Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 09/10/2023, 07:49 (GMT+7)
Quán triệt Nghị quyết số 1657 của Quân ủy Trung ương, Học viện Lục quân nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa

Nhận thức rõ vai trò quan trọng của công tác giáo dục, đào tạo đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Lục quân đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đột phá đổi mới nội dung, chương trình gắn với đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục. Với quyết tâm cao, giải pháp thiết thực, hiệu quả, chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện ngày càng được nâng lên, bảo đảm thực chất, minh bạch; học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều vận dụng và phát huy có hiệu quả kiến thức được lĩnh hội tại Học viện vào công tác lãnh đạo, quản lý, chỉ huy đơn vị, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Hiện nay, trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Học viện tiếp tục có sự phát triển cả về đối tượng, lưu lượng và chất lượng, đòi hỏi cần có những giải pháp mang tính căn bản, toàn diện, phù hợp. Để nâng cao chất lượng đào tạo cho các đối tượng học viên theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, khoa, hệ quản lý học viên tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương về giáo dục, đào tạo trong Quân đội; tập trung vào một số nội dung, giải pháp sau.

Thiếu tướng Đỗ Minh Xương trao Giấy Chứng nhận Giảng viên dạy giỏi cấp Học viện năm học 2022-2023

Một làtăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp về đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đây là giải pháp cơ bản, quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục, đào tạo của Học viện. Thực hiện tốt giải pháp này không những đảm bảo công tác giáo dục, đào tạo của Học viện đi đúng hướng; quy tụ trí tuệ, niềm tin, tạo sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn, thách thức, mà còn là yếu tố nền tảng để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp khác. Theo đó, cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên tổ chức nghiên cứu sâu, kỹ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác giáo dục, đào tạo; Nghị quyết số 569-NQ/ĐU, ngày 05/4/2023 của Đảng ủy Học viện về đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình hành động, bảo đảm sát thực tế, phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các đối tượng tham gia vào quá trình giáo dục, đào tạo. Căn cứ vào mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo được giao, Học viện chỉ đạo tập trung nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, giữ vững định hướng chính trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp về đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, tập trung bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và các đối tượng học viên; kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng ngại đổi mới, không dám đổi mới, dập khuôn máy móc hoặc thỏa mãn dừng lại. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ quan, khoa, hệ quản lý học viên, nhất là cơ quan, đơn vị trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, bảo đảm cho nhiệm vụ này phải được tiến hành thường xuyên, chặt chẽ, khoa học, đúng định hướng, chức năng, nhiệm vụ và sát thực tiễn theo phương châm “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị”.

Hai là, nâng cao chất lượng tham mưu của các cơ quan; thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục. Đây là giải pháp vừa mang tính nền tảng, vừa tạo ra động lực quan trọng, góp phần xây dựng Học viện chính quy, hiện đại, mẫu mực, tiêu biểu. Vì vậy, Học viện chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng ổn định về tổ chức, biên chế, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị theo biểu tổ chức, biên chế mới, bảo đảm cân đối, đồng bộ, hợp lý, không để chồng chéo chức năng, nhiệm vụ và nâng cao hiệu quả hoạt động. Các cơ quan, khoa, hệ vừa phải có khả năng tham mưu, đề xuất với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; đồng thời, hướng dẫn tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo. Hoàn chỉnh hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.

Xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục là vấn đề có tính then chốt trong nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Nhận thức rõ điều đó, Học viện tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đội ngũ này gắn với Đề án “Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong Quân đội giai đoạn 2023 - 2030 và những năm tiếp theo”; tích cực tạo nguồn, tuyển chọn, bổ sung đội ngũ giảng viên theo các tiêu chí xác định, nhất là số cán bộ, giảng viên có trình độ sau đại học. Tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục theo hướng phát triển năng lực toàn diện, chú trọng năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động giảng dạy. Tăng cường đưa giảng viên đi thực tế tại đơn vị với chức danh phù hợp cấp đào tạo và chức vụ tương ứng để tích lũy kiến thức thực tiễn. Phấn đấu đến hết năm 2025, có 75% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục trở lên đạt chuẩn theo quy định; 100% giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học, trong đó 70% có trình độ sau đại học, 25% trở lên giảng viên đạt trình độ tiến sĩ.

