Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 16/04/2018, 08:40 (GMT+7)
Quân đội tham gia lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Tham gia lao động sản xuất là một trong ba chức năng cơ bản của Quân đội ta. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ này cần tiếp tục đẩy mạnh, gắn kinh tế với quốc phòng, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Tham gia lao động sản xuất là truyền thống, một chức năng cơ bản của Quân đội ta. Kết quả của hoạt đông này đã tạo tiềm lực kinh tế, cung cấp hậu cần cho các chiến trường, góp phần tạo sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta giành thắng lợi trong kháng chiến chống xâm lược. Sau năm 1975, lực lượng lao động sản xuất của Quân đội lại có mặt trên khắp mọi miền Tổ quốc, nhất là trên các địa bàn chiến lược, xung yếu của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, hoạt động lao động sản xuất của Quân đội được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức ngày càng khoa học, đúng định hướng, toàn diện, đạt hiệu quả thiết thực, vững chắc, góp phần quan trọng vào ổn định, phát triển kinh tế vĩ mô, giải quyết những vấn đề khó khăn về kinh tế - xã hội của đất nước1. Một số doanh nghiệp Quân đội đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài2, nhằm thúc đẩy quan hệ đối ngoại, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Quân đội luôn là lực lượng đi tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội ở những nơi khó khăn, gian khổ; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng công trình, dự án, nhất là trên các địa bàn chiến lược, như: làm đường tuần tra biên giới, phủ sóng thông tin vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, xây dựng cầu - hầm lớn, khai thác khoáng sản, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, hậu cần nghề cá, v.v. Các Đoàn Kinh tế - quốc phòng chủ động phối hợp với các tổ chức trong hệ thống chính trị, từng bước đưa dân ra sinh sống, hình thành các cụm làng, xã biên giới, giúp họ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần,… từ đó củng cố “thế trận lòng dân”, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân vững chắc.

Cùng với đó, Quân đội còn tích cực đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới, công nghệ lưỡng dụng3, góp phần tiết kiệm ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh quốc gia, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiều doanh nghiệp Quân đội đi tiên phong trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng, như các ngành: cơ khí chế tạo, điện - điện tử, công nghệ thông tin - viễn thông, bay dịch vụ, dịch vụ cảng biển và logistics, đóng mới và sửa chữa tàu biển, viễn thám, đo đạc, bản đồ, tư vấn thiết kế, v.v. Đây cũng là cách để các doanh nghiệp Quân đội tiếp nhận, chuyển giao, đổi mới công nghệ, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao trình độ nghiệp vụ,... để áp dụng trong thực hiện các nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Nhờ đó, tránh lãng phí nguồn lực, giảm chi ngân sách nhà nước, đồng thời tăng cường tiềm lực kinh tế - quốc phòng cho đất nước.

Trong thời gian tới, cùng với việc tập trung nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện tốt nhiệm vụ lao động sản xuất với những giải pháp chủ yếu sau:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về chức năng, nhiệm vụ tham gia lao động sản xuất của Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Đây là vấn đề rất quan trọng. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Quân đội trong thực hiện chức năng tham gia lao động sản xuất; chủ trương, đường lối kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế của Đảng, Nhà nước và Quân đội; các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện chức năng lao động sản xuất của Quân đội; ý nghĩa kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh đối với kết quả lao động, sản xuất mà Quân đội đã đạt được, v.v. Qua đó, để cán bộ, chiến sĩ toàn quân nhận thức rõ chức năng, nhiệm vụ của mình, không chỉ thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, mà còn phải lao động sản xuất, góp phần tăng cường nguồn lực quốc phòng, đóng góp cho ngân sách nhà nước, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội và phục vụ các hoạt động an sinh xã hội, chính sách hậu phương Quân đội. Toàn quân và nhân dân cần nhận thức sâu sắc rằng, Quân đội tham gia lao động sản xuất là sự tiếp nối truyền thống quý báu “Ngụ binh ư nông”, “Tịnh vi nông, động vi binh” của dân tộc trong thời kỳ mới. Các doanh nghiệp Quân đội chỉ sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực cần thiết, đúng chức năng, nhiệm vụ, đúng chủ trương lãnh đạo của Đảng và phải thực hiện đúng pháp luật, không có ngoại lệ; không lợi dụng danh nghĩa Quân đội để làm những việc vi phạm pháp luật. Quân đội không làm kinh tế đơn thuần mà phải gắn kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, thực sự trở thành những hình mẫu về lao động sản xuất, xứng đáng với danh hiệu “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh phản bác luận điểm sai trái về chức năng, nhiệm vụ lao động sản xuất của Quân đội, hòng hạ thấp uy tín, chia rẽ Quân đội với nhân dân, làm phai mờ bản chất cách mạng của Quân đội, cổ súy việc xây dựng Quân đội nhà nghề của các nước phương Tây.

