Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:49 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Trong các kỳ đại hội Đảng, việc xác định phương hướng xây dựng Quân đội là một nội dung quan trọng, luôn được quan tâm. Đại hội XIII của Đảng cũng vậy, nhưng có điểm rất mới là vấn đề trên không chỉ được định hướng thực hiện trong nhiệm kỳ đến năm 2025 (5 năm), mà còn xác định rõ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 (10 năm) - xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đây là điều rất mừng và đặc biệt có ý nghĩa khi mục tiêu đó trở thành hiện thực đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cần khẳng định, xây dựng Quân đội hiện đại là vấn đề lớn, hệ trọng và là khát vọng cháy bỏng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Quân đội ta, kể từ khi ra đời (năm 1944) đã trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, đến nay mới có điều kiện xác định phấn đấu xây dựng hiện đại, thử hỏi không mừng sao được. Câu hỏi đặt ra là, Đảng ta dựa vào cơ sở nào để có tư duy mang tính đột phá đó?
Chúng ta biết, xây dựng Quân đội hiện đại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là cần phải có thời gian đủ dài, nguồn lực đủ lớn mới có thể thực hiện được. Nếu không đáp ứng được điều kiện khách quan đó thì việc thực hiện không thể thành công. Cũng vì thế, xét về yếu tố thời gian, suốt từ Đại hội VII đến nay, tức là hơn 30 năm, qua 7 kỳ đại hội, Đảng ta đã định hướng xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đặc biệt, đến Đại hội XII, Đảng ta nhấn mạnh: “Ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng”1 và Đại hội XIII tiếp tục khẳng định: “Một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại”2. Như vậy, chúng ta thấy lộ trình xây dựng Quân đội hiện đại vào năm 2030 được Đảng ta hoạch định rõ mục tiêu cho từng giai đoạn với thời gian đủ dài, qua nhiều lần xây dựng từng bước hiện đại. Cùng với yếu tố thời gian thì nguồn lực đầu tư cũng được coi trọng đúng mức; trong đó, tập trung ưu tiên cho một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Điều đó càng cho thấy, để tiến tới xây dựng Quân đội hiện đại, Đảng ta đã không nóng vội, trái lại có kế hoạch chuẩn bị chu đáo, khoa học, đáp ứng đầy đủ điều kiện cần thiết mới bước vào thực hiện. Từ đó khẳng định việc xác định mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại vào năm 2030 là hoàn toàn có cơ sở, tính khả thi cao. Đồng thời, Đảng ta nhấn mạnh, kết quả thực hiện xây dựng Quân đội trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, tức là đến hết năm 2025 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề vững chắc để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo đó, cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Chúng ta đều biết, Quân đội ta là Quân đội cách mạng; là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, được Đảng và Bác Hồ sáng lập, chăm lo giáo dục, rèn luyện, trở thành Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng. Nhưng, không vì thế mà Đảng ta chủ quan, xem nhẹ việc xây dựng, trau dồi bản chất cách mạng, bản chất giai cấp công nhân cho Quân đội. Đặc biệt trong tình hình phức tạp hiện nay, khi mà các thế lực thù địch đang chĩa mũi nhọn vào Quân đội để chống phá, xuyên tạc bản chất, chức năng, truyền thống của Quân đội, hòng làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng và bản chất cách mạng, tiến tới vô hiệu hóa Quân đội nhân dân thì việc thường xuyên chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng, nhằm đảm bảo cho Quân đội nhân dân thực sự và mãi mãi là Quân đội cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
Cần coi trọng xây dựng, tạo chuyển biến mới về nền nếp chính quy đối với Quân đội. Bởi chính quy và kỷ luật là sức mạnh của Quân đội, nếu thiếu nó Quân đội không những giảm sức mạnh chiến đấu, không hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ, mà còn không tạo được sự thống nhất về ý chí và hành động, do đó bản chất cách mạng, của dân, do dân và vì dân cũng bị phai nhạt. Xây dựng nền nếp chính quy phải toàn diện, trước hết cần tập trung thực hiện tốt nền nếp chính quy chế độ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, diễn tập,… đảm bảo cho Quân đội luôn chủ động trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, cần rèn luyện tác phong công tác, lễ tiết, ứng xử, phát ngôn,… cho cán bộ, chiến sĩ để không ngừng bồi đắp hình ảnh tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Xây dựng Quân đội tinh nhuệ, thiện chiến là yêu cầu khách quan. Đặc biệt, trong điều kiện tác chiến mới ứng phó với các loại hình chiến tranh toàn diện, trang bị phương tiện, vũ khí hiện đại, cũng như sự tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc xây dựng Quân đội tinh nhuệ càng trở nên quan trọng, cấp thiết. Trên thực tế, Quân đội ta là đội quân tinh nhuệ, yêu cầu đặt ra phải ngày càng tinh nhuệ hơn. Muốn thế, phải coi trọng xây dựng Quân đội tinh nhuệ về mọi mặt, trước hết và quan trọng là tinh nhuệ về chính trị và trình độ tác chiến. Bởi đó là hai yếu tố cốt lõi nhất bảo đảm cho Quân đội thực sự tinh nhuệ, thiện chiến; để “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” như Bác Hồ đã dạy.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Quân đội từng bước hiện đại, tạo cơ sở nền tảng vững chắc để tiến tới xây dựng Quân đội hiện đại. Đó là quan điểm nhất quán của Đảng tại Đại hội XIII, vì thế chúng ta cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Xét về toàn cục, phương hướng xây dựng Quân đội trong nhiệm kỳ này vẫn là “từng bước hiện đại”, trong đó có một số lực lượng quan trọng tiếp tục được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại. Thời gian tới cần nghiên cứu, lựa chọn thêm một số lực lượng để đầu tư theo hướng này, nhằm tạo tiền đề vững chắc cho việc thực hiện mục tiêu hiện đại hóa Quân đội vào năm 2030 theo định hướng của Đảng.
Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là một thể hoàn chỉnh, thống nhất; trong đó, các nội dung có mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau. Trong quá trình thực hiện phải tiến hành đồng thời, không được xem nhẹ bất cứ nội dung nào và phải căn cứ vào tình hình, khả năng, tính cấp thiết của mỗi nội dung để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.
Để tạo tiền đề cho thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội hiện đại vào năm 2030, cần tập trung điều chỉnh, tổ chức lực lượng theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, phù hợp với tổ chức quân sự thời bình. Hiện nay nước ta đang trong trạng thái thời bình, cho nên tổ chức quân sự nói chung, tổ chức lực lượng vũ trang và quân đội nói riêng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm tình hình đó. Đây là yêu cầu khách quan và nếu không đáp ứng được sẽ tác động trực tiếp đến sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đây không phải lần đầu Quân đội ta thực hiện điều chỉnh tổ chức lực lượng mà trước đó cũng đã tiến hành và đạt kết quả tốt. Tuy nhiên hiện nay, về tổ chức lực lượng đang tồn tại những bất cập nên cần được tiếp tục điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Theo đó, điều chỉnh tổ chức lực lượng Quân đội phải đảm bảo “tinh, gọn, mạnh”, cân đối giữa khối cơ quan, đơn vị. Chủ trương chung là giảm cả về đầu mối tổ chức và quân số, nhưng không phải giảm theo cơ học mà có sự nghiên cứu, cân nhắc hợp lý, khoa học đó là giảm hoặc rút gọn những đầu mối tổ chức không còn phù hợp và sáp nhập những đầu mối cơ quan có cùng chức năng. Đồng thời, thành lập mới những tổ chức, bộ phận, lực lượng chuyên trách, chuyên sâu theo yêu cầu nhiệm vụ mới của Quân đội. Điều chỉnh tổ chức, lực lượng là nhiệm vụ trọng tâm của Quân đội trong nhiệm kỳ, cho nên cần được triển khai quyết liệt, hiệu quả. Việc điều chỉnh tổ chức, lực lượng Quân đội phải đạt được yêu cầu “tinh, gọn, mạnh”, với chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của toàn quân không ngừng được nâng cao. Quá trình thực hiện phải theo đúng đề án, lộ trình, kế hoạch đã xây dựng, phải kết hợp tốt giữa công tác tư tưởng với công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác chính sách và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan trong và ngoài Quân đội, nhằm đảm bảo sự ổn định về tư tưởng, tâm lý của đội ngũ cán bộ các cấp. Điều đặc biệt quan trọng là, việc thực hiện điều chỉnh tổ chức, lực lượng thường trực phải gắn liền với nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ. Chỉ có như vậy mới đảm bảo tăng cường được sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Xây dựng Quân đội nhân dân hiện đại là vấn đề lớn của đất nước, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đặc biệt, Quân đội với tư cách là lực lượng được trực tiếp đầu tư hiện đại hóa, cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc quan điểm của Đảng. Để đến năm 2030 xây dựng Quân đội hiện đại, chúng ta đã qua quá trình khá dài đầu tư xây dựng từng bước hiện đại, về thực chất của nhiệm vụ này là sự tiếp tục đầu tư để chuyển hóa từ từng bước hiện đại lên hiện đại. Cụ thể là với các quân chủng, binh chủng, lực lượng đã được đầu tư tiến thẳng lên hiện đại thì cần được nghiên cứu đầu tư để hiện đại hơn; với các lực lượng còn lại chưa được đầu tư theo hướng này thì cần được ưu tiên để đảm bảo bình diện chung của Quân đội là hiện đại. Về nguồn đầu tư, cần kết hợp cả nguồn nội lực và ngoại lực, trong đó nội lực là quyết định và tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác, hội nhập quốc tế, nhất là với các đối tác truyền thống cũng rất quan trọng. Cần thấy, xây dựng Quân đội hiện đại có nhiều việc phải làm, nhiều nội dung cần được đầu tư, trong đó không thể thiếu việc nâng cao xây dựng, phát triển nền công nghiệp quốc phòng hiện đại, trình độ công nghệ cao. Trong thời gian tới, cần tiếp tục đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng hiện đại, với các tổ hợp công nghệ cao, bảo đảm tự sản xuất được vũ khí, trang bị, phương tiện kỹ thuật hiện đại, tương đối hiện đại để trang bị cho lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nói riêng, hạn chế tới mức thấp nhất việc mua sắm từ bên ngoài, ngoại trừ những phương tiện, vũ khí hiện đại đặc chủng mà nền công nghiệp quốc phòng của đất nước chưa đủ khả năng trình độ công nghệ sản xuất.
Với quá trình chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cùng với sự nỗ lực cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta tin tưởng rằng sẽ đạt được mục tiêu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG ___________________
1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2016, tr.149.
2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 158.
Quân đội nhân dân Việt Nam,phương hướng xây dựng,đến năm 2025,mục tiêu đến năm 2030
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học 14/11/2024
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 04/11/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết) 28/10/2024
Quân đoàn 3 trước yêu cầu xây dựng tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại 17/10/2024
Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác hậu cần theo Nghị quyết số 1658-NQ/QUTW 07/10/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/09/2024
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới (Tiếp theo và hết)
Quân khu 4 lãnh đạo xây dựng khu vực phòng thủ theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)
Học viện Quốc phòng quán triệt, vận dụng Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) vào công tác huấn luyện - đào tạo, nghiên cứu khoa học