Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 16/06/2022, 09:11 (GMT+7)
Quan điểm “bốn không” của Đảng - thông điệp hòa bình

Nhằm thể hiện sự công khai, minh bạch chính sách quốc phòng, năm 2019 Việt Nam tiếp tục công bố Sách trắng Quốc phòng. Và sự kiện đó được dư luận quốc tế quan tâm, đánh giá cao. Cuốn sách có nhiều nội dung quan trọng, với tinh thần cơ bản là: xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện để bảo vệ vững chắc Tổ quốc; thực thi chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ. Đặc biệt, trong đó khẳng định rõ: Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.

Đây chính là quan điểm “Bốn không” của Đảng; là thông điệp hòa bình, thể hiện sâu sắc khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam gửi tới tất cả các quốc gia trên thế giới.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao khẳng định quan điểm “Bốn không” nêu trên là thông điệp hòa bình? Nói như thế liệu có mâu thuẫn không? Câu trả lời là đúng như vậy! Và không hề có sự mâu thuẫn. Bởi vì, thực chất quan điểm “Bốn không” đã thể hiện sự nhất quán nhằm triệt tiêu hoàn toàn mầm mống chiến tranh từ phía Việt Nam; không cho bất cứ ai có thể lợi dụng Việt Nam, lãnh thổ Việt Nam để xâm lược hoặc gây phương hại nước khác. Từ thực tiễn khắc nghiệt của đất nước, Việt Nam thấu hiểu hòa bình không phải là mỹ từ để ngợi ca, mà là mục tiêu cao cả của nhân loại chân chính. Không một ai trong số những người có lương tri trên trái đất này lại không yêu chuộng hòa bình, đấu tranh vì hòa bình. Cũng vì thế mà nhân dân Việt Nam và các dân tộc từng bị áp bức, nô dịch bởi chủ nghĩa thực dân, đế quốc đã kiên quyết đứng lên đấu tranh đến cùng, không khoan nhượng để giành độc lập, tự do, hòa bình cho dân tộc mình – thứ quý đến mức “không có gì quý hơn” theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để có được nó dân tộc Việt Nam đã phải trả giá bằng máu cùng sự đau thương, mất mát của nhiều thế hệ. Ngay trong cuộc sống hòa bình hôm nay, trên dải đất hình chữ “S” vẫn hằn sâu những vết thương chiến tranh, di chứng chiến tranh. Vẫn còn đó những Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam,… họ là những chứng nhân của lịch sử, hiện thân của chiến tranh đã vượt lên số phận, không những có ích cho đời mà còn cho cả xã hội. Họ thực sự trở thành những tâm hồn cao đẹp của dân tộc Việt Nam đã tỏa sáng, được kết tinh bởi khát vọng hòa bình. Không phải ngẫu nhiên, ngay trong cuộc chiến tranh chính nghĩa đó của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược phi nghĩa của tên đế quốc đầu sỏ, Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới Romesh Chandra đã khâm phục, ngợi ca: “Việt Nam là lương tri của thời đại”. Cũng không phải ngẫu nhiên mà Hà Nội – Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vốn bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ lại được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, bạn bè quốc tế vinh danh “Thủ đô của phẩm giá con người”. Thật đáng tự hào!

Việt Nam là thế. Một dân tộc biết chiến đấu, dám hy sinh bởi khát vọng hòa bình, vì hòa bình và quyết biến nó thành hiện thực. Hẳn nhiên, dân tộc đó hiểu rõ giá trị của hòa bình. Trước đây là thế và bây giờ vẫn vậy, trong khả năng của mình, Việt Nam đã và đang làm tất cả những gì có thể để gìn giữ hòa bình cho đất nước; đồng thời, đóng góp tích cực vào đảm bảo môi trường hòa bình trong khu vực và trên thế giới.

Quan điểm “Bốn không” trong “Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019” là thông điệp hòa bình và cũng là cam kết của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam gửi tới các quốc gia trên thế giới. Trước sau như một, Việt Nam muốn là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia trong quan hệ quốc tế, sẵn sàng mở rộng quan hệ hợp tác, kể cả hợp tác quốc phòng, trên cơ sở không phân biệt sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển. Việt Nam không chấp nhận quan hệ hợp tác dưới bất kỳ điều kiện áp đặt hoặc sức ép nào. Từ lịch sử đến hiện tại và tương lai, Việt Nam chưa từng và sẽ không bao giờ gây hấn hay xâm lược nước khác, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đó là tôn chỉ, là truyền thống văn hóa lâu đời đã trở thành cốt cách của dân tộc Việt Nam. Như vậy, với cam kết “Bốn không”, Việt Nam đã chủ động bày tỏ thẳng thắn thái độ của mình xuất phát từ khát vọng hòa bình, vì hòa bình của chính dân tộc mình cũng như hòa bình của nhân loại.