Hai là, xác định quan điểm chỉ đạo đúng đắn, phương thức tiến hành phù hợp đối với việc Quân đội tham gia lao động sản xuất. Về quan điểm chỉ đạo, cần xác định rõ Quân đội phải đồng thời thực hiện tốt cả ba chức năng: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất. Trong đó, chức năng đội quân chiến đấu là quan trọng nhất. Vì vậy, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không được để việc lao động sản xuất ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực chiến đấu của Quân đội. Các đơn vị Quân đội, đặc biệt là các doanh nghiệp phải là lực lượng tiên phong thực hiện những nhiệm vụ khó khăn về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới, hải đảo mà các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân khác không thể và không muốn làm. Trong quá trình lao động sản xuất, các đơn vị Quân đội phải tuân thủ nghiêm pháp luật của Nhà nước, chú trọng hiệu quả (trừ những trường hợp phải đặt hiệu quả quốc phòng - an ninh, chính trị - xã hội lên trên hiệu quả kinh tế). Trong lao động sản xuất, phải coi trọng bảo vệ tài nguyên môi trường, thực hiện phát triển bền vững và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế. Thời bình là đơn vị lao động sản xuất, nhưng khi cần thiết, lực lượng này sẽ chuyển thành các đơn vị chiến đấu; nguồn lực lao động sản xuất lúc này sẽ tập trung hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, bảo đảm mọi yêu cầu về khoa học - kỹ thuật cho quân sự.

Về phương thức tiến hành, cần linh hoạt, phù hợp với từng lực lượng. Với những việc mang tính chất đặc thù của quốc phòng, yêu cầu về bảo đảm bí mật quân sự, nhất thiết phải duy trì lực lượng riêng của Quân đội để thực hiện. Đối với những việc sản xuất, kinh doanh thuần túy khác, Quân đội không làm mà đặt hàng, đấu thầu cho các doanh nghiệp bên ngoài thực hiện. Các hoạt động sản xuất liên quan tới khí tài, quân dụng cần giao cho các doanh nghiệp thuần túy quốc phòng; hoạt động sản xuất khác cần khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng lưỡng dụng. Kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp quân sự và dân sự để tận dụng và vận dụng thành tựu của nhau; qua đó, nâng cao chất lượng của cả công nghiệp quốc phòng và công nghiệp dân sự. Triệt để tận dụng năng lực chưa sử dụng hết của Quân đội trong thời bình để lao động sản xuất, làm kinh tế theo tinh thần cạnh tranh bình đẳng với các thành phần khác.