Tổ chức diễn tập chỉ huy cơ quan 1 bên, 2 cấp trên bản đồ và ngoài thực địa cho học viên Đ57 và các chuyên ngành binh chủng năm thứ 2

Ba là, đổi mới và đồng bộ nội dung, chương trình, quy trình đào tạo, xây dựng hoàn chỉnh chuẩn đầu ra. Bám sát quan điểm, mục tiêu, yêu cầu giáo dục, đào tạo, Học viện tập trung rà soát, đổi mới nội dung, chương trình, quy trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian học tập lý thuyết, tăng thời gian thực hành, học tập thực tế, tự học của học viên, bảo đảm tính hệ thống, kế thừa, liên thông giữa các trình độ đào tạo. Trên cơ sở chương trình khung và kết quả khảo sát chất lượng cán bộ đã qua đào tạo về công tác tại các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, Học viện thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm sau từng khóa đào tạo; nắm chắc số lượng, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất hiện có và định hướng đầu tư các năm tiếp theo, làm cơ sở điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo.

Thực hiện Quyết định số 3061/QĐ-BQP, ngày 11/7/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc phê duyệt Đề án “Đổi mới quy trình, chương trình đào tạo cán bộ các cấp trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Học viện chủ động triển khai xây dựng đồng bộ và tiếp tục hoàn thiện 23 chương trình khung, chương trình chi tiết từng học phần cho các đối tượng đào tạo theo quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện về nội dung chương trình, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo cán bộ cấp chiến thuật, chiến dịch trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Đồng thời, tập trung rà soát, cắt bỏ những nội dung trùng lặp, bổ sung nội dung, cập nhật kiến thức mới vào chương trình đào tạo, theo tiêu chí huấn luyện những nội dung người học cần để đảm nhiệm chức vụ sau khi ra trường. Cùng với đổi mới nội dung, chương trình, quy trình, Học viện tiếp tục hoàn chỉnh việc xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, bảo đảm thiết thực, nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo và liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo, bậc học cao hơn; phù hợp với đối tượng đào tạo, sát với chức danh đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp, thực tế huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và yêu cầu xây dựng Quân đội. Tập trung xây dựng chuẩn đầu ra các học phần, bài giảng thể hiện đầy đủ nội dung của chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và bảo đảm sự liên kết chặt chẽ để nâng cao chất lượng của chương trình đào tạo.

Bốn là, chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo. Trên cơ sở mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo đã xác định, thời gian tới, Học viện tích cực nghiên cứu, vận dụng đa dạng, linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực, sát thực tiễn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của người học, gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết đi đôi với thực hành. Duy trì các hoạt động phương pháp, như: thông qua bài giảng, dự giảng, rút kinh nghiệm,... thành nền nếp, chất lượng; tăng cường công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, tập trung nâng cao phẩm chất đạo đức, kỹ năng sư phạm, trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy - học hiện đại trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng tự học, tự rèn của học viên theo hướng biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo; xây dựng lòng say mê học tập, nghiên cứu khoa học và rèn luyện. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, khoa, hệ quản lý học viên, đơn vị bảo đảm thực hiện tốt “3 đột phá, 3 không, 3 thực chất”1 và thực hiện đồng bộ các giải pháp đánh giá kết quả học tập của học viên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo được đánh giá một cách khách quan, thực chất, vững chắc.

Năm là, xây dựng Học viện thông minh, hiện đại gắn với chuyển đổi số. Đây là giải pháp quan trọng để xây dựng “Học viện thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” gắn với phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số trong Bộ Quốc phòng. Theo đó, Học viện xác định một số vấn đề cần thực hiện trong quá trình xây dựng Học viện thông minh, hiện đại, đó là: ứng dụng sư phạm thông minh, giảng dạy thông minh; xây dựng phát triển thư viện thông minh, trung tâm học liệu; xây dựng các phòng học thông minh; xây dựng tích hợp khuôn viên thông minh; xây dựng, phát triển cổng thông tin điện tử; xây dựng, phát triển các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin; đào tạo trực tuyến, từ xa trên mạng truyền số liệu quân sự; xây dựng Tạp chí Nghiên cứu chiến thuật, chiến dịch đạt tiêu chuẩn theo quy định của nghệ thuật khoa học quân sự Việt Nam. Để nâng cao trình độ công nghệ thông tin và ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, Học viện tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bảo đảm kết nối dữ liệu đến tất cả cơ quan, đơn vị bảo đảm bí mật, an toàn, vững chắc, tốc độ đường truyền nhanh, ổn định, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa phục vụ cho tiến trình hiện đại hóa Quân đội và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, TS. ĐỖ MINH XƯƠNG, Giám đốc Học viện
______________________

1 - Ba đột phá: “Chất lượng giảng dạy tốt nhất - Quản lý, rèn luyện học tập nghiêm nhất - Kết quả đào tạo, nghiên cứu khoa học cao nhất”; ba không: “Không tiêu cực trong thi cử, không bệnh thành tích trong giáo dục và không vi phạm đạo đức nhà giáo”; ba thực chất: “Dạy thực chất - Học thực chất - Kiểm tra đánh giá thực chất”.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...