xác định trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 12-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa XII) “Về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X và Nghị quyết 425-NQ/QUTW ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, v.v. Trong quá trình thực hiện, cần nắm vững và vận dụng sáng tạo quan điểm kết hợp kinh tế với các lĩnh vực, như Đại hội XII của Đảng đã đề ra: “Kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo”1. Quán triệt và nắm vững tư tưởng chỉ đạo: sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phải gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với tổ chức lại lực lượng lao động trong doanh nghiệp theo phương hướng tổ chức lực lượng Quân đội; thực hiện tốt công tác tư tưởng, công tác chính sách đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong quá trình đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp.  

Mục tiêu của việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội là giảm mạnh số đầu mối doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung xây dựng những doanh nghiệp thực sự có năng lực về công nghệ và quản trị, đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, gắn với tham gia phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt mục tiêu đó, các đơn vị, trước hết là doanh nghiệp Quân đội cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Trước hết, cần tập trung quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết 12-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Nghị quyết 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, nhằm đảm bảo cho việc thực hiện đúng định hướng, đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Về nhận thức, cần thấy rõ việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của cấp ủy, chỉ huy đơn vị và doanh nghiệp, do đó trong quá trình thực hiện phải bám sát sự lãnh đạo của Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, có giải pháp phù hợp, hiệu quả. Kiên quyết cổ phần hóa đối với các doanh nghiệp kinh tế, thương mại ít liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng. Chú trọng sáp nhập các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, chuyển thành đơn vị phụ thuộc, nhằm tạo ra các doanh nghiệp có quy mô lớn, phù hợp, tập trung được nguồn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với tăng cường tiềm lực quốc phòng. Mặt khác, phải tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm, nhất là trong cổ phần hóa doanh nghiệp, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Quân đội, Nhà nước. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền, định hướng tư tưởng để cán bộ, đảng viên và người lao động trong các doanh nghiệp thấy rõ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ cổ phần hóa; kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng ngại đổi mới, né tránh cổ phần hóa. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai tổ chức thực hiện cơ cấu lại, đổi mới các doanh nghiệp Quân đội.

Hai là, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phù hợp với Đề án điều chỉnh t chức lực lượng Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân triển khai đồng bộ, thực hiện có hiệu quả các giải pháp tổ chức lực lượng Quân đội theo hướng: tinh, gọn, mạnh, có sức cơ động cao, bảo đảm cân đối giữa các khối, các lực lượng, giữa tổng quân số với khả năng bảo đảm của đất nước. Đồng thời, điều chỉnh thế bố trí lực lượng phù hợp trên các vùng, miền, nhất là các khu vực trọng điểm về quốc phòng, an ninh, vùng biên giới, biển, đảo để bảo đảm Quân đội hoàn thành tốt cả ba chức năng “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”.

Theo đó, việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp phải theo hướng rút gọn đầu mối gắn với Đề án điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội. Phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp Quân đội trong một số lĩnh vực trọng điểm và địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo mà các doanh nghiệp bên ngoài không đủ điều kiện và thế mạnh để thực hiện. Thực hiện cổ phần hóa đồng bộ các doanh nghiệp (cả công ty mẹ và công ty con) bảo đảm tập trung vốn và vai trò quản trị, điều hành cho công ty mẹ. Trường hợp không cổ phần hóa được hoặc sản xuất, kinh doanh thua lỗ kéo dài, mất cân đối về tài chính nghiêm trọng thì giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.

Quá trình sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa phải kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách; coi trọng giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đặc biệt là, phải thực hiện tốt công tác chính sách theo Thông tư 114/2015/TT-BQP, ngày 28-9-2015 của Bộ Quốc phòng Quy định về bố trí, sử dụng và chế độ, chính sách đối với các đối tượng làm việc tại doanh nghiệp Quân đội thực hiện cổ phần hóa và tại công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước do Bộ Quốc phòng làm chủ sở hữu. Theo đó, trên cơ sở nhu cầu của công ty cổ phần và nguyện vọng của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (theo biên chế trước khi thực hiện cổ phần hoá) được công ty cổ phần tiếp tục bố trí, sắp xếp, sử dụng làm việc tại doanh nghiệp. Tại thời điểm doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp đủ điều kiện nghỉ hưu hoặc không có nguyện vọng tiếp tục làm việc tại các doanh nghiệp thì thực hiện chính sách thôi phục vụ tại ngũ (hưu trí, phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành,…) và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định hiện hành. Những người được giữ lại làm việc hưởng chế độ tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo kết quả sản xuất, kinh doanh do công ty chi trả, hạch toán. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành, v.v.

Ba là, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp theo hướng hiện đại; sớm thực hiện tách chức năng quản lý nhà nước, đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với chức năng của hội đồng quản trị, ban giám đốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời, bảo đảm chức năng chủ sở hữu của Bộ Quốc phòng theo đúng quy định. Việc đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế quản lý doanh nghiệp phải sát với ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh theo chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Bảo đảm đủ nguồn kinh phí cho việc xử lý tài chính trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, giải thể, sáp nhập và đầu tư phát triển doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa; trong đó, ưu tiên đầu tư hợp lý vốn, công nghệ, nhân lực cho các doanh nghiệp quốc phòng có uy tín, thương hiệu mạnh để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế. Chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài Quân đội để sản xuất, cung ứng sản phẩm phục vụ quốc phòng và tìm kiếm, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp theo quy định; chú trọng kiểm tra việc quản lý phần vốn nhà nước, cơ sở vật chất và đất quốc phòng, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước và Quân đội; chống tiêu cực và lợi ích nhóm, kiên quyết xử lý các doanh nghiệp thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, v.v.

Bốn là, tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp Quân đội tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) “Về Hội nhập quốc tế” và Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương “Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Trong đó, chú trọng tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Chủ động mở rộng quan hệ thương mại quân sự, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kết hợp hoạt động đối ngoại quốc phòng với hoạt động kinh tế đối ngoại theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước.

Năm là, chủ động củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Trước hết, phải thực hiện đúng Quy định 287-QĐ/TW ngày 08-02-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) “Về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước”; Quy định Số 69-QĐ/TW ngày 13-02-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng uỷ cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối”. Rà soát, xây dựng, bổ sung cơ chế hoạt động giữa cấp ủy với hội đồng quản trị và hội đồng thành viên; phát huy vai trò, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Trong đó, đặc biệt chú trọng lãnh đạo xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển dài hạn, trung hạn, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hằng năm của doanh nghiệp; lãnh đạo việc sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư của Nhà nước trong doanh nghiệp; lãnh đạo công tác chính trị, tư tưởng, công tác tổ chức, cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp uỷ cấp trên và của đảng uỷ doanh nghiệp.

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước nói chung, doanh nghiệp Quân đội nói riêng là quan điểm, chủ trương của Đảng, của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.

NGUYỄN MẠNH DŨNG
_____________

1- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...