Ba là, kết hợp chặt chẽ và phát huy tốt vai trò của các loại hình lao động sản xuất chủ yếu trong Quân đội; đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả các doanh nghiệp Quân đội, đáp ứng yêu cầu mới của nền kinh tế. Trước hết, cần tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu Kinh tế - quốc phòng và Đoàn Kinh tế - quốc phòng theo quy hoạch tổng thể xây dựng và phát triển các Khu Kinh tế - quốc phòng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ưu tiên trên hướng biển, đảo. Tổ chức lại mô hình sản xuất tại các Khu Kinh tế - quốc phòng, đảm bảo cho nó thực sự trở thành những điểm sáng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh,… có vai trò quan trọng trong phòng thủ bảo vệ biên giới đất nước khi có tình huống. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 425-NQ/QUTW, ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương “Về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”. Tích cực thực hiện “Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020”4. Thông qua đó, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, giữ vững thương hiệu của doanh nghiệp Quân đội; đồng thời, khắc phục triệt để những hạn chế, thiếu sót, bảo đảm đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập và phát triển. Tận dụng thành tựu của quá trình toàn cầu hóa kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào quá trình cơ cấu lại các doanh nghiệp Quân đội. Nghiên cứu, tổ chức ra một số tổ hợp công nghiệp quốc phòng trên cơ sở gắn kết các cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ quốc phòng với cơ sở sản xuất, kết hợp công nghiệp, dịch vụ lưỡng dụng; trong đó, dành ưu tiên cho ứng dụng các thành tựu, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, kết quả nghiên cứu và chuyển giao (R&D) cho các sản phẩm quốc phòng trước, cho dân sự sau. Động viên, khuyến khích các đơn vị thường trực, đơn vị sự nghiệp công lập phát huy thế mạnh, tận dụng năng lực dôi dư, thời gian nhàn rỗi để tổ chức lao động sản xuất phù hợp, nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ và người lao động, tăng nguồn thu để tái đầu tư cơ sở thiết bị,… góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng cho Quân đội và đất nước.

Bốn là, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với việc Quân đội tham gia lao động sản xuất. Để tạo cơ sở pháp lý và thống nhất nhận thức, hành động, cần tiếp tục có các nghiên cứu, ban hành nghị quyết chuyên đề về kết hợp kinh tế với quốc phòng và các nghị quyết chuyên đề trong từng lĩnh vực cụ thể. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các chế độ, chính sách, cơ chế quản lý, kiểm tra, kiểm soát, bảo đảm công khai, minh bạch các hoạt động lao động sản xuất của Quân đội; đặc biệt là các chế độ đối với người trực tiếp tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện làm ảnh hưởng đến phẩm chất, truyền thống của Quân đội. Thực hiện tốt các nội dung trên, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo bước đột phá trong thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất” của Quân đội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng Quân đội và phát triển kinh tế của đất nước trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. TRẦN ĐÌNH THĂNG, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng
___________________

1 - Từ năm 1998 đến nay, các Đoàn Kinh tế - quốc phòng đã ổn định dân cư cho gần 145.000 hộ dân, tạo việc làm cho khoảng 70.000 hộ dân trên địa bàn các Khu Kinh tế - quốc phòng. Riêng năm 2017, tổng doanh thu của doanh nghiệp Quân đội đạt 361.600 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 42.600 tỷ đồng; tạo việc làm ổn định cho khoảng 179.500 người lao động, với thu nhập bình quân đạt 12,8 triệu đồng/người/tháng.

2 - Hiện nay, các doanh nghiệp Quân đội đang có 37 dự án đầu tư ra nước ngoài (gồm cả doanh nghiệp Quân đội đã cổ phần) với tổng số vốn đầu tư hơn 5,2 tỷ USD. Lũy kế tổng doanh thu đến năm 2017 của các dự án đầu tư ra nước ngoài đạt 5,8 tỷ USD. Lũy kế tổng lợi nhuận đến năm 2017 đạt 220 triệu USD (đã trích lập dự phòng lỗ chênh lệch tỷ giá). Lũy kế vốn đã thu hồi về Việt Nam đạt 543 triệu USD.

3 - Điển hình là: Viettel; nhà máy đóng tàu Ba Son, Hồng Hà, Sông Thu, v.v.

4 - Được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản 80/TTg-ĐMDN, ngày 04-10-2017. 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...