Hòa bình là không gian sinh tồn của con người theo đúng nghĩa đen của mỹ từ này. Thực tiễn chỉ ra rằng, để có được hòa bình là điều không dễ, nhưng giữ vững được hòa bình còn khó hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới hiện nay, khi mà các mối quan hệ đan xen lợi ích với những toan tính chiến lược rất khó nhận biết của các nước lớn. Vì lợi ích ích kỷ, họ bất chấp mọi luân thường đạo lý, sẵn sàng “đi đêm”, “mặc cả” sau lưng người khác, thì việc giữ vững hòa bình càng trở nên không đơn giản với mọi quốc gia. Việt Nam đủ tỉnh táo để nhận rõ điều đó và biết rằng, nếu chỉ với quan điểm “Bốn không” sẽ không thể bảo vệ được nền hòa bình của đất nước, mà phải nỗ lực thực hiện bằng nhiều phương thức kết hợp, trong đó không thể thiếu việc tăng cường sức mạnh quốc phòng. Đề cập về vấn đề này trong tâm trí những người có lương tri lại dấy lên nỗi đau khi mà chiến sự Nga - Ukraine đang diễn ra khốc liệt, với biết bao người dân vô tội ở đó đang đổ máu, phải tạm rời bỏ đất nước mình. Đã có nhiều ý kiến khác nhau về căn nguyên của cuộc chiến này, nhưng đâu là sự thật thì ngoại trừ người trong cuộc chỉ có “trời mới biết”. Tuy nhiên, có điều chắc chắn mà ai cũng biết là sẽ không có người chiến thắng, có chăng chỉ những kẻ “đục nước béo cò”.

Từ thực tiễn đó, soi chiếu vào chính sách quốc phòng của Việt Nam mới thấy hết sự đúng đắn, sáng suốt, cũng như vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của quan điểm “Bốn không” mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang thực hiện đối với sự tồn vong của đất nước, của chế độ, sự an nguy của dân tộc. Điều đó cho thấy tư duy mới rất sáng tạo của Đảng ta về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; đồng thời, một lần nữa khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Quan điểm “Bốn không” cũng là cơ sở, điều kiện quan trọng để giữ vững môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Điều đó càng thể hiện rõ, quan điểm “Bốn không” trong chính sách quốc phòng của Việt Nam chính là thông điệp và khát vọng hòa bình mà dân tộc ta gửi tới các quốc gia trên thế giới.

Quan điểm “Bốn không” một mặt là thông điệp hòa bình, mặt khác còn là kế sách ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của dân tộc ta. Bởi thế, nó rất cần thiết và quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khó lường hiện nay. Dẫu vậy, chúng ta không tuyệt đối hóa quan điểm đó, hay coi đó là liệu pháp duy nhất chữa trị “căn bệnh nan y”; trái lại nó phải được kết hợp đồng bộ với nhiều phương thức hữu hiệu khác. Chỉ như vậy mới bảo vệ được vững chắc Tổ quốc, gìn giữ được hòa bình cho đất nước. Cho nên cần phải thường xuyên tăng cường sức mạnh quốc phòng trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của cả nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại. Đó là quan điểm bao trùm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam.

Như đã đề cập, khi thực hiện tăng cường sức mạnh quốc phòng, Việt Nam khẳng định rõ chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ. Việt Nam tăng cường sức mạnh quốc phòng chỉ với mục đích duy nhất là để tự vệ, bảo vệ Tổ quốc chứ không phải là chạy đua vũ trang như một số kẻ thù địch từng rêu rao, xuyên tạc. Nói cách khác, việc làm đó của Việt Nam không nhằm đe dọa, xâm lược bất cứ quốc gia nào mà chỉ nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; đồng thời, sẵn sàng đánh thắng chiến tranh xâm lược dưới mọi quy mô, hình thức của các thế lực thù địch nếu chúng liều lĩnh tiến hành. Bởi chúng ta biết sức mạnh quốc phòng là yếu tố cốt lõi để bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hòa bình cho đất nước. Nếu chúng ta thiếu sức mạnh quốc phòng, không đủ khả năng tự vệ, thì nguy cơ xảy ra chiến tranh đối với nước ta sẽ lớn; ngược lại, nếu có tiềm lực, sức mạnh quốc phòng, khả năng tự vệ cao thì hẳn nhiên nguy cơ bị xâm lược sẽ thấp. Nếu kẻ nào có dã tâm xâm lược đối với nước ta thì chúng cũng phải dè chừng. Cho nên, đối với Việt Nam, nói tăng cường sức mạnh quốc phòng trước hết nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh là vì thế.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình mọi mặt cả quốc tế và trong nước, Đảng ta nhận định trong những năm tới ít có khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn đối với nước ta. Nhận định đó rất quan trọng và đáng mừng. Nhưng “ít” không có nghĩa là không còn khả năng đó, hay nói cách khác bị loại trừ hoàn toàn. Cho nên, dù khả năng đó là rất nhỏ thì chúng ta cũng không được phép mất cảnh giác, mà phải thường xuyên chăm lo tăng cường quốc phòng, an ninh. Đó là giải pháp không thể thiếu để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống, gìn giữ cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Dân tộc Việt Nam có truyền thống nhân văn cao đẹp, khát khao hòa bình không chỉ cho đất nước mình mà còn cho tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Cùng với việc khẳng định rõ quan điểm “Bốn không” – thông điệp hòa bình, Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam đã và đang nỗ lực góp phần gìn giữ hòa bình với tư cách là “thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế”. Dưới lá cờ Liên hợp quốc, những cán bộ, chiến sĩ quân y, công binh,… của Việt Nam không quản ngại hy sinh, gian khổ đang ngày đêm thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan và Abyei. Tinh thần đoàn kết đấu tranh cho hòa bình, vì hòa bình đang tỏa sáng ở Châu Phi và nhiều nơi trên thế giới sẽ đưa các quốc gia xích lại gần nhau hơn trên con đường hướng tới tương lai tốt đẹp.

QUANG CHUYÊN - MẠNH HÀ

